Để chống lãng phí

12:11 12/11/2024

LTS: Chống lãng phí đang được xem là một trong các quốc sách mới với tầm nhìn rộng và sâu hơn rất nhiều khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ về nhiều lãng phí không nhìn thấy được như lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực v.v và vv. Để chống lãng phí, rất cần nhìn nhận đúng lãng phí đang diễn ra như thế nào, ở đâu và bằng cách nào.

Giải ngân và lãng phí

Vào năm 2013, hai nhà kinh tế học Neale Mahoney và Jeffrey B. Liebman từ đại học Harvard đã phát hiện ra một sự thật thú vị liên quan đến lãng phí ngân sách: rất nhiều cơ quan nhà nước ở Hoa Kỳ đã chi vào tuần cuối cùng của năm nhiều gấp 4,9 lần trung bình các tuần còn lại trong năm, và hiệu quả thì thấp hơn từ 2,2 đến 5,6 lần.

Họ đã sử dụng dữ liệu chi tiêu mua sắm được công khai của chính phủ Hoa Kỳ, và rút ra kết luận rằng thực tế các khoản chi không có gì là sai, vì diễn ra đúng quy trình, minh bạch. Nhưng đấy vẫn là một sự lãng phí có thể đo đếm được, dù chẳng thể bắt bẻ được gì.

Lý do rất đơn giản: giống như các chu kỳ chi tiêu khu vực công trên toàn thế giới, hầu hết các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ phải sử dụng toàn bộ ngân sách được phân bổ của họ trước khi kết thúc năm tài chính, nếu không sẽ phải trả lại phần ngân sách chưa sử dụng cho kho bạc.

Nếu Quốc hội coi việc hoàn lại ngân sách này cho kho bạc là dấu hiệu cho thấy cơ quan nào đó không có nhiều nhu cầu chi tiêu, các nhà lập pháp có thể cắt giảm ngân sách của cơ quan đó trong năm tài chính tiếp theo.

Ranh giới giữa tiêu hoặc mất này đã khiến rất nhiều cơ quan liên bang của Hoa Kỳ chi nhiều tiền trong tuần cuối của năm nhiều gấp 4,9 lần trung bình các tuần còn lại trong năm.

Sử dụng dữ liệu mới có sẵn theo dõi chất lượng của 130 tỷ USD đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin (CNTT) liên bang, hai kinh tế gia cũng phát hiện rằng điểm chất lượng cho các dự án vào cuối năm có khả năng thấp hơn từ 2,2 đến 5,6 lần so với giá trị trung vị của các dự án CNTT được cam kết trong phần còn lại của năm tài chính.

Bạn có lẽ thấy chuyện này khá quen thuộc, nếu từng làm việc trong cơ quan nhà nước. Ví dụ “ở trên” duyệt chi ngân sách một cục tiền cho mục đích cụ thể abc nào đó, trong năm tài khóa nhất định, thì tiền sẽ bị khóa cứng ở đó. Bạn không thể linh hoạt chi vào chỗ khác (vì thành chi sai mục đích), cũng không thể lờ đi mà không tiêu (trừ phi chiến dịch chống tham nhũng làm chùn bước các chữ ký), vì ngân sách phân bổ sau này sẽ bị ảnh hưởng.

Những người tiêu tiền kiểu này sẽ đi ở giữa một lằn ranh mong manh, nhưng không chệch vào đâu được: họ sẽ không bao giờ chi sai, nhưng cũng… chưa hẳn đã đúng. Cuối cùng thì khi không nghĩ ra thêm gì để tiêu, người ta hay chi vào những việc tào lao.

Trạng thái đúng này của hệ thống quan liêu thoạt nhìn tưởng rất chặt chẽ và lô-gích: chúng ta có từng ấy tiền, chỉ được tiêu vào đây thôi, và nếu không tiêu hết thì phải trả lại. Không thể tìm thấy chỗ nào bất hợp lý.

Nhưng hãy thử tưởng tượng một tình huống tương tự trong chi tiêu gia đình: bạn và vợ bạn định dùng một khoản tiền tiết kiệm để mua xe mới, nhưng đột ngột bạn bị mất việc, kinh tế rơi vào suy thoái. Chắc chắc khoản tiền mua xe kia sẽ phải được cân nhắc lại, chứ không phải một chiếc xe đã đi là không có phanh, kiểu tiền bị buộc phải tiêu.

Trong nhiều năm, từ “giải ngân” đi vào môi trường nhà nước đã biến thành một kế hoạch tiêu tiền không thể đảo ngược: ngân sách đã được duyệt chi, thời gian đã có rồi, thì tiêu luôn luôn đúng. Chúng ta không có người cân nhắc lại về các khoản chi, giống như các khoản chi trong một gia đình.

Mới đây, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) xin xây mới tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc hơn 88,5 tỷ đồng, dù liên tục thu hụt chỉ tiêu ngân sách. Lại quy về một cuộc họp gia đình: nếu lương của bạn bị cắt giảm liên tục trong một thời gian, thì bạn sẽ không xin đề xuất lấy tiền tiết kiệm để cải tạo ngôi nhà.

Thông điệp chống lãng phí mới đây trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư có một ý nổi bật: lãng phí không chỉ là chuyện làm phí phạm nguồn lực, tiền bạc hay tài nguyên, mà còn phải kể đến chi phí cơ hội, tiềm năng… những thứ lãng phí không nhìn thấy được.

Những điều này sẽ được cân nhắc đầy đủ trong một cuộc họp ngân sách gia đình. Ví dụ với khoản tiền để dành định mua xe nhưng bất ngờ người chồng bị sa thải, người vợ sẽ nói: “Thế này thì phải hoãn mua xe để dành sinh hoạt thời gian tới thôi anh ạ”, thay vì cứ để nó được “giải ngân”.

Tâm lý “giải ngân” này không biết có phải là đặc thù của mọi quốc gia đặt ra các quy định phải tiêu tiền hay không. Và để “phá băng” quán tính này, chúng ta cần những người suy nghĩ khoản tiền có trong tay như một thứ phải căn ke với đủ mọi bối cảnh xung quanh, hơn là chăm chăm nghĩ cách tiêu sao cho hết tiền và “đúng quy định”.

Phạm An

Lời hứa chung chung

Việc khó nhất trong chống lãng phí chính là phát hiện ra lãng phí. Nhưng có những sự lãng phí đã hiển hiện nửa thập kỷ vẫn chưa được xử lý.

Đó là câu chuyện của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. Hai khối công trình có tổng trị giá gần 10.000 tỷ đồng, suốt nhiều năm qua tồn tại trên những bãi cỏ hoang, đã trở thành một biểu tượng của sự lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản tại Việt Nam.

Suốt nửa thập niên qua, hai biểu tượng này được nhắc đến nhiều lần trong các phiên họp Quốc hội và các cuộc chỉ đạo về chống lãng phí ngân sách do lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì. Thời hạn chót (đã gia hạn hai lần) của việc đưa hai bệnh viện này vào hoạt động, là ngày 31/12/2024. Tức là chỉ còn hai tháng nữa để lời hứa trở thành hiện thực.

Nhưng đến phiên trả lời chất vấn gần nhất, diễn ra trong tháng 10, tức là hai tháng trước hạn chót, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn trả lời rằng “đã rà soát các vấn đề”; “đang trình chính phủ từng bước giải quyết”. Không có lời khẳng định rằng sẽ hoàn thành công việc đúng tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm không phải người đã triển khai dự án từ năm 2014, nhưng được giao nhiệm vụ đứng đầu Tổ công tác rà soát khó khăn và thúc đẩy thực hiện hai dự án này từ cách đây gần 2 năm. Đến thời điểm này, đáng lẽ cử tri Hà Nam và cả nước đã phải nhận được một câu trả lời rõ ràng. Đó là chắc chắn xong, hay không thể xong.

Vì những báo cáo, hay là lời hứa về việc “đã lập tổ công tác”; “đã/đang rà soát vấn đề”; “đang từng bước giải quyết” đã được nói suốt nhiều năm. Bạn có thể tìm thấy giải trình chung chung này trong không dưới 20 đầu báo rải rác suốt từ năm 2020 đến nay. Vấn đề nằm ở đâu? Bộ Y tế chỉ nói: “Do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án”, “do chưa có kinh nghiệm”. Cũng hàng chục lần, giải thích này được lặp lại trước công luận (như thể các báo đã sao chép của nhau). Chưa có một lần nào các vấn đề cụ thể được nêu; một văn bản thống kê các khó khăn hoặc vướng mắc cụ thể được công bố, để công dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình.

Lời hứa chung chung làm mất niềm tin sâu sắc hơn cả việc không giải thích. Nghịch lý là người dân có quyền giám sát, đại biểu quốc hội có quyền hỏi, báo chí có quyền đăng, nhưng tất cả các quyền đó thực hiện xong đều chỉ để thể hiện rằng... không có tác dụng gì. Trong một kịch bản khác, nếu Bộ trưởng Y tế có thể nói thẳng rằng dự án sẽ không thể xong trước hạn 31/12/2024, với các lý do a, b, c, d... sau đây; có lẽ cử tri sẽ còn cảm thấy được an ủi hơn là những lời hứa chung.

Chống lãng phí liên quan chặt chẽ đến năng lực giám sát của người dân. Cách tiếp cận này đã được hình thành từ nhiều năm trước, khi khối các doanh nghiệp nhà nước phải công khai báo cáo tài chính trước công luận (Nghị định 81/2015 của Chính phủ).

Nhưng việc này bị lờ đi; ở rất nhiều đơn vị nắm hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Năm 2018, chúng tôi đã từng khảo sát 27 tập đoàn, công ty có 100% vốn nhà nước. Kết quả: có đến 22/27 doanh nghiệp trong số này không tuân thủ nghị định 81. Mở rộng ra tìm kiếm cả các đơn vị có hơn 50% vốn nhà nước, với con số là 60 doanh nghiệp, cũng có đến một nửa không thể tìm thấy báo cáo tài chính đúng kỳ hạn trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nghị định 81 có thể là một trong những văn bản bị vi phạm nhiều nhất trong lịch sử hành pháp. Vì thường xuyên có đến một nửa đối tượng phải chấp hành không chịu chấp hành, mà đó lại là những người có tóc – các doanh nghiệp nhà nước.

Nếu bàn sang khu vực các đơn vị sự nghiệp, thì thậm chí cho đến nay vẫn chưa có quy định phải công khai báo cáo tài chính. Các đơn vị này chỉ làm báo cáo nộp về Bộ, và Bộ không công bố lại với người dân. Nó trở thành một khoảng bí mật mà trong đó các Bộ tự xử lý vấn đề nội bộ của mình. Rất khó phát hiện lãng phí, và ngay cả khi được phát hiện bởi các đoàn thanh tra hoặc giám sát quốc hội, bên chịu trách nhiệm cũng có thể đưa ra những giải thích chung chung, lời hứa chung chung.

Hoạt động tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh trong nhiều năm qua đã mang lại những tín hiệu vui. Những sáng kiến hợp thời như sử dụng văn bản điện tử, bỏ giấy in đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng in ấn và chuyển phát cho các bộ, ngành. Nhưng những tín hiệu vui này không đủ để khỏa lấp đi nỗi buồn mà các “biểu tượng lãng phí” như ví dụ về hai bệnh viện kể trên tạo ra. Và tựu trung lại, nỗi buồn đó mang tên năng lực giám sát. Làm sao vui được, khi chúng ta không biết rằng có bao nhiêu sự lãng phí đang thực sự tồn tại, không được nhìn vào những con số cụ thể, những bảng kế toán chi tiết, mà chỉ có thể tiếp cận vấn đề thông qua những tính từ như “đang tích cực”, “đang khẩn trương”, “đang gấp rút”.

31/12 này, chúng ta chờ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 khánh thành. Hay, chúng ta không nên chờ nữa?

Đức Hoàng

Hai loại lãng phí tai hại

Chuyên đề về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo ra một sự hào hứng xã hội thực sự khi chủ đề “Chống lãng phí” đã được mở ra sâu, rộng hơn so với những gì chúng ta vốn dĩ nhìn nhận về chống lãng phí suốt nhiều thập niên qua. Chủ đề của Tổng Bí thư Tô Lâm đã gỡ bỏ lối tư duy cũ, vốn chỉ gắn chống lãng phí với thực hành tiết kiệm, thông qua những khơi gợi xoay quanh những hiện tượng và bản chất của lãng phí đang tồn đọng hiện nay như lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực… Cùng với việc xem nạn lãng phí còn gây hại hơn cả vấn nạn tham nhũng, thực sự chủ đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội hiện nay.

Dự án đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, một trong những dự án có tỉ lệ giải ngân thấp.

Nói về lãng phí, chúng ta có thể nhận thấy có rất nhiều hiện trạng đã và vẫn diễn ra như thể nghiễm nhiên và đã đến lúc rất cần phải xóa bỏ chúng tận gốc. Và trong rất nhiều hiện trạng lãng phí hiện nay, có hai loại lãng phí mà chúng ta nên đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như định hướng tương lai cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Đó chính là lãng phí nguồn nhân lực và lãng phí niềm tin mà trong đó, khái niệm lãng phí niềm tin nên được xem là một điểm quan trọng trong giai đoạn tình hình thế giới đang nhiều biến động hôm nay.

Thứ nhất, về lãng phí nguồn nhân lực, chúng ta cần phải nhận diện lại lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay đang ở trạng thái nào. Chúng ta có lợi thế rất lớn khi đang ở giai đoạn “dân số vàng” với một nguồn nhân lực dồi dào và là một thị trường đủ lớn để hấp dẫn bất kỳ nhà đầu tư nào. Nhưng độ tuổi dân số vàng này sẽ không kéo dài quá lâu, đúng như chu kỳ của tự nhiên, và việc chậm khai thác “vàng” từ dân số chính là một lãng phí vô cùng tai hại.

Lao động Việt Nam hiện ở lứa tuổi sung mãn nhất, với lực lượng đông đảo và có chi phí ở mức hấp dẫn. Tuy nhiên, cái thiếu của lực lượng lao động giàu tiềm năng này lại chính là khả năng thực hành ở trình độ cao. Nói thẳng, lao động phổ thông ở Việt Nam rất đông trong khi lao động trình độ cao lại hạn chế. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển sản xuất công nghệ cao lại là mục tiêu lớn mà Chính phủ đang đặt ra. Để đáp ứng được mục tiêu này, không có cách nào khác ngoài việc đầu tư đào tạo lao động để nâng cấp trình độ thực hành.

Việc đào tạo chắc chắn sẽ phải gắn liền với đầu tư và để thực hành chống lãng phí, đầu tư khôn ngoan và hiệu quả là phương thức khoa học nhất. Đầu tư cho đào tạo lao động không chỉ là những đầu tư bằng tài lực mà còn cần cả trí lực của những cá nhân nắm trọng trách trong bộ máy. Ví dụ, nếu một địa phương muốn xây dựng khu công nghệ cao nhằm sản xuất chip và các sản phẩm công nghệ tiên tiến chẳng hạn, việc họ cần làm không chỉ là câu chuyện lấy đất ở đâu, dùng nguồn vốn nào mà cơ bản nhất, phải có một hoạch định về chính sách lao động tại chỗ. Và để có thể lập ra các sách lược nâng tầm chất lượng lao động ở một địa phương, một lĩnh vực nào đó, rất cần những bộ óc có thể tạo ra các đề án nhằm giúp xây dựng chính sách hiệu quả nhất.

Như vậy, bước đầu tiên sẽ là việc không được để lãng phí những tài năng có năng lực hoạch định, cố vấn chính sách. Những tài năng như thế có cơ hội được đặt vào các vị trí phù hợp trong bộ máy hay không? Đây chính là câu hỏi vô cùng lớn cần giải đáp bằng hành động. Có thể nói, bộ máy hiện nay đang để lỡ nhiều nhân tài, khiến cho họ trở thành người ngoài cuộc trong khi họ có đủ năng lực cũng như nhiệt huyết đóng góp cho đại cuộc của nước nhà.

Để được đặt vào một vị trí trong bộ máy, vấn đề tồn đọng hiện nay không chỉ là chuyện của thù lao mà lớn hơn thế là vấn đề của các tiêu chuẩn hồ sơ. Không có các tiêu chuẩn hồ sơ rất cơ bản, nhiều cá nhân không thể tham gia vào những vị trí quan trọng. Đây chính là rào cản cơ chế cần phải được gỡ bỏ bằng cách tư duy khác đi. Chỉ có cách ấy mới có thể tạo ra cơ hội cho nhân tài và chính việc tạo ra cơ hội cho nhân tài tham gia vào bộ máy, chúng ta mới có thể không bỏ lỡ các cơ hội lớn. Nói cách khác, muốn không lãng phí cơ hội, cần tạo ra cơ hội cho những con người đủ năng lực, nỗ lực và tâm huyết đối với sự nghiệp chung.

Khi rào cản kể trên không được gỡ bỏ, những người đủ tâm, tầm, tài không được ưu tiên so với những người kém hơn nhưng đạt các tiêu chuẩn hồ sơ, điều đó không chỉ dẫn tới việc lãng phí cơ hội chung mà còn dẫn tới một lãng phí khác nghiêm trọng hơn: lãng phí niềm tin.

Người dân tin vào Đảng, tin vào Chính phủ nhưng nếu còn tồn tại những cá nhân trong bộ máy vô tình hoặc cố ý tạo ra những bất công không đáng có, niềm tin đó dần dần sẽ bị bào mòn. Việc giao trọng trách cho những người thua kém các ứng viên khác về tâm, tầm, tài và chỉ hơn đúng 1 điểm là bộ hồ sơ đạt chuẩn chắc chắn sẽ khiến dân chúng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, tính công bằng và sự liêm chính của những người cầm cân nảy mực. Đặc biệt, nếu các nhân tố được chọn chỉ vì đạt chuẩn hồ sơ tốt hơn người khác lại biến chất khi đã nắm được vị trí trong bộ máy, niềm tin ấy càng bị xói mòn nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, khốc liệt hơn.

Khi niềm tin bị ảnh hưởng, chắc chắn uy tín của Đảng và Chính phủ cũng bị ảnh hưởng. Một Chính phủ mạnh là một Chính phủ có được niềm tin lớn từ nhân dân để từ đó, các quyết sách đưa ra đều được nhân dân ủng hộ hết mực. Niềm tin ấy chính là thứ tài sản lớn nhất. Chính nhờ vào niềm tin đó, Việt Nam mới có một chặng đường nhiều mốc son lớn như vậy kể từ năm 1945 tới nay. Để vơi đi một phần niềm tin của nhân dân, đó chính là một lãng phí khó có thể bù đắp lại được. Và nếu những cá nhân là đại diện cho bộ máy làm hao hụt đi niềm tin ấy, hậu quả của họ gây ra lớn hơn hậu quả của tham nhũng hay các lãng phí khác gấp trăm lần.

Có những thứ mất đi khó có thể lấy lại được, nếu có thể nói là không bao giờ có thể lấy lại được, mà hai trong số đó là thời gian và niềm tin. Lãng phí vật chất, ta có thể bù đắp lại bằng việc nỗ lực hơn, làm việc khôn ngoan hơn, tính toán cẩn trọng hơn trong tương lai. Còn lãng phí cơ hội khi không trao cơ hội cho nhân tài (lãng phí nhân lực), đồng nghĩa với việc để cơ hội ấy trôi đi theo thời gian, đó là một lãng phí không thể bồi hoàn. Lãng phí niềm tin cũng như vậy thôi, vì thời gian để gầy dựng lại niềm tin là không thể định lượng, nhất là niềm tin mà phải nhiều thế hệ nỗ lực mới có thể bồi đắp được như niềm tin mà nhân dân đã dành cho Đảng và Chính phủ suốt mấy chục năm qua.

Hà Quang Minh

Trong khi nhiều quan chức xác nhận Ukraine lần đầu tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất, thì Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bất ngờ đề cập một kịch bản không tươi sáng, vào thời điểm cuộc xung đột giữa hai nước đã chạm mốc 1.000 ngày, và phía Nga cảnh báo chiến sự sẽ còn kéo dài.

Theo thống kê của Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, trên địa bàn hiện có 286 người chấp hành xong án phạt tù đang sinh sống, làm việc và cư trú tại địa phương, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, như: sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, công nhân…

Khép lại Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024, đúng như dự báo, đội bóng chuyền nữ Hà Nội đã phải nhận vé xuống hạng. Chắc chắn, sẽ cần phải có lối đi mới hơn hiện nay để phát huy hết tài năng của lứa trẻ mà bóng chuyền nữ Thủ đô đang sở hữu.

Là một trong hai huyện vừa đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thanh Hoá nhưng huyện Yên Định đang bị người dân xã Yên Lạc cực lực phản đối việc quy hoạch bãi rác tại địa phương này. Người dân cho rằng, bãi rác quy hoạch ở vùng trũng, gần khu dân cư, nằm trên đất hai lúa… là không phù hợp…

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố danh sách nội các mới đã gây ra một làn sóng lo ngại mạnh mẽ tại châu Âu. Những cái tên gây tranh cãi trong danh sách này, đặc biệt là những người được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, đang khiến giới ngoại giao châu Âu phải nhìn nhận lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ không chỉ đánh dấu chiến thắng chính trị của cá nhân mà còn thể hiện một sự thay đổi lớn trong cách thức điều hành chính phủ. Một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của ông là sự ra đời của Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency - DOGE). Sáng kiến này được đánh giá là nỗ lực trực diện nhằm cải tổ một hệ thống bị chỉ trích là bảo thủ, cồng kềnh và kém hiệu quả.

Ngày 20/11/2024, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an TP Hà Nội về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, phong tỏa số tài sản trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Hai tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương là Thượng tá Bùi Thanh Trực, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Dương và Thượng tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Trong 11 năm công tác tại Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự Công an TP Phan Thiết, Bình Thuận, Thiếu tá Đoàn Hữu Long đã cùng đồng đội làm tốt công tác chuyên môn. Đặc biệt, từ năm 2021 cho đến nay, Thiếu tá Đoàn Hữu Long đã phát hiện và bàn giao gần 30 vụ liên quan đến ma túy cho lực lượng chức năng xử lý.

Dự báo thời tiết hôm nay mưa to đến rất to diễn ra ở nhiều tỉnh thành tại miền Trung, cục bộ có nơi trên 180mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/6h). Tại miền Bắc, khu vực vùng núi nền nhiệt nhiều nơi dưới 17 độ C, trời rét.

Thông tin Andrea Aybar (người mẫu An Tây), tên tiếng Việt là Nguyễn Thị An, sinh năm 1995, vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã gây rúng động làng giải trí những ngày vừa qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文