Minh chứng sống động phản bác luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người
Ngày 11/10/2022, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77 ở New York (Mỹ), với đa số phiếu đồng ý, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam giữ vai trò này sau nhiệm kỳ 2014-2016 và điều này tiếp tục minh chứng cho sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Đây cũng là minh chứng rõ nét phản bác các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người mà các thế lực thù địch, phản động, các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá.
Từ khi thông tin Việt Nam là quốc gia duy nhất của ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, các thế lực thù địch, phản động, số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí trong và ngoài nước đã lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và phủ nhận những đóng góp của Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người đối với cộng đồng quốc tế. Họ còn đưa ra các “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi đến các thành viên của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đề nghị không bầu chọn Việt Nam vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.
Họ đưa ra những luận điệu vu cáo “Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, “Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc”, “Việt Nam xem giá trị dân chủ, nhân quyền như kẻ thù”; cổ xúy quan điểm “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”, “Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ thật sự”, “muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện đa nguyên, đa đảng”... Một số tổ chức ở ngoài nước sử dụng chiêu bài bôi lem vấn đề nhân quyền ở Việt Nam bằng cách bình chọn, trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước để tạo dựng ngọn cờ chống phá và hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế, luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động, những cá nhân, tổ chức chống phá đưa ra đều phản ánh sai lệch, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, những đóng góp của Việt Nam đối với việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong thời gian qua. Kết quả lần thứ 2 được bầu chọn vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc với số phiếu cao đã bác bỏ những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch phủ nhận, vu cáo về thực tiễn tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên Hợp quốc, là một trong ba trụ cột chính của Liên Hợp quốc (hòa bình - an ninh; phát triển và quyền con người). Theo quy định của Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng gồm 47 thành viên, phân bổ theo nguyên tắc cân bằng về khu vực địa lý; các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm và không được tham gia ứng viên hai nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó, với việc lần thứ 2 được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là sự khẳng định và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để làm rõ những minh chứng sống động phản bác các luận điệu cho rằng Việt Nam vi phạm quyền con người, chúng ta thấy rõ thành tựu nhân quyền trên các phương diện sau:
Thực chất vấn đề nhân quyền mà các thế lực thù địch, phản động đang không ngừng rêu rao, chống phá, đó chính là phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Từ đó, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Minh chứng sống động mà bạn bè quốc tế ghi nhận chính là thành quả mà chúng ta đã đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đất nước. Diện mạo đất nước trên tất cả các lĩnh vực đã phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, cuộc sống hòa bình, an ninh, an toàn. Quyền con người được Hiến pháp, pháp luật thừa nhận, điều này đã phản ánh rõ tính chất ưu việt của chế độ XHCN mà nhân dân ta đã lựa chọn.
Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, các nội dung liên quan đến quyền con người không chỉ được quy định trong Chương II mà còn được đưa vào các chương khác của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình. Các điều của Hiến pháp xác định rõ “mọi người có quyền”, “công dân có quyền”… để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Đồng thời, để bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật về quyền của con người cũng đã được bổ sung, hoàn thiện như việc ban hành các đạo luật như Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền con người, trong quan hệ hợp tác quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền và là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc, Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người và được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đó là tham gia 4 Công ước Geneva của Luật Nhân đạo quốc tế năm 1957; Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, ký ngày 24/9/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18/12/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19/3/1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20/2/1990; Công ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22/10/2007. Đồng thời, Việt Nam tham gia trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, ký ngày 23/10/2009, Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), ngày 7/4/2010...
Ngày 12/7/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VII đã ban hành Chỉ thị 12-CT/TW về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta đã khẳng định “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột” và “giải phóng con người (trong đó có việc đảm bảo các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và CNXH thì quyền con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội Đảng luôn nhấn mạnh phải quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết.
Liên Hợp quốc cũng đã xác nhận: Việt Nam đứng thứ hai trong khối châu Á - Thái Bình Dương và thứ 9 trên 135 nước về tỷ lệ phụ nữ làm việc trong Chính phủ. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Mới đây, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Kiểm định phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ngày 04/7/2019 tại Geneva (Thụy Sỹ) khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là những minh chứng sinh động bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 90 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ của đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới… Những thành tựu đó là kết tinh của trí tuệ, sức lực và bản lĩnh con người Việt Nam.
Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, là thành viên tích cực, được Liên Hợp quốc và các nước ghi nhận, đánh giá cao. Tại khóa họp lần thứ 73 ở trụ sở Liên Hợp quốc ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần tuyệt đối (192/193 phiếu). Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4 năm 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp, nhất là vấn đề bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam.
Thành tựu đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là những thành tựu của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm quyền sống là quyền cao nhất trong đại dịch COVID-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm quyền của con người trước những biến cố, đại dịch mà người dân trên toàn thế giới phải đương đầu. Đó là những con số sống động, khách quan, được khẳng định từ thực tiễn và chính người dân Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị bảo đảm quyền con người trong gian lao, thử thách của đại dịch.
Tin tưởng rằng, với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu (2014-2016), trong nhiệm kỳ 2023-2025 sắp tới, với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết; đối thoại và hợp tác; tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về bảo đảm quyền con người, có nhiều đóng góp tích cực để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ, thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư…