Kỷ nguyên... nói thật

10:15 10/02/2025

Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói nhiều đến đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình. Theo đó, kỷ nguyên vươn mình là có hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, phát huy nội lực, trí tuệ của người Việt, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. 

Theo dõi những bài nói, những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi thấy có lẽ lâu lắm rồi mới có một vị lãnh đạo cấp cao nói thẳng về những điểm nghẽn của cơ chế, về tình trạng lãng phí, nói thẳng về sự thật của con số tăng trưởng và con số đầu tư FDI và thực trạng về nền công nghiệp của Việt Nam; nói thẳng về sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy hành chính...

Kỷ nguyên... nói thật -0
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp thứ ba), chiều 31/10/2024.

1. Mới đây, tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói đến mức thế này:  "Tuy nhiên, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" không".

Nhân đây, tôi muốn nói thêm: ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,... Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng.

Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm "lắp ráp - gia công", là bãi rác về công nghệ của thế giới, còn doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì hoặc học hỏi được rất ít. Việc phát triển công nghệ số còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là những vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ để Việt Nam có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số".

2. Vậy, những điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm "tiết lộ" như trên, hoặc như các vấn đề về thể chế, về lãng phí, về sự cần thiết phải "tái cơ cấu lại bộ máy điều hành, quản lý" thì có phải là quá mới hay không? Có phải là sự "phát hiện" hay không? Xin thưa rằng, những điều mà Tổng Bí thư nói ra, thiên hạ vốn biết cả, đặc biệt là ở lãnh đạo cao cấp... Nhưng, không ai dám nói ra hoặc nếu có nói thì cũng chỉ dùng những từ ngữ "mềm mại", "uyển chuyển", "trung dung" mang tính chất "nói cho có", rồi theo kiểu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", rồi sợ "nói thật mất lòng"... Vì thế, suốt một thời gian dài, chúng ta không dám thừa nhận những kém cỏi trong công tác quản lý, điều hành và trong xây dựng thể chế... Tại tất cả các hội nghị tổng kết, phần khuyết điểm thì nếu có, cũng chỉ là nói chung chung, không dám quy trách nhiệm là do ai, tại sao lại thế và vì cái gì? Đặc biệt là không dám nói thẳng. 

Tại nhiều hội nghị, tại các diễn đàn, tại các buổi kiểm điểm cán bộ, đảng viên, ít ai dám nói thật, nhưng khi ra ngoài thì lại nói sau lưng... Đây là căn bệnh "nan y" mà không ai dám chữa. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chúng ta cứ tìm cách nói cho "vừa lòng", nhưng nguyên nhân đầu tiên chính là từ đặc tính "duy tình" của người Việt. Đó là "trăm cái lý không bằng một tý cái tình", đó là "giọt máu đào hơn ao nước lã"... Chính cái mặt trái của tính duy tình này mà dẫn đến luật pháp bị bóp méo, bị thực hiện theo ý muốn của người có ảnh hưởng, và tạo nên sự dối trá. 

Bên cạnh đó, căn bệnh "kiêu ngạo cộng sản" cũng đã là một nguyên nhân quan trọng tạo nên tình trạng "làm láo, báo cáo hay" của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương.

Và, một khi không dám nói thật thì làm sao dám sửa, làm sao dám thay đổi và càng không thể "làm cách mạng" được.

Cho nên, để bước vào một "kỷ nguyên vươn mình" thì chúng ta hãy bắt đầu bằng "kỷ nguyên... nói thật". Chỉ có nói thật thì mới tu sửa được từ chính mình đến cả bộ máy.

3. Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết "Rạng rỡ Việt Nam". Trong bài viết đó, Tổng Bí thư đề ra 7 nhiệm vụ mà Đảng phải thực hiện để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, nhiệm vụ thứ tư là: "Quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo. Trong nhiều kỳ đại hội gần đây, các văn kiện đại hội đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đảng cũng đã liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại...

Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng. So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tình trạng "nói không đi đôi với làm".

Có lẽ (theo tôi), đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, bởi liên quan đến công tác cán bộ và thể chế. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này thì các nhiệm vụ khác cũng khó mà thực hiện được.

Và, chúng ta hãy đồng hành cùng Tổng Bí thư Tô Lâm là bắt đầu thực hiện "kỷ nguyên nói thật". 

Nguyễn Như Phong

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, sáng 11/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội ra phán quyết đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu cùng 39 bị cáo khác.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố đường dây nóng tố cáo hành vi “vẽ bệnh moi tiền”, thái độ của nhân viên y tế… Người dân có thể phản ánh chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hành vi sai phạm hoặc tra cứu các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế qua các đường dây nóng của Sở.

Tối 10/7, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), trong đó tập trung kiểm soát camera giám sát hành trình, test nồng độ cồn và chất ma túy đối với các tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải như: xe khách giường nằm, ô tô tải, xe đầu kéo...

6 nhân viên mật vụ Mỹ đã bị xử lý kỷ luật sau những sai sót trong vụ ám sát hụt ông Donald Trump vào tháng 7 năm ngoái tại Pennsylvania. Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết, các hình thức kỷ luật bao gồm đình chỉ công tác từ 10 đến 42 ngày và điều chuyển sang các vị trí không còn liên quan đến hoạt động bảo vệ.

Thông tin về tình hình quy hoạch dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào ngày 9/7 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, phạm vi triển khai của dự án trên địa bàn thành phố khoảng 110ha, gồm phần tuyến dài gần 13,5km với diện tích 32,2ha; Ga Thủ Thiêm khoảng 17,3ha; Depot Long Trường khoảng 60,5ha…

Một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên iSeg ở Mỹ đang định hình lại xạ trị ung thư bằng cách tự động phác thảo khối u phổi ở dạng 3D khi chúng dịch chuyển theo mỗi hơi thở. Trong khi đó, tại Anh, các nhà khoa học đã phát triển một công cụ mới do AI hướng dẫn, có thể dự đoán cách bệnh nhân ung thư ruột trở nên kháng thuốc, giúp dẫn đến sự phát triển của các liệu pháp điều trị theo hướng cá nhân hóa mới.

Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ V do Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, được nâng tầm chuyên nghiệp và mở rộng quy mô. Đây là hoạt động chào mừng 80 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).

Barney Casserly đã tự tử ở tuổi 21 khi phải vật lộn với chứng nghiện ketamine và sự tổn thương bàng quang không thể phục hồi khiến anh thường xuyên phải đi vệ sinh 20 lần mỗi đêm. Và Barney chỉ là một trong số hàng ngàn thanh niên ở Anh bị nghiện ketamine - loại thuốc được cấp phép dùng trong các cơ sở y tế và bệnh viện như một chất gây mê nhưng cũng bị liệt vào dạng một loại ma túy tổng hợp, vì có công dụng an thần và tạo ảo giác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.