Chàng trai tí hon đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng cứu người

08:53 26/05/2016
Chứng kiến người bạn thân mất đi trong tuyệt vọng vì không tìm được người hiến thận, Trần Nguyễn An Khương (quê Cà Mau) đã rất đau khổ. Sau khi người bạn qua đời, Khương đã đi đăng ký hiến toàn bộ tạng nếu chẳng may mình bị chết não và xin hiến một quả thận, một phần lá gan khi đang sống. Nghĩ rằng nếu chỉ mình mình làm việc đó chẳng khác nào muối bỏ biển nên chàng trai tí hon này đã quyết định đạp xe xuyên Việt, hành trình từ Cà Mau ra Hà Nội để vận động cộng đồng chung tay hiến tạng cứu người…


Đăng ký hiến tạng sau cái chết của bạn thân

Gọi Khương là chàng trai tí hon bởi người thanh niên này cao chưa đầy 1m50, nặng 37kg. Không chỉ nhỏ bé mà Khương còn mang trong mình bệnh thấp khớp và vẹo cột sống.

Năm 2013, người bạn thân của Khương quê ở Đà Nẵng phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối. Từ thời điểm phát hiện ra bệnh tới khi người bạn trút hơi thở cuối cùng chỉ vỏn vẹn có hai tháng. Trong hai tháng ấy, Khương thường xuyên lui tới bệnh viện chăm sóc bạn. Khương nhớ lại: "Hồi mới bệnh, bạn mình rất hy vọng điều kỳ diệu xảy ra. Bạn ấy chờ đợi một ai đó tốt bụng sẽ chấp nhận hiến một quả thận để cứu sống bạn ấy. Nhưng rồi cuối cùng bạn mình đã phải ra đi trong tuyệt vọng.

Thực sự, hồi đó mình không hiểu nhiều về chuyện hiến tạng nên nghĩ nó quá nguy hiểm. Thậm chí mình còn nghĩ biết đâu nếu cho đi mình sẽ chết thì sao". Thế nhưng, sau cái chết của người bạn thân, Khương đã đọc rất nhiều tài liệu về việc cho nhận tạng và hiểu rằng, cho đi một phần mô tạng ngay cả khi đang sống sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, mà hơn nữa lại có thể cứu sống được một mạng người. Nhưng khi Khương hiểu ra thì đã không còn cơ hội để cứu sống bạn.

Tháng 4-2013, chàng trai 28 tuổi đã quyết định đến Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh hiến xác. Tháng 9-2015, Khương lại tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để đăng ký hiến đa tạng sau khi chết não với mong muốn sau khi mình chết vẫn có thể cứu sống được ít nhất 7 người khác.

Và đúng ngày sinh nhật Bác, 19-5, chàng trai trẻ này đã đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thuộc Bệnh viện Việt - Đức để đăng ký hiến một quả thận và một phần lá gan ngay khi đang sống.

Khương chia sẻ: "Khi biết mình có ý định hiến xác và hiến tạng, ba mẹ mình đã rất sốc. Mẹ mình đã khóc rất nhiều, còn ba lặng im không nói. Nhưng sau khi nghe mình giải thích, thuyết phục thì ba mẹ đã hiểu ra và chấp nhận. Thậm chí, còn bảo sau này mẹ chết đi cũng muốn được hiến xác cho y học. Thực sự, khi thấy có thể đả thông được tư tưởng của ba mẹ mình vui lắm".

Ngay sau khi thuyết phục được ba mẹ, chàng thanh niên này đã lên ý tưởng sẽ đạp xe xuyên Việt để thuyết phục thêm nhiều người khác nữa. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Khương đã phải làm việc rất vất vả lấy tiền tích lũy cho chuyến đi.

Chụp ảnh lưu niệm tại Thừa Thiên - Huế.

Đầu tiên, Khương sắm cho mình chiếc xe đạp với trị giá 2,3 triệu đồng còn lại 5 triệu Khương dành làm lộ phí. Hành trang cho cả một chuyến đi dài của chàng trai tí hon này rất giản đơn: Một chiếc xe đạp, vài bộ quần áo, một chiếc bếp cồn mini để nấu mì tôm, nấu nước, một chiếc túi ngủ, một cái lều bạt. Hai bên sườn xe là hai chiếc túi bạt vuông vắn. Trên mỗi túi đều in những dòng chữ mang thông điệp kêu gọi cộng đồng "Chung tay vì sự sống", "Cho đi là còn mãi", "Bạn có biết bạn có thể cứu được 7 người khi bạn ra đi".

Hành trình gian nan "Chung tay vì sự sống"

Ngày 12-4, chàng trai quê Cà Mau bắt đầu xuất phát, mở đầu cho một hành trình biết chắc đầy gian khó. "Những ngày đầu đạp xe chưa quen, người mình lúc nào cũng như sắp xỉu. Nhưng cũng chỉ mất khoảng ba ngày thôi sau đó thì đạp khỏe de. Trung bình mỗi ngày mình đạp khoảng 100km. Có những ngày sung sức đạp tới 160km. Trong cả hành trình dài mình chỉ nghỉ có một vài ngày là không đạp thôi. Đó là những lúc cơ thể mình oải quá nên không cố được" - Khương nhớ lại.

Chỉ với 5 triệu đồng mang theo, chàng trai tí hon này đã phải ăn uống rất tiết kiệm. Khương kể: "Bữa sáng và bữa tối mình chỉ ăn qua loa thôi, có khi chỉ là vài cái bánh qui mang theo. Đi như vậy mình có nhu cầu uống nước nhiều hơn ăn. Bữa chính duy nhất trong ngày là bữa trưa. Bữa đó thì kiểu gì cũng phải ăn cơm để còn duy trì sức khỏe".

Hỏi Khương, cứ rong ruổi đạp xe như vậy thì vận động mọi người bằng cách nào, chàng thanh niên này cười đáp: "Có chứ, mình chỉ cần đi trên đường và cho mọi người nhìn thấy những pano trên xe cũng là một cách kêu gọi, vận động rồi. Ngoài ra, mình thường chọn nghỉ ở những quán nước ven đường, những nơi mọi người tụ tập đông. Đôi khi nhiều người thấy mình "dị" nên đã chủ động hỏi chuyện, cũng có khi mình chủ động trò chuyện với mọi người.

Hành trang giản đơn cho một chặng đường dài.
Thông điệp “cho đi là còn mãi”.

Mỗi dịp như vậy mình đều nói về tác dụng của việc hiến tạng, trước tiên nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người cho mà lại cứu được mạng sống của người may mắn được nhận. Nhiều người nghe mình nói vậy đã hứa sẽ suy nghĩ về vấn đề này. Ngoài ra, mình còn in sẵn những tài liệu liên quan đến hiến mô tạng, nếu ai thực sự quan tâm mình sẽ tặng họ luôn".

Hành trình cho một ngày đạp xe của Khương thường bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc lúc khoảng 6h chiều. Việc ăn ngủ buổi đêm của chàng trai tí hon này cũng rất đơn giản. Khương thường xin dựng lều ở những cây xăng hoặc những quán nước bán muộn, giặt giũ thì phơi luôn trên xe.

Nói về cuộc hành trình dài hơn 2.000km ấy, Khương tâm sự: "Có những lúc mình cũng muốn bỏ cuộc lắm vì sức có hạn. Lộ trình thì không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều cung đường đồi núi lên xuống rất vất vả như đoạn từ Con Cuông (Nghệ An) tới cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh, từ đó tới Nghi Xuân (Hà Tĩnh đường rất khó đi. Lúc ấy mình chỉ muốn quay về thôi nhưng cứ nghĩ biết đâu trong đoạn đường sắp tới nếu cố gắng mình sẽ thuyết phục được ai đó đồng ý hiến tạng thì sao. Chính ý nghĩ ấy đã giúp mình có thêm động lực để quyết tâm đi tới điểm cuối cùng của cuộc hành trình".

Ngày 19-5, Trần Nguyễn An Khương đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội, đó cũng là điểm cuối cùng trong chuyến đi xuyên Việt để kêu gọi, vận động "hiến tạng cứu người". 38 ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp, bất kể nắng cháy da hay mưa rát mặt, chàng trai tí hon đã vượt đoạn đường dài hơn 2.000km để mong làm được việc gì giúp ích cho đời.

Trò chuyện với Khương tại một quán cà phê ở Hà Nội, Khương nói sẽ bắt xe vào Đà Nẵng để kịp tham gia buổi bán đấu giá chiếc xe đạp của mình. Số tiền bán được từ chiếc xe ấy sẽ dùng để quyên góp cho các bệnh nhi bị mắc bệnh ung thư. Càng trò chuyện, tôi càng cảm phục chàng trai có thân hình tí hon nhưng hành động lại quá lớn lao. Khương tâm sự: "Chuyến đi đầu tiên này mình không tham vọng sẽ có ai đó đồng ý hiến tạng ngay nhưng ít nhất thì họ cũng có cái nhìn đúng đắn và cởi mở về việc này. Phải thay đổi tư duy trước thì mới mong họ có hành động đúng".

Phó Giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết: "Tôi sẽ bỏ tiền túi của mình để làm xét nghiệm cho Khương. Hành động dám hiến một phần cơ thể của Khương là rất đáng ghi nhận còn việc có tiếp nhận được hay không còn phụ thuộc vào yếu tố sức khỏe của Khương. Hiện nay, có hàng nghìn bệnh nhân đang chờ đợi được ghép tạng, có nhiều người đã không thể đợi được vì không có đủ tạng để hiến. Việc ghép tạng có ý nghĩa thế nào thì cả thế giới biết, ai cũng nói nhưng không phải ai cũng làm được như Khương. Mỗi ngày ở Bệnh viện Việt Đức trung bình có 2 người chết não, nhưng mỗi năm không có tới 1% trong số này đăng ký hiến tạng".
Phong Anh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文