Không phải thiên đường nào cũng đẹp

18:45 27/11/2024

Những năm gần đây, Canada đã trở thành một trong những điểm nóng của hoạt động rửa tiền quốc tế, đặc biệt là với các nguồn tiền bất hợp pháp. Vấn đề đã nóng càng thêm bức bối khi hoạt động phi pháp này có mối liên hệ đáng chú ý với các quốc gia và khu vực đang chìm trong bất ổn như Trung Đông. Đây là một vấn đề bắt nguồn từ nhiều yếu tố, cả về thể chế và chính sách, đòi hỏi một cái nhìn toàn diện và rất có thể là một cuộc cải tổ mạnh mẽ, quyết liệt từ trên xuống dưới.

Những gam màu tối

Sự thông thoáng trong hệ thống tài chính của Canada, cùng cơ chế pháp lý thiếu chặt chẽ với các chính sách chống rửa tiền yếu kém, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tội phạm và cá nhân có nguồn tiền bất hợp pháp lợi dụng. Một trong những đặc điểm nổi bật của nạn rửa tiền tại Canada là sự liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động tội phạm trong nước và quốc tế. Những nhóm tội phạm này không chỉ tìm cách biến tiền bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp, mà còn thực hiện các hoạt động rửa tiền quy mô lớn thông qua các kênh tài chính hợp pháp, như ngân hàng, bất động sản và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Khu phố tài chính tại Canada.

Theo một nghiên cứu gần đây của Christian Leuprecht và Joe Adam George được The Globe and Mail đăng tải, Canada đã trở thành một “trung tâm tài chính” quan trọng cho các lực lượng như Hamas và Hezbollah, với các hoạt động tài trợ và rửa tiền ngày càng tinh vi. Những tổ chức này tận dụng các kẽ hở trong hệ thống pháp lý và tài chính của Canada, cũng như sự yếu kém trong việc thực thi các biện pháp chống rửa tiền để tiến hành các hoạt động tài trợ khủng bố.

Theo nghiên cứu, Hamas sử dụng các công ty chuyển tiền, mạng lưới hawala (hệ thống chuyển tiền phi chính thức) và các nền tảng tài chính trực tuyến để chuyển tiền cho hoạt động tại Dải Gaza. Năm 2021, cuộc kiểm toán quy mô của Cơ quan Thuế vụ Canada (CRA) đã kết luận Hiệp hội Hồi giáo Canada (MAC), một tổ chức từ thiện lớn, có liên quan đến một mạng lưới gây quỹ cho Hamas.

Một ví dụ điển hình khác là Hezbollah, tổ chức này không chỉ tham gia vào các hoạt động tài trợ khủng bố mà còn liên kết với các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm các tổ chức tội phạm có nguồn gốc từ Trung Quốc và Mexico, để tài trợ cho các hoạt động cực đoan và rửa tiền thông qua các giao dịch tài chính phức tạp.

Cuốn sách “Dirty Money: Financial Crime in Canada” (Tiền bẩn: Tội phạm tài chính tại Canada) ra mắt tháng 9/2023 đã phơi bày “thế giới ngầm tội phạm tài chính” quy mô lớn đang hoạt động ở Canada. Hai biên tập viên của cuốn sách, Jamie Ferrill và Christian Leuprecht, chỉ ra rằng “Canada là nơi được tội phạm nhắm đến khi chúng muốn rửa tiền và tránh bị trừng phạt”, đồng thời nhấn mạnh nhiều loại tội phạm đang hoạt động nhưng chưa bị trừng phạt. Tình trạng này đang làm xói mòn đời sống cộng đồng, phá hoại thể chế dân chủ và thậm chí cả sự thịnh vượng của đất nước.

Trong cuốn sách, các tác giả cho rằng dù Trung tâm Phân tích giao dịch và báo cáo tài chính Canada (FINTRAC) liên tục cung cấp thông tin và cảnh báo về các hoạt động tài chính khả nghi, rất ít thông tin trong số đó được các cơ quan thực thi pháp luật coi trọng. Nguyên nhân một phần được cho là bắt nguồn từ sự quá tải công việc và thiếu nguồn lực, khiến công tác điều tra và xử lý các hoạt động tội phạm tài chính trở nên kém hiệu quả.

Cái giá của “thiên đường”

Số tiền rửa qua Canada hằng năm ước tính vào khoảng 46-54 tỷ USD, một con số khổng lồ tương đương với GDP của bang Nova Scotia vào năm 2018. Nếu tình trạng này không được cải thiện, Canada có thể vô tình tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Rõ ràng, tác động đến uy tín quốc tế của Canada là điều không thể tránh khỏi khi quốc gia này không có động thái mạnh mẽ trong việc ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Hệ thống tài chính của Canada đang dần mất đi tính minh bạch, khiến các quốc gia khác có xu hướng hạn chế hợp tác trong các lĩnh vực tài chính và an ninh quốc tế. Nghiêm trọng hơn, việc không xử lý triệt để vấn đề này có thể khiến Canada bị gắn mác là “thiên đường trú ẩn” cho các tổ chức khủng bố và tội phạm tài chính quốc tế.

Việc bị đưa vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách xám) trong đợt đánh giá quốc gia của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) có thể khiến GDP của Canada sụt giảm đến 10%, theo cảnh báo từ các chuyên gia tài chính quốc tế. Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy lớn đối với các giao dịch thương mại quốc tế, sự ổn định của hệ thống tài chính và niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Canada. 

“Tiền bẩn” không chỉ làm trầm trọng thêm các vấn nạn như tội phạm băng đảng, bạo lực và buôn bán ma túy, mà còn tác động sâu rộng đến nền kinh tế. Các tội phạm tài chính này đẩy giá nhà lên cao, khiến người dân trở thành nạn nhân của các loại hình lừa đảo tài chính, tấn công mã hóa đòi tiền chuộc (ransomware) và thậm chí là nạn buôn người.

Không chỉ gây thiệt hại cho Canada, các tội phạm tài chính còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn trên phạm vi toàn cầu. Chúng có thể tài trợ cho các tổ chức khủng bố, giúp các quốc gia đối địch trốn tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế hoặc can thiệp vào các cuộc bầu cử và các thể chế dân chủ của Canada.

Dù không phải mới diễn ra, tình trạng các nhóm chiến binh tại Trung Đông sử dụng hệ thống tài chính của Canada để rửa tiền và tài trợ cho các hoạt động khủng bố và chiến tranh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc chiến chưa thấy hồi kết. Các tổ chức khủng bố và nhóm vũ trang tại Trung Đông thường xuyên lợi dụng các mạng lưới tài chính quốc tế để tài trợ cho các hoạt động. Một ví dụ điển hình là việc chuyển tiền từ các quốc gia, nơi các lệnh trừng phạt quốc tế làm tê liệt hệ thống tài chính truyền thống, đến những quốc gia có hệ thống tài chính mạnh mẽ và ít bị kiểm soát chặt chẽ hơn, như Canada. Những khoản tiền này không chỉ được sử dụng để mua vũ khí mà còn để tài trợ cho các chiến dịch tẩy chay, khủng bố và gây bất ổn tại các khu vực chiến sự.

Rửa tiền qua các giao dịch bất động sản là một trong những phương thức rất phổ biến. Các nhóm khủng bố và tội phạm quốc tế sử dụng các công ty bình phong và giao dịch bất động sản tại Canada để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện và tài trợ cho các hoạt động. Hệ quả không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mà còn gia tăng mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Rủi ro lớn từ nạn rửa tiền.

Nhiều báo cáo và nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nhóm khủng bố có thể lợi dụng các lỗ hổng trong hệ thống tài chính để gây ảnh hưởng đến các chính trị gia, thực hiện các cuộc tấn công mạng, hay đe dọa an ninh cộng đồng. Mối đe dọa này không chỉ giới hạn trong việc xâm nhập của các phần tử khủng bố vào Canada mà còn có thể làm suy yếu các tổ chức quốc tế và cản trở các sáng kiến hòa bình toàn cầu khi những người “cầm cân nảy mực” chịu sự chi phối từ các thế lực tội phạm.

Khơi thông lối thoát

Nhiều tổ chức tư vấn chính sách, giới nghiên cứu đang tích cực thảo luận để tìm lối thoát cho vấn nạn này. Rõ ràng, điều tối thiểu trước nhất để ngăn chặn tình trạng rửa tiền và tài trợ khủng bố đòi hỏi Canada cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và toàn diện hơn. Chính phủ cần cải thiện và tăng cường việc thực thi các quy định chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, bao gồm giám sát chặt chẽ các tổ chức từ thiện và các giao dịch tài chính quốc tế. Hệ thống pháp lý cần được cải cách để giảm thiểu các kẽ hở mà các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng. 

Dù đã có hệ thống pháp lý chống rửa tiền khá mạnh mẽ, nhưng hiệu quả thực thi lại không cao. Việc thiếu cam kết rõ ràng trong việc chống tội phạm tài chính đã dẫn đến các chính sách này không được thực thi nghiêm túc hoặc bị thay đổi ưu tiên và thiếu nguồn lực. Thêm vào đó, việc xử lý tài sản bẩn trong các vụ rửa tiền còn yếu khiến các nhóm tội phạm tài chính không ngừng lại và tiếp tục đe dọa an ninh kinh tế của Canada.

Một trong những vấn đề cấp bách nhất mà Canada phải đối mặt là sự thiếu hiệu quả trong việc thực thi các quy định chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Dù Đạo luật về tiền thu được từ rửa tiền và tài trợ khủng bố (PCMLTFA) đã được ban hành từ lâu, nhiều chuyên gia cho rằng các cải cách quan trọng trong luật này vẫn đang bị trì hoãn và không được ưu tiên trong các chính sách của chính phủ. Thêm vào đó, các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của Canada, bao gồm Cơ quan Tình báo an ninh Canada (CSIS) và Cơ quan Cảnh sát Liên bang Canada (RCMP), đang phải vật lộn với tình trạng nguồn lực hạn chế và quá tải công việc. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền.

Rửa tiền không phải là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ, mà là một vấn đề xuyên quốc gia. Vì thế, Chính phủ Canada cần làm việc với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Trung Đông, để xây dựng các khuôn khổ pháp lý toàn cầu mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp.
Xa hơn và cần nhiều nỗ lực hơn, Canada cần có chiến lược dài hạn để giảm thiểu tác động của chủ nghĩa cực đoan và bảo vệ các cộng đồng người Hồi giáo khỏi nguy cơ lợi dụng của các tổ chức khủng bố. 

Canada đang đối mặt với một thách thức lớn trong việc xử lý nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt khi mối liên hệ giữa các tổ chức khủng bố với các mạng lưới tài chính tại Canada ngày càng rõ ràng. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt, Canada có thể phải trả giá đắt về an ninh quốc gia và uy tín quốc tế, một bài toán đòi hỏi nỗ lực đồng bộ và không ngừng từ chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật và cả các tổ chức tài chính.

Dương Anh

Từ 15h ngày 26/12, giá xăng dầu đồng loạt giảm, giảm nhiều nhất là xăng RON95-III giảm 457 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này giá dầu madút tăng 67 đồng/kg.

Đang còn trong khoảng thời gian mà nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn háo hức được trải nghiệm cảm giác được đi lại trên các đoàn tàu ngược xuôi trên tuyến Metro số 1, nên số lượng khách đi tàu hàng ngày được Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 - đơn vị vận hành, khai thác tuyến đưa ra đã cho thấy những tín hiệu đáng kỳ vọng. Nhưng xung quanh chuyện làm sao để thu hút khách đi tàu vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm…

Ngày 26/12, kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội bị cáo Vũ Hoàng Oanh (Oanh “Hà”) và 34 đồng phạm trong vụ án “Mua bán; Vận chuyển; Tàng trữ  trái phép chất ma túy” với số lượng lớn, 626 kg ma túy.

Công an TP Vinh, Nghệ An vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Thế Sang (SN 1998) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai ra quyết định truy nã vì có liên quan đến vụ án Cố ý gây thương tích.

Cận Tết, tình trạng học sinh tàng trữ, sử dụng và tự chế tạo pháo nổ tại tỉnh Đắk Nông gia tăng, gây tổn thất với gia đình và để lại hậu quả nặng nề với xã hội. Nạn nhân mới đây là một nam sinh ở xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp, vì sử dụng pháo em đã mất cả bàn tay.

Ngày 26/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ phát triển bất động sản An Lạc Tân (Công ty An Lạc Tân; địa chỉ tại số 12 đường số 1, phường An Lạc, quận Bình Tân) do ông Quách Mộc Tân làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Ngày 26/12, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Anh (SN 1995, ngụ thành phố Vĩnh Long) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, đồng thời giám định khẩu súng cùng 15 viên đạn do đối tượng tàng trữ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文