Cái kết có hậu của vụ trao nhầm con hơn 4 thập kỷ

19:54 24/10/2017
Bất ngờ một ngày tháng 6-2016, chị Y. tìm đến nhà bà Hạnh. Vừa nhìn thấy chị, bà Hạnh đã khóc oà vì thấy chị rất giống bà và người con gái lớn. Chị Y. cũng ôm bà Hạnh, gọi “mẹ” rồi khóc như mưa.


Hơn một năm trước, vào ngày 17-3-2016, cơ quan Công an đã thông báo người có khả năng bị trao nhầm với chị Tạ Thị Thu Trang (con gái bà Nguyễn Thị Mai Hạnh ở 75 Quán Thánh, Hà Nội) không đồng ý gặp mặt, cũng như không làm xét nghiệm ADN, nên Công an sẽ dừng kế hoạch tìm kiếm. Ngay sau đó, gia đình chị Trang cũng đành quyết định dừng cuộc tìm kiếm. Khi đó, không ai nghĩ rằng, rồi khát khao cháy bỏng của bà Hạnh lại trở thành sự thật, chỉ 2 tháng sau đó.

Tôi biết, quyết định dừng cuộc tìm kiếm là rất khó khăn với cả bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Trang, bởi nhiều ngày liền, họ đều vô cùng hy vọng về một cuộc đoàn tụ của tình ruột thịt. Nhiều lần trò chuyện với chị Trang, đều thấy nước mắt chị không ngừng tuôn bởi những éo le của đời mình. Nhưng trong hoàn cảnh chỉ một bên mong mỏi, một bên không hợp tác, thì cuộc tìm kiếm sẽ trở nên trớ trêu vô cùng.

Khi ấy, rất nhiều người đã tuyệt vọng hộ gia đình bà Hạnh, bởi trái ngược với sự mong mỏi đoàn tụ đến cháy lòng của bà Hạnh và chị Trang, sự giúp đỡ nhiệt tình của báo chí, của chính quyền, của lực lượng Công an, những người được đi tìm vẫn hoàn toàn im lặng.

Có thể nhắc lại một chút câu chuyện tìm con đầy nước mắt của gia đình bà Hạnh. Sau khi thử ADN và biết chắc cô con gái mà mình đã nuôi nấng mấy chục năm qua không phải là con đẻ, bà Hạnh đã gửi đơn đi nhiều cơ quan chức năng để đề nghị giúp đỡ. 

Bà Hạnh và mẹ con chị Trang

Theo bà Hạnh, ngày 10-10-1974, bà sinh một bé gái ở nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội. “Các cháu bé đều được đánh cùng số vào chân theo số của mẹ. Nhưng khi nhận con cho bú lần đầu tiên, tôi đã phát hiện chân con tôi lại là số 32. Tôi nói là không phải con tôi, nhưng các chị hộ sinh đã đi tìm và không có cháu nào số 33. Hộ lý trả lời là do tắm nên số bị mờ đi và khẳng định cháu mang số 32 là con tôi, nhưng tôi vẫn linh cảm cháu không phải là con tôi, có lẽ do những người đẻ trước tôi đã nhận nhầm và đã ra viện, nên mới không tìm thấy số 33. Lúc đó, tôi mới ngoài 20 tuổi, cũng chẳng nghĩ được nhiều...” – Bà Hạnh trình bày trong nước mắt.

Từng bế Trang đến nhà hộ sinh để tìm lại em bé số 33, nhưng bà Hạnh cũng không đủ chứng cớ để chứng minh rằng Trang không phải là con đẻ của mình. Dù hy vọng không có sự nhầm lẫn, nhưng linh cảm của người mẹ khiến bà vẫn cảm thấy bé Trang không phải con đẻ, dù bà vẫn rất yêu thương chăm bẵm. Càng lớn, Trang càng có sự khác biệt với mọi người trong gia đình, thì nghi ngờ càng dày lên trong lòng bà Hạnh và bà càng khao khát tìm lại đứa con ruột đã thất lạc.  

Tháng 3-2016, khi báo chí và lực lượng Công an vào cuộc, mọi người đều đinh ninh cuộc đoàn tụ của gia đình bà Hạnh chỉ còn trong gang tấc. Ngoài việc sàng lọc, xác định danh sách những phụ nữ đã sinh tại nhà hộ sinh Ba Đình ngày 10-10-1974, Công an quận Ba Đình còn xác minh, cung cấp thông tin, địa chỉ hiện nay của họ. 

Danh sách 7 bé gái sinh ngày 10-10-1974 còn lưu tại Phòng Tư pháp quận Ba Đình cùng tên tuổi các ông bố bà mẹ được cung cấp cho gia đình chị Trang. Tất cả những người này đều vẫn ở ngay Hà Nội với bán kính vài km, nên “người được đi tìm” hẳn phải biết đến cuộc tìm con đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Bà Hạnh và mẹ con chị Trang

Bên cạnh đó, gia đình chị Trang cũng có thông tin riêng nên đã xác định được trong số những người sinh cùng ngày 10-10-1974 ở nhà hộ sinh Ba Đình, chị Y. đang làm nghề kinh doanh tại phố Huế có hình dáng khá giống những người trong gia đình bà Hạnh. Chỉ có điều, chị lại chưa sẵn sàng hợp tác. Chị từ chối gặp mặt gia đình bà Hạnh và làm ADN để xác định huyết thống, đồng thời, chị mua nhà ở Đà Nẵng để mời bố mẹ vào đó nghỉ ngơi.

Nhưng sau khi gia đình bà Hạnh tuyên bố ngừng tìm kiếm được 2 tháng thì bất ngờ một ngày tháng 6-2016, chị Y. tìm đến nhà bà Hạnh. Vừa nhìn thấy chị, bà Hạnh đã khóc oà vì thấy chị rất giống bà và người con gái lớn. Chị Y. cũng ôm bà Hạnh, gọi “mẹ” rồi khóc như mưa.

Chắc hẳn, chị Y đã phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng rất lớn trước khi tìm đến với mẹ. Bởi ngay khi câu chuyện tìm con được đăng tải rộng rãi, những bức ảnh về gia đình bà Hạnh đầy trên mặt báo, có thể chị đã phần nào thấy mình có sự giống nhau với những người trong gia đình bà Hạnh. Hẳn chị cũng không thể thờ ơ khi biết mình chính là một trong 10 bé gái đã sinh vào ngày 10-10-1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, nên đã tự tìm hiểu và linh cảm rằng mình chính là “nhân vật bí ẩn” mà mọi người đang đi tìm. Nhưng có thể chị sợ sự thật, sợ cuộc sống đang yên ổn bị đảo lộn khi tình cảm của cha mẹ mà chị vô cùng yêu thương giờ lại san sẻ cho người khác. Cũng có thể chị không muốn bị truyền thông chạm đến đời tư...

Nhưng có lẽ, trong thẳm sâu trái tim người phụ nữ ấy, tình mẫu tử vẫn lớn hơn tất cả những suy nghĩ đầy lý trí, để sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định bước đến với sự thật, để nhận lại mẹ mình, cũng để “trả lại” cha mẹ ruột cho chị Trang. Đó hẳn là lý do để cuộc đoàn tụ có độ lùi 2 tháng …

Hóa ra, ngày nhỏ, chị Y. và chị Trang từng học một trường. Gia đình họ cũng ở gần nhau.

Khi biết cha mẹ ruột đang sống ở Đà Nẵng, chị Trang lập tức bay vào. Cuộc đoàn viên giữa cha mẹ đẻ và người con ruột sau 42 năm xa cách cũng đầy nước mắt, khiến chị ngỡ mình trong một giấc chiêm bao… Nhất là giờ đây, chị đã có 2 người mẹ, 2 người cha và những người anh em ruột rà khác nữa…

Còn bà Hạnh, khỏi nói được niềm hạnh phúc của bà khi tìm lại đứa con mà bà đã kiên trì tìm kiếm mấy chục năm qua, nhất là khi cuộc sống của chị Y. không có gì phải phàn nàn.  

Nhưng, cho dù đã tìm lại được cha mẹ đẻ, chị Trang vẫn khẳng định tình mẫu tử của chị với bà Hạnh không thay đổi. Dĩ nhiên, với bà Hạnh, chị Trang vẫn mãi là đứa con bé bỏng, rứt ruột yêu thương của bà…

Thanh Hằng

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文