Rớt nước mắt với số phận khốn cùng của cụ ông bát thập và vợ U40

18:05 08/09/2016
Căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm trên đỉnh dốc đường Thanh Sơn, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) là nơi trú ngụ của đôi vợ chồng khiếm thị. Đôi mắt mù lòa bẩm sinh đã khiến cuộc sống của cụ Triệu Văn Sinh (80 tuổi) và bà Hoàng Thị Thanh (40 tuổi) gặp nhiều khó khăn, vất vả. Số phận khốn cùng đã đưa hai người đến với nhau như một duyên số định mệnh và cho đến những năm tháng cuối đời họ vẫn gắn bó với nhau, gửi gắm hi vọng vào những đứa con sẽ có tương lai tươi sáng.


Khi chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng cụ Sinh, từ ngoài ngõ thuộc Tổ 7 phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng đã nghe tiếng đài phát ra bên trong căn nhà được đắp bằng bùn đất nhỏ hẹp. Người đang nằm bên trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp là cụ Triệu Văn Sinh (80 tuổi). Mặc dù kề sát là ngôi nhà tình nghĩa mà phường đã quyên góp xây tặng cho vợ chồng cụ, nhưng cụ lại thích ở một mình trong căn nhà cũ kỹ, bé tẹo để được yên tĩnh.

Vừa bước đến trước cửa, cậu con trai cả đã ra chào chúng tôi đồng thời gọi mẹ ra tiếp khách. Những ngày này trời đổ nhiều mưa khiến mọi nơi trong ngôi nhà tình nghĩa cấp bốn đều bị ướt át, bùn đất dơ bẩn khắp nhà, duy nhất chỉ có hai chiếc giường ngủ còn khô ráo. 

Mặc dù những đứa con của họ đều lành lặn nhưng lại còn nhỏ tuổi, phần vì đã quen với hoàn cảnh nghèo khổ từ nhỏ nên chưa thể đảm đương nổi mọi công việc. Cả nhà 6 nhân khẩu, tất cả chi tiêu sinh hoạt, học hành đều dựa vào 1 triệu 200 nghìn đồng tiền trợ cấp của 3 thành viên trong gia đình được hưởng chế độ chính sách.

Vợ chồng khiếm thị Sinh - Thanh.

Cuộc đời của hai vợ chồng khiếm thị liên tiếp chịu nhiều thiệt thòi, khổ sở. Cả hai đều bị mù khi mắc phải căn bệnh sởi từ hồi còn nhỏ tuổi. Năm 1998, cụ Sinh và bà Thanh gặp nhau khi đi làm tăm tại Hội người mù tỉnh Cao Bằng. Cảm thương số phận của nhau, hai người đã đem lòng yêu thương, quyết định sống chung trong một mái nhà cho dù tuổi tác chênh lệch nhau khá nhiều. Ngay trong năm đó, họ đã lấy nhau nhưng không tổ chức đám cưới bởi cụ Sinh không có họ hàng, người thân nào để nương tựa. Còn bà Thanh chỉ sống với một mẹ già, anh chị em lại mỗi người một xứ.

Sau khi quyết định sống chung với nhau, hai vợ chồng đã sống dưới một túp lều ở Km 2 phường Sông Hiến, hàng ngày ra chùa Đỏ hành nghề ăn xin để sống qua ngày. Bởi lúc đó, cả hai đều chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. 

Cuộc sống của đôi vợ chồng trong những ngày tháng đó như không có một tia sáng hi vọng vào tương lai, nó tối tăm như đôi mắt của họ. Cho đến năm 2002, khi Nhà nước nâng cấp đường, hai vợ chồng mới chuyển lên tổ 27 phường Sông Hiến dựng lều ở tạm. Tuy nhiên, họ vẫn hành nghề ăn xin để kiếm cơm sống qua ngày và nuôi đứa con đầu lòng lúc này đã được hai tháng tuổi.

Sau ngày vợ sinh, đứa con trai đầu lòng đã được cụ Sinh đặt tên là Triệu Quang Đức. Từ khi có thêm thành viên mới trong gia đình, cuộc sống của cụ Sinh, bà Thanh càng trở nên khó khăn gấp bội lần. Thấy hoàn cảnh vợ chồng mù quờ quạng nuôi con vất vả mà vẫn không đủ ăn, nhiều người hàng xóm xung quanh nhiều lần đã góp gạo để cho hai vợ chồng nấu cháo. 

Màn đêm buông xuống trong ngôi nhà tranh vách nứa. Đôi vợ chồng mù ngày cũng như đêm cứ thay nhau ru hát cho con ngủ. Những câu hát ru mang đầy nỗi niềm của hai thân phận mù, có cả nước mắt và tình yêu thương con bao la vô bờ bến.

Bà Thanh và con trai Triệu Quang Đức với ngôi nhà tình nghĩa.

Thời gian trôi đi nhanh chóng, hiện cháu Đức vừa thi vào cấp 3, những đứa con tiếp theo cũng đã học tiểu học, cấp 2. Đối với vợ chồng cụ Sinh, đây chính là niềm an ủi để vợ chồng cụ vươn lên trong cuộc sống. Để chăm lo cho đứa con khôn lớn, nhiều hôm hai vợ chồng phải đi ăn xin, mò mẫm kiếm củi đến sẩm tối mới về nhà.

Năm 2003, UBND phường Sông Hiến đã vận động quyên góp và xây tặng một căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng cụ Sinh. Không lâu sau, gia đình cụ Sinh cũng đã nhận được tiền trợ cấp cho người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn hàng tháng 400 nghìn đồng/người.

Tuy nhiên, chừng ấy tiền không đủ chi tiêu, gia đình cụ Sinh vẫn thường xuyên túng thiếu mặc dù chi tiêu rất tiết kiệm. Và khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn khi cụ Sinh vẫn muốn vợ đẻ. Đến nay, đôi vợ chồng mù đã sinh được bốn đứa con, 3 trai và một gái. Thứ tự lần lượt những đứa con của họ là Triệu Quang Đức (16 tuổi), Triệu Minh Nhật (12 tuổi); Triệu Minh Độ (9 tuổi) và đứa con gái út là Triệu Thị Mai (7 tuồi). Tất cả đều lành lặn, khỏe mạnh và học giỏi.

Bà Thanh cho biết: "Những năm nay, cả gia đình chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp 3 người 1 triệu 200 nghìn đồng, nhưng bằng ấy tiền không đủ để trang trải sinh hoạt vì cả 4 đứa con đều đi học. Trong khi vợ chồng chúng tôi lại bị mù lòa không thể kiếm thêm thu nhập, chồng tôi năm nay đã 80 tuổi bị nặng tai, sức khỏe yếu ớt hiện chỉ nằm trên giường không làm được gì nữa. Đứa con thứ 2 đang học cấp 2 còn đầu lại vừa thi lên cấp 3 nên mất nhiều tiền lắm, không giống như hai đứa con út học cấp 1 thì không phải nộp tiền học phí.

Hiện gia đình chị vẫn bữa đói bữa no, cơm canh đạm bạc sống tồn tại qua ngày thôi, tiết kiệm để lo cho việc học hành của con cái quan trọng hơn. Chúng nó đói khổ chị cũng xót thương lắm, nhưng chị không biết làm gì hơn cả".

Cuộc đời của người đàn ông mù lòa đã chung sống với bà Thanh gần 20 năm nay đã trải qua nhiều đời vợ và những đứa con lưu lạc. Mặc dù bị khiếm thị, tuổi tác đã cao nhưng do có duyên và ăn nói khéo léo nên nhiều phụ nữ đã "xiêu lòng" và chấp nhận đi theo cụ. Tuy nhiên, do đôi mắt bị mù lòa, cuộc đời gắn liền với nghèo khổ nên lần lượt hai bà vợ đã bỏ cụ ra đi và mang theo những đứa con.

Đôi mắt mù lòa khiến bà Thanh làm mọi việc rất khó khăn.
Cụ Sinh rơm rớm nước mắt khi kể về cuộc đời nghèo khổ.

Không có con cái, người thân bên cạnh chăm sóc cụ Sinh phải hành nghề ăn xin để tồn tại từng ngày, sống trong nỗi cô độc, lẻ loi. Cho đến hơn nữa đời người, khi bước vào giữa tuổi lục tuần cụ đã gặp được bà Thanh, một người phụ nữ trẻ cùng cảnh ngộ, cùng chung một thiệt thòi với đôi mắt bị mù lòa. Bất chấp tuổi tác chênh lệch, người đời đàm tiếu, hai số phận ấy đã đến với nhau, dựa dẫm nhau để vượt qua số phận, kiếm tìm tia sáng trong cái thế giới tối tăm đang đeo đẳng họ.

"Từ ngày sống chung với nhau đến giờ, chị và chồng chưa một lần đôi co, cãi vã cho dù áp lực cuộc mưu sinh, khó khăn vất vả luôn vây quanh. Chắc là khổ từ nhỏ quen rồi, nên cũng đồng cảm với nhau. Lúc ông ấy ốm đau thì chị chăm sóc và ngược lại. Giờ các con đã lớn nên cũng đỡ đần được phần nào. 

Chị thương các con lắm nhưng không biết làm thế nào hơn khi cả hai vợ chồng đôi mắt đều không nhìn thấy. Mọi thứ chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp 1 triệu 200 nghìn đồng của hai vợ chồng và đứa con trai đầu cộng lại, thành ra cuộc sống cũng ngày càng khó khăn hơn. Những hôm hết tiền trợ cấp hay nộp học phí, sách vở cho con hoặc bị đau yếu, lại phải nhờ đi mượn tạm gạo hàng xóm, nhiều khi ăn mì tôm qua bữa để tồn tại qua tháng".

Khi kể về cuộc sống hiện tại, cụ Sinh rơm rớm nước mắt: "Mỗi lần đến cuối mùa nhà lại hết ngô, hết thóc đi bán củi cũng không đủ để mua gạo, thức ăn vì người mù làm được bao nhiêu chứ. Trợ cấp của Nhà nước cũng chỉ đỡ phần nào chứ không thể nuôi cả gia đình, việc học hành của con. 

Đêm đông không đủ chăn ấm đắp hai người co ro run cầm cập, nhất là vào lúc trời mưa to nhà bị dột nữa, lúc xê dịch chỗ này lúc lại chuyển qua góc khác để ở, khổ lắm. May mà hàng xóm láng giếng thương quyên góp tặng cho cái nhà cấp 4 chắc chắn để ở che mưa che nắng. Cả hai vợ chồng tôi đều mắt mù lòa, đông con cũng vất vả thật nhưng tôi chỉ muốn vui cửa vui nhà, không thì nhà vắng tanh lắm".       

Chia tay với hai vợ chồng khiếm thị, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi nghĩ về hoàn cảnh của họ. Nhưng cũng rất cảm phục về tình yêu giữa họ dành cho nhau, cùng nhau đối mặt với nghịch cảnh cuộc đời, số phận. Số phận đã định sẵn họ làm kiếp mù lòa, nhưng may mắn lại gắn kết họ với nhau, cùng chăm sóc nhau, nhìn vào những đứa con để có động lực sống tiếp quãng đời còn lại.

Bà Thanh mong muốn nhận được sự giúp đỡ của mọi người để vượt qua những khó khăn, trang trải sinh hoạt gia đình, chăm lo cho 4 đứa con được học hành tử tế. Thông tin nhân vật: Bà Hoàng Thị Thanh, dân tộc Nùng, ở số 096, tổ 27 phường sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). Số điện thoại: 0125 647 1838.

Nông Vĩnh-Quách Phượng

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文