Yếu tố làm phức tạp hồ sơ biến đổi khí hậu

09:20 18/09/2021

Thực trạng “lời qua tiếng lại” giữa Mỹ và Trung Quốc đã nêu bật sự chia rẽ giữa 2 quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, làm phức tạp thêm cơ hội đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về các mục tiêu giảm khí thải carbon tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - một hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ được tổ chức tại Glasgow (Scotland) - vào tháng 11 tới.

Hồi tuần trước, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã đến Trung Quốc để tìm cách thúc đẩy nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới này đóng góp nhiều hơn nữa cho những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, cái ông nhận lại là những yêu cầu của Trung Quốc đề nghị Washington thay đổi lập trường đối với Bắc Kinh về một loạt vấn đề, từ nhân quyền cho đến Đài Loan (Trung Quốc).

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với ông John Kerry: “Phía Mỹ muốn việc hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu trở thành một “ốc đảo” của mối quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, nếu “ốc đảo” đó bị bao quanh bởi sa mạc, sớm muộn gì nó cũng sẽ bị sa mạc hóa”. Ông Vương Nghị nhắc lại rằng Trung Quốc và Mỹ từng có lịch sử đối thoại và hợp tác song phương hiệu quả về các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, trong đó có cả vấn đề biến đổi khí hậu, mang lại “lợi ích hữu hình” cho cả hai, và những thành tựu trong quá khứ đó là minh chứng cho những triển vọng đạt được giải pháp “cùng thắng” dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những điểm chung, đồng thời gác lại những khác biệt.

Theo ông Vương Nghị, bóng đang ở phần sân của Mỹ vì mối quan hệ song phương xấu đi đột ngột trong những năm gần đây hoàn toàn là do “một tính toán chiến lược sai lầm lớn” của chính quyền ông Donald Trump khi coi Trung Quốc là một mối đe dọa và là một đối thủ, từ đó tìm cách kiềm chế và đàn áp Trung Quốc. Ông thúc giục chính quyền ông Biden thực hiện “các bước cụ thể để cải thiện mối quan hệ”.

Nhiệt độ của Trái đất trên đà tăng 1,5 độ C vào năm 2030, tức là sớm hơn một thập kỷ so với dự báo cách đây chỉ ba năm.

Đặc phái viên John Kerry đã phản hồi một cách tích cực khi nói rằng phía Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để “tăng cường đối thoại, cùng nâng cao tham vọng, thể hiện vai trò lãnh đạo” và làm gương trong việc đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris, và điều này “cũng sẽ tạo cơ hội giải quyết những khó khăn mà mối quan hệ Mỹ-Trung đang gặp phải”. Phát biểu trước các phóng viên trong một hội nghị trực tuyến vào cuối chuyến thăm Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho biết sứ mệnh của ông chỉ “gói gọn” trong vấn đề khí hậu, nhưng ông sẽ truyền tải những quan ngại của Trung Quốc đến Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken.

Ông John Kerry  cũng đã thảo luận về vấn đề khí hậu với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa tại TP Thiên Tân, cách Bắc Kinh khoảng 100km về phía Đông Nam. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ tập trung vào 3 cuộc họp trực tuyến của ông với Ngoại trưởng Vương Nghị và 2 quan chức cấp cao khác là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Hàn Chính - người đứng đầu một ủy ban có nhiệm vụ lên kế hoạch để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí carbon của Trung Quốc.

Mục đích của truyền thông Trung Quốc là muốn nhấn mạnh sự phản đối của Trung Quốc đối với cách Mỹ tiếp cận mối quan hệ tổng thể Trung-Mỹ. Ông John Kerry nói: “Phía Trung Quốc khá gay gắt khi nói về vấn đề này. Họ muốn Mỹ lắng nghe ý kiến của mình và dường như Trung Quốc rất quan tâm đến điều đó”.

Ông John Kerry nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính rằng “thế giới sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu nếu không có sự tham gia cũng như những cam kết đầy đủ của Trung Quốc”. Trung Quốc là nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, ước tính tới 27% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, sau đó đến Mỹ. Trung Quốc thu được khoảng 60% điện năng từ than và đang mở thêm các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời cam kết giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời ông Hàn Chính nói với ông John Kerry rằng Trung Quốc đã có “những nỗ lực rất lớn” trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả đáng kể. Trung Quốc “hy vọng phía Mỹ sẽ tạo ra những hoàn cảnh thích hợp để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu dựa trên tinh thần của các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo hai nước”. Trung Quốc đã đặt mục tiêu cung cấp 20% tổng nhu cầu năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025, giảm tổng lượng khí thải bắt đầu từ năm 2030 và đưa mức khí thải về 0 vào năm 2060.

Đặc phái viên John Kerry đang thúc đẩy Trung Quốc và các quốc gia khác nỗ lực nhiều hơn để giữ cho nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C so với các mức thời kỳ tiền công nghiệp. Ông cho biết các quan chức Trung Quốc đã nêu quan ngại về các hành động của Mỹ mà họ cho là gây hại cho nỗ lực giảm phát thải tổng thể, đặc biệt là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các tấm pin mặt trời mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng Trung Quốc sản xuất thông qua việc cưỡng bức lao động đối với các dân tộc thiểu số. Ông nhấn mạnh: “Những vấn đề đó phụ thuộc vào Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken, nhưng tôi chắc chắn sẽ truyền tải đến họ toàn bộ thông điệp mà tôi nhận được từ 3 nhà lãnh đạo này của Trung Quốc”.

Về phía Trung Quốc, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết Trung Quốc và Mỹ chia sẻ nền tảng chung trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và cắt giảm lượng phát thải khí carbon, nhưng sự hợp tác này sẽ không thể tách rời khỏi những vấn đề thương mại rộng lớn hơn giữa hai nước. Thứ trưởng Vương Thụ Văn khẳng định củng cố hợp tác xanh và giảm khí thải carbon sẽ không chỉ giúp hai nước đạt được các mục tiêu giảm khí phát thải mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại nói chung.

Minh Hải (tổng hợp)

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文