Cảnh sát cơ động mang vũ khí lên máy bay để tác chiến nhanh, kịp thời
Tuần này, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đây là dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, thu hút sự quan tâm thảo luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội.
Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật với hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu và tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến góp ý để dự án luật ngày càng hoàn thiện hơn. Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án luật xung quanh một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội nêu.
Năm đặc thù của CSCĐ
PV: Thưa Trung tướng, sau phiên thảo luận trực tuyến tại Quốc hội sáng 26/10, hầu hết đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ. Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết trên cơ sở xem xét tương quan với các lực lượng khác. Dưới góc độ Tổ trưởng Tổ biên tập, xin đồng chí thông tin cụ thể hơn về sự cần thiết nâng Pháp lệnh CSCĐ lên thành Luật?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Việc xây dựng Luật CSCĐ được dựa trên nhiều cơ sở khác nhau, từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và tình hình, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng CSCĐ trong tình hình mới.
Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013 quy định những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được thể hiện ở văn bản luật. Trong khi Pháp lệnh CSCĐ hiện hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân, như: sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại được trang bị để đấu tranh chống khủng bố, trấn áp, giải quyết các vụ bạo loạn, biểu tình, tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự (ANTT)...
Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp cấp bách, CSCĐ được quyền huy động người, phương tiện, trưng dụng tài sản, yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức... Vì vậy, để đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, các quy định trên cần thiết phải được thể hiện trong Luật.
Về cơ sở chính trị, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng CAND nói chung, CSCĐ nói riêng. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng đều xác định xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng, trong đó có lực lượng CSCĐ.
Tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới; Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đều xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại.
Cụ thể hóa các chủ trương này, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030; hiện nay đề án đã và đang được triển khai đến các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố.
Vì vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ nhằm đảm bảo tuân thủ Hiến pháp và là một bước quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, sẽ kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh CSCĐ sau 7 năm thi hành về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền điều động và công tác phối hợp của CSCĐ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.
PV: Có đại biểu đề nghị làm nổi bật tính đặc thù, đặc biệt của lực lượng CSCĐ so với các lực lượng khác trong CAND. Trung tướng có thể phân tích nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” của lực lượng CSCĐ được xây dựng trong dự thảo luật?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Nội hàm các cụm từ "đặc thù", "đặc biệt" của lực lượng CSCĐ đã được cụ thể hóa tại các điều khoản của dự thảo luật và đề cập tại Tờ trình Quốc hội về dự án Luật. Tôi xin khái quát một số điểm nổi bật:
Một là, CSCĐ là lực lượng có chức năng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Nhiệm vụ chính của CSCĐ là xây dựng các dạng phương án, thường xuyên tổ chức huấn luyện, ứng trực, đảm bảo quân số, vũ khí, trang bị sẵn sàng giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các loại tội phạm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình...
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ tác chiến theo đội hình, cơ động nhanh, đấu tranh vũ trang trực diện, xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp mà nếu chỉ sử dụng biện pháp, lực lượng khác trong CAND thì không giải quyết được.
Hai là, đối tượng đấu tranh của CSCĐ đa dạng, phức tạp, số lượng đông từ các băng, ổ nhóm, tội phạm hình sự, ma túy nguy hiểm có sử dụng các loại vũ khí "nóng", đến các vụ việc phức tạp về ANTT, biểu tình, bạo loạn, với số lượng lớn người tham gia; ngoài số đối tượng phản động, cơ hội chính trị cầm đầu xúi giục, còn có sự tham gia của đông đảo người dân bị kích động, lôi kéo.
Ba là, hoạt động vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm.
Bốn là, CSCĐ ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, quân số đông, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc chủng, hiện đại như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng chống tăng, B40, B41, xe thiết giáp, chống đạn; tàu thủy, máy bay trực thăng….
Năm là, để thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi lực lượng được tổ chức huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu về võ thuật, quân sự, kỹ chiến thuật chiến đấu ở cường độ cao, trong mọi điều kiện địa hình, địa bàn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nhằm đào tạo cho mỗi người chiến sỹ có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, phương tiện được trang bị, có kỹ năng chiến đấu tinh nhuệ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Không chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác
PV: Từ đặc thù ấy, dự thảo Luật bổ sung 2 quyền hạn mới của CSCĐ, trong đó có quyền được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ vào cảng hành không và lên tàu bay dân sự trong một số trường hợp. Qua thảo luận, có ý kiến lo ngại việc lạm quyền. Từ thực tiễn công tác, ông có thể lý giải vấn đề này ra sao?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Dự thảo Luật đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp CSCĐ được mang theo người vũ khí lên tàu bay dân sự gồm: Chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT.
Trong thực hiện nhiệm vụ ở một số trường hợp như trên, lực lượng CSCĐ cần phải được mang theo vũ khí, trang bị lên tàu bay, vào cảng hàng không để kịp thời xử lý các vụ việc, bảo vệ an ninh, an toàn hàng đặc biệt và các đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không.
Đối với quy định CSCĐ được mang vũ khí lên tàu bay trong trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động nhằm kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ thời gian qua.
Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của CSCĐ như Luật Hàng không dân dụng và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa quy định CSCĐ là đối tượng được mang vũ khí lên tàu bay trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ tác chiến, mà vẫn phải ký gửi hành lý theo quy định. Việc này nếu thực hiện nhiệm vụ bình thường theo kế hoạch thì không ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp cần cơ động nhanh lực lượng cùng các loại vũ khí, trang bị bằng đường hàng không để kịp thời giải quyết vụ việc thì sẽ không đảm bảo, vì việc làm thủ tục ký gửi và nhận hành lý mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng việc triển khai lực lượng, phương án tác chiến của CSCĐ. Trong trường hợp này, CSCĐ đều được bố trí chuyên cơ riêng, không đi chung với hành khách nên không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và mỹ quan đối với hàng không dân dụng.
Đồng thời, quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ được tổ chức theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và việc bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện được lựa chọn đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục đã được Bộ Công an quy định và tương ứng với từng vụ việc cụ thể.
Do vậy, việc quy định CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự như dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu tác chiến, tính cơ động nhanh của CSCĐ trong thực hiện nhiệm vụ.
PV: Dự thảo luật ở Điều 9 quy định một trong những nhiệm vụ của CSCĐ là tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Song có đại biểu cho rằng, việc tìm kiếm CNCH giao lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH giữ vai trò nòng cốt. Có hay không sự chồng chéo giữa hai lực lượng đối với nhiệm vụ này?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Khoản 6, Điều 9 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ tìm kiếm, CNCH là một trong các nhiệm vụ phối hợp của CSCĐ. Mặt khác, theo quy định của Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH là đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC và CNCH; là cơ quan thường trực CNCH của Bộ Công an, trực tiếp tham gia chỉ huy, tổ chức lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó những tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo quy định. Do vậy, có thể khẳng định không có sự chồng chéo về nhiệm vụ giữa lực lượng CSCĐ với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Thực tế hiện nay, CSCĐ ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, vị trí đóng quân được bố trí tại các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước, trong đó chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn trọng yếu, chiến lược về an ninh quốc gia.
Ngoài những nhiệm vụ chính của CSCĐ thì lâu nay, khi xảy ra thảm họa, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất (nhất là các tỉnh khu vực Tây Bắc và khu vực các tỉnh miền Trung), lực lượng CSCĐ đóng quân tại địa bàn thường xuyên được huy động tham gia cùng các lực lượng chuyên trách và các lực lượng địa phương thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm CNCH, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, ngăn chặn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, nhanh chóng ổn định đời sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, từ đó góp phần đảm bảo ANTT, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Như vậy, dự thảo luật quy định nhiệm vụ tìm kiếm, CNCH là một trong các nhiệm vụ phối hợp của CSCĐ nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc điều động, sử dụng lực lượng CSCĐ, phát huy tối đa sức mạnh, nguồn lực trong công tác tìm kiếm CNCH chứ nhiệm vụ này lâu nay CSCĐ đã làm và không hề chồng chéo.
PV: Qua thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến việc bổ sung quy định về phạm vi hoạt động của CSCĐ để tránh trùng lắp với các lực lượng khác đã được pháp luật quy định. Xin đồng chí có thể phân tích, làm rõ nội dung này?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Với vị trí, chức năng là lực lượng thuộc CAND, nên phạm vi hoạt động của CSCĐ được thực hiện theo quy định của Luật CAND năm 2018. Theo đó, CSCĐ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp kịp thời xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.
Thực tế, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia (như tập trung đông người, gây rối ANTT, biểu tình, bạo loạn…), đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các băng ổ nhóm tội phạm bảo đảm TTATXH của CSCĐ cho thấy, các vụ việc không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm, mà còn xảy ra ở các tỉnh khu vực miền núi, biên giới. Đặc biệt có những vụ việc xảy ra và lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, để tránh trùng lắp trong thực thi nhiệm vụ của CSCĐ với các lực lượng khác, tại Điều 19 dự thảo Luật quy định rõ nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và cơ chế chỉ huy của CSCĐ trong phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT. Đồng thời giao Chính phủ quy định về phối hợp giữa CSCĐ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng thuộc các Bộ, ngành, địa phương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phối hợp giữa CSCĐ với các đơn vị, lực lượng thuộc Bộ Công an.
Do vậy, để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều động, sử dụng CSCĐ giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH thì dự thảo Luật không quy định về phạm vi hoạt động cụ thể của CSCĐ là phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn Trung tướng, Tư lệnh CSCĐ!