Khám phá mới về xác ướp Ai Cập có thể "viết lại lịch sử"
Người Ai Cập đã sử dụng các phương pháp ướp xác tinh vi khoảng 1.000 năm trước thời điểm mà giới khoa học vẫn giả định, The Guardian ngày 24/10 đưa tin. Giới khoa học cho rằng, nghiên cứu này có thể dẫn tới việc "viết lại sử sách".
Tuyên bố trên được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu của nhà khảo cổ học nổi tiếng Mohamed Mujahid, sau khi phân tích xác ướp 4.000 năm tuổi của nhà quý tộc Ai Cập có tên Khuwy, vốn được khai quật hồi 2019.
Cụ thể, xác ướp này được phủ một lớp keo tổng hợp chất lượng cao (resin) và một lớp vải lanh. Trong khi đó, những xác ướp phát hiện trước đây chỉ được phủ những loại nhựa cây thông thường.
Giáo sư Salima Ikram, Trưởng khoa Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo và là chuyên gia hàng đầu về lịch sử ướp xác chia sẻ với tờ Observer như sau: “Chúng ta cần thêm thời gian để khẳng định chắc chắn khám phá này. Nếu đây thực sự là xác ướp từ thời Cổ Vương quốc Ai Cập, thì tất cả các cuốn sách về quá trình ướp xác và lịch sử của Cổ Vương quốc cần được sửa đổi".
Hơn nữa, bà Salima còn cho rằng, với việc phát hiện ra keo tổng hợp resin trong quy trình ướp xác, giới chuyên gia cũng phải xem xét lại các tuyến đường thương mại liên quan thời bấy giờ và đó sẽ là sự thay đổi mang tính lịch sử.
Được biết, ngôi mộ của nhà quý tộc Khuwy nằm trong khu nghĩa địa khổng lồ tại Saqqara, phía Nam Cairo và hoàn toàn nổi bật nhờ vào thiết kế và màu sắc đặc biệt. Nhà khảo cổ Mohamed Mujahid cho hay, ngôi mộ có hình chữ L. Bất chấp sức tàn phá của thời gian, một số bức tranh vẫn giữ được những sắc màu rực rỡ, vốn thường được sử dụng trong hoàng tộc.
Những đặc điểm trên đã khiến các nhà khảo cổ học đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Khuwy và Djedkare Isesi, vị pharaoh thời đó và có kim tự tháp ngay gần ngôi mộ.