Xung đột Nga – Ukraine: Chuyện đâu của hai ta

10:34 26/03/2024

Phương Tây nói chung và châu Âu nói riêng liên tiếp có các động thái thể hiện quyết tâm hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến. Các nước Liên minh châu Âu đang trên đà thông qua khoản bổ sung mới trị giá 5 tỷ euro cho một quỹ dùng để tài trợ quân sự tới Ukraine.

Kiên trì, kiên nhẫn và kiên quyết

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris hồi tháng trước nhằm mục đích tạo động lực mới cho lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ lãnh đạo một liên minh mới nhằm cung cấp cho Kiev "tên lửa, bom tầm trung và tầm xa". Phương Tây cũng đã có những liên minh tương tự giúp Ukraine củng cố năng lực về máy bay không người lái, pháo binh, phòng không và các loại vũ khí khác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sau cuộc họp tại Berlin, ngày 15/3.

Trong cuộc đón tiếp những người đồng cấp Pháp và Ba Lan tại Berlin vào trung tuần tháng 3 này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết cả 3 đã đồng ý mở rộng sản xuất thiết bị quân sự ở mỗi nước và "mua thêm nhiều vũ khí hơn nữa cho Ukraine trên thị trường thế giới nói chung". Ông cũng chia sẻ việc Đức, Pháp và Ba Lan đang cân nhắc "thành lập một liên minh có năng lực mới về pháo phản lực tầm xa". Chưa rõ đây có phải là lời tái khẳng định các phát biểu hồi tháng trước của ông Macron hay không.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch cùng thời điểm cũng tuyên bố sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới bao gồm hệ thống pháo Caesar và đạn dược cho Ukraine trị giá khoảng 336,6 triệu USD.

Ở bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố sẽ gửi một gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về khoản tài trợ quy mô cho Kiev. Đây là khoản viện trợ được trích từ quỹ tiết kiệm chi phí ngoài dự kiến của Lầu Năm Góc và sẽ được sử dụng cho các loại đạn pháo và đạn dược của hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Tuy nhiên, giới chức thừa nhận việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua hợp đồng tiết kiệm của Lầu Năm Góc có thể chỉ là "tình huống xảy ra một lần" và không phải là cách tài trợ bền vững cho Kiev. Số vũ khí và đạn dược này ước tính chỉ có thể giúp Kiev "cầm cự" trong vài tuần và không đủ để đáp ứng nhu cầu thực chiến.

Các quan chức Mỹ được cho là đang xem xét các phương án để tịch thu khoảng 285 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng vào năm 2022 và sử dụng số tiền này để thanh toán cho vũ khí của Ukraine.

Lạc quan và thực tế

Một quan điểm phổ biến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay cho rằng lực lượng vũ trang Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga và tạo đà cho các cuộc phản công mới vào năm 2025 với sự hỗ trợ bền vững từ phương Tây. Quan điểm này lập luận rằng, nếu Ukraine được cung cấp đủ tên lửa tầm trung và tầm xa - những thứ vũ khí uy lực và mệnh danh là "thay đổi cuộc chơi", có thể làm suy yếu các phòng tuyến của Nga và dần giành lại những vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập. Những quan điểm này thường đi kèm hàng loạt phân tích và viện dẫn rằng các lực lượng Nga đang thiếu hụt nghiêm trọng các loại vũ khí quan trọng, do đó thiếu khả năng gây áp lực lâu dài cho cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Với suy nghĩ này, giới hoạch định chính sách phương Tây dường như tăng gấp đôi nỗ lực với tính toán rằng chiến thắng tổng thể là điều khả thi, miễn là đủ kinh phí và sự kiên trì. Song, thực tế đang cho thấy vòng xoáy này tiềm ẩn những lỗ hổng lớn, có nguy cơ đẩy Kiev và các đối tác phương Tây vào tình thế bấp bênh hơn trong cuộc chiến chưa rõ bao giờ khép lại.

Những gì diễn ra trong cuộc chiến hơn 2 năm qua cho thấy Nga có thể đáp trả việc phương Tây mở rộng cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng một loạt biện pháp bất đối xứng, đe dọa đẩy cường độ chiến tranh leo thang nguy hiểm. Tên lửa do phương Tây cung cấp cho Kiev có thể được sử dụng để gây tổn thất cho lực lượng Nga bằng các cuộc tấn công vào mục tiêu và cơ sở hạ tầng có giá trị cao, nhưng những cuộc tấn công này lại không mấy giá trị về mặt chiến lược dài hạn. Không có dấu hiệu nào cho thấy những nỗ lực này có thể được tiến hành trên quy mô đủ lớn để đánh bại lực lượng Nga ở Ukraine một cách dứt khoát.

Cuối năm 2022, Giám đốc Tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov từng dự đoán Nga chỉ có đủ tên lửa cho 2 cuộc tấn công quy mô lớn. Những đánh giá kiểu này, cùng các bình luận tương tự của giới chức Ukraine và phương Tây - nhiều khi mâu thuẫn so với những gì diễn ra trên thực địa - đến nay vẫn khá phổ biến. Những mỉa mai liên tục được đưa ra về việc Nga cạn kho đạn dược, thiệt hại về tên lửa. Song, thực tế lại ít bằng chứng đủ thuyết phục.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Nga, bất chấp các đòn kiểm soát xuất khẩu của phương Tây, đã tìm ra cách xoay xở và củng cố thành công cơ sở công nghiệp quốc phòng để ít nhất duy trì, nếu không muốn nói là tiếp tục phát triển năng lực tấn công tầm xa trong ngắn và trung hạn. Sản lượng đạn dược chính xác và ổn định của Nga thậm chí phản ánh sự tương phản rõ rệt với sự xuống cấp trong hệ thống phòng không Ukraine trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ mùa Đông vừa qua, thậm chí, càng làm suy yếu những bình luận rằng thời gian đang đứng về phía Ukraine.

Đạn pháo trong kho vũ khí của Ukraine. Ảnh Getty Image.

Thông điệp từ Tổng thống Putin

Nước Nga vừa tiến hành cuộc bầu cử quan trọng và cử tri một lần nữa đặt niềm tin ở nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Tuy nhiên, chiến tranh đã phủ bóng cuộc bầu cử kéo dài 3 ngày khi Ukraine liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu, pháo kích nhiều làng mạc và lực lượng dân quân tìm cách xuyên qua biên giới Nga, điều mà chính Tổng thống Putin nói sẽ không để yên.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, trong bối cảnh an ninh được siết chặt với sự tham gia của hàng chục nghìn cảnh sát và giới chức an ninh, cao hơn năm 2018, củng cố thông điệp của Điện Kremlin về sự ủng hộ của đông đảo người dân cho nhà lãnh đạo. Bất chấp những chỉ trích từ phương Tây và đối lập, Moscow và ông Putin đã có thứ họ muốn. Nếu hoàn thành thêm một nhiệm kỳ nữa ở Điện Kremlin, ông Putin sẽ nắm quyền lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào kể từ thời Catherine Đại đế thế kỷ XVIII.

Trong bài phát biểu ngày 18/3 tại Moscow chỉ vài giờ sau khi điểm bỏ phiếu cuối cùng trên lãnh thổ Nga đóng lại, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu đồng nghĩa với việc cận kề một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, nhấn mạnh đây là điều không ai muốn. Ai cũng hiểu điều ông nhắc tới ở đây là những nguy cơ mà cuộc chiến tại Ukraine đang mang lại, cho cả nước Nga, cho phương Tây và cho cả thế giới.

Cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ giữa Moscow với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột và thậm chí là chiến tranh hạt nhân dù khẳng định ông chưa bao giờ cảm thấy cần phải sử dụng tới loại vũ khí hủy diệt này.

Tổng thống Putin tuyên bố, ông vẫn để ngỏ cơ hội hòa bình, rằng "chúng ta ủng hộ đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ vì kẻ thù cạn kiệt đạn dược... nếu họ thực sự nghiêm túc muốn xây dựng hòa bình, xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp lâu dài giữa hai nước chứ không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi để tái vũ trang trong năm rưỡi hoặc 2 năm".

Vấn đề là phương Tây nghĩ thế nào về cuộc chiến?

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một phát biểu khiến nhiều nước phương Tây cố gắng tránh xa, trong khi một số khác, đặc biệt là ở Đông Âu, ủng hộ khi nói rằng nước Pháp có thể không loại trừ việc triển khai bộ binh ở Ukraine trong tương lai. Không ít cáo buộc và thông tin đã lan truyền về thực tế người ta thấy các binh sĩ sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp trên chiến trường Ukraine, điều mà Tổng thống Putin bình luận có phần mỉa mai trong bài phát biểu mới đây rằng "mọi thứ đều có thể xảy ra trong thế giới hiện đại... Chúng ta đều thấy rõ tất cả chỉ còn một bước trước ngưỡng cửa chiến tranh thế giới thứ ba toàn diện. Tôi nghĩ, không ai muốn thấy điều này" và điều đó "chẳng có gì tốt đẹp".

Thất bại rõ ràng của cuộc phản công năm 2023 của Ukraine, từng được kỳ vọng là có thể khuất phục Nga trong cuộc chiến, đã khiến nhiều người phải điều chỉnh lại những tính toán và nhận định về thời điểm cuộc chiến có thể chấm dứt. Cả hai quan điểm, rằng Ukraine có thể giành chiến thắng nếu được "bơm" đủ vũ khí hạng nặng của phương Tây và rằng Nga đang trên đà cạn kiệt nguồn dự trữ - đều không mới. Hơn 2 năm xung đột, những cố chấp có thể khiến cái giá phải trả rất cao.

Tuy nhiên, việc lựa chọn ai sẽ xuống thang trước và xuống ở đâu, xuống như thế nào là điều chưa bao giờ dễ dàng!

Thái Hân

Ngày 11/5, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư khen Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Phú Yên về thành tích đấu tranh chuyên án, triệt phá đường dây thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở và bán tài khoản ngân hàng trái phép.

Đối với các bất động sản tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh (thuộc dự án Bắc Phước Kiển) có liên quan bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang được Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiếp tục điều tra, làm rõ.

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Chiều 11/5, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) phối hợp đơn vị chức năng đã xác định được danh tính nghi can vờ hỏi mua xe tô tô, sau đó phóng xe bỏ chạy từ huyện Thanh Trì về hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Ban Giao thông), 1,3 triệu m3 cát tạp chất được nạo vét dọc khu vực sông Cổ Cò từ TP Hội An, thị xã Điện Bàn ra TP Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức đấu giá nhưng không có đơn vị nào tham gia do giá khởi điểm cao, khối lượng cát đấu giá lớn.

Ngày 11/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Lò Minh Phương (SN1991, trú tại tổ 2, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La), nguyên nhân viên ngân hàng trên địa bàn TP Sơn La về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viên thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 11/5, Phòng CSHS phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá nhóm đối tượng có hành vi Lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan đến thông tin Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam Hoàng Đình Tùng và vợ Trần Thị Hồng Nga về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, chiều 11/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng các đối tượng môi giới trong đường dây này và xác minh, làm rõ thêm nhiều người đã được tổ chức cho xuất cảnh hoặc đã đăng ký, nộp tiền cho cặp vợ chồng này.

Cắt khóa, dập lửa, cứu người, cứu hàng hóa...một cách nhanh gọn lẹ của 22 "Tổ liên gia an toàn PCCC" trong Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức cho thấy người dân đã bắt đầu ý thức được việc PCCC, cứu nạn cứu hộ, có thêm nhiều kinh nghiệm và các Tổ liên gia an toàn PCCC phát huy được hiệu quả...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文