Lão nông học hết lớp 5 có tài chế tạo máy
Gã khùng chế tạo máy
Khắp vùng Tân Cương này chẳng ai là không biết ông Tuyến, người đàn ông được người ta đặt cho nhiều biệt danh như “kỹ sư chân đất”; hay “kẻ lắm tài nhiều tật”… Dù được gọi là gì thì sâu thẳm trong lòng người Tân Cương ai cũng biết ơn ông, một người hết lòng sáng tạo để giải phóng sức lao động, giúp người nông dân phát triển hơn.
Từ đầu năm 2018, lượng khách đặt máy vò của ông Tuyến tăng nhanh. |
“Tôi thấy người nông dân ở đây khổ quá, làm hết sức mà vẫn chẳng đủ ăn mặc dù nơi đây sở hữu đặc sản là cây chè. Trong khi các vùng khác đã bắt đầu áp dụng máy móc vào sản xuất. Đêm nằm, tôi cứ nghĩ nếu không theo kịp được họ thì sản phẩm của địa phương sẽ bị loại khỏi thị trường” – ông nhớ lại.
Sau này, người dân bắt đầu áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân mới biết đến các loại máy móc như tôn quay, máy vò. Khi ấy ở Tân Cương rộ lên phong trào sắm máy móc để giảm sức lao động. Tuy nhiên, các loại máy móc này đều khó sử dụng, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
“Tôi cũng như bao người dân ở đây tích cóp mãi mới đủ tiền để mua một chiếc tôn quay về sử dụng. Nhưng khi mua về thì không ai dùng được cả. Khi đó người nông dân lao đao vì trót đầu tư vào máy móc mà không đáp ứng được yêu cầu.
Tôi bực quá đã dỡ tung ra, làm lại theo ý mình. Nhiều người cứ nói tôi là khùng điên, không dùng được thì bán lại cho người ta gỡ chút vốn. Đúng là trong cái khó lại ló ra cái khôn. Sau nhiều lần thất bại, tôi đã chế tạo thành công chiếc tôn quay đầu tiên và sau này là máy vò chè”- ông Tuyến kể lại.
Bản thân ông là người nông dân, thấu hiểu được sự vất vả, cực nhọc của nghề chè. Năm 1997, ông hạ quyết tâm vào việc nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy vò có một không hai. Dù không hề có kiến thức về cơ khí hay vật lý nhưng ông Tuyến vẫn mày mò sưu tầm, phân tích những đặc điểm cần có của một cỗ máy vò chè bằng những phác thảo đầu tiên.
Chiếc máy vò trở thành đồ vật không thể thiếu với bà con Tân Cương. |
Khi bản vẽ mới hoàn thành, ông Tuyến còn phải mang đi hỏi các cô giáo dạy kỹ thuật ở trường gần đó xem mình vẽ như vậy có đúng kỹ thuật hay không. Ông bảo: “Ngày xưa tôi chỉ học hết lớp 5 thôi, không giỏi tính toán. Khi tôi mang bản thiết kế đến, các cô giáo cũng bó tay.
Họ bảo chưa nhìn thấy mẫu hình lạ như thế này bao giờ. Có lẽ tôi vẽ theo trí tưởng tượng, chứ không đúng kỹ thuật, không khoa học. Lúc đó về nhà nằm nghĩ cũng thấy buồn lắm nhưng rồi tôi vẫn đau đáu phải làm cho ra một chiếc máy vò tiện ích”.
Những tưởng ông sẽ chán nản và bỏ cuộc, nhưng ông Tuyến vẫn cứ tự mày mò vừa học vừa làm, cộng thêm những kinh nghiệm làm tôn quay trước đó. Vì không biết cơ chế hoạt động của máy móc thế nào, ông nảy ra ý tưởng sang xưởng tiện của Trung Quốc gần đó để xem các máy móc hoạt động theo cơ chế nào.
Ông Tuyến vui vẻ kể lại quá trình nghiên cứu và sản xuất ra chiếc máy vò có một không hai. |
Chính những lần quan sát đó ông Tuyến đã về cải biên chiếc mày của mình phù hợp hơn. “Nếu nói về ngành chế tạo máy tôi như một cậu học trò vỡ lòng, không biết gì cả. Những gì tôi có chỉ là nhiệt huyết, đam mê và lòng quyết tâm.
Nói thực là lúc tôi quyết định nghiên cứu và sản xuất, không ít người nói ra nói vào. Họ cho rằng tôi học đòi, với kiến thức của mình thì để sản xuất ra chiếc máy chẳng khác nào lên trời hái sao” – ông Tuyến cười với chúng tôi.
Sau gần một năm nỗ lực tự nghiên cứu, cuối năm 1997 ông Phạm Trung Tuyến đã cho ra đời chiếc máy vò chè đầu tiên của mình. Mới chỉ đi vào thử nghiệm trong gia đình nhưng sản phẩm của ông đã thể hiện được những ưu thế đặc biệt.
Sản phẩm chè của gia đình ông Tuyến đã tạo được tiếng vang trên thị trường chè và được rất nhiều người ưa chuộng. Ông Tuyến chia sẻ: “Chiếc máy vò chè đầu tiên tôi làm 100% bằng gỗ, sau này mới được cái tiến bằng sắt cho phù hợp. Có nhiều hộ gia đình bây giờ vẫn dùng chiếc máy vò chè bằng gỗ đời đầu. Đó là sản phẩm đầu tiên của tôi, tôi tính hôm nào sang đó thưa chuyện rồi mua lại chiếc máy đó để về trưng bày làm kỷ niệm”.
Ông Tuyến không chỉ được người dân biết đến là ông vua chế tạo máy vò chè mà còn được người dân phong cho là quái kiệt đất Tân Cương. Bởi, ông chế tạo nhiều loại máy khác, đặc biệt như xe ba bánh, xà lam dùng trong sửa chữa ôtô xe máy, máy tời, máy băng, nan hoa cửa…
"Kẻ lắm tài nhiều tật"
Những tháng ngày vật lộn với việc sáng tạo máy móc nhiều người trong làng gọi ông là “kẻ lắm tài nhiều tật” hay còn gọi là “kẻ làm liều”. “Tôi nghĩ liều cũng có cái hay vì sẽ tạo ra tính đột phá. Người ta có kiến thức cơ bản đi đến đích sẽ nhanh hơn và nhàn hạ hơn. Còn mình mọi thứ đều bắt đầu từ con số không nên có phần vất vả. Nhưng quả thật liều quá cũng có cái dở, bởi lẽ sẽ phải lĩnh hậu quả suốt đời” – ông Tuyến tâm sự.
Năm 1998, đang trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, tai nạn bất ngờ ập đến với ông, một bên mắt đã hỏng vĩnh viễn. Tai nạn xảy ra vào lúc ông Tuyến đang tiện chiếc pulley bằng gỗ thì bất ngờ một mảnh gỗ sắc lẹm vỡ ra bay đúng vào mắt.
Ông Tuyến nằm vật ra sàn nhà, máu từ mắt cứ thế đùn ra, chảy dọc sống mũi rồi lênh láng khắp nhà. Lúc đó ở nhà lại không có người, ông Tuyến bất lực nằm rồi ngất lịm đi, cứ nghĩ mình đã chết. Ba tháng nằm viện với ông Tuyến là thời gian kinh khủng nhất, một bên mắt bị thương quá sâu nên đã hỏng vĩnh viễn.
Ông nằm đó và rơi vào tuyệt vọng, tinh thần sa sút trông thấy. Nhưng rồi được người thân động viên, ông đã nhanh chóng lấy lại tinh thần để tiếp tục hoàn thiện những ước mơ còn dang dở. Ra viện chẳng được bao lâu, ông bắt tay vào công việc đầy hào hứng.
Ông tiến hành mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, thuê thêm người làm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với giá thành rẻ, tiện ích của chiếc máy ông làm ra, chẳng mấy chốc ông Tuyến đã khẳng định được tên tuổi của mình trong ngành chế biến chè. Riêng trong năm 2017, ông đã sản xuất được gần 300 chiếc máy, giá thành khoảng 4,3 đến 4,5 triệu đồng/chiếc.
Trừ hết nguyên liệu mỗi chiếc ông cũng lãi hơn 2 triệu đồng. Chưa kể tiền thu từ việc bán các dụng cụ đi kèm cũng là khoản không hề nhỏ. “Mỗi ngày tôi làm được 1 chiếc máy vò, nhưng làm cũng chẳng kịp bán. Không chỉ khách hàng trong tỉnh, ngoại tỉnh mà còn có cả khách bên Lào cũng sang đây đặt hàng của tôi.
Chiếc máy ông Tuyến sử dụng để sản xuất máy vò. |
Nhiều lúc người ta đặt nhiều quá tôi phải nợ đơn hàng, những tháng cao điểm tôi phải dậy từ 4h sáng tranh thủ làm máy cho khách. Tiền đôi khi cũng chỉ là một phần thôi, người ta cần máy để về sản xuất, mình phải cố cho họ”.
Đầu năm 2018, số lượng máy được đặt tại cơ sở của ông Tuyến tăng lên đột biến, gấp 2-3 lần so với những năm trước. Chính vì thế mới chỉ mồng 5 Tết ông đã cùng người nhà bắt tay vào công việc. Để sở hữu được một chiếc máy vò của ông Tuyến, khách thường phải đặt trước khoảng 2 tuần.
Khi chúng tôi hỏi tại sao ông không thuê thêm người để công việc bớt vất vả, lại có hiệu quả cao, ông Tuyến xua tay nói: “Tìm người thì dễ những giữ người ở lại là khó lắm. Làm thợ chế tạo điều khó nhất chính là niềm đam mê, phải say với nghề, khi ấy mới có thể làm ra những sản phẩm ưng ý được. Có nhiều người từng theo tôi học nhưng đều bỏ cuộc giữa chừng vì không chịu nổi áp lực. Nói đâu xa như con trai cả của tôi cũng vậy, cũng không thể theo được. Tôi cũng không gượng ép ai đi theo nghề của mình, nếu thực sự đam mê thì hãy theo học vì công việc này gắn bó suốt đời”.
Nói về chiếc máy vò có một không hai của ông Tuyến, anh Nguyễn Văn Sơn (khách hàng quen của ông Tuyến) cho biết: “Tôi là người làm chè nhiều năm, thực sự nghề làm chè rất vất vả nếu như không có máy móc hỗ trợ. Tôi cũng đã mua nhiều loại máy nhưng đều không phù hợp, từ khi biết ông Tuyến có máy vò này, tôi đã đến thử và mua. Đúng là chiếc máy này rất thuận tiện, rất phù hợp với nghề chè. Giá cũng không quá cao nhưng lại giải phóng rất nhiều sức lao động cho bà con nông dân. Tôi nghĩ ông Tuyến phải được tỉnh Thái Nguyên tặng giấy khen mới xứng đáng”.