Những câu chuyện xúc động đến nghẹn lòng ở Trại giam Ninh Khánh

09:22 28/08/2017
“Mẹ!”. Tiếng gọi tha thiết khiến trái tim của hàng nghìn người có mặt trong sân khấu của chương trình “Niềm tin và sự hướng thiện” do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp và Trung tâm Điện ảnh, Phát thanh, Truyền hình CAND tổ chức tại Trại giam Ninh Khánh tối 26-8 như nghẹn lại.

Bé gái gần 5 tuổi với gương mặt thánh thiện, xinh như một thiên thần nhỏ cùng ông bà nội đi lên sâu khấu để gặp mẹ mình – phạm nhân Hoàng Thị Lư, hiện đang thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh.

Ôm đứa con gái bé bỏng trên vai, chị Lư khóc. Cả hội trường cũng lặng trong xúc động. Nhiều người lén lấy tay gạt nước mắt tuôn rơi.

Cháu là Nguyễn Thị Hoài Thương, con của hai phạm nhân Hoàng Thị Lư và Nguyễn Quang Hiệp, bị bệnh tim nặng bẩm sinh. Cháu vừa được các bác sĩ Bệnh viện E mổ. Ca mổ thành công như mong đợi của gia đình và những người xung quanh, đặc biệt là với CBCS Trại giam Ninh Khánh.

Ôm chặt đứa con gái bé bỏng trong tay, Hoàng Thị Lư xúc động: “Cả 2 vợ chồng tôi đều phạm tội, không ai chăm sóc cho con, đặc biệt là cháu Thương bị bệnh tim nặng, có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Tôi tưởng mình đã hết hi vọng. May mắn, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh và các cán bộ khi biết hoàn cảnh của tôi đã động viên tôi viết đơn rồi tận tình liên hệ với Bệnh viện E làm hồ sơ mổ tim sớm cho con tôi.

Gia đình tôi không có tiền vì cả hai vợ chồng đều đang ở trại, bố mẹ hai bên già yếu, nhưng các cán bộ đã bảo lãnh cho con tôi được mổ tim, đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Bình hỗ trợ.

Mặc dù chưa đủ chi phí mổ tim cho con, nhưng các bác sĩ Bệnh viện E vẫn mổ cho cháu. Tôi không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn các cán bộ Trại giam Ninh Khánh, cảm ơn các bác sĩ và tất cả mọi người...”. Nói rồi, chị Lư lại gạt nước mắt.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Phạm nhân Hoàng Thị Lư đang thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh về tội giết người. Vì một khoản nợ do bảo lãnh cho 1 người bạn vay, đến khi người bạn làm ăn thua lỗ, trốn đi, vợ chồng Lư bị thúc bách trả nợ nên đã giết chủ nợ.

Trả giá cho tội lỗi của mình, chồng Lư là Nguyễn Quang Hiệp, 38 tuổi, phải chịu án tử hình, Lư phải chịu án 30 năm tù giam. Đi thi hành án khi hai người con không người chăm sóc, đặc biệt là đứa con gái bé bỏng bị bệnh tim rất nặng, có thể chết bất cứ lúc nào. Con trai lớn mới 6 tuổi phải gửi cho bác ruột cháu ở tận Sơn La nuôi dưỡng.

Mọi thứ với Lư dường như chấm dứt, thế nhưng, trong cuối cùng của đường hầm tăm tối, đó là ánh sáng của tình người, của lòng nhân ái đã khiến Lư cảm động, yên tâm cải tạo để sớm về nuôi con.

Trong clip do chương trình thực hiện tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình, phạm nhân Hoàng Quang Hiệp cũng bày tỏ sự an lòng khi biết con gái đã được mổ tim, con trai vẫn ngoan và học giỏi.

Sân khấu lại lặng đi khi clip cháu bé con trai đầu của Lư và Hiệp non nớt, ngây thơ đang mong mỏi ngày đoàn tụ của gia đình. Bức tranh cháu gửi bố mẹ là một gia đình hạnh phúc, bố mẹ và các con đang nắm tay nhau.

Một phạm nhân cũng gây được sự xúc động không kém, đó là Vũ Quang, 35 tuổi. Quang vốn là học viên thanh nhạc, chỉ còn 6 tháng nữa là tốt nghiệp nhưng do không tu dưỡng, rèn luyện, theo bạn bè xấu rủ rê, Quang nghiện ma tuý.

Tất yếu của tệ nạn này đã dẫn Quang đến trại giam với án phạt 7 năm tù. Bố mẹ Quang đều là công chức nhà nước. Suốt 3 năm qua, 2 ông bà không có điều kiện thăm con.

Bất ngờ gặp được bố mẹ tại chương trình, đang hát, Quang ngừng lại, ôm chặt những người đã sinh thành, hứa với cha mẹ, với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Trại giam sẽ cố gắng hết sức để cải tạo, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Người gây được ấn tượng đặc biệt với khán giả, đó là anh Trần Sùng – một phạm nhân từng thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh về tội tiêu thụ tiền giả nay đã trở thành doanh nhân thành đạt, kể về con đường hướng thiện hoàn lương của mình.

Anh Sùng cho biết: “Tôi từng là sinh viên đại học, theo bạn bè rủ rê nên đã sa ngã. Tưởng rằng cuộc đời đã chấm dứt nhưng được các cán bộ, đặc biệt là thầy Học (Đại tá Phạm Hữu Học, Giám thị Trại giam Ninh Khánh) động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi học nghề khắc đá.

Sau khi được đặc xá, tôi đã đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng không kiếm được việc làm, cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Tìm đến thầy Học, thầy bảo tôi: “Vấp ngã ở đâu hãy đứng dậy ở đấy. Hãy dùng nghề học được trong trại để nuôi sống bản thân mình”. Rồi thầy liên hệ cho tôi học bổ túc thêm nghề khắc đá ở xã Ninh Vân - nơi đơn vị đóng chân.

Về nhà, tôi đi làm thuê, kiếm được 5-6 triệu đồng, tôi mở cửa hàng làm đá mỹ nghệ. Từ số vốn nhỏ bé đó, bằng bàn tay lao động của mình, tôi đã phát triển dần lên. Năm 2013, thầy Học lại khuyên tôi muốn làm ăn lớn thì phải mở công ty và thầy hướng dẫn thủ tục.

Nghe lời thầy, tôi tìm hiểu thông tin, mày mò học thêm rồi xin thành lập công ty. Lúc này, tôi mới biết, có tư cách pháp nhân, việc kinh doanh của mình thuận lợi hơn nhiều. Hiện tại, công ty của tôi có hơn 40 lao động với mức lương 5 đến 7 triệu đồng/tháng/người”.

Chia sẻ sự khó khăn với các phạm nhân, anh Sùng cho biết, sẵn sàng nhận bất cứ phạm nhân nào hết án trở về nhưng chưa có việc làm vào Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Tuấn Thành, ở Nga Bạch, Nga Sơn, Thanh Hoá làm việc.

Nói về quá trình cảm hóa phạm nhân Trần Sùng, Đại tá Phạm Hữu Học nhớ từng mốc thời gian anh Sùng vào trại, quá trình cải tạo và sau khi trở về nhà. Đại tá Phạm Hữu Học ấn tượng với anh Sùng bởi dù gia đình rất nghèo nhưng phạm nhân Sùng luôn có chí cầu tiến, quyết tâm cải tạo.

Vì đơn vị đóng chân ở xã Ninh Vân – một địa phương có nghề làm đá mỹ nghệ lâu đời nên chúng tôi đã tạo điều kiện cho học nghề. Trước khi ra về, Sùng lên chào tôi, tôi đã động viên cố gắng làm nghề.

Rất may, Nga Sơn có phong trào giúp đỡ người lầm lỗi rất tốt, Trưởng Công an huyện có hẳn một đề án giúp đỡ người lầm lỗi. Hiện nay, công ty của anh đã có vốn pháp định 6 tỷ đồng, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm. Có được điều đó, là sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực không ngừng của cá nhân anh Sùng.

Lên tặng món quà hơn 34 triệu đồng do các đại biểu và CBCS Trại giam Ninh Khánh quyên góp tặng cho gia đình phạm nhân Hoàng Thị Lư để giúp bé Hoài Thương tiếp tục điều trị bệnh và để học hành sau này, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình chia sẻ nỗi đau với gia đình các phạm nhân khi có con, em phạm tội; mong muốn các phạm nhân và những người lỗi hãy coi thời gian cải tạo tại trại giam là thời gian để mình tĩnh tâm, suy nghĩ thật trách nhiệm về những gì mình đã làm, về gia đình, bố mẹ và những người con mình sinh ra để cố gắng cải tạo thật tốt; khẳng định cấp uỷ, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện, sẵn sàng rộng lòng đón họ trở về với cộng đồng...

Phương Thuỷ - Xuân Mai

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文