Nỗi ám ảnh khủng bố với hàng không Ấn Độ

20:35 28/11/2024

Trong gần 1 tháng qua, các hãng hàng không của Ấn Độ liên tục nhận được hàng trăm tin nhắn đe dọa đánh bom khủng bố các chuyến bay cả nội địa và quốc tế, gây hoang mang nghiêm trọng đối với hàng chục nghìn hành khách và làm đau đầu giới chức an ninh hàng không của nước này.

Liên tục đe dọa khủng bố các hãng hàng không

Theo hãng tin Hindo của Ấn Độ cho biết, chỉ trong 2 tuần cuối tháng 10 đã có hơn 400 chuyến bay nội địa và quốc tế của các hãng hàng không nước này bất ngờ nhận được những thông tin đe dọa đánh bom. Chỉ trong ngày 28/10, có hơn 60 chuyến bay đã bị đe dọa đánh bom. Hai hãng hàng không Air India và IndiGo đều nhận được 21 tin đe dọa đối với 21 chuyến bay, trong khi hãng Vistara nhận được 20 tin. Các chuyến bay này hoặc đã phải hạ cánh khẩn cấp, hoặc phải chuyển hướng nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay cũng như hành khách trên máy bay.

Ba sân bay lớn của Ấn Độ được tăng cường an ninh cao độ.

Tất cả các chuyến bay đều hạ cánh an toàn, nhưng hàng loạt lời đe dọa khiến một số máy bay phải chuyển hướng đến Canada, Đức; thậm chí Anh và Singapore điều máy bay chiến đấu để hộ tống một số máy bay thương mại của Ấn Độ trên không phận hai nước. Việc máy bay phải chuyển hướng hoặc chậm chuyến ảnh hưởng không nhỏ đến lịch trình và chi phí của các hãng hàng không. Chính phủ Ấn Độ và các cơ quan hàng không dân dụng cảnh báo sẽ áp dụng "hành động rất nghiêm ngặt". Bộ trưởng Hàng không Ấn Độ Ram Mohan Naidu khẳng định, nhà chức trách sẽ xác định và truy tố tất cả những đối tượng gây gián đoạn hoạt động của ngành hàng không.

Sau khi các máy bay hạ cánh, cơ quan an ninh của Ấn Độ, bao gồm cả đội phá bom đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tất cả các quy trình tiêu chuẩn an toàn một lần nữa được thực hiện nghiêm ngặt. Đồng thời các hãng này cũng đã điều máy bay chở các nhu yếu phẩm cho các hành khách ở những sân bay được chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp tại các nước khác để đảm bảo có sự hỗ trợ tốt nhất đối với hành khách khi nhân viên của hãng không có mặt ở các sân bay này. Tuy nhiên, báo cáo của Cơ quan hàng không Ấn Độ cho biết, đến nay hầu hết các thông tin đe dọa đều là giả mạo và được đưa ra qua truyền thông xã hội. Mặc dù một trẻ vị thành niên bị tình nghi có liên quan đến các thông tin giả mạo đã bị bắt giữ tại Ấn Độ, nhưng sự việc vẫn tái diễn.

Sân bay Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ

Theo các nhà chức trách, thư đe dọa được đồng loạt gửi tới 41 sân bay vào khoảng giữa tháng 10 đều có chung nội dung: "Xin chào, có chất nổ được giấu trong sân bay. Bom sẽ sớm nổ. Tất cả các bạn sẽ chết". Theo hãng thông tấn PTI, nhóm trực tuyến có tên KNP được cho là đã từng gửi những lời đe dọa đến một số trường học ở thủ đô Delhi vào ngày 1/5 bị nghi ngờ đứng sau vụ việc trên. Tiếp đó vào ngày 18/6, hơn 50 bệnh viện và trường Cao đẳng Thương mại Hinduja tại thành phố Mumbai của Ấn Độ cũng bị đe dọa đánh bom qua thư điện tử. Theo Cảnh sát Mumbai, các thư đe dọa được gửi thông qua mạng VPN, gây khó khăn cho việc truy tìm danh tính người gửi và xác định động cơ đằng sau các mối đe dọa.

Trước đó, tháng 3/2023, một số hãng hàng không của Ấn Độ cũng nhận được các cuộc đe dọa đánh bom các chuyến bay ngay sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại sân bay và ga tàu điện ngầm của Brussel, Bỉ vào ngày 22/3 làm 31 người thiệt mạng và 260 người khác bị thương.

Sở dĩ hành khách đi máy bay ở Ấn Độ bị ám ảnh khủng bố bởi trong lịch sử từng có vụ việc rất nghiêm trọng. Đó là vụ không tặc đối với chuyến bay IC 814 của Hãng hàng không Indian Airlines vào ngày 24/12/1999 khi bay từ Kathmandu, Nepal đến Delhi, Ấn Độ. Chuyến bay này chở 176 người đã bị 5 tên không tặc, là những thành viên nhóm khủng bố Harkat-ul-Mujahideen, có liên hệ với các nhóm cực đoan ở Pakistan khống chế. Chúng cướp máy bay khi nó đang bay vào không phận Ấn Độ và ép buộc phi hành đoàn chuyển hướng đến một số sân bay Lahore (Pakistan), Amritsar (Ấn Độ) và Dubai (UAE). Chúng yêu cầu Chính phủ Ấn Độ thả 3 kẻ khủng bố đang bị giam giữ, trong đó có Maulana Masood Azhar, người sáng lập tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed. Đa số hành khách được thả và trở về an toàn, nhưng một hành khách tên là Rupin Katyal bị sát hại bằng dao trong quá trình diễn ra vụ không tặc.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, chính phủ Ấn Độ cũng phải nhượng bộ và thả 3 tên khủng bố để đổi lấy việc các con tin được phóng thích ngày 31/12/1999. Kể từ đó, giới chức Ấn Độ, trực tiếp là Cục An ninh hàng không dân dụng (BCAS) buộc phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không và thay đổi cách tiếp cận trong việc xử lý các cuộc tấn công khủng bố, nhất là đối với các hãng hàng không nước này.

Hành khách bị ảnh hưởng bởi đe dọa đánh bom tại sân bay quốc tế Sardar Vallabhbhai Patel, bang Gujarat.

Giải pháp nào đảm bảo an ninh hàng không tại Ấn Độ?

Trước hàng loạt các cuộc đe doạ đánh bom qua thư điện tử nêu trên, ngày 19/10, Cục An ninh hàng không dân dụng Ấn Độ (BCAS) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các giám đốc điều hành và đại diện các hãng hàng không ở Delhi để bàn giải pháp đối phó.

BCAS đưa ra các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với cả hành khách và hành lý. Việc ra vào sân bay thắt chặt hơn, ứng dụng thẻ nhận dạng và hệ thống sinh trắc học giúp ngăn chặn xâm nhập trái phép các khu vực an ninh. Thực tế tại Ấn Độ, an ninh hàng không đã được thắt chặt từ ngay sau vụ không tặc IC 814 năm 1999, đặc biệt sau vụ khủng bố 11/9/2001 bằng máy bay vào tòa nhà Trung tâm thương mại Mỹ.

Đáng chú ý, một chương trình cảnh sát trên không mang tên Sky Marshal, đã được triển khai, các nhân viên an ninh mặc thường phục được bố trí trên các chuyến bay để ứng phó với các mối đe dọa không tặc. Họ được đào tạo và trang bị để vô hiệu hóa bọn không tặc đảm bảo rủi ro tối thiểu đối với hành khách. Ngoài các cuộc kiểm tra an ninh thông thường, hành khách được xem xét kỹ lưỡng hơn dựa trên hành vi, lịch sử đi lại và các yếu tố rủi ro. Máy chụp X-quang và máy dò kim loại cũng được sử dụng làm công cụ tiêu chuẩn của khâu kiểm tra an ninh. Hơn nữa, cũng từ thực tế vụ khủng bố IC 814, an ninh buồng lái máy bay đã được củng cố đảm bảo an toàn hơn. Các máy bay thương mại nhanh chóng được gia cố khu vực cửa buồng lái để ngăn chặn việc tiếp cận trái phép.

An ninh được thắt chặt tại các sân bay Ấn Độ

Hiện nay, cùng với việc áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và quét vân tay tại các sân bay để đảm bảo chỉ có nhân viên và hành khách được ủy quyền mới được phép ra vào các khu vực an toàn, tiến bộ khoa học công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh. Trong đó, các hệ thống hình ảnh tiên tiến, thuật toán do AI điều khiển và giám sát từ xa đã được cải thiện đáng kể đối với an ninh hàng không. Các hệ thống AI phân tích lượng lớn dữ liệu hành khách, bao gồm lịch sử di chuyển và phương thức thanh toán, "lọc ra" những đối tượng có nguy cơ cao để xem xét kỹ hơn.

Bên cạnh đó, máy quét toàn thân sử dụng công nghệ tia X sóng milimet hoặc tán xạ ngược có thể phát hiện các vật dụng ẩn dưới quần áo mà máy dò kim loại thông thường có thể không phát hiện, làm tăng thêm một lớp bảo mật quan trọng. Một số hãng hàng không còn áp dụng hệ thống phát hiện không tặc từ xa. Một hệ thống mang tên Liên lạc vào báo cáo (ACARS) cho phép những người điều khiển ở mặt đất theo dõi hành trình và hoạt động của máy bay. Trong trường hợp bị không tặc, hệ thống điều khiển trên máy bay có thể bị vô hiệu hóa từ xa.

Chuyên gia an ninh hàng không của Ấn Độ cho biết, những bài học đắt giá từ các vụ không tặc IC 814 của Ấn Độ và 11/9 tại Mỹ đóng vai trò như lời nhắc nhở sâu sắc về những lỗ hổng trong hệ thống an ninh hàng không. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được sau đó đã biến đổi ngành công nghiệp này, đưa chúng tôi đến gần hơn với mục tiêu đạt được một môi trường hàng không thực sự không thể có không tặc. Các tổ chức đảm bảo an ninh hàng không như FAMS, BCAS và ICAO tiếp tục đi đầu trong việc phát triển và duy trì khuôn khổ bảo mật nhiều lớp đảm bảo an toàn cho cả hành khách và phi hành đoàn. Trong bối cảnh các mối đe dọa mới như tấn công mạng và các sự cố liên quan đến máy bay không người lái xuất hiện, sự đổi mới liên tục về công nghệ và hợp tác quốc tế chính là giải pháp hiệu quả cho an ninh hàng không trong tương lai.

Minh Hà

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文