Bản dạng lai: Từ siêu nhân đến Nabokov
Ở một đất nước xa xôi nọ với nền văn minh siêu việt, nhưng rồi một vụ nổ lớn xảy ra khiến tất cả những cư dân của nó bị tuyệt diệt, chỉ có hai nhà khoa học nọ kịp gửi đứa con sơ sinh của mình tới một vùng đất khác, những mong nó được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn. Đứa trẻ lớn lên ở vùng đất xa lạ và được một đôi vợ chồng tốt bụng nhận nuôi.
Khi trưởng thành, anh trở thành một phóng viên. Nhưng vẫn còn một điều gì đó thuộc về quá khứ chưa hoàn toàn biến mất ở anh, một bản ngã thứ hai mà anh dần phát hiện, bản ngã ấy đem cho anh những năng lực diệu kỳ, đưa anh trở thành một anh hùng huyền thoại. Khi nghe câu chuyện thành công của đứa trẻ nhập cư ấy, bạn nghĩ tới ai?
Vâng, chẳng ai xa lạ, chính là chàng Superman, hay Siêu Nhân, một trong những nhân vật hư cấu nổi tiếng nhất toàn cầu, gắn liền với tuổi thơ của bao đứa trẻ. Siêu Nhân là một đứa trẻ nhập cư, một người ngoại lai, một người ngoài hành tinh không thực sự thuộc về đâu cả. Hành tinh quê hương Krypton của anh trên bờ vực tan tành vì bị mặt trời của nó nuốt chửng, và anh đã tới Trái Đất để làm lại tất cả. Trong anh luôn có hai con người: một là Clark Kent chàng phóng viên bình thường, có phần yếu đuối, rụt rè, luôn giấu mình sau cặp mắt kính dày, đại diện hoàn hảo cho một thanh niên tầng lớp trung lưu, và hai là Kal-El siêu việt, liều lĩnh, quyến rũ, bất khả chiến bại. Anh có hai cái tên, hai ngôn ngữ, hai hệ quy chiếu, hai nền văn hóa tồn tại song song. Anh có một bản ngã đôi.
Câu chuyện của Superman xứng đáng được nhắc lại trong bối cảnh những cuộc tranh luận về bản sắc của một cá nhân đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Người ta có thể dễ dàng trả lời những câu hỏi như: Quốc tịch của bạn là gì? Bạn sinh ra ở đâu? Ngôn ngữ chính của bạn là gì? Nhưng lại không dễ để trả lời câu hỏi, bạn thực sự là ai và bạn thuộc về cộng đồng nào?
Năm 2014, khi đội tuyển Đức vô địch World Cup, một trong những hào thủ của đội bóng này là Mesut Ozil lên phát biểu rằng: “Khi thắng thì tôi là một người Đức, còn khi thua thì tôi là một thằng Thổ nhập cư”. Ozil là con trai trong một gia đình người Thổ đã nhập cư tới Đức được 3 đời. Những gì anh nói như đã tiên tri cho sự nghiệp của anh sau đó. Năm 2018, khi World Cup lại diễn ra, ngay trước thềm đấu, Ozil chụp ảnh chung chùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lúc bấy giờ, và sau đó không bao lâu thì tuyển Đức bị loại sớm trong ê chề. Người “gốc” Đức cho rằng đó là tại đội tuyển có những kẻ nhập cư như Ozil. Một người nhập cư thì làm sao mà trung thành với quốc gia cho được? Anh ta vốn dĩ không phải người Đức. Điều họ nói có lý hay không? Ozil là người Đức hay người Thổ? Phải chăng trở thành một người Đức chân chính là khi ta phải dứt tình với quê hương cũ?
Trong một thế giới khoảng 281 triệu người nhập cư trên toàn thế giới, theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về Nhập cư vào năm 2020, dường như nhìn đâu ta cũng thấy những câu chuyện về sự mập mờ danh tính. Ví dụ như mùa trao giải điện ảnh năm nay, có ít nhất hai cuộc tranh luận dấy lên. Đó là Quan Kế Huy, người không rõ có nên được gọi là nam diễn viên gốc Việt hay không khi anh sinh ở Chợ Lớn nhưng lại là người Hoa và đã mang quốc tịch Mỹ. Đó là Martin Macdough có nên được gọi là một đạo diễn Ireland hay một đạo diễn Anh – phim của ông thì đậm chất kịch phi lý của Ireland rồi đấy, cha mẹ ông cũng là người Ireland, nhưng ông lại sinh ra ở London, làm phim ở Anh và nhận kinh phí từ các nhà sản xuất Anh. Những biên giới vật lý đã dần được tháo dỡ, còn những biên giới của tâm trí thì vẫn vững như thép, cứng như đồng.
Trong số những yếu tố xác định danh tính, ngôn ngữ được coi là yếu tố tiên quyết, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều so với quốc tịch hay nơi sinh – những thứ được đóng dấu cứng trên giấy tờ. Một trong những nhà xã hội học hàng đầu là Stuart Hall cho rằng có một mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ, văn hóa và danh tính, vì văn hóa là “tất cả những gì tinh hoa nhất đã được nghĩ đến và nói ra”, là sự “chia sẻ những ý nghĩa”, mà ngôn ngữ là trung gian tạo nên ý nghĩa cho vạn vật, cho nên những người cùng dùng chung một ngôn ngữ sẽ cảm thấy có sự đồng dạng với nhau. Chẳng hạn, trong ngôn ngữ của một bộ lạc thổ dân Úc Kuuk Thaayorre, họ không có từ chỉ “trái” và “phải”, mà chỉ có “đông”, “tây”, “nam”, “bắc”. Ví dụ như họ có thể nói: “Có một con kiến trên cái chân Tây Nam của bạn kìa”. Thậm chí câu “xin chào” trong ngôn ngữ của tộc người này cũng là “Bạn đang đi về hướng nào thế”, và với cấu trúc ngôn ngữ như vậy, chẳng có gì lạ khi nét đặc trưng của người Kuuk Thaayorre là khả năng định hướng không gian vượt trội. Ta thậm chí có thể phân biệt một người Kuuk Thaayorre với những người khác thông qua lối suy nghĩ đó. Song, nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ thành thạo nhất để xác định danh tính một người thì có vẻ như vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng. Bởi luôn có những trường hợp một người có thể suy nghĩ bằng nhiều ngôn ngữ, nằm mơ bằng nhiều ngôn ngữ. Chẳng hạn như Vladimir Nabokov.
Đại văn hào này là một trường hợp vô cùng phức tạp. Ông từng chia sẻ rằng ông là một nhà văn Mỹ, sinh ra ở Nga, nhận sự giáo dục của nước Anh, nơi ông theo học về văn chương Pháp trước khi ông di cư tới Đức trong vòng 15 năm... Đầu ông nói tiếng Anh, trái tim ông nói tiếng Nga, và đôi tai ông nói tiếng Pháp. Và mặc dù cảm thấy mình rất hạnh phúc ở Mỹ với những độc giả có lối suy nghĩ gần gũi với ông, thậm chí ông đã quyết định coi nước Mỹ là nhà, nhưng rồi ông lại trở về châu Âu và dành những năm cuối đời tại Thuỵ Sĩ. Trong cuốn hồi ký về đời mình, ông cũng dành nhiều tình cảm cho đoạn đời tuổi thơ ở nước Nga, đặc biệt là với thi ca Nga. Và với một người như thế, quê nhà đích thực của ông là ở đâu?
Vấn đề là, “bản sắc”, “bản dạng” thường bị coi như những thứ cố định, không suy suyển, trời sinh ra ở đâu thì nó đã là ở đấy. Nhưng không phải như vậy. Giống như nước, bản sắc và bản dạng liên tục thay hình đổi dạng, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”; hay như triết gia, nhà phê bình Mikhail Bakhtin gọi là “bản ngã bất khả hoàn thiện” (unfinalizable self), theo đó bản dạng của con người có tính đối thoại và không bao giờ ngừng thay đổi, mỗi cá nhân thông qua tương tác liên tục với những cá nhân khác trong thế giới đa âm (polyphony) như một lễ hội carnaval rộn ràng mà đi đến nhận thức.
Điều này không đồng nghĩa với việc bản dạng của con người là sự hỗn loạn vô tận, không thể xác định còn những ranh giới phân chia các cộng đồng người thuần túy là tưởng tượng. Georg Simmel là một trong những nhà xã hội học đầu tiên nhìn ra tầm quan trọng của các ranh giới trong việc khám phá về điều kiện tạo nên con người. Bản thân việc đặt ra ranh giới không có gì là xấu cả, bởi chỉ bằng cách nhận ra sự khác biệt của ta và người khác thì ta mới nhận ra những điểm chung với họ. Hay nói cách khác, không cần phải giả vờ như không có những rào ngăn và những khác biệt.
Một lần nữa, ta hãy quay lại câu chuyện về Superman. Trong hàng thập niên Superman đã luôn cố gắng che giấu danh tính lai của mình, che giấu rằng Clark Kent và Superman chỉ là một. Anh làm thế là để bảo vệ những người anh yêu trước kẻ thù, và tất nhiên là vì mọi siêu anh hùng đều thích tỏ ra hành tung bí ẩn, như vậy mới hấp dẫn người xem. Nhưng có lẽ một lý do nữa để Superman che giấu điều đó là bởi vì một giai đoạn lịch sử dài, người ta luôn ái ngại với những gì ngoại lai. Những người nhập cư phải cố gắng hòa tan vào xã hội, để cho thấy không có gì khác biệt giữa họ và những người “thuần”, “gốc”. Họ phải vờ như mình không đến nỗi khác biệt tới thế. Ngay cả với Superman, ừ thì anh là anh hùng mà mọi người đều ngưỡng mộ, nhưng có chắc rằng những người thân sẽ muốn Clark Kent của họ là một người ngoài hành tinh?
Điều đó đã thay đổi vào năm 2019, khi cuối cùng các tác giả cũng đã cho Superman tiết lộ thân phận của mình. Anh tổ chức một buổi họp báo, công bố với cái thế giới anh chính là Clark Kent. Anh đã phát ốm với việc phải giữ những bí mật, và anh quyết định một lần nói hết. Có lẽ đã đến lúc người ta không cần thiết phải đưa ra sự lựa chọn rằng tôi thuộc về cộng đồng này hay cộng đồng kia, mà họ có thể cùng một lúc thuộc về cả hai cộng đồng ấy. Không có gì mâu thuẫn ở đó cả.
“Ngôi nhà duy nhất của tôi là thế giới”, Nabokov nói. Một điều tương tự có lẽ cũng có thể được nói ra bởi Superman, hay bất cứ người nhập cư nào trên thế giới này.