Bảo tồn giá trị văn hóa từ công tác tu bổ những ngôi nhà rường cổ

08:33 22/10/2024

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có nhiều ngôi nhà rường cổ mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với vùng đất Cố đô. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, những ngôi nhà rường cổ này bị xuống cấp, hư hỏng và hiện chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành để tu bổ, tôn tạo những ngôi nhà rường cổ này.

Vào thời nhà Nguyễn, đất làng Kim Long, nay thuộc phường Kim Long, TP Huế là nơi ở của nhiều ông hoàng bà chúa, các vị đại thần của triều Nguyễn. Ngày nay, những phủ đệ với các ngôi nhà rường cổ nằm giữa vườn cây tỏa bóng xanh mát đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến với vùng đất Kim Long. Tuy nhiên, do thời gian, chiến tranh cùng với thiên tai hàng năm đã khiến nhiều ngôi nhà rường cổ ở Kim Long bị xuống cấp trầm trọng.

Hôm PV Báo CAND tìm đến ngôi nhà rường hơn 130 năm tuổi của gia đình bà Nguyễn Thị Ngộ (SN 1941, ở tại số 3 Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế) cũng là lúc những người thợ vừa hoàn thành công việc tháo dỡ ngôi nhà rường để tiến hành tu bổ. Bà Ngộ cho biết, toàn bộ khu nhà vườn có diện tích gần 4.000m2, riêng ngôi nhà rường cổ vừa hạ giải có kiến trúc 3 gian 2 chái được xây dựng từ năm 1890. Đến nay nhiều hạng mục quan trọng như mái ngói, khung gỗ đều bị mối mọt làm vỡ, đứt gãy, thấm dột, toàn bộ căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do khuôn viên vườn chưa được chỉnh trang, cải tạo nên khá nhếch nhác, chưa thu hút du khách đến tham quan.

Bên trong một ngôi nhà rường cổ ở tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi được trùng tu để bảo tồn.

Qua công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình trạng xuống cấp ngôi nhà rường cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngộ, UBND TP Huế đã đưa ngôi nhà rường này vào danh mục thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 – 2026. Vào cuối tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đã tiến hành khởi công trùng tu ngôi nhà rường cổ này. Theo đó, nhà rường được hạ giải toàn bộ hệ mái ngói liệt, hệ khung gỗ để phục hồi; hệ thống ván vách, cửa, liên ba, ván trần sẽ được thay thế một số lá cửa, phục hồi các cấu kiện hư hỏng nặng, tu bổ, xử lý một số cấu kiện còn tốt để tái sử dụng. Tổng kinh phí trùng tu nhà rường này khoảng hơn 1,1 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng.

“Gia đình chúng tôi rất vui mừng khi được UBND TP Huế quan tâm hỗ trợ kinh phí trùng tu ngôi nhà rường cổ. Sau khi việc trùng tu hoàn thiện, chúng tôi sẽ tôn tạo lại khu vườn sạch đẹp để có thể đón khách du lịch đến tham quan”, bà Ngộ chia sẻ.

Gần cả tuần lang thang ở TP Huế tìm hiểu về câu chuyện nhà rường, chúng tôi được biết bên cạnh những ngôi nhà rường cổ nằm trong Đề án chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua có nhiều chủ nhà vườn tại địa phương này cũng đã tự đầu tư, tu bổ nhà vườn. Điển hình như nhà vườn của gia đình ông Phạm Đăng Thiêm tại số 6 Kim Long, phường Kim Long (phủ thờ Đức Quốc Công). Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, chủ nhà vườn này đã tự trùng tu, tôn tạo công trình và hiện đã hoàn thành công tác trùng tu, giúp bảo tồn, chống xuống cấp công trình.

Tại phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) hiện có 14 ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi cũng bị xuống cấp, hư hỏng chờ bảo tồn, tu bổ. Mới đây vào ngày 5/9/2024, UBND TP Huế đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, chống xuống cấp ngôi nhà rường cổ tại số 77B Bao Vinh của gia đình bà Phan Thị Diệu Liên thuộc danh mục Đề án chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh. Đồng thời giao Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế triển khai các bước tiếp theo để hoàn thành báo cáo kinh tế kỹ thuật của dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định.

Bà Phan Thị Diệu Liên cho hay, ngôi nhà rường của gia đình có diện tích 139m2 được xây dựng từ năm 1914, phân loại nhà rường cổ loại 1. Do việc tu bổ tổng thể công trình nhà rường tốn quá nhiều kinh phí nên sau vài lần sửa chữa nhỏ, hiện nhà rường xuống cấp rất nặng, cột kèo, mái ngói mục nát, vào mùa mưa thấm dột khắp nơi. “Khi nghe thông tin nhà rường của chúng tôi được tham gia vào Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh thì gia đình rất vui mừng. Hy vọng qua công tác tu bổ, tôn tạo, ngôi nhà rường này sẽ trở nên kiên cố, đẹp đẽ, an toàn hơn và trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách đến với phố cổ Bao Vinh”, bà Liên bày tỏ niềm vui.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, ngoài các Đề án tu bổ, tôn tạo các nhà rường kể trên, hiện Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đang phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai hỗ trợ tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn của một số nhà vườn ở địa bàn TP Huế. Đồng thời hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở nhà vườn, nhà rường phục vụ lưu trú; đào tạo nghề, truyền nghề và tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng tua tuyến, quảng bá du lịch cộng đồng tại các phường Kim Long, Thủy Biều, là nơi có nhiều ngôi nhà vườn, nhà rường cổ.

“Việc đầu tư, tu bổ chống xuống cấp các ngôi nhà vườn, nhà rường cổ là việc làm cần thiết nhằm gìn giữ, bảo tồn những giá trị đặc trưng của nhà vườn Huế. Từ đó góp phần phát huy hiệu quả khai thác kinh tế du lịch của nhà vườn Huế, tạo được sự đồng thuận và hình thành ý thức tự nguyện của các chủ nhà vườn khi tham gia vào Đề án hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Song khẳng định.

Anh Khoa

Cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù mang đậm tính nhân văn, thực sự trở thành “điểm tựa” cho những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng ở tỉnh Hà Nam.

Trong đêm tối, nhiều người dân ở vùng lũ Quảng Bình gọi điện, lên mạng xã hội cầu cứu mong được hỗ trợ, giúp đỡ, di dời khẩn cấp vì nước lũ lên nhanh. Các tổ, nhóm xung kích, Công an các đơn vị, địa phương Công an Quảng Bình đã trắng đêm giúp dân chống lũ.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện làm phương tiện đi lại khi chưa có kỹ năng điều khiển khiến không ít học sinh gặp phải sự cố thương tâm…

Ngày 9/10 vừa qua, Báo CAND đăng bài “Vườn điều bị đốn hạ, “cuộc chiến” giành quyền sở hữu vẫn căng thẳng giữa hai nông dân”. Ngay khi báo đăng, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã vào cuộc xác minh, điều tra nhằm làm rõ vụ việc.

Lợi dụng nhu cầu đổi tiền ngoại tệ của nhiều người dân, các đối tượng lừa mua bán tiền để hưởng chênh lệch giá cao. Chỉ trong thời gian ngắn xác lập chuyên án, Phòng Cảnh sát hình sự -Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ được các đối tượng gây án.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9/2024, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch số 4897 về cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Thực hiện cao điểm kế hoạch này, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh về việc đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn.

Những ngày qua, một số website hải ngoại đưa thông tin về việc Freedom House ngày 16/10/2024 công bố báo cáo về tự do Internet toàn cầu, trong đó tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm không có tự do Internet với thang điểm tự chấm 22/100 điểm. Bảng báo cáo trên một lần nữa thể hiện bản chất cực đoan của một tổ chức tự gắn mác “vì nhân quyền”, “vì tự do”, bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người.

Kết quả kiểm phiếu bầu cử Hạ viện Nhật Bản lần thứ 50 vừa được công bố sáng 28/10 cho thấy liên minh cầm quyền giữa đảng Tự do Dân chủ (LDP) và đảng Công minh đã chính thức mất thế đa số, đặt ra vấn đề lớn với chính trường Nhật Bản trong thời gian tới. 

Trong ngày hôm nay (27/10), mưa bão kết hợp triều cường dâng cao làm cho tuyến đường chạy dọc bãi tắm xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Sóng biển xâm thực sâu vào đất liền, đánh vỡ hàng trăm mảng bê tông khiến khu vực này tan hoang như vừa bị "dội bom".

Sáng 27/10, hơn 45.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đã chính thức mở cửa đón cử tri thuộc 47 tỉnh, thành cả nước đến bỏ phiếu để bầu chọn những người đại diện cho mình trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 50 của Nhật Bản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文