Donald Trump - sứ mệnh đổi thay từ quỹ đạo cũ
Một lần nữa trở thành “người được chọn” và trở lại Nhà Trắng trong tư cách Tổng thống đắc cử thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ứng cử viên đảng Cộng hòa, cũng là Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump đã sẵn sàng đưa nước Mỹ quay về với những quỹ đạo dang dở trước đây, sau khi ông thất cử năm 2020. Những con đường ấy chính là hướng đi mà ông luôn tin tưởng, để “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again), như khẩu hiệu tranh cử của ông.
Tâm trạng xã hội Mỹ, phía sau một thắng lợi dễ dàng
Thực ra, chiến thắng này không dễ dàng đến vậy. Tuy nhiên, cách các bang chiến địa ào ạt ngả về phía đảng Cộng hòa (cả trong cuộc bầu cử tổng thống lẫn Thượng viện) ở ngày cuối là một hiện tượng ít chuyên gia phân tích quốc tế nghĩ tới. Bởi lẽ, cho đến khi ngày 4/11 (giờ Mỹ) khép lại, hai ứng viên vẫn so kè nhau từng điểm. Thậm chí, sau khi có kết quả sơ bộ, người ta vẫn nói đến nguy cơ bạo loạn, như điều từng diễn ra hồi năm 2020.
Xét cho cùng, đó là những biểu hiện của một trạng thái chia rẽ sâu sắc nội tại xã hội Mỹ. Những giọt nước mắt của những người ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris lan truyền như sóng thần trên mạng xã hội sau khoảnh khắc ông Donald Trump chính thức được xem là tổng thống đắc cử (President elect) càng chứng minh rõ thêm, rằng có những bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ cảm thấy thất vọng với sự trở lại quyền lực này.
Tuy nhiên, dù sao, để đánh bại đối thủ trong cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ (tính đến ngày 5/11, cuộc bầu cử này đã xác lập mốc kỷ lục 15,9 tỷ USD tổng số tiền đóng góp, vượt qua con số 15,1 tỷ USD chi cho cuộc bầu cử năm 2020 và gấp gần 2,5 lần mức chi tiêu 6,5 tỷ USD của năm 2016), chắc chắn yếu tố may mắn chỉ đóng một vai trò rất hạn chế, nếu không muốn nói là không đáng kể. Cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump cùng đảng Cộng hòa đã phải chạm được đến những ẩn ức trong tâm trạng chung của xã hội Mỹ nhiều hơn so với đối thủ, đó là điều chắc chắn.
Quả thật, ở thời điểm hiện tại, tâm trạng xã hội ấy là tương đối u ám. Sau 4 năm kể từ khi ông Donald Trump rời nhiệm sở, mức thâm hụt ngân sách chóng mặt đã tạo nên khối nợ công khổng lồ hơn 34.000 tỷ USD. Trong khi đó, mọi chi phi sinh hoạt đều gia tăng, đặc biệt là với các tác động ghê gớm từ những biến động địa chính trị toàn cầu, cũng như thiên tai hay dịch bệnh - các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Lạm phát có lúc lên tới 8,6% và để ngăn chặn nó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt buộc phải áp dụng chính sách siết chặt kiểm soát tiền tệ - điều khiến mọi guồng quay sản xuất - kinh doanh đều bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nhưng, không chỉ vậy. Sự hiện diện ngày một đông đảo của những đoàn người nhập cư - được tạo điều kiện trở thành công dân Mỹ dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump - cũng tạo thêm các áp lực kinh tế - an sinh xã hội. Theo tờ The New York Times, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nắm quyền, đã có tới hơn 3,3 triệu người nhập cư được cấp quyền công dân Mỹ, với thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục được thu ngắn từ 11,5 tháng (đầu năm 2021) xuống chỉ còn 4,9 tháng (tính đến tháng 8/2024).
Giải pháp thường xuyên được chính quyền hiện tại lựa chọn nhằm nâng đỡ tâm trạng xã hội, là các gói hỗ trợ tài chính. Tuy vậy, thực tế lại đặt ra bài toán: Ngân sách ở đâu để bù vào những khoản chi khổng lồ đó? Câu trả lời cũng không quá phức tạp: Tăng thuế hoặc đề nghị Fed in thêm tiền.
Bối cảnh này, hiển nhiên, sẽ có những tác động mạnh mẽ tới lựa chọn sau cùng của khối cử tri trung lập, tại các swing-states (bang dao động, không thuộc khu vực ảnh hưởng truyền thống của bất cứ đảng nào). Tại Arizona, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump là 97%. Tại bang Georgia, tỷ lệ này lên tới 99%. Và, chúng ta cũng đừng quên, bang Florida, vốn thiên tả, lần này cũng bị đảng Cộng hòa “đánh chiếm”. Trong số các popular voters (cử tri thông thường) bầu cho ông Trump, không chỉ có tầng lớp da trắng trung lưu nữa, mà có cả phần đóng góp của thế hệ Gen Z, người da màu, người gốc Arab Hồi giáo... những hiện tượng nói lên rất nhiều khía cạnh của bản chất vấn đề.
Chờ đợi những hành động từ “con người của hành động”
Không khó để hình dung các quyết sách chính mà tân Tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng áp dụng cho nước Mỹ, bởi đó không chỉ là các luận điểm chính trong cương lĩnh tranh cử lần này, mà còn là bộ khung quan điểm - lập trường xuyên suốt, kể từ khi ông dấn thân vào sự nghiệp chính trị. Tính chất thực dụng, hoặc cũng có thể gọi là tính thực tế của những quan điểm ấy, được diễn giải bằng các kế hoạch cụ thể (trái ngược với những lời kêu gọi bóng bẩy nhưng chung chung và mơ hồ từ phía đối thủ) khiến không ít cử tri, dù không ưa ông, vẫn quyết định bầu cho ông. Tiêu biểu, chúng ta có thể kể ngay tới người đứng cùng liên danh JD Vance, hay thượng nghị sĩ đảng Dân chủ quyết định “đổi phe” Robert Jr Kennedy - những người tin rằng ông Donald Trump sẽ chọn cho nước Mỹ con đường đúng đắn.
Đầu tiên, gần như chắc chắn, để đảo ngược chính sách của chính quyền đương nhiệm, tân Tổng thống Mỹ sẽ lập tức thắt chặt kiểm soát tình trạng người nhập cư từ Trung Mỹ và Mỹ Latinh, thậm chí có thể tiến hành trục xuất một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, nhằm giảm gánh nặng xã hội. Không phải ngẫu nhiên, trong ngày 5/11, do lo ngại khả năng ông Trump chiến thắng, một đoàn 3.000 người nhập cư đã từ phía Nam Mexico hướng thẳng về nước Mỹ. Lúc này, họ chỉ còn quỹ thời gian chưa đầy 2 tháng để nuôi hy vọng mong manh được “đổi đời”.
Nhưng, quan trọng nhất, ông Trump sẽ động chạm đến các vấn đề liên quan tới thuế. Về chính sách kinh tế trong nước, ông từng nhiều lần cam kết cắt giảm thuế cho cá nhân và giảm bớt các quy định tài chính. Theo đó, chính quyền mới có thể xem xét gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017 đối với các cá nhân (sắp hết hạn vào năm 2025), đề xuất giảm thuế suất doanh nghiệp từ 21 xuống 15%. Ưu tiên chi tiêu có thể thay đổi, đáng chú ý nhất là từ an sinh xã hội sang an ninh biên giới. Ngoài ra, chính quyền mới có thể sẽ thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa mạnh hơn, nới lỏng kiểm soát tiền tệ, thu hút đầu tư, ưu tiên dịch chuyển các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu về trong nước - điều ông đang thực hiện dang dở trong nhiệm kỳ trước.
Chính sách kinh tế đối ngoại nhiều khả năng cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng cường bảo hộ trong nước, tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, với những công cụ thuế quan cứng rắn và rộng rãi hơn, bao gồm cả tăng thuế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao... Chính quyền mới của ông sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, nhưng có thể điều chỉnh nếu Bắc Kinh nhượng bộ và có thỏa thuận cụ thể, hướng tới các thỏa thuận mang lại lợi ích thiết thực cho nước Mỹ.
Cũng với cách tiếp cận thực dụng ấy, ông sẽ đưa nước Mỹ rời khỏi những cuộc chiến tranh, những điểm nóng xung đột, những kết cấu đa phương có nguy cơ tiếp tục làm suy kiệt nguồn lực vốn đã hao hụt khá nhiều. Đơn cử, với chính các đồng minh phương Tây, câu chuyện nâng cao mức độ đóng góp chung vào bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Đại Tây Dương sẽ được lật lại, với các đòi hỏi mới. Về cuộc chiến Ukraine, theo giới quan sát, ông Donald Trump có thể đảo ngược chính sách với Kiev, đặt điều kiện viện trợ, đưa Nga-Ukraine vào bàn đàm phán theo hướng Kiev phải từ bỏ một phần lãnh thổ và không gia nhập NATO. Chính sách của ông Trump đối với Nga có thể thay đổi nếu ông muốn bình thường hóa quan hệ với Moscow, dù hiện đang bị các đạo luật liên quan hạn chế và trói buộc.
Về chính sách năng lượng, ông Trump có thể sẽ ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống (do tính chất dễ sử dụng và chi phí thấp của chúng, những yếu tố có lợi cho thúc đẩy phát triển kinh tế). Ngoài ra, ông có thể sử dụng các khoản ưu đãi thuế trị giá khoảng 400 tỷ USD trong Đạo luật giảm lạm phát (IRA) cho các mục đích khác như mở rộng chương trình “Cắt giảm thuế và việc làm”, dự kiến hết hạn vào năm 2025. Đồng thời, ông có thể một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Xét cho cùng, cũng vẫn như ở nhiệm kỳ đầu, đó là một nhà lãnh đạo không giáo điều và thiên về hành động. Ông gần như không bị trói buộc bởi bất cứ hệ tư tưởng nào, ngoại trừ lợi ích cốt lõi dành cho quốc gia của mình. Do đó, những toan tính cũng như hành động của ông luôn rất khó lường. Hơn thế, sau 2 lần bị ám sát hụt và vùng dậy mạnh mẽ trên hành trình trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47, trong mắt đông đảo cử tri Mỹ ủng hộ, ông Donald Trump đang mang dáng dấp của một siêu anh hùng cứu thế Hollywood.