Người Việt đầu tiên tham gia thách thức marathon trên đỉnh Everest
Trong những năm gần đây, phong trào chạy việt dã và marathon ở nước ta đã phát triển với số lượng vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp lẫn phong trào vô cùng đông đảo. Có thể điểm mặt qua một số cuộc thi marathon lớn ở Việt Nam như Đà Nẵng International Marathon, Vietnam Moutain Marathon (chạy bộ địa hình)… đã thu hút rất nhiều người yêu thích chạy bộ tham dự.
Và mới đây, với niềm đam mê và mong muốn chinh phục thử thách, lần đầu tiên tại cuộc thi marathon có thể nói là khắc nghiệt nhất hành tinh, đã có tên của một người Việt Nam tham dự. Đó là cuộc thi chạy marathon trên đỉnh Everest.
Bắt đầu từ niềm đam mê
Bắt đầu tập từ tháng 8 - 2016, cho đến nay vẫn chưa đầy một năm đến với niềm đam mê chạy bộ nhưng anh Phạm Duy Cường (35 tuổi, Hà Nội) đã tham gia nhiều cuộc thi chạy marathon như Vietnam Mountain Marathon hay cuộc thi Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong 2017 tổ chức ở Ninh Bình.
Trao đổi về cơ duyên khiến anh đến với niềm đam mê chạy đường dài, anh Cường chia sẻ: "Mọi thứ đến với tôi hết sức tình cờ, tôi có nhiều người bạn tập chạy bộ, tôi thấy sức khỏe của họ rất tốt và đi cùng với nó là một cuộc sống tích cực. Thấy bạn bè của mình tham gia và chinh phục các chặng đường chạy ở nhiều cuộc thi marathon trong nước, tôi cũng ao ước được như họ và thế là tôi bắt đầu tập chạy…".
Từ đó, anh Cường bắt đầu tập chạy bộ, sau một thời gian tập gym nhằm giảm cân, chống lại lượng mỡ máu đang có nguy cơ tăng cao có thể gây ra nhiều căn bệnh. Anh cũng đăng kí từ sớm tại giải Vietnam Mountain Marathon và lên kế hoạch tập luyện thực sự nghiêm túc để hoàn thành quãng đường chạy.
Thử thách đầu tiên mà anh đặt ra cho bản thân là chạy một vòng quanh hồ Tây (khoảng 14,5km). Chạy được tầm 5km anh thấy cơ thể mình không thể chịu nổi. Tuy nhiên, với quyết tâm "nói được phải làm được", khi hồi sức anh tiếp tục hoàn thành quãng đường còn lại.
Sau 1 tháng tập luyện, Cường đã bước vào thi giải marathon 42km đầu tiên tại Sa Pa và phải mất 10 giờ 20 phút anh mới hoàn thành cuộc chạy dài nhất trong cuộc đời mình.
Anh Cường tại giải việt dã Tiền Phong. |
Chia sẻ về kinh nghiệm tập luyện và những khó khăn gặp phải trong những ngày đầu đến với niềm đam mê này, anh Cường cho biết: "Ai cũng phải bắt đầu từ vạch xuất phát nên việc gặp các khó khăn rào cản là việc đương nhiên, vấn đề ở đây đó là ta đối đầu và vượt qua nó như thế nào mà thôi. Tôi cũng vậy, lần đầu chạy 3km đã không ra hơi rồi, vừa chạy vừa đi bộ, nhưng trong lần chạy thứ hai mọi việc đã dễ dàng hơn và tôi nâng cự ly lên 5km rồi 10km và tiếp đó là 1 vòng hồ Tây. Giờ đây tôi đã có thể hoàn thành cự ly marathon là 42km trong thời gian 4 tiếng".
Theo đó, mỗi khi chạm đến ngưỡng của cơ thể là lúc bạn đang tiến bộ, bạn nên nắm lấy cơ hội đấy và vượt qua chính mình, bạn sẽ tốt hơn. Hãy cứ bền bỉ tập luyện, thật từ từ và lắng nghe sự thay đổi của cơ thể.
Giống như trồng một cái cây, muốn gặt hái sớm thì nên trồng cây chuối, còn muốn lâu bền thì phải mất nhiều thời gian lắm, chỉ khi tích lũy đủ lượng thì mới thay đổi về chất được, phải mất cả phần đời còn lại để rèn luyện mới có được một cuộc sống khỏe mạnh, không thể vội vã.
"Những khi không đạt được kỳ vọng bản thân hoặc sắp buông xuôi, tôi lại tự hỏi mình đã làm hết sức, đã tận tâm chưa? Và mỗi lần phạm sai lầm tôi đều tự kiểm điểm, ghi nhớ để đưa nó vào bảng danh sách "tài sản" tôi tích lũy được và đó là kinh nghiệm quý báu của tôi có được", anh Cường nói.
Ngoài những kinh nghiệm nói trên, chạy bộ đã mang đến cho anh Phạm Duy Cường một bảng thành tích cá nhân đáng nể. Đó là những lần hoàn thành mục tiêu tại nhiều giải marathon, giải chạy vượt chướng ngại vật hay giải ba môn phối hợp cả trong nước và quốc tế như: Vietnam Mountain Marathon, Hạ Long Heritage Marathon, Long Biên Marathon, Hochiminh city Marathon, Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong 2017, Barcelona Marathon, Champion Dash, Ironman 70.3 Đà Nẵng…
Tuy nhiên, với anh Cường đó không hẳn được gọi là thành tích bởi mỗi lần tham gia một cuộc thi là lúc anh thử sức mình, xem kết quả luyện tập đã tiến bộ thế nào trong quãng thời gian vừa qua, duy trì phong độ và được giao lưu với các bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc và chinh phục bản thân.
Chinh phục marathon Everest
Theo như anh Phạm Duy Cường chia sẻ, ngày 29 - 5 tới đây, anh sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục cuộc thi chạy marathon tại ngọn núi cao nhất thế giới Everest (8.848m) mang tên "Tenzing-Hillary Everest Marathon".
Ðây là một trong những cuộc đua marathon khắc nghiệt nhất hành tinh vì nó diễn ra tại nơi có lượng oxy vô cùng thấp và ẩn chứa nhiều nguy hiểm khó lường. Mỗi năm chỉ có khoảng vài chục người đến hơn 200 người tham dự trên toàn thế giới.
Nhờ lên kế hoạch sớm nên chi phí dự kiến cho chuyến đi nằm ở mức "chấp nhận được" đối với anh Cường đó là vào khoảng 2.500 USD bao gồm cả vé máy bay từ Việt Nam đến Nepal, khách sạn, phí tham dự cuộc đua…
Tham gia cuộc đua này, anh Cường sẽ xuất phát lúc 7h sáng (giờ Nepal) từ khu vực Gorak Shep (gần trại căn cứ Everest) ở độ cao 5.184m, sau đó chạy dần xuống núi với địa hình dốc, trơn và về đích tại thị trấn Namche Bazaar ở độ cao 3.446m.
Tất nhiên, để được góp mặt, những người tham gia phải trải qua các buổi kiểm tra sức khỏe gắt gao, tập luyện cũng như nghiên cứu rất kỹ lưỡng mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe, thời tiết. Họ phải tự leo bộ lên Gorak Shep. Ðoạn đường này sẽ giúp mỗi người điều chỉnh cơ thể làm quen với tình trạng loãng không khí, trước khi chạy trên những con đường mòn của dãy núi.
Anh Cường trong chuyến "thực địa" Everest. |
Ý thức được những nguy hiểm trước mắt, bản thân anh Cường đã đi "tiền trạm" trước thềm giải đấu vào năm 2016 nhằm có được cảm nhận đầy đủ nhất về điều kiện thời tiết trên đỉnh Everest vào khoảng thời gian diễn ra cuộc đua.
"Tôi cùng với nhóm 3 người nữa đăng ký tour du lịch lên Everest với mục tiêu khám phá "nóc nhà thế giới", cũng là chuyến thực địa cho cuộc đua marathon sắp tới. Xuất phát từ chân núi, chúng tôi phải mất 9 ngày để leo tới trại căn cứ Everest. Trong hành trình này, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như điều kiện ăn uống không phù hợp, khí hậu khắc nghiệt (-19 độ C), lượng oxy xuống quá thấp, cơ thể kiệt sức triền miên. Khi lên tới nơi, hai người bạn của tôi bị "sốc độ cao" do không chịu nổi sự khắc nghiệt và phải cấp cứu", anh Cường cho biết.
Quả thật, "sốc độ cao" là hội chứng vô cùng nguy hiểm thường gặp đối với người leo núi và chắc chắn anh Cường sẽ phải đối mặt với hội chứng này trong cuộc thi sắp tới. Nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất thì trong vài tháng trở lại đây, bên cạnh các buổi tập thông thường (13km/ngày), anh Cường đã áp dụng một số bài tập "nặng", nhằm tăng sức chịu đựng cho cơ thể.
"Ði bộ lên đã là vấn đề rồi. Chạy marathon trên đường mòn tại Everest càng khó hơn. Ðể đối mặt với thử thách lớn nhất là "sốc độ cao", tôi đã tập chạy trong môi trường thiếu oxy như trong phòng kín, chạy đeo khẩu trang, chạy leo cầu thang… Trong nhiều tình huống, đôi khi tôi ngỡ là mình kiểm soát được nhưng thực tế không phải vậy. Vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất", anh Cường chia sẻ.
Nói về mục tiêu của mình trong cuộc thi chinh phục marathon trên đỉnh Everest, anh Cường cho biết anh không kỳ vọng nhiều mà chỉ hướng tới hoàn thành cuộc thi trong thời gian Ban tổ chức cho phép và cắm lá cờ đỏ sao vàng ở đích đến.
Trong tương lai, anh hy vọng sẽ tham gia cuộc thi chạy marathon lâu đời nhất trên thế giới đó là Boston Marathon (Mỹ).
Nói về phong trào chạy đường dài ở Việt Nam, anh Cường chia sẻ: "Môn chạy bộ là môn cơ bản nhất, nó tạo nền tảng thể lực, sức bền cho các môn thể thao khác, nó rất dễ chơi, dễ tập luyện, chi phí thấp, thời gian tập luyện linh hoạt và quan trọng nó là môn thể thao có tính cộng đồng rất cao, nhưng ở Việt Nam chạy bộ vẫn chưa phát triển đúng mức so với khu vực Đông Nam Á chứ không nói tới châu lục hay trên thế giới. Và tôi nghĩ nó sẽ sớm phát triển đúng với vị thế là môn thể thao có nhiều người tập luyện nhất trên thế giới. Khi mọi người không còn coi tiền bạc là tài sản quý nhất của mình nữa thì lúc đó sức khỏe sẽ được quan tâm hơn và chạy bộ sẽ giúp ta có được sức khỏe tốt và có một cuộc sống lành mạnh".
Cuộc thi "Tenzing-Hillary Everest Marathon" bắt đầu từ năm 2003, kỷ niệm lần đầu tiên hai nhà thám hiểm Tenzing Norgay và Edmund Hillary chinh phục đỉnh Everest ngày 29/5/1953. Năm 2014, nó được ghi nhận trong Sách kỷ lục Guinness là "cuộc thi marathon cao nhất trên thế giới". Năm 2014, cuộc thi phải tạm dừng vì một trận lở tuyết làm 16 hướng dẫn viên người Nepal chết. Năm 2015, một trận động đất 7,8 độ richter ở Nepal vào tháng 4 làm gần 9.000 người chết và gây một trận lở tuyết chết người tại trại căn cứ Everest khiến cuộc đua bị hoãn đến tháng 10 và chỉ 55 VÐV đủ dũng cảm tham gia. Năm 2016, cuộc đua trên ngọn núi cao 8.848m này mới phục hồi trở lại và binh sĩ Nepal 29 tuổi Bed Bahadur Sunuwar đã về nhất sau khi hoàn thành đường chạy 42,195km trong 4 giờ 10 giây. |