Tên hề sát nhân và luật "im lặng là vàng"

14:30 25/12/2010
Nếu bạn đang đứng trên lãnh địa của băng Phía Bắc thì những quán rượu mà bạn đang ngồi hay những chai Whisky hay chai bia mà bạn đang uống, tất cả đều thuộc sở hữu và cung cấp bởi Moran và đồng bọn.

Hành trình vào tù ra tội

Nếu Al Capone được biết đến với tư cách là kẻ chủ mưu của vụ thảm sát vào ngày Lễ Tình Nhân thì George Moran được người ta nhớ đến như là nạn nhân của vụ thảm sát đó. George sinh ngày 21/8/1893 tại phố Paul gần Minneapolis, Minnesota. George Moran vốn không phải là người gốc Chicago, song gã sinh sống tại thành phố này trong những năm đen tối nhất khi nạn buôn rượu lậu hoành hành và tại "thế giới ngầm" các băng nhóm xã hội đen đang cấu xé lẫn nhau.

Trong những năm tháng đó, tên tuổi Moran hầu như tuần nào cũng xuất hiện trên báo với hàng tá tội ác và tội danh liên quan đến buôn bán rượu lậu. Nếu không phải sự khét tiếng của gã và số tiền khổng lồ mà gã kiếm được trong suốt thời kỳ sản xuất và bán rượu bị cấm thì Moran sẽ phải nhận được một cái chết nhục nhã và cơ thể gã đã bị chôn trong những nấm mộ dành cho người nghèo.

Trong khi đó cha mẹ Moran (cha là người gốc Ireland, mẹ là người gốc Phần Lan) lại là những người cần cù chăm chỉ, trung trực, luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con mình. Với mong muốn như vậy, vào khoảng năm 1899, họ đã quyết định rời vùng Minneapolis tới Chicago, lúc ấy George mới 6 tuổi. Theo những người thân quen của gia đình, George có vẻ giống mẹ nhiều hơn, cậu thừa hưởng đôi mắt to, nâu, thông minh từ mẹ.

Khi mới tới, gia đình Moran chọn khu Kilgubbin- khu của người Ireland, phía Bắc sông Chicago làm nơi định cư. Vào giữa thế kỷ XIX, khi mới thành lập, Kilgubbin được xem là khu ngoại ô xinh xắn của thành phố, nhưng qua năm tháng, càng ngày nó càng xuống cấp và cho tới khi gia đình Moran chuyển đến thì Kilgubbin đã được xem như khu chỉ dành cho những tên trộm cướp, giống như tên hiệu mà người ta đặt cho nó là "Bếp ăn của địa ngục" hay "Địa ngục nhỏ".

Giữa những tiệm Sa-lon, nhà thổ, chợ trời, những khu bida cũng cố chen lấn mọc lên và như tác giả Rose Keefe đã nhận xét: "Trong số những gia đình đang cố gắng tìm kiếm sự yên bình ở đó thì cũng có hàng tá những tên trộm cướp, gái mại dâm và kẻ vô gia cư. Những luân lí đạo đức, quy tắc xử sự thông thường vì thế mà biến mất."

Như lẽ thường, tất cả những yếu tố trên sớm ảnh hưởng đến Moran, dần dần gã dành nhiều thời gian để la cà trên đường phố hơn là đến trường học. Ngay từ bé, gã cũng sớm rút ra bài học quý báu đó là cho dù có cố gắng vất vả làm lụng bao nhiêu đi nữa thì cha gã cũng hiếm khi kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình.

Mong muốn giúp cha, Moran bắt đầu kiếm những đồng xu, đồng hào bằng cách ăn trộm các xe ngựa kéo không lá chắn và giữ chúng cho tới khi chủ xe mang tiền tới chuộc. Đó là công việc mạo hiểm nên nhanh chóng làm cho Moran nổi danh như một Jesse James trẻ tuổi và cũng tạo cơ hội cho Moran trở thành thành viên của nhóm côn đồ lưu manh nhất Kilgubbin.

Chẳng có gì mà những tên côn đồ này không dám làm, chúng dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, trộm cắp, đột nhập các ngôi nhà, cửa hàng, mở trộm két, thậm chí một vài tên còn đấu súng với cảnh sát. Tên côn đồ hung tợn nhất lại là tay trẻ tuổi Charles Dean O'Banion và trong nhóm Reiser hắn ta cũng được đánh giá khá cao.

Moran nhanh chóng tham gia nhóm của O'Banion, và cho tới năm 1917, khi chưa tròn 24 tuổi, Moran đã có hẳn một bảng tội danh: bị tống giam lần đầu tiên vào năm 1910 vì tội trộm cướp, năm 1913 gã lại bị tống giam vì tội trộm cướp và ăn cắp, tiếp theo là năm 1917 là tội ăn trộm tiền, cho dù bản án này đã nhanh chóng bị xoá bỏ.

Tất nhiên Moran không phải là tên duy nhất tôn thờ O'Banion nên tham gia vào nhóm của hắn, ngoài ra còn có Himie Weiss và Vincent Drucci. Năm 1912, khi cả bọn đang trộm cắp tại một kho hàng thì chỉ Moran bị tóm. Gã lĩnh bản án 2 năm tù và bị tống giam tại nhà giam Joliet State phía Nam Chicago.

Nhà tù Joliet đúng là địa ngục. Điều kiện sống dơ bẩn, công việc chán ngắt, cai ngục thì hung hãn. Moran cố gắng chịu đựng và sau khi được tha bổng gã nhanh chóng quay về với băng nhóm của mình- nơi mà hắn luôn được chào đón nồng nhiệt. O'Banion đặc biệt quý trọng và đánh giá cao Maron vì gã không khai ra đồng bọn trong vụ đó. Sau đó O'Banion và Hymie tách ra lập băng nhóm riêng, lấy tên là Phía Bắc, dĩ nhiên Moran cũng gia nhập băng nhóm này.

Băng Phía Bắc không hứng thú với những vụ nhỏ nhặt. O'Banion và Hymie muốn kiếm được những món tiền khổng lồ và cố gắng tập trung vào trộm cắp những món hàng đáng giá như đồ lông thú cho nữ giới. Có một cách khác để chúng kiếm tiền nữa là làm "bảo kê" cho các hãng báo chí. Vào thời điểm đó, hai hãng thường thuê những tên côn đồ đe doạ những người bán báo của đối thủ.

O'Banion và nhóm của hắn đi quanh các con phố, tìm kiếm mục tiêu để đe dọa và trừng trị. Đôi lúc chúng còn đốt cháy các sạp báo, hoặc đơn giản chỉ là đe dọa cho đến lúc người bán báo dạo đó sợ chết khiếp. Bất chấp tất cả những điều xấu xa trên, Moran vẫn thấy mình đúng khi chọn tham gia vào nhóm của O'Banion. Moran là kẻ rất nóng tính, khi hắn ta nổi giận thì hắn ta giống như một ngọn núi lửa phun trào, vì thế gã mới có biệt danh "Bugs"- theo nghĩa đường phố là "Khùng".

Ban đầu Moran rất ghét biệt danh này và hăm dọa những kẻ nào dám gọi hắn như vậy, nhưng sau đấy người ta kháo nhau rằng hắn rất khoái chí với biệt danh mang lại cho gã sự nổi tiếng đó.

Sự trả thù sặc mùi bạo lực

Moran "Khùng" và O'Banion cùng với Weiss và Drucci thường hay lượn lờ ở quán rượu của McGovern trên phố North Clark. Thậm chí, O'Banion còn làm chân pha chế rượu tại quán rượu đó. Hơn nữa quán rượu của McGovern cũng là nơi lý tưởng để gặp gỡ và thư giãn với bạn bè, trong đó không thể không kể đến các chính trị gia, công nhân viên chức, giám đốc các khu công nghiệp, thẩm phán, doanh nhân, và ông chủ các hiệp hội. Đó là mối quan hệ hết sức quan trọng đối với băng Phía Bắc.

Khi mùa bầu cử diễn ra, O'Banion và đồng bọn được trả tiền để quấy phá các điểm bỏ phiếu bằng mọi thủ đoạn. Cho tới năm 1923, Moran "Khùng" đã trở thành cánh tay phải đắc lực của O'Banion và hầu hết những người có quan hệ với gã đều tỏ ra sợ gã.

Nhờ có lệnh cấm sản xuất, bán rượu mà gã cũng trở nên giàu kếch xù. Điều này góp phần tạo nên cơ hội cho O'Banion và những tay buôn lậu rượu khác kiếm chác nhiều hơn chỉ trong một thời gian ngắn. Luật cấm sản xuất và bán rượu chính là cơ hội để cho hàng nghìn, hoặc ít ra thì cũng hàng trăm tên găng-xtơ lợi dụng kiếm tiền.

Đến lúc này, Moran, O'Banion cùng đồng bọn hoàn toàn thống trị Kilgubbin- nơi mà cánh chính trị gia và cảnh sát đã bị mua chuộc, lãnh địa của chúng cũng không ngừng phát triển kéo theo đó là tiếng nói của chúng cũng có trọng lượng hơn.

Nếu bạn đang đứng trên lãnh địa của băng Phía Bắc thì những quán rượu mà bạn đang ngồi hay những chai Whisky hay chai bia mà bạn đang uống, tất cả đều thuộc sở hữu và cung cấp bởi Moran và đồng bọn. Tuy nhiên, không ai có thể sở hữu toàn bộ Chicago, ngoài Phía Bắc còn có những băng nhóm găng-xtơ khác cai trị các khu vực khác, Johnny Torrio và người bạn cộng tác mới, Al Capone sở hữu khu phía Nam Chicago.

Torrio là một doanh nhân khá tinh ranh, từng sát hại chú mình bởi ông không muốn nhúng tay vào kinh doanh buôn bán rượu lậu. Terrio đã thống trị khu phía Nam và hắn ta như John Kobler miêu tả trong cuốn sách viết về Al Capone: "Trong thời hoàng kim đó, Torrio có thể được xem là tên tội phạm có đầu óc tinh ranh nhất chưa từng được nhắc tới trong các trang truyện trinh thám".--PageBreak--

Cho tới năm 1921, khi nhận ra rằng cách tốt nhất để cho tất cả những kẻ đang hoạt động trong ngành buôn bán rượu lậu có thể kiếm tiền đó là phân chia lãnh thổ riêng biệt, Torrio đã tổ chức một cuộc họp, tại đó các phần lãnh thổ được phân chia rõ ràng và các băng nhóm đều nhất trí thông qua cách phân chia.

Tuy nhiên, cho dù chúng có cố gắng mấy đi nữa để giữ gìn sự ổn định thì nền hoà bình cũng khó có thể tồn tại lâu dài. Một số băng nhóm đã xâm phạm vào lãnh thổ của bên kia. Moran luôn cho rằng nếu hàng hoá của bên Phía Bắc bị cướp bóc thì chắc chắn kẻ gây án sẽ là Johnny Torrio.

Moran và O'Banion đều có chung sự căm phẫn với Al Capone. Moran luôn đổ mọi tội lỗi lên đầu Torrio mỗi khi Phía Bắc có vấn đề gì và gọi hắn với đủ biệt danh như "Tên To Béo" hay "Mặt Sẹo". Để trả thù lại O'Banion đã sắp đặt cho ông chủ của Capone rơi vào bẫy.

Tháng 5/1924, O'Banion báo cho Capone rằng sắp tới gã sẽ không kinh doanh nhà máy bia và có nhã ý mời Torrio mua lại cổ phần tại nhà máy bia Siebens với số tiền là 500.000 đô la. Không chần chừ, Torrio đồng ý. Ngày 19/5, O'Banion mời Torrio tới nhà máy Siebens để ký kết hợp đồng. Tuy nhiên Dean O'Banion không hề cho Torrio biết rằng vào ngày hôm đó cảnh sát đã lên kế hoạch khám xét nhà máy bia Siebens.

Khi Torrio vừa tới, gã bị bắt ngay vì đây là lần thứ hai gã phạm tội liên quan đến rượu lậu nên bị lĩnh án 9 tháng tù giam. Còn O'Banion đương nhiên là thoát tội và chỉ phải nộp một khoản tiền nhỏ. Sự trả thù trắng trợn này và nhiều lần khác đã tạo nên hàng loạt các sự kiện kinh hoàng khác.

Ngày 10/11/1924, O'Banion bị ba tay súng lạ mặt bắn chết khi gã đang làm việc tại cửa hàng hoa mà gã yêu thích. Lễ tang của gã là một trong những lễ tang lớn nhất từ trước đến giờ mà giới xã hội đen từng chứng kiến. Hàng nghìn người xếp hàng dài trên phố chứng kiến lễ tang và vợ gã trông thật đau khổ. Trong số những người đó không thể không nhắc tới những bạn thân của O'Banion và một nhân vật quan trọng đó là Moran.

Khi O'Banion không còn nữa thì bộ ba đã tuyên bố trên một tờ báo lớn rằng họ sẽ tiếp tục sự nghiệp của O'Banion. Họ đã kí kết các điều khoản "Thủ lĩnh của Ủy ban". Một người bạn thân khác, Louis Alterie cũng tuyên bố tuyên chiến với kẻ đã giết O'Banion.

Buổi tối ngày 22/1/1925, khi cả Chicago đang bị bao phủ bởi lớp tuyết dày mấy inch, một chiếc Sedan màu đen từ từ dừng lại trước cửa nhà hàng trên phố State, người bước ra khỏi xe không ai khác đó là Capone. Capone vừa tiến tới cửa thì ba người đàn ông là Moran, Hymie Weiss và Drucci cũng bước ra khỏi xe của họ. Mỗi người tự động tiến tới xe của Capone, đập phá xe và tấn công tài xế. Do không ngồi ở trong xe nên Capone không hề bị xây xước nhưng pha chết hụt lần này khiến cho gã cũng phải suy nghĩ đắn đo.

Giữa tháng 1, Johnny Torrio quay lại Chicago. Ngày 24/1, khi gã cùng vợ đi chợ về thì có hai tay súng đang chờ gã là Moran và Hymie. Hymie nổ súng trước làm Torrio bị thương ở ngực và xương hàm, tiếp sau đó Moran xuất hiện và xử lý gã. Người ta cho hay khi hấp hối dường như gã có lẩm bẩm: "Bắn chết ta đi, chúc mừng Deanie", cho dù có thể đó chỉ là bịa đặt.

Tuy nhiên, chuyện gì xảy ra tiếp theo thì không ai biết rõ ràng được, Moran tháo hộp đạn và thấy nó trống trơn. Họ cứ bắn mà không biết súng không hề có đạn rồi sau đó bỏ chạy mà không biết nạn nhân ra sao.

Torrio được cáng vào bệnh viện và bị tra hỏi để nhận diện hai kẻ đã tấn công gã. Nhưng Torrio không hề khai gì. Thay vào đó là một nhân chứng đã nhận ra kẻ tấn công gã. Và khi được cho nhìn tấm ảnh bên quan tài của O'Banion, nhân chứng này đã chỉ ngay vào Moran là người đầu tiên bắn Torrio. Anh ta vẫn một mực khẳng định sự nhận dạng của mình khi cảnh sát đưa đến gặp trực tiếp Moran và nói: "Anh chính là kẻ sát nhân".

Moran được tại ngoại ngay sau khi nộp tiền bảo lãnh. Sau khi phục hồi trong viện, Johnny Torrio bị đưa tới nhà tù Lake County để lãnh bản án 9 tháng tù giam cho vụ nhà máy bia Siebens. Sau khi ra tù, hắn tự thưởng cho mình chuyến đi nghỉ châu Âu, để mặc Al Capone một mình một vương quốc. Cuộc chiến bắt đầu bùng nổ.

Khi các đồng minh lần lượt ra đi

Al Capone khơi mào trước, ngày 13/6/1925, khi đang ngồi trên xe tại góc phố Sangamon cà Congress, một chiếc Limousine đen lướt qua và tấn công chúng. Bị thương nặng, bọn chúng tìm cách thoát khỏi xe và cố lê đến bệnh viện gần đó điều trị trong vài tuần.

Danh sách bị tấn công tiếp theo là Weiss và Drucci- từng bị tấn công hai lần trong năm 1926 và đều may mắn thoát chết. Tuy nhiên, cuộc đấu súng cuối cùng lại diễn ra tại thị trấn Cicero- vùng ngoại ô nơi Torrio và Capone ẩn náu vào ngày 20/9/1926.

Theo lời khai của một số nhân chứng thì vào buổi chiều muộn hôm đó, Al Capone đang ăn tối tại khách sạn thì một đoàn gồm 6 xe chạy đến phố 22, nòng súng liên thanh chĩa vào cửa sổ che rèm. Tuy nhiên, mặc cho hàng loạt phát súng liên hồi, Capone vẫn không hề bị trầy xước gì.

Theo lẽ thường hắn ta ắt phải tức điên trước những điều vừa xảy ra vì đó được xem như là sự sỉ nhục khả năng lãnh đạo của hắn. Trong đầu gã luôn hiện lên hai cái tên đứng sau vụ này đó là Moran và Weiss. Không chỉ mình Capone nghĩ vậy, một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng vụ việc đó chắc chắn do băng nhóm của Moran gây ra.

Tuy nhiên, sau hàng loạt những vụ bạo lực tấn công trả đũa nhau, Capone thấy mệt mỏi, cuộc họp đình chiến ắt sẽ xảy ra. Ngày 4/10 tại trung tâm Chicago, gã cử đại diện là Tony Lombardo đến nói chuyện với Hymie Weiss và lên kế hoạch một vụ làm ăn.

Weiss vẫn còn căm phẫn về vụ sát hại O'Banion nên gã yêu cầu Capone phải giao nộp hai kẻ mà Weiss và Maron tin rằng là thủ phạm bắn chết Dean, John Scalise và Albert Anselmi. Nhưng khi Lambardo truyền đạt những lời đó đến Capone thì gã thề rằng sẽ không bao giờ giao nạp hai gã đó. Một lần nữa chiến tranh lại bùng nổ và một tuần sau khi Capone từ chối lời yêu cầu của Weiss, Weiss đã bị sát hại.--PageBreak--

Ngày 11/10/1926, Weiss vừa dự phiên toà xét xử Joe, kẻ mà Weiss đang cố mồi chài để moi móc thông tin trở về. Gã bước vào văn phòng của băng Phía Bắc trên cửa hàng hoa của Dean O'Banion trước kia trên phố State mà không hề phát hiện ra bên kia đường có hai tay súng đang theo dõi gã. Bỗng nhiên cửa sổ nhà Weiss vỡ tan, mảnh kính và đạn bay khắp nơi và chỉ trong chốc lát Weiss đã nằm sõng soài trong vũng máu.

Sự ra đi của một người bạn thân khác, một đối tác kinh doanh là điều chẳng mấy tốt lành cho Moran và băng Phía Bắc. Chẳng khó khăn để tiếp tục đối đầu với Capone, song đó chỉ là cảm nhận mà thôi. Vị luật sư thông minh được biết đến như là một người bạn thân khác của Moran đã khuyên Moran nên giữ hoà khí với Al Capone.

Không lâu sau lời đề nghị đó được đưa ra, một cuộc họp đã tiến hành tại khách sạn Sherman. Tất cả thủ lĩnh của nhóm găng-xtơ tại Chicago đều tham dự đông đủ. Một lẫn nữa, hiệp định có lợi cho tất cả các nhóm được thông qua. Tuy nhiên giống như hiệp định hoà bình trước đây được khởi xướng bởi Johnny Torrio, thoả hiệp lần này cũng không kéo dài lâu. Vào tháng 4/1927, Vinnie Drucci bị một cảnh sát giết chết.

George Moran lúc bấy giờ đã mất hết những người bạn thân tín và cho dù gã thống trị Phía Bắc nhưng chắc chắn phải thấy rất cô đơn. Capone vẫn là cái gai nhọn trong mắt nhóm Moran, và không ngừng tấn công Phía Bắc. Cuối cùng Moran đã liên kết với Terry Druggan người Ireland, trước đây thuộc băng Phía Tây nhưng có mối bất hoà với Capone. Moran còn liên kết với tên buôn rượu lậu khét tiếng Ted Newberr và một số tay súng khác như Jake Zuta…

Cửa hàng hoa nơi gã mất đi hai người bạn chí cốt cũng không còn an toàn nữa, gã quyết định rời địa điểm văn phòng bởi tất cả mọi người đều có thể biết gã ở đâu, tên cửa hàng hoa được nhắc tới không chỉ trên báo chí mà còn trên toàn quốc. Moran chuyển mọi hoạt động sang số 127, Bắc Dearborn, trung tâm quận Loop. Gã cũng đã tiến hành một số công việc kinh doanh tại phố North Clark, Kilgubbin.

Cùng thời điểm đó Moran cũng dần dần thúc đẩy các hoạt động nhằm thao túng công việc kinh doanh của Al Capone. Dưới sự quản lý của Moran, băng Phía Bắc vẫn được xem là một trong những kẻ thù nguy hiểm đối với các băng nhóm khác như thời của O'Banion, Weiss và Drucci. Trên đường cao tốc Chicago, chúng đã tấn công chiếc xe tải chở rượu vừa được nhóm Purple chuyển giao cho Capone và chiếc thuyền chở rượu từ Canada vừa cập bến để chuyển giao toàn bộ số hàng hoá là rượu Whisky cho Capone.

Cùng thời gian đó, Moran cũng bắt đầu thay đổi hình ảnh của mình, gã thường mặc bộ comple sọc nhỏ và đội chiếc mũ phớt đi làm. Không chỉ thế, ngay trước khi đảm nhận vai trò quản lý băng Phía Bắc, gã kết hôn với một ca sĩ quán bar, có nghệ danh là Alice Roberts. Mang dòng máu Sioux và Ấn Độ, Alice hoàn toàn chinh phục Moran và chuyển đến ở cùng Moran trong một căn hộ hạng sang tại đại lộ Belden. Sau đó họ chuyển đến một căn phòng tại khách sạn Parkway cách ga ra Cartage chỉ vài bước chân.

Nếu đời sống cá nhân của Moran màu hồng bao nhiêu thì công việc làm ăn kinh doanh của gã sóng gió bấy nhiêu. Al Capone vẫn là kẻ thù không đội trời chung của gã. Để tồn tại được, gã không còn cách nào khác là làm bạn cùng nhóm mafia để có thể tránh khỏi sự trả thù của các đối thủ.

Lời đề nghị cuối cùng

Vào ngày 14/2/1929, tại khu vực Chicago, tuyết rơi nặng hạt, do thời tiết khắc nghiệt nên tắc đường xảy ra ở một số khu vực. Đó là một ngày mùa đông đáng sợ ở Chicago. Tuy nhiên, vào đêm trước hôm đó, một chuyện dường như không mấy đặc biệt đã xảy ra.

Khi Moran đang ngồi ở văn phòng thì có một cú điện thoại mời chào Moran mua một xe tải rượu Whisky vừa được vận chuyển từ Detroit về với giá thấp nhất là 57 đô la một thùng. Đó là lời đề nghị khó có thể từ chối. Moran đề nghị vận chuyển số hàng trên tới sân kho tại Cartage Co để tay chân của gã dỡ hàng xuống.

Sáng 14/2, tất cả mọi người đều có mặt tại địa điểm đúng hẹn, ngoại trừ Moran. Trong khi đó cùng với một đối tác kinh doanh khác là Ted Newberry, Moran vội vã rời căn phòng gã đang ở cùng với vợ tại khách sạn Parkway đi thẳng về phía ga ra. Trong lúc đó, một chiếc Cadilac dừng lại phía ngoài toà nhà Cartage, một vài người bước ra khỏi chiếc xe, trong số đó có người mặc đồng phục cảnh sát. Bọn họ đi vào trong nơi sáu tên thân cận của Moran đang chờ.

Trong lúc đó, Al Capone bay đến Florida để nghỉ ngơi nhằm tìm kiếm cho mình cái cớ vắng mặt đề phòng chẳng may cảnh sát có sờ gáy gã. Gã giao nhiệm vụ cho tên trợ lý thân tín Jack McGurn lên kế hoạch từ đầu đến phút chót. Tuy nhien, McGurn không lường trước được rằng Moran có thể tới muộn. Vào thời điểm Moran tới thì tay sai McGurn đã vào trong gara.

Moran biết chính Al Capone là người phải chịu trách nhiệm cho sự việc trên. Tới giữa năm 1930, Moran quyết định rời nhóm đi khỏi Chicago. Ban đầu gã tới Wisconsin, sau đó là Minnesota. Cuộc hôn nhân với Alice đổ vỡ và gã cũng chẳng còn giàu như trước nữa. Moran quyết định tìm tới Illinois để tìm kiếm cơ hội.

Cùng với băng nhóm trong vùng hắn bắt đầu cướp nhà băng và các trạm xăng dầu. Cuối cùng vào năm 1946, Moran bị FBI tóm cổ. Gã bị kết án 10 năm tù về tội cướp nhà băng và bị tống giam. Sau khi được ra trại thì gã lại phạm tội và kết án thêm 10 năm nữa.

Trong những năm cuối cùng tại nhà giam, Moran được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Ngày 25/2/1957, gã qua đời. Giáo sĩ công giáo của nhà tù ghi lại như sau: "George Moran có một cái chết nhẹ nhàng và đã được cử hành theo nghi lễ của nhà thờ Thiên chúa giáo trong khi gã vẫn còn tỉnh táo. Nghi lễ này được tiến hành vài ngày trước khi gã chết và gã không phải chịu đựng đau đớn trước khi chết… Tôi tin rằng Chúa đã nhân từ với gã"

Thanh Thùy

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文