"Tác nhân không ngờ" khiến băng tan nhanh tại Himalaya
The Guardian ngày 4/11 dẫn một nghiên cứu của tạp chí Nature Climate Change cho hay, băng tuyết tại dãy núi Himalaya đang giảm đi nhanh chóng. Hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả này. Nhưng tác nhân khác khiến cho tình trạng băng tan ngày càng trở nên xấu đi chính là do sự gia tăng của bụi trong không khí.
Được biết, việc tuyết rơi vào mùa đông và tan vào mùa xuân cung cấp hơn một nửa nhu cầu nước ngọt hàng năm cho khoảng 700 triệu dân ở khu vực Nam Á. Tuy nhiên, trong vòng 30 năm qua, tổng khối lượng tuyết trên các ngọn núi cao của châu Á, bao gồm Himalaya, Hindu Kush và Karakoram đã giảm tương đối.
"Các hoạt động của con người đang làm gia tăng lượng bụi có trong không khí. Việc này dẫn đến một thực tế rằng, các đợt bụi gió có cường độ và tốc độ mạnh sẽ làm băng tan nhanh. Dần dần, nguồn cung nước ngọt quan trọng sẽ cạn kiệt", báo cáo cho hay.
Để có được kết quả này, chuyên gia Yun Qian đến từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương cùng các cộng sự, đã sử dụng các đài quan sát trên không và máy cảm biến đo lường để đánh giá tác động của gió bụi tại châu Phi và châu Á vào mùa xuân và mùa hè.
Cụ thể, tác động của gió bụi làm gia tăng đáng kể sự tan chảy của băng tuyết và điều này thấy rõ được ở những dãy núi cao trên mặt nước biển khoảng 4.500m. Dù là bụi tự nhiên nhưng các hoạt động của con người khiến mức độ phổ biến của bụi tăng lên.
Các nhà khoa học nêu rõ, việc thay đổi mục đích sử dụng đất trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng sẽ làm giải phóng nhiều bụi hơn từ đất, trong khi nhiệt độ tăng đã làm thay đổi các mô hình hoàn lưu khí quyển.
"Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về mức độ chi phối của hiệu ứng bụi. Chúng tôi cho rằng việc băng tan nhanh do bụi gây ra là một vấn đề khá đau đầu và có tác động không nhỏ đến lượng băng tuyết tại các dãy núi nằm trên các vĩ độ trung bình", chuyên gia Yun Qian nhấn mạnh.