Thêm một câu chuyện về tình mẫu tử của người mẹ từ chối chữa ung thư để sinh con
Và mới đây, câu chuyện cũng không kém phần thương tâm của chị Nông Thị Hảo (sinh năm 1986, Lý Nhân, Hà Nam) cũng đã khiến bao người cảm động...
Niềm vui và tai họa
Là người dân tộc Tày, quê gốc ở Lạng Sơn, bố mất từ sớm nên chị Hảo sớm phải bôn ba kiếm sống. Trong thời gian làm dệt may trong miền Nam, chị Hảo có quen với anh Dương Ngọc Tùng.
Do cảm thấy hợp nhau, cả hai đi đến hôn nhân và có một cuộc sống hạnh phúc. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, do khó khăn về kinh tế nên chị Hảo quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Chị Hảo đang chờ hồi phục để điều trị hóa chất. |
Kiếm sống nơi đất khách quê người được hơn một năm, anh Tùng cũng gửi con về cho mẹ vợ trông giúp để sang làm việc cùng vợ, với mong muốn tích cóp một khoản tiền cho tương lai. Hai vợ chồng làm việc được hơn một năm sau đó, món nợ để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động vẫn còn chưa trả hết thì chị Hảo mang thai đứa con thứ hai.
Thương vợ, anh Tùng khuyên chị về nước còn anh tiếp tục lao động nơi đây rồi gửi tiền về. Thế nhưng, niềm vui nhỏ ấy của hai vợ chồng nghèo vẫn chưa kéo dài được bao lâu thì tai họa đã giáng xuống khi chị Hảo phát hiện mình bị ung thư máu sau một lần đi khám.
"Lúc ấy mình mang thai chưa được lâu thì phát hiện ra căn bệnh ung thư này nên phải nhanh chóng nhập viện khẩn cấp. Khi đó, mình tuyệt vọng lắm vì lo cho con. Gia đình cũng khó khăn, nợ cũ chưa trả xong, giờ lại phải chữa trị thì không biết lấy đâu ra tiền", chị Hảo ngậm ngùi cho biết.
Nhận được tin vợ bị ung thư, anh Tùng cũng nhanh chóng trở về Việt Nam để chăm sóc vợ. Khi nghe bác sĩ tư vấn về các phương án điều trị, anh cũng bàng hoàng không biết xử lý ra sao.
Một là hai vợ chồng bỏ con để chị Hảo sớm được điều trị bằng hóa chất, giúp căn bệnh ung thư máu không phát triển nhanh, khả năng sống sót cao hơn.
Phương án hai đó là giữ cháu bé, nhưng các bác sĩ cũng cảnh báo gia đình chị về nguy cơ cháu bé có thể ảnh hưởng từ căn bệnh của mẹ và trong lúc sinh nở có thể không giữ được cả mẹ lẫn con.
Nghe bác sĩ tư vấn phương án, sau nhiều đêm suy nghĩ, khóc biết bao nước mắt, người mẹ đã chọn giữ con. Chị Hảo tâm sự: "Em muốn con em có một hy vọng sống, dù có là nhỏ nhoi".
Mang thai đến tuần thứ 30, do sức khỏe không cho phép, chị Hảo được các bác sĩ mổ lấy thai. Cháu bé sinh non nên chỉ nặng có 1,8kg, bị suy hô hấp nặng và phải truyền máu nên sức khỏe càng yếu hơn.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, nơi tiến hành sinh mổ cho biết, do cháu bé là trẻ mổ chủ động sinh ra không khóc được và có biểu hiện tím tái, xương ngực cơ mềm, bị suy hô hấp.
Cháu bé khi sinh ra được kích thích, hút dịch, hút mũi miệng, cho thở oxy và phải dùng kháng sinh mạnh và truyền dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch, truyền đường, đạm, các yếu tố vi lượng. Sau một thời gian tình trạng của bé đã ổn hơn, bé đã cai được máy thở và dừng kháng sinh.
Cháu bé được gửi về quê nhà cho bà ngoại chăm sóc. |
Chị Hảo cho biết: "Những ngày đầu mới nằm lồng kính, con bé xíu, phải chạy máy thở liên tục, không ăn được gì, cơ thể tụt cân, khắp người cắm đầy các đầu kim tiêm và dây dợ máy móc, tôi cũng đã nghĩ đến điều xấu nhất nhưng có lẽ cháu bé cũng biết mẹ đang phải đấu tranh với tử thần nên sau ba tuần cũng đã khỏe lại. Hiện tại, tình hình sức khỏe của cháu đã tiến triển tốt.
Trước khi nhà tôi đưa cháu về, các bác sĩ có dặn cháu sẽ phải theo dõi liên tục cho đến 6 tháng sau để xem có bị ảnh hưởng từ căn bệnh ung thư máu của mẹ hay không".
Khó khăn chồng chất
Được biết, do gia đình nội ngoại đều không có mấy ai, mẹ chồng cũng mất sớm, bố chồng sống trong miền Nam đã lâu nên hai đứa trẻ con của chị cũng phải nhờ bà ngoại trông giúp.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại Khoa Điều trị hóa chất của Viện Huyết học truyền máu Trung ương để thăm chị Hảo, chị chỉ nằm một mình tại đó mà không có ai chăm nom.
Chị Hảo cho biết: "Do khi mổ lấy thai lại ở Bệnh viện Bạch Mai còn mình điều trị ở Viện Huyết học nên việc đi lại chăm sóc cả hai rất khó khăn. Nhà mình ít người, phải nhờ người em trai và người thân bên nhà chồng chăm sóc. Chồng mình chiều mới vào được bởi phải bế con về gửi bà ngoại...".
Án tử treo trước mắt, nhưng người mẹ nằm đó vẫn luôn nghĩ về đứa con mà mình mới chỉ được gặp một lần và xem qua ảnh.
Khi nhắc về con, mắt chị lại đỏ hoe, có lẽ với người mẹ này, nỗi đau mà căn bệnh ung thư máu mang đến chẳng thể nào đau đớn được bằng việc không được chăm sóc, bồng ẵm đứa con trên tay.
Với gương mặt nhợt nhạt mỏi mệt, giọng nói thều thào, chị nói bởi số phận trớ trêu đã chia cắt chị và đứa con thơ từ khi đứa bé mới ra đời.
Cũng như bao căn bệnh ung thư khác, bệnh ung thư máu mà chị Hảo mắc phải cần một số tiền lớn và thời gian điều trị dài. Với hoàn cảnh gia đình hiện tại, nợ cũ còn chưa trả hết, hai vợ chồng đã phải gánh những khoản nợ mới để điều trị và chăm sóc cho con.
Được biết, số tiền đặt cọc trước đó khi hai vợ chồng đi Đài Loan xuất khẩu lao động không được trả lại, còn tiền vay để đi vẫn còn nợ đến 90 triệu đồng. Chị Hảo tâm sự: "Bọn mình làm việc bên đó cũng vất vả nhưng lương không được cao cho lắm. Mỗi ngày mình làm việc từ sáng sớm đến 5 giờ chiều, nghỉ ngơi được một chút thì lại đi rửa bát thuê đến tận 2 giờ đêm. Sau một thời gian dài tích cóp như vậy thì tiền nợ cũng còn chưa trả hết.
Đợt đầu vào viện đã phải đóng mất 30 triệu tiền điều trị. Mình nghe mọi người nói, bệnh ung thư máu một năm phải đi viện hơn chục lần, chắc vợ chồng em cũng không có khả năng theo đuổi chữa trị...".
Thời điểm cả vợ, con cùng nằm viện, anh Tùng, chồng chị Hảo lại phải đi vay mượn, xoay xở khắp nơi để có tiền. Bác sĩ có đưa phiếu tạm ứng 10 triệu đóng tiếp cho vợ mà hơn tuần trời anh vẫn chưa đi vay được.
Còn phía bên Bạch Mai nơi cháu bé nằm trước đó, anh Tùng phải nhờ mẹ và em trai chị Hảo đi xoay xở chứ mình anh không thể lo hết được. Hằng ngày, anh Tùng cùng cậu em trai thay phiên nhau chạy từ viện này sang viện nọ để chăm sóc vợ và con. Khoảng cách ở hai viện khá xa, chi phí ở thành phố lại đắt đỏ nên số tiền trong túi anh cứ như rơi vào động không đáy.
Ngôi nhà tuềnh toàng nơi hai vợ chồng sinh sống. |
Mỗi ngày mở mắt ra, nghĩ về biết bao thứ tiền phải lo như tiền phòng, tiền thuốc, tiền ăn hàng ngày lại khiến anh vò đầu bứt tóc không thôi. Với chặng đường khó khăn phía trước mà vợ và con phải đối mặt sẽ vô cùng gian nan, là người chồng, người cha, anh vẫn chưa biết tính sao.
Trao đổi qua điện thoại, anh Tùng nghẹn ngào nói: "Tôi may mắn có người thím giúp đỡ, đi vay tiền hộ để chữa trị, giờ phải để cháu bé ở nhà cho bà trông còn mình thì lên Hà Nội trông vợ để tiết kiệm tiền. Có những lúc, mình cũng suy nghĩ về trường hợp xấu xảy ra. Nếu vợ con có mệnh hệ gì, chắc mình không gượng dậy nổi".
Sau khi hoàn cảnh và câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng của chị Hảo được cộng đồng mạng biết đến, cũng có một số nhà hảo tâm đến giúp đỡ gia đình, người giúp tiền, người giúp hiện vật.
Nói trong nước mắt, chị Hảo cũng gửi lời cảm ơn những người đã tận tình giúp đỡ mình và cho biết ước muốn hiện tại của người mẹ này cũng chỉ mong sớm khỏe lại để được gặp, được bế con trên tay và thực hiện nghĩa vụ của một người mẹ được ngày nào hay ngày ấy.
Bởi chị biết, với hoàn cảnh của mình, với án tử mình đang mang trên mình, ngày tháng chị được gần con cũng không còn nhiều nữa...
Về căn bệnh ung thư máu của chị Hảo, theo như bác sĩ Nguyễn Thị Xuân - Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết: "Bệnh nhân Hảo được phát hiện bị Lơ xê mi cấp thể M4 trên nền bệnh nhân bị Thalassaemia. Bệnh nhân mổ lấy thai 30 tuần, hiện vết mổ đã ổn và được điều trị thuốc nhưng chưa thể truyền hóa chất là vì thể trạng còn quá yếu và bệnh nhân có một nhọt ở vùng cổ. Với cái nhọt đó nếu truyền hóa chất lúc này thì tỉ lệ bùng phát nhiễm khuẩn cao, nguy cơ sẽ bị nhiễm khuẩn huyết". |
Độc giả giúp đỡ gia đình chị Hảo, xin liên hệ anh Dương Ngọc Tùng (ĐT: 0166 364 1985); anh Nông Văn Hoàng (ĐT: 0164 666 2749 hoặc tài khoản quỹ xã hội từ thiện của Báo CAND: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội hoặc Quỹ Xã hội từ thiện Báo CAND, 92 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
|