Bài ca về hạnh phúc ở Trại giam An Phước

11:03 20/08/2010
Đến Trại giam An Phước, tiếp xúc với phạm nhân, tôi nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ của những con người từng lầm lỡ. Được hưởng một điều kiện cải tạo tốt, được Ban Giám thị trại quan tâm về cả vật chất lẫn tinh thần, nên phạm nhân ở đây đang yên tâm cải tạo để có một ngày trả xong món nợ với pháp luật. Đó là công sức và sự cố gắng của các cán bộ, chiến sĩ của trại trong suốt quá trình dài phấn đấu.

PV: Mới chính thức thành lập được hơn 10 năm, nhưng Trại giam An Phước đã vinh dự được đón nhận danh hiệu AHLLVTND, là Giám thị của đơn vị, ông có thể kể về những khó khăn và sự nỗ lực mà cán bộ, chiến sĩ ở đây đã trải qua để xây dựng An Phước thành một đơn vị lớn mạnh như hiện nay?

Thượng tá Phan Đình Hoàn: Trại giam An Phước trước đây là trại tạm giam của Công an TP HCM. Khi đó khu vực này là một nơi hoang sơ, rừng thiêng nước độc. Năm 1994, theo chủ trương quy định các trại giam địa phương về cho Bộ Công an quản lý, đơn vị chúng tôi được thành lập trên cơ sở sát nhập một số đơn vị trong vùng. Thời điểm đó, khu vực này là đất rừng, nơi ăn ở của cán bộ trại, nơi giam giữ phạm nhân đều là nhà tranh vách đất. Các cán bộ, chiến sĩ đã cùng với phạm nhân khai hoang, phá rừng, trồng cao su trên tinh thần lấy ngắn nuôi dài, vừa trồng sắn vừa chăm bón cây cao su đến ngày thu hoạch.

Chính thức từ năm 1997 đến năm 2007, Trại An Phước năm nào cũng được danh hiệu Quyết thắng. Năm 2008, Trại  An Phước đã được danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hiện nay, phần do Nhà nước đầu tư, phần do quỹ sản xuất của đơn vị, nên cơ sở vật chất của trại ngày càng khang trang. Chúng tôi cũng cố gắng bồi dưỡng cho cán bộ và phạm nhân, để đời sống của cán bộ cũng như phạm nhân ngày càng nâng cao.

Khó khăn nhất của chúng tôi là cán bộ tuy không thiếu nhưng trình độ cán bộ chưa đồng đều. Tỉ lệ về cán bộ có trình độ đại học, trên đại học vẫn tương đối ít, nên chúng tôi vẫn phải tạo điều kiện để các cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ dần dần. Một khó khăn nữa là trại An Phước trước là trại loại 3. Bây giờ không phân loại trại nữa, đối tượng giam giữ phức tạp hơn, các cán bộ, chiến sĩ chưa có kinh nghiệm nên công tác quản lý còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi phải quản lý các đối tượng phạm nhân nguy hiểm tăng lên, với tỉ lệ nhiễm HIV của phạm nhân cao, lên tới 12%.

Nhờ có nguồn thu từ cây cao su, nên ngoài chế độ do Nhà nước quy định, trại còn trích quỹ sản xuất để bồi dưỡng cho phạm nhân thêm 5 nghìn/ngày. Riêng số phạm nhân ốm đau, bệnh tật, chúng tôi cho thêm 2 - 7 nghìn/ngày. Phạm nhân nào ốm nặng mà phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, thì toàn bộ chi phí sẽ do trại đứng ra lo liệu. Chế độ chính sách ở trại tốt, nên phạm nhân họ an tâm cải tạo, tỉ lệ được ân xá, đặc xá lớn.

PV: Có một thực tế là việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn đã trở thành tình trạng chung của trại giam. Nếu được chọn một môi trường làm việc, hiếm có những người có bằng cấp về trại giam để làm việc.

Thượng tá Phan Đình Hoàn: Đặc thù trại giam thường đóng ở những nơi vùng sâu vùng xa, không gần các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa. Về cả điều kiện sống, điều kiện học hành cho con em cán bộ cũng như điều kiện nâng cao trình độ, môi trường trại giam đều không đáp ứng được như ở các trung tâm thành thị. Mà ngay cả khi đã công tác trong ngành trại giam, nhưng khi con cái lớn lên, nếu có điều kiện, nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn chuyển ra ngoài các đô thị lớn công tác, để thuận lợi cho việc học hành của con cái sau này.

Chính vì thế, có một sự thực là để tuyển các bác sĩ, hay kế toán về trại giam làm việc, chúng tôi gần như không tuyển được. Không còn cách nào khác, nhiều khi chúng tôi đành phải cử cán bộ của mình đi đào tạo.Trại giam chúng tôi lúc nào cũng chủ trương đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ để đáp ứng yêu cầu giam giữ, cải tạo, giáo dục phạm nhân ngày một đòi hỏi cao hơn. Tuy trong biên chế của trại chưa đến 300 người, nhưng chúng tôi đã cho khoảng 100 cán bộ đi học. Ngoài việc cử cán bộ đi học thêm về các chuyên ngành y, kế toán, chúng tôi cũng đang làm đề án để xây dựng kế hoạch mở một lớp ngoại ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp.

PV: Tỉ lệ phạm nhân nhiễm HIV ở Trại giam An Phước là 12%, một tỉ lệ quá lớn. Vậy công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo những đối tượng phạm nhân như thế này có gây khó khăn gì cho các cán bộ trại?

Thượng tá Phan Đình Hoàn: Thực tế ra mà nói, con số 12% mới là con số mà chúng tôi kiểm soát được. Tôi e rằng, số lượng thực tế còn nhiều hơn thế. Công tác quản lý khó khăn nhất đối với những đối tượng phạm nhân này thường rơi vào giai đoạn các căn bệnh cơ hội đã bắt đầu tấn công họ, khiến sức khỏe phạm nhân suy giảm, điều trị ở bệnh xá của trại không còn hiệu quả nữa, thì chúng tôi phải đưa lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Những khi đó, nhất định phải có cán bộ trại giam đi kèm để canh giữ cũng như chăm sóc các phạm nhân này.

Trước đây, mỗi lần như thế, chúng tôi vô cùng khó khăn. Vì cứ một phạm nhân thì phải có hai cán bộ đi kèm. Phạm nhân còn có giường bệnh để nằm chứ cán bộ đôi khi phải nằm đất hay nằm ngoài hành lang để canh giữ.

Nhưng giờ đây, nhờ chủ trương mới, chúng tôi có một khu điều trị riêng ở bệnh viện, vừa là nơi chữa bệnh cho phạm nhân, vừa có tác dụng giam giữ, lại có cả nơi nghỉ ngơi cho cán bộ và người nhà phạm nhân đến chăm sóc nếu có điều kiện. Hiện chúng tôi có cán bộ chuyên trách phụ trách khu chữa bệnh cho phạm nhân ở trại trong bệnh viện.

Bây giờ chính sách của Đảng và Nhà nước ta cũng linh hoạt hơn. Với những phạm nhân bệnh nặng, chúng tôi có thể xem xét cho tạm đình chỉ thi hành án nếu gia đình phạm nhân có đơn đề nghị, hoặc tạo điều kiện cho họ giảm án nhiều hơn. Nhưng cũng có một số phạm nhân bị gia đình bỏ rơi, thì chúng tôi phải đứng ra lo liệu, chăm sóc, cố gắng chữa chạy bệnh cho phạm nhân hết mức có thể.

Một cái khó khăn nữa khi quản lý các phạm nhân nhiễm HIV, là nhiều phạm nhân có những diễn biến bệnh cơ hội khá phức tạp, nhẹ thì mụn nhọn, nặng thì bị lao và đặc biệt nguy hiểm là bệnh lao kháng thuốc, một biến chứng của bệnh lao mà các thuốc điều trị lao bình thường chưa có tác dụng.

Chính vì thế, các cán bộ quản giáo quản lý các đội phạm nhân, thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân, đặc biệt là các bác sĩ trong bệnh xá của trại thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị các loại bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp tấn công. Nguy cơ lây nhiễm qua đường máu do sơ xuất cũng có thể xảy ra.

Mới đây, một cán bộ của trại chúng tôi đã phải uống thuốc chống phơi nhiễm một thời gian dài, do một lần can ngăn hai phạm nhân va chạm với nhau, nên đã vô tình bị một trong hai phạm nhân đó, là người có HIV làm cho bị thương nhẹ.

Do đặc thù các phạm nhân có HIV thường có yếu tố tâm lý bất ổn, đặc biệt là những phạm nhân không được gia đình quan tâm. Chính vì thế, Ban Giám thị luôn chủ trương cho các cán bộ trại phải động viên tinh thần các phạm nhân này, giúp họ hòa nhập với các phạm nhân khác như để họ cùng tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trại và các sinh hoạt bình thường mà không có bất cứ một sự phân biệt nào.

PV: Trại giam An Phước là một trong những trại giam có chính sách với phạm nhân thuộc nhóm tốt nhất cả nước. Điều này có tác dụng thế nào trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân?

Thượng tá Phan Đình Hoàn: Như tôi đã nói, khi đơn vị An Phước chính thức được thành lập và xây dựng vùng đất này 10 năm về trước, đây vẫn là một nơi hoang vu, rừng thiêng nước độc. Những năm qua, nhờ được Nhà nước quan tâm giao cho hai dự án trồng rừng cao su, nhờ công sức của các cán bộ, chiến sĩ cũng như phạm nhân mà trại đã có một cơ ngơi khang trang, xung quanh là những cánh rừng cao su ngút ngàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chính vì thế, khi đời sống ngày một đi lên, có thêm nguồn thu từ cây cao su, thì ngoài số tiền phải nộp ngân sách theo quy định, chúng tôi cũng tính toán để trích thêm tiền bồi dưỡng, hỗ trợ cho phạm nhân thêm ngoài những chính sách mà phạm nhân được hưởng theo quy định của pháp luật.

Để động viên tinh thần phạm nhân, động viên họ tích cực cải tạo, mỗi kì xét loại cải tạo, chúng tôi đều đưa ra những mức tiền thưởng nhất định cho các phạm nhân được xếp loại cải tạo khá, tốt để họ có thêm động lực cải tạo.Mỗi năm, vào dịp lễ, Tết, chúng tôi cũng có quà cho từng phạm nhân, nhất là những phạm nhân không được gia đình thăm nuôi.

Ngoài ra, trong quá trình xét đặc xá mỗi năm, chúng tôi cũng tiến hành dán công khai các điều kiện xét đặc xá để phạm nhân tự nắm được xem mình có đủ điều kiện xét không. Và sau khi có kết quả rồi, chúng tôi lại dán công khai, đảm bảo sự minh bạch, dân chủ, tránh cho phạm nhân phải chịu bất cứ sự thiệt thòi nào, dù là nhỏ nhất.

PV: Là Giám thị trại giam, theo ông mục tiêu lớn nhất của những người làm công tác trại giam là gì?

Thượng tá Phan Đình Hoàn: Là hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, nhưng vẫn giúp phạm nhân cảm nhận được tình thương, sự đồng cảm, chia sẻ trong môi trường này.

Tôi lấy một ví dụ, các phạm nhân nữ nuôi con nhỏ trong trại giam, chúng tôi cho sống trong một khu nhà nhỏ riêng, có chế độ riêng với các cháu và thường xuyên cử cán bộ nữ qua thăm hỏi, động viên, giúp đỡ khi khó khăn. Với các cháu đã đủ 36 tháng tuổi, nhiều trường hợp không có gia đình đến nhận về nuôi, phải gửi đi trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của tỉnh, chúng tôi cũng cố gắng thu xếp với phía trung tâm để có thể đưa các cháu về thăm mẹ định kì 2 - 3 tháng một lần, giúp các phạm nhân nữ đó yên tâm cải tạo, vì chúng tôi thấu hiểu rằng, trước khi là một phạm nhân, thì họ là một người mẹ, nên tình mẫu tử là cái không thể thiếu đối với cuộc sống của họ.

Chúng tôi cũng tổ chức đội văn nghệ phạm nhân lớn mạnh để giúp phạm nhân có thêm niềm vui khi cải tạo, đồng thời luôn chủ trương ưu tiên các phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để họ yên tâm cải tạo. Tất cả những điều đó, chúng tôi làm với mục đích để phạm nhân cảm nhận được tình yêu thương, tình người đang tồn tại thực sự chân thành phía sau song sắt, giúp họ hồi sinh ước mơ phục thiện.

PV: Xin cảm ơn Thượng tá về buổi trò chuyện này

Bình Nguyễn(thực hiện)

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文