Chuyện tình đẹp như mơ của cô gái liệt hai chân

07:58 28/12/2017
Phải ngồi xe lăn suốt 18 năm sau một tai nạn giao thông, Thảo Phương tự mình lên TP Hồ Chí Minh học nghề, Cô được một chàng trai lành lặn kém tới 4 tuổi yêu đơn phương suốt 7 năm với 4 lần tỏ tình thất bại.


17 tuổi mang ước mơ vỡ vụn bước vào hành trình đau khổ với những ca phẫu thuật cột sống đầy tuyệt vọng, cô nữ sinh lớp 11 Dương Đình Thảo Phương (quê ở Châu Đốc, An Giang) phải ngồi xe lăn suốt 18 năm sau một tai nạn giao thông. 

Bỏ lại sau lưng bao lời châm chọc, Thảo Phương tự mình lên TP Hồ Chí Minh học nghề, trở thành một nữ thiết kế đồ họa. Nhưng điều khiến chúng tôi hiếu kỳ chính là câu chuyện tình đẹp như mơ của cô gái này. 

Cô được một chàng trai lành lặn kém tới 4 tuổi yêu đơn phương suốt 7 năm với 4 lần tỏ tình thất bại. Cách đây 4 năm, họ kết hôn nhưng phải tới 2 năm sau, tình yêu của cô gái dành cho chồng mới nảy nở.

Ngã rẽ bi thương

Gặp vợ chồng Dương Đình Thảo Phương khi họ ra Hà Nội dự hội thảo, nhìn  cảnh quấn quýt của họ, ánh mắt âu yếm của anh Trần Minh Trí khi nhìn vợ, tôi thầm thấy vui mừng cho hạnh phúc muộn này. Có lẽ, với cô gái liệt cả hai chân, 18 năm gắn bó với chiếc xe lăn như chị Thảo Phương thì tình yêu dù đến muộn nhưng thật ngọt ngào và để lại nhiều dư vị. 

Chị Phương như trẻ lại 10 năm về trước, là cô gái mới biết yêu, thích được làm nũng người mình yêu dù họ đã cưới nhau tới 4 năm. "Nhưng hai năm nay tôi mới nhận ra là mình yêu anh ấy"- nở nụ cười mãn nguyện, gương mặt ửng hồng nhìn chồng, chị Phương không hề giấu giếm chia sẻ. 

Để có được hạnh phúc tròn đầy như hôm nay, 18 năm qua, chị đã trải qua nhiều khúc cua nghiệt ngã nhất mà cuộc đời đem lại. Ai cũng bảo đây là cặp vợ chồng "đũa lệch" vì anh Trí kém chị Phương 4 tuổi, là người lành lặn khỏe mạnh, nhưng nghe câu chuyện của họ, đặc biệt là thấu hiểu tình yêu đơn phương suốt 7 năm của anh Trí, tôi mới thấm thía câu nói "chỉ có thể là yêu". 

Chỉ có tình yêu mới cho con người ta sự dũng cảm đối mặt với khó khăn, mới hết lòng yêu thương và chăm sóc người con gái của mình, dù người đó có khiếm khuyết.

Chị Phương và anh Trí hiện sống tại phường 12, quận 10 (TP Hồ Chí Minh). Năm nay 35 tuổi, nước da trắng hồng, khuôn mặt thanh thoát, trông chị Phương trẻ hơn so với tuổi. 

Cách đây 18 năm, chị Phương là cô gái hoạt bát, xinh đẹp. Vào một ngày hè năm 17 tuổi, trên đường đi chơi về xe bị nổ lốp, chị té xuống đường và bị xe tải cán vào hai chân. 

Sau nhiều ca phẫu thuật cột sống và ghép da, phép mầu đã không đến. Bị liệt hoàn toàn hai chân do chấn thương cột sống tủy, cuộc đời của cô gái 17 tuổi bắt đầu bước vào một ngã rẽ đen tối.

Hạnh phúc của vợ chồng chị Phương - anh Trí.

Tâm sự với tôi, chị Phương nói rằng ngày đó mình chỉ muốn chết. Từ một người khỏe mạnh, đang ở ngưỡng cửa bước vào tương lai, tai nạn đã khiến chị hoàn toàn suy sụp. Có người nói chị bị tàn phế như thế thì chỉ còn sống bám vào gia đình, cha mẹ mà chết đi thì chị cũng chết theo vì không còn ai lo cho nữa… Có người độc mồm còn nói "tao như mày thì chết đi còn hơn". 

"Nghĩ đau lắm, cha mẹ đã đánh đổi nhiều thứ giành giật sự sống cho mình, sao mình phải hủy hoại chính mình. Nếu mình chết rồi thì chỉ giải thoát cho mình, nhưng lại là nỗi đau cho cha mẹ ở lại. 

Em quyết định mình phải sống, phải sống thật tốt để sau này những người nói mình nhìn lại sẽ thấy xấu hổ"- chị Phương tâm sự với tôi như thế. Chị mang quyết tâm này để phấn đấu trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Chị Phương âm thầm tìm trường học nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của ba mẹ. Ông bảo con đi học chi cho cực khổ, thân thể đã thế này thì ai đi theo con được, học xong thì ai thuê? Đây là thực tế và cũng là nỗi đau lớn nhất của chị. Nhưng tâm hồn khao khát mãnh liệt được tự thân, tự lập, chị không tin ông trời lại tuyệt đường sống của mình đến mức nghiệt ngã đó. 

Sau những ngày đấu tranh tinh thần ghê gớm, chị đã âm thầm nộp hồ sơ đến một trường học tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng hồ sơ này lại bị ba chị ngăn cản. Vì thế việc học tập phải tạm gián đoạn.

Năm 2004, ba mất. Nghĩ tới mai này mẹ già yếu và cũng phải mất đi, quyết tâm đi học lại trỗi dậy mãnh liệt. Mẹ can ngăn nhưng chị vẫn quyết tâm. Vì có phép thử đó mà cuộc đời của chị đã thay đổi như ngày hôm nay. Chị làm thêu tay, bán bảo hiểm xe máy để có tiền đi học. Hai mẹ con lên TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ, mẹ cõng chị lên bậc thang tới lớp. 

Khó khăn cũng đi qua, chị tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào ngành Thiết kế đồ họa, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh. Ký túc xá ở tầng 4, mẹ phải cõng chị mỗi lần lên xuống. Khi trời mưa, mẹ đẩy chị trên đường ngập nửa bánh xe lăn, bà kêu cực quá bảo chị về quê. Nhưng đã đến bước đường này, chị phải tiếp tục cố gắng. 

Được nhiều bạn nữ ở ký túc xá giúp đỡ, đồng hành trong 3 năm học, vì thế mẹ đã an tâm trở lại quê nhà. Ra trường, chị sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD ở TP Hồ Chí Minh và tham gia lớp tập huấn kỹ năng xin việc làm cho người khuyết tật. Nhờ đó chị đã tự tin chứng minh khả năng của mình nên được tuyển dụng vào một doanh nghiệp. 

Chị trở thành nhân viên thiết kế đồ họa không thua kém một nhân viên nào ở công ty. Do công việc không có xe lăn đi lại, chị dùng chiếc ghế xoay văn phòng làm phương tiện di chuyển. Chị tự đi chợ, nấu cơm và sống một mình ở nhà trọ. Con đường lập thân, lập nghiệp của chị cứ như thế đến khi gặp người chồng hiện tại của mình.

Chuyện tình như mơ

Dương Đình Thảo Phương không nghĩ tới mình có một câu chuyện tình như mơ với chàng trai kém 4 tuổi. Từ khi 17 tuổi đến những thăng trầm trên bước đường trưởng thành, chị cũng có những rung động như nhiều cô gái khác. Nhưng chuyện kết hôn với người chồng hiện tại lại là điều mà chị không ngờ đến nhất. 

Trước khi biết đến anh Trần Minh Trí, Thảo Phương là một khán giả trung thành của chuyên mục "Cảm nhận giữa đời thường" trên Đài phát thanh Kiên Giang. 

Chị Phương kể lại: "nhiều bạn gái tâm sự, họ thất vọng và chán nản vì ngoại hình của mình xấu, em nghĩ đến bản thân mình, thấy các bạn đó rất hạnh phúc vì lành lặn. 

Vì thế em đã viết một bài "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" để chia sẻ về cuộc sống của mình và ao ước bản thân chỉ mong có sức khỏe như các bạn để làm việc, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Em không ngờ rằng bài viết này nhận được cảm tình của rất nhiều người, trong đó có ông xã em". 

Tình cờ nghe trên sóng phát thanh bài viết của Phương, độc giả Trần Minh Trí (31 tuổi ở Sóc Trăng) đã viết thư làm quen. Trí bày tỏ sự đồng cảm của mình khi nghe bài viết của Phương và thực sự xúc động khi biết về hoàn cảnh của chị. Thư đi thư lại, có lúc Trí điện thoại an ủi, chia sẻ, tâm sự với người con gái tật nguyền mà theo anh tâm hồn là "tuyệt đẹp, đầy nghị lực".

Tình yêu đến lúc nào không hay, chàng trai nhớ người con gái tật nguyền da diết, lúc nào cũng muốn nghe giọng nói ngọt ngào của chị. Càng nói chuyện với chị, Trí càng yêu nhiều hơn. 7 năm đằng đẵng ôm mối tình đơn phương, dù nhiều lần tỏ tình bị từ chối, nhưng tình yêu trong anh không vì thế mà dừng lại, nó càng lớn mạnh hơn. 

Chia sẻ với tôi về mối tình đơn phương kéo dài suốt 7 năm, anh Trí không một câu cảm thán, chỉ một mực nhìn vợ với ánh mắt nồng đậm tình yêu. Có thể nói chị Phương may mắn cũng đúng khi gặp được một người đàn ông yêu mình sâu đậm như vậy. Nhưng lý do mà chị Phương không chấp nhận lời tỏ tình của anh Trí là bởi chị không yêu anh. 

Thẳng thắn chia sẻ với tôi, chị nói, lần đầu anh Trí tỏ tình, chị đã từ chối thế này: "Trí còn trẻ, lại khỏe mạnh, hơn nữa Phương cũng không có tình cảm với Trí". Các lần sau cũng vậy, bởi vì không yêu nên chị không muốn làm khổ anh, để anh sớm chấm dứt mối tình này mà đi tìm hạnh phúc. 

Nhưng ai biết anh Trí lại say đắm với tình yêu đến vậy, dù chị chối từ nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi, anh tin một ngày chị sẽ mở lòng đón nhận tình cảm của anh.

Vợ chồng chị Phương

Để theo đuổi tình yêu, năm 2012 anh Trí chuyển lên làm công nhân tại quận 11 (TP Hồ Chí Minh). Lần đầu tiên họ gặp nhau cũng là lúc chị Phương muốn cho anh Trí tận mắt thực tế đôi chân bại liệt của mình. 

Chị đã lành lùng cự tuyệt lời tỏ tình. Nhưng chị không tìm thấy sự thất vọng trong mắt anh. Sau này khi đã thành vợ chồng, anh tâm sự, lúc đó ngoài tình yêu, anh còn thương chị vô cùng. Cô gái phải chịu thiệt thòi nhiều như vậy nhưng tâm hồn lại trong sáng, nội tâm sâu sắc, nếu được làm chồng của chị, anh sẽ thật hạnh phúc. 

Anh Trí yêu chị Phương và yêu luôn cả công việc của chị tại DRD, thương cả những người đồng cảnh với chị ở trung tâm. Một chàng trai bình thường lại có thể kiên trì và nhẫn nại làm công việc đẩy xe lăn đưa chị đi siêu thị, dạo phố và sinh hoạt tại DRD. 

Nắng hay mưa anh đều là người luôn đồng hành cùng chị, quãng đường leo trèo khó đi anh bế chị, hỗ trợ các bạn bè khuyết tật như đẩy xe lăn, bế, cõng. Anh làm tất cả công việc này không chỉ bởi bày tỏ tình yêu với chị mà nó như một phần gắn kết không thể thiếu trong cuộc sống của anh. 

Tấm lòng anh đã mở rộng ra với những người khuyết tật khác bằng một sự đồng cảm. Cứ thế, cuộc sống của anh Trí đã hòa nhập vào cuộc sống của người khuyết tật như chị. Đây là điều khiến chị Phương dù chưa yêu anh Trí nhưng lại xúc động sâu sắc.

Chính vì điều này mà chị đã cho tình yêu của anh Trí một cơ hội khi lần thứ tư anh tỏ tình. "Dù cô ấy đồng ý nhưng cũng nói rõ chưa thấy yêu tôi, nhưng lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chờ" - anh Trí cười vui vẻ. 

Một năm sau anh Trí cầu hôn, nghe tin con trai cưới vợ bị liệt hai chân, cha mẹ họ hàng đằng trai phản đối kịch liệt. Mẹ chị Phương cũng ra sức ngăn cản bởi bà không tin có tình yêu như vậy, sợ anh Trí đùa giỡn, ngộ nhận. Điều lạ là chị Phương lại kiên trì nắm tay anh Trí để bảo vệ tình yêu này. Sau nhiều ngày tháng nỗ lực, cuối cùng hai bên gia đình đã chấp nhận. Đám cưới của họ được tổ chức vào tháng 10-2013. Từ sự ngần ngại ban đầu, mẹ chồng chị đã rất yêu thích cô con dâu này.

Nở nụ cười mãn nguyện, chị Phương đỏ mặt nói: "Sau hai năm chung sống, tôi mới nhận ra đã yêu anh ấy, rất yêu". Nghe vợ nói, anh Trí cười âu yếm, suốt buổi nói chuyện với tôi, ánh mắt anh không dời vợ. Có được một tình yêu thấu tận tâm can như vậy, chị Phương "chẳng còn mong gì hơn". 

Chị đã nghỉ việc ở công ty, tự mình mở thiết kế và xử lý đồ họa ở nhà. Để đồng hành cùng vợ, anh Trí đăng ký làm tài xế Dự án "Xe ba bánh hỗ trợ miễn phí cho người khuyết tật" của DRD. Anh luôn sát cánh cùng vợ trong các hoạt động tình nguyện vì người khuyết tật như bán sản phẩm thủ công gây quỹ, hỗ trợ di chuyển các bạn khuyết tật nặng. 

Ngoài ra, anh còn chạy thêm xe ôm Grap bier. Chị Phương vừa là nhân viên quản lý website của công ty Cỏ Nhân Tạo 2B nhận đan khăn, làm chuỗi tràng hạt tại nhà. Chị còn là thành viên nhóm Đột Phá ở DRD, thành viên CLB Phụ nữ khuyết tật, Phó trưởng nhóm Tham vấn đồng cảnh của DRD. 

Hạnh phúc đơn sơ kiếm tìm suốt 7 năm giờ mới có, họ vô cùng trân trọng. Chị Phương bảo, vợ chồng họ đang cố gắng giành thời gian để sớm có đứa con đầu lòng, làm ấm thêm ngôi nhà nhỏ.

Trần Hằng

Cũng bục giảng, phấn trắng, cũng dạy từ các lớp i, tờ, cũng cầm tay đưa những nét chữ đầu tiên nhưng học sinh của họ không phải là những em bé đang độ tuổi đến trường mà là những người từng lầm lỗi. Phạm nhân - có người đến khi vào trại mới được cầm bút viết, có người học xong đại học nhưng cần “sửa chữa tâm hồn”. Thầy, cô giáo trong môi trường đó, chính là những cán bộ Công an – những người “chèo đò” trong môi trường đặc biệt này.

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文