Nghị lực phi thường của tỷ phú khuyết tật

23:50 18/08/2017
Từ hai bàn tay trắng với một cơ thể không lành lặn, anh Lại Xuân Điệp đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Cơ ngơi mà anh đang có là 2 xưởng sản xuất đồ gỗ với 30 công nhân, phần lớn trong số họ là những người khuyết tật.

10 tháng tuổi, cậu bé Lại Xuân Điệp đã phải trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Sau trận ốm ấy, đôi chân của Điệp bị bại liệt hoàn toàn. Nhiều người trong hoàn cảnh ấy rất có thể đã buông xuôi, nhưng với chàng trai trẻ Lại Xuân Điệp thì không. Anh đã cố gắng đi học cái chữ và sau đó xin đi học nghề mộc.

Từ hai bàn tay trắng với một cơ thể không lành lặn, anh đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Cơ ngơi mà anh đang có là 2 xưởng sản xuất đồ gỗ với 30 công nhân, phần lớn trong số họ là những người khuyết tật. Với những gì đã làm được, năm 2016, anh được vinh dự là 1 trong số 200 gương mặt tiêu biểu của cả nước trong vòng 20 năm qua.

1. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo có tới 5 anh em nhưng Lại Xuân Điệp, 37 tuổi, trú tại thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương (Thái Bình) không được may mắn như những người anh em của mình. Lúc 10 tháng tuổi, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, đôi chân của cậu bé ấy đã vĩnh viễn không bao giờ đi được.

Xưởng gỗ của anh Điệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè tung tăng cắp sách tới trường, trong lòng Điệp dâng lên một nỗi thèm khát. Nhưng ban đầu, Điệp xin bố mẹ thế nào cũng không được. Phải đến năm 11 tuổi, khi thấy con vẫn không thôi khao khát được đến trường học chữ, bố mẹ Điệp mới buộc phải đồng ý.

Những ngày đầu đến lớp, Điệp bị bạn bè trêu ghẹo và nhìn với ánh mắt khinh khi. Những lúc như thế Điệp lại nghĩ, giá mà mình nghe lời bố mẹ cứ chịu ở nhà thì sẽ không bị ai xúc phạm.

"Sau những giây phút cảm thấy tự ti và hổ thẹn với bạn bè thì mình lại nghĩ, nếu mình không cố gắng thì sẽ bị coi thường hết cuộc đời. Chính vì nghĩ thế nên mình mới có thể theo học hết được 9 năm học phổ thông đấy" - anh Điệp nhớ lại.

Anh Điệp tận tình hướng dẫn những người có hoàn cảnh giống mình.

Lên cấp 3, vì điều kiện sức khỏe yếu, trường lại xa nhà nên anh đành phải bỏ học giữa chừng. Nghỉ học không có nghĩa là anh lại trở về với chiếc giường bên ô cửa sổ và chấp nhận gắn bó đời mình ở đấy.

Điệp bảo, lúc đó anh nung nấu ý nghĩ, phải học được cái nghề nào đó để ít nhất cũng có thể tự nuôi sống bản thân. Sau này bố mẹ già, bố mẹ mất đi, anh chị em thì kiến giả nhất phận, sao mà có thể lo cho mình được. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định đi học nghề mộc.

Anh chia sẻ: "Mình chỉ bị liệt hai chân, còn hai tay vẫn cử động được bình thường, thế nên làm nghề mộc là hợp nhất. Chỉ cần chịu khó và khéo tay một chút là sẽ ổn". Tuy nhiên, khi được bố chở đi xin học nghề thì không nơi nào chịu nhận anh. Họ từ chối thẳng rằng, anh đi còn không nổi thì làm sao có thể theo được cái nghề cần nhiều sức khỏe này.

Xưởng thứ nhất từ chối, đến xưởng thứ 2 anh cũng nhận được câu trả lời tương tự, xưởng thứ 3, thứ 4 cũng vậy. Đến mức khi ấy bố anh đã quá nản và khuyên con nên biết chấp nhận sự thật. Nhưng Điệp không nản chí, anh động viên bố, "kiểu gì chẳng có nơi người ta thương tình mà nhận con vào học".

Quả đúng như lời anh nói với bố, một người chủ trẻ của xưởng gỗ đã đồng ý nhận Điệp làm học trò. Tuy nhiên, anh này đã nói với Điệp rằng: "Anh nhận chú nhưng anh không đợi đâu nhé. Nếu chú không cố gắng gấp năm gấp mười người khác thì chú không thể theo được đâu".

Thời gian đầu do phải đi lại nhiều nên Điệp thấy mệt mỏi, tối về nằm ngủ cơ thể đau như bị ai đó đánh. Cứ thế suốt hơn một năm trời Điệp lủi thủi vừa đi, vừa học, trau rồi những kiến thức mà người chủ trẻ truyền cho. Anh đã "lê chân" qua không biết bao nhiêu nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh với mong ước phải học thành nghề mới trở về quê hương.

Năm 2001, anh quyết định vay mượn vốn của người thân để mở cái xưởng nhỏ - một cái xưởng của riêng mình, do chính mình làm chủ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Điệp hóm hỉnh bảo: "Năm 2001 là năm đại hỷ của mình. Vừa được làm ông chủ nhỏ lại vừa được làm chồng. Hạnh phúc như từ trên trời rơi xuống, trước đó dù trong mơ mình cũng không bao giờ dám mơ xa xỉ thế".

Thấy anh nghị lực hơn người nên chị Vũ Thị Thúy, 49 tuổi đã mở lòng với anh, gần gũi, động viên anh cố gắng. Cảm mến tấm lòng của người con gái nhân hậu nên Điệp đã mạnh dạn bày tỏ tình cảm "thầm yêu trộm nhớ" của mình. Anh cũng chẳng ngờ chị Thúy lại nhận lời.

"Hồi Thúy nhận lời yêu và đồng ý lấy mình nhiều người bảo Thúy bị điên. Bởi Thúy là người hoàn toàn bình thường lại chịu thương chịu khó, nhan sắc cũng chẳng đến nỗi nào vậy mà lại quyết định gắn đời mình với một người khuyết tật. Nhưng Thúy bảo, em sống cho em chứ có sống cho mọi người đâu. Đúng năm đó bọn mình được đón công chúa nhỏ. Dù rất hạnh phúc nhưng mình cũng hiểu rằng mình sẽ phải phấn đấu thật nhiều mới có thể chăm lo chu đáo cho gia đình của mình được " - anh Điệp chia sẻ.

Anh Điệp có mặt tại một buổi lễ vinh danh.

2. Mặc dù đã mở được xưởng nhưng thời gian đầu quả là khó khăn với chàng trai khuyết tật Lại Xuân Điệp. Không ai tin rằng một người khuyết tật như anh lại có thể làm được những việc cần sức khỏe và cả sự tỉ mỉ nữa.

Anh bảo, ngồi cả ngày không có khách, thậm chí ngày này qua ngày khác cũng không có khách khiến anh không thể không nản chí. Suy nghĩ mình đúng là kẻ "bỏ đi" lại đeo bám anh.

Xong rồi anh lại nghĩ, họ chưa tin mình là vì mình chưa làm được gì để họ có thể tin. Chính vì vậy anh quyết định sẽ tìm đến từng nhà có đồ gỗ hỏng để sửa miễn phí cho họ.

Nhìn những sản phẩm tưởng đã bỏ đi nay được anh sửa lại hoàn hảo khiến họ rất hài lòng. Tiếng lành đồn xa, dần dần rất nhiều người tìm đến xưởng của anh để đặt hàng.

Năm 2006, sau 5 năm lập nghiệp, xưởng gỗ của anh đã có tới 14 thợ. Công việc làm ăn tương đối suôn sẻ. Khi ấy Điệp quyết định bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua đất để xây dựng xưởng với quy mô làm ăn lớn hơn và sản xuất ra các sản phẩm đa dạng hơn.

Sản phẩm chủ yếu cung cấp ra thị trường là đồ nội thất, đồ thờ cúng với nhiều kích cỡ, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã.

Anh Điệp được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2016.

Công việc thuận lợi, gia đình anh còn đón thêm thành viên mới, đó là con gái thứ 2 của anh ra đời vào năm 2006. Anh bảo: "Số phận lấy đi của mình đôi chân, nhưng cho mình một người vợ tuyệt vời và 2 cô công chúa xinh đẹp. Như vậy là mình không có gì thiệt thòi nữa rồi".

Chỉ với 2 bàn tay trắng và một cơ thể khiếm khuyết, nhưng với nỗ lực không ngừng, đến nay Điệp đã có 2 xưởng mộc với 30 công nhân. Trong số đó có tới 16 công nhân là người khuyết tật.

Anh tâm sự: "Mình đã từng phải rất khó khăn khi khởi nghiệp chỉ vì mình là người khuyết tật. Vì thế nên mình hiểu hơn ai hết những mặc cảm và vất vả mà họ phải trải qua. Xưởng của mình rất rộng mở để đón nhận những người không may mắn. Mình sẽ cố gắng dạy cho họ cái nghề để họ có được một thu nhập ổn định. Khi có nghề nghiệp và thu nhập, bản thân những người khuyết tật sẽ tự tin hơn với những người xung quanh".

Hiện nay cơ sở của anh đã được Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh cho người khuyết tật. Sản phẩm từ 2 xưởng gỗ của anh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Tây Nguyên…

Anh còn sắm thêm một xe tải nhỏ để phục vụ cho việc vận chuyển hàng được thuận lợi hơn, thời gian rảnh chở thuê cho những nhà có nhu cầu chuyển hàng hóa trong vùng. Năm 2016, doanh thu của cơ sở sản xuất đạt 7 tỷ đồng, trừ chi phí đi anh còn lãi được gần 2 tỷ. Hàng tháng số tiền trả lương công nhân cũng lên đến 150 triệu đồng.

Với sự phấn đấu không mệt mỏi của mình, anh Điệp đã vinh dự được đi dự nhiều đại hội cấp tỉnh, Trung ương tổ chức. Điển hình như 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2014, Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ 8 (Thái Bình có một mình anh), Đại hội 20 thanh niên làm theo lời Bác 2015.

Trong năm 2016, anh vinh dự được tham gia đại hội 200 gương mặt tiêu biểu được lựa chọn trong vòng 20 năm của cả nước. Đại hội kinh tế hội nhập do Trung ương Đoàn tổ chức. Bên cạnh đó còn nhiều bằng khen do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Người khuyết tật, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, Hội Bảo trợ người khuyết tật trao tặng trong nhiều năm liền.

Hiện nay anh là Thường vụ, kiêm Thư ký của Hội Người khuyết tật Thái Bình, ngoài ra anh còn sinh hoạt trong hội doanh nhân tỉnh Thái Bình; có "chân" trong Ban chấp hành câu lạc bộ Lương Định Của Thái Bình, Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật huyện Kiến Xương.

Nói về con người giàu nghị lực như anh, chị Nguyễn Thanh Bình (Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thái Bình) vui vẻ tâm sự: "Anh Điệp là một người có nghị lực phi thường trong cuộc sống và công việc kinh doanh, trong công việc của hội luôn giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn, vất vả. Anh còn giúp đỡ nhiều người khuyết tật có công ăn việc làm, có thu nhập. Anh Điệp là tấm gương để chúng tôi học hỏi và noi theo". 

Song Anh

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文