30 năm Hiệp định Oslo: Cần một tiến trình mới

12:13 26/09/2023

Ngày 13/9/1993, các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã gặp nhau ở Washington để ký vào một "Tuyên bố nguyên tắc", còn gọi là Hiệp định Oslo, với niềm tin rằng đó sẽ là tiền đề cho hòa bình khu vực. 3 thập kỷ sau, tiến trình hòa bình mà nó hứa hẹn vẫn chưa diễn ra.

Hiệp định của hy vọng

Hiệp định Oslo đầu tiên, được gọi là Oslo I, ký ngày 13/9/1993. Đó là thỏa thuận giữa giới lãnh đạo Israel và Palestine, để lần đầu tiên mỗi bên công nhận nhau. Đồng thời, cả hai bên cũng cam kết chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ. Hiệp định thứ hai, được gọi là Oslo II, ký tháng 9/1995, đi sâu vào chi tiết về một tiến trình hòa bình lẽ ra đã phải hình thành và được cụ thể hóa sâu sắc.

Hiệp định Oslo được cho là mang lại quyền tự quyết cho người Palestine, dưới hình thức một nhà nước Palestine. Điều này có nghĩa là Israel sẽ chấp nhận các yêu sách của người Palestine về chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, chủ quyền này sẽ chỉ giới hạn ở một phần lãnh thổ của Palestine lịch sử, phần còn lại thuộc chủ quyền của Israel.

Hiệp định quy định rõ các bước, theo đó quân đội Israel sẽ rút quân từng giai đoạn khỏi các vùng lãnh thổ của người Palestine mà họ đã chiếm đóng bất hợp pháp kể từ năm 1967, chuyển giao quyền lực cho chính quyền Palestine. Tuy nhiên, Hiệp định Oslo đã không bàn các vấn đề về quy chế cuối cùng của toàn bộ lãnh thổ Palestine, bao gồm cả nửa phía Đông Jerusalem và các khu định cư bất hợp pháp của Israel đã được xây dựng. Vấn đề này sẽ được đàm phán sau.

30 năm Hiệp định Oslo: Cần một tiến trình mới -0
Tiến trình hòa bình Israel - Palestine vẫn bế tắc 30 năm sau Hiệp định Oslo.

Hiệp định dẫn đến việc thành lập Chính quyền Palestine (PA) và tạm thời phân chia lãnh thổ ở Bờ Tây thành các Khu vực A, B và C, biểu thị mức độ kiểm soát của PA ở mỗi khu vực. Hiệp định quy định rõ: Một hiệp ước cuối cùng sẽ đạt được sau 5 năm. Nhưng, điều đó đã không xảy ra.

Tại sao thất bại?

Theo thời gian, các nhà phân tích đã chỉ ra những lý do chính khiến Hiệp định Oslo thất bại. Đầu tiên và quan trọng nhất, ngay từ lúc ký kết, Oslo đã mang lại đặc quyền cho Israel. Việc chấp nhận tình trạng chiếm đóng của quân đội Israel mở đường cho nhiều bất ổn và bạo lực hơn. Ngay từ đầu, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã buộc phải công nhận Israel là một quốc gia chính thức chiếm 78% diện tích Palestine lịch sử. Tuy nhiên, Israel từ chối công nhận nhà nước Palestine trên 22% diện tích đất còn lại, mà chỉ thừa nhận PLO là đại diện duy nhất của người dân Palestine. Israel cũng chỉ chấp nhận "tầm nhìn" của Oslo về "giải pháp hai nhà nước", chứ chưa hề thừa nhận một nhà nước thực tế nào có thể có. Từ đó đến nay, Israel luôn "né" bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào về những vấn đề quan trọng được gọi là "tình trạng vĩnh viễn".

Thứ hai, quá trình thực hiện hiệp định thất bại, vì các vấn đề từ vai trò trung gian. Chính quyền Mỹ là người bảo trợ quan trọng nhất của Israel trong nhiều thập kỷ, và vẫn như vậy cho đến nay. Điều này dẫn đến việc chính quyền Israel thoải mái hành động, tiếp tục mở rộng các khu định cư bất hợp pháp ngay sau khi ký vào hiệp định. Đến năm 2003, số người định cư đã tăng gấp đôi và đến năm 2023, con số này đã tăng hơn 4 lần. Hiện nay, hơn 700.000 người Israel sống trong 279 khu định cư trên khắp Bờ Tây và Đông Jerusalem. Điều này "đòi hỏi" sự hiện diện quân sự lớn hơn của Israel tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng, dẫn đến kích động những nguy cơ bạo lực lớn hơn. Sự kết nối giữa các khu định cư này cũng chia nhỏ các vùng đất mà PA có thể quản lý, làm giảm khả năng tiếp cận việc làm, y tế, giáo dục của người dân Palestine. Sự tồn tại 2 hệ thống quản lý khác nhau, với sự chênh lệch sức mạnh, tạo ra bất bình đẳng ngày càng lớn giữa người Israel và người Palestine trên cùng một vùng đất.

Trong nội bộ Israel cũng có những người "cánh hữu" không muốn bất kỳ thỏa thuận nào với PLO ngay từ đầu. Họ coi PLO là "tổ chức khủng bố" do những hoạt động trong quá khứ, đồng thời không muốn từ bỏ những vùng đất đã phải "đấu tranh" để có được. Các phần tử cực hữu phản đối Hiệp định Oslo đến mức đã ám sát Thủ tướng Yitzhak Rabin vào tháng 11/1995. Trong khi đó, các nhóm vũ trang Palestine, như Hamas hay Hồi giáo Jihad (PIJ), cảnh báo rằng giải pháp hai nhà nước sẽ từ bỏ quyền của người tị nạn Palestine được quay trở lại vùng đất lịch sử của họ đã bị chiếm giữ vào năm 1948 (khi Israel được thành lập). Điều này khiến cho PA không tập hợp được lực lượng ủng hộ rộng rãi để duy trì sức mạnh của mình.

Kết thúc sau 30 năm

Sau cái chết của cố Thủ tướng Yitzhak Rabin, giới cầm quyền ở Israel có xu hướng cứng rắn hơn, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của cố Thủ tướng Ariel Sharon và Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu. Israel từ chối rút quân, trong khi tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào vùng đất hoàn toàn thuộc quyền quản lý của PA, với lý do bảo đảm an ninh cho người dân của mình.

Mới nhất, ngày 17/9/2023, hàng trăm người Do Thái với sự bảo vệ của lực lượng vũ trang Israel đã tấn công những người Hồi giáo đang thờ phụng tại nhà thờ Al-Aqsa trong ngày cuối cùng của lễ Rosh Hashanah.

Nhiều người Palestine tin rằng Israel đã sử dụng Hiệp định Oslo để biện minh cho việc mở rộng các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây. Dror Etkes, một nhà vận động hòa bình của Israel, ước tính từ năm 2020 đến nay, dân số Israel ở Bờ Tây đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có. Theo phong trào cánh tả Peace Now của Israel, chỉ trong năm 2023, chính quyền Israel đã lập kỷ lục khi phê duyệt 12.855 đơn vị nhà ở dành cho người định cư.

30 năm trôi qua, khả năng trở thành lực lượng lãnh đạo nhà nước Palestine trong tương lai của PA cũng ngày càng suy giảm. PA vừa thất bại trong việc thực hiện thỏa thuận hòa bình, vừa đánh mất sự ủng hộ của người dân. Trong những năm gần đây, PA đã để cho Hamas đánh bại trong những cuộc bầu cử ở Bờ Tây và đánh mất quyền kiểm soát của mình với nhiều vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, PA vẫn là đại diện duy nhất được thừa nhận của người Palestine. Ngay cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng cho rằng Israel cần PA do Oslo thành lập.

Trong phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng hôm 13/7/2023, ông Netanyahu cho biết Israel "quan tâm đến việc PA tiếp tục hoạt động" và "sẵn sàng hỗ trợ PA về mặt kinh tế". Ông Netanyahu đề cập đến hiệu quả bảo vệ người Israel của PA tại các Khu vực A ở Bờ Tây, nơi PA chịu trách nhiệm an ninh. Ông Netanyahu cũng cho biết, Israel đang "chuẩn bị cho ngày hậu Abu Mazen" (Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người đang bị đồn đoán nhiều về vấn đề sức khỏe). Với tư cách là nhà bảo trợ cho Hiệp định Oslo, Mỹ vẫn thực hiện "nhiệm vụ" theo một phương hướng "nhất quán".

Tháng 12/2017, chính quyền Washington đơn phương tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và những nhà bảo trợ khác trong tiến trình hòa bình Trung Đông thường xuyên bị Mỹ ngăn cản. Các nhà lãnh đạo khối Arab, thông qua việc ký kết Hiệp ước Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel liên tiếp trong 3 năm qua, dường như cũng chấp nhận thực tại khó thay đổi, để có thể tranh thủ nhiều lợi ích hơn cho mình.

Tình hình hiện tại khiến nhiều người, ở cả Israel và Palestine, đều tin rằng "giải pháp hai nhà nước đã chết". Trong 2 năm qua, bạo lực đã bùng phát trở lại dữ dội ở khu vực, với sự lấn tới ngày càng tăng của các lực lượng vũ trang Israel. Hành động của Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố ngừng hợp tác với chính quyền Israel hôm 3/7/2023 gần như là dấu chấm hết cho Thỏa thuận hòa bình Oslo được ký kết từ 30 năm trước.

Dẫu vậy, giấc mơ hòa bình chưa phải đã hoàn toàn dập tắt. Marwan Bishara, giáo sư Đại học Paris, chuyên gia hàng đầu về Trung Đông nêu quan điểm trên tờ Al JAzeera: "Đã đến lúc phải có một khởi đầu mới sau 30 năm thất bại và một thế kỷ xung đột. Hầu hết người Palestine và Israel đều trưởng thành sau Oslo. Thoát khỏi những ảo tưởng, họ cần phải vạch ra một con đường mới".

Tử Uyên

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tạo điều kiện cho người nước ngoài sử dụng nhiều tiện ích số tại Việt Nam như: Xác thực thông tin trong giao dịch ngân hàng, đăng ký thuê nhà, sử dụng dịch vụ công cộng, lưu trữ thẻ cư trú điện tử và các loại giấy tờ hợp pháp trên ứng dụng VNeID.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 3/7 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới buôn lậu dầu mỏ có liên hệ với Iran và một tổ chức tài chính do lực lượng Hezbollah kiểm soát, động thái nhằm gia tăng áp lực kinh tế lên Tehran và ngăn chặn nguồn tài trợ cho các hoạt động bị Washington xem là gây bất ổn tại Trung Đông.

Một tháng sau nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung tuyên bố sẽ thực hiện một chính sách tài khóa “táo bạo và chủ động” nhằm khôi phục lòng tin của người dân và đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời khẳng định vai trò không thể thay thế của chính phủ lúc này trong việc điều phối, kích thích và định hướng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đi đúng hướng trở lại.

Dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn của Tổng thống Donald Trump đã chính thức vượt qua rào cản cuối cùng tại Quốc hội Mỹ vào ngày 3/7, khi Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua với tỷ lệ phiếu sít sao 218–214. Đây được xem là một thắng lợi quan trọng cho Tổng thống Trump, giúp ông tiến gần hơn đến việc thực hiện các cam kết trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024.

Sau khi thực hiện hành vi giết người, đối tượng chủ mưu trong vụ án tổ chức phi tang xác nạn nhân ở khu vực đồi núi hiểm trở, ít người qua lại thuộc địa bàn huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang (cũ) nay là tỉnh Tuyên Quang, rồi xoá hết các thông tin về nạn nhân… 

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (3/7), khu vực Bắc Bộ, cao nguyên Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa nhiều nơi trên 40mm như: Khang Ninh (Thái Nguyên) 70.4mm, An Lạc (Phú Thọ) 46.8mm, Hồng Thái (Tuyên Quang) 44.0mm, Dào San (Lai Châu) 43.8mm…

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/7 xác nhận Thiếu tướng Mikhail Gudkov, Phó Tư lệnh Hải quân Nga, đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới vùng Kursk, gần Ukraine. Đây là một trong những tổn thất cấp cao nhất của quân đội Nga kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra vào năm 2022.

Tại buổi họp báo công bố các luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc vụ Quốc hội khóa XV thông qua được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức vào sáng 3/7, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã giải thích rõ các điều khoản chuyển tiếp khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.  

Liên đoàn Bóng đá Bồ Đào Nha (FPF) ngày 3/7 (giờ địa phương) xác nhận, tiền đạo Diogo Jota – ngôi sao đang khoác áo câu lạc bộ Liverpool, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng xảy ra gần thành phố Zamora, Tây Bắc Tây Ban Nha. Cùng thiệt mạng trong vụ tai nạn còn có em trai của tiền đạo này – André Silva.

Ngày 3/7, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong  6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 333 nghìn lượt phương tiện (chiếm 13,8%) không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.