Những quốc gia thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới
Mỗi năm, khoảng 400 triệu tấn sản phẩm nhựa được sản xuất trên khắp thế giới, khoảng một nửa được sử dụng để sản xuất các mặt hàng sử dụng một lần như túi mua sắm, cốc và vật liệu đóng gói.
Trong số các loại nhựa này, ước tính có khoảng 8 triệu đến 10 triệu tấn thải ra đại dương mỗi năm. Nếu được làm phẳng bằng độ dày của một chiếc túi nhựa, số nhựa này đủ để bao phủ một diện tích 11.000 km vuông, tương đương kích thước của các quốc gia nhỏ như Qatar, Jamaica hoặc Bahamas.
Với tốc độ này, trong vòng 50 năm, rác thải nhựa có thể bao phủ một diện tích lớn hơn 550.000 km vuông - tương đương với diện tích của Pháp, Thái Lan hoặc Ukraine.
Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đại dương và thúc đẩy việc sử dụng và bảo vệ bền vững đại dương, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới.
Nguyên nhân rác thải nhựa bị đổ ra biển
Nhựa là dạng rác thải đại dương phổ biến nhất, chiếm 80% tổng lượng ô nhiễm biển. Hầu hết các loại nhựa thải ra đại dương đều đến từ các hệ thống xử lý chất thải không phù hợp đổ rác xuống sông và suối.
Nhựa dưới dạng lưới đánh cá và các thiết bị hàng hải khác cũng bị tàu và thuyền đánh cá đổ ra biển.
Bên cạnh túi và hộp nhựa, các hạt nhỏ được gọi là “microplastic” hay “hạt vi nhựa” cũng xâm nhập vào đại dương. Vi nhựa, có chiều dài dưới 5 mm, gây ra mối quan ngại lớn về môi trường vì chúng có thể được sinh vật biển nuốt phải và gây hại cho cả động vật và con người.
Ước tính có khoảng 50 nghìn tỷ đến 75 nghìn tỷ mảnh vi nhựa đang ở trong đại dương ngày nay.
Mặc dù nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe của việc con người tiêu thụ vi nhựa còn hạn chế, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi nhựa có thể tích tụ trong các cơ quan như gan, thận và ruột. Thậm chí, nhiều chuyên gia quan ngại rằng các hạt vi nhựa có khả năng dẫn đến viêm nhiễm, stress oxy hóa và tổn thương tế bào.
“Những hạt nhỏ này trong đại dương vỡ thành những mảnh nhỏ và bị động vật hoang dã sống ở đó tiêu thụ ở quy mô gần như không thể tưởng tượng được. Vấn đề chính là các mảnh nhựa có chứa hóa chất độc hại và những hóa chất này đã được biết là can thiệp vào nội tiết tố của con người và nội tiết tố động vật. Chúng có thể gây ra sự tích tụ chất độc trong cơ thể và có thể dẫn đến những tác động xấu theo thời gian,” tác giả khoa học Erica Cirino cho biết.
Những quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất
Theo một nghiên cứu năm 2021 do tổ chức nghiên cứu Science Advances công bố, 80% tổng số nhựa được tìm thấy trong đại dương đến từ châu Á.
Philippines được cho là nguồn thải nhựa chủ yếu với hơn một phần ba (36,4%) tổng lượng rác thải nhựa trong đại dương, tiếp theo là Ấn Độ (12,9%), Malaysia (7,5%), Trung Quốc (7,2%) và Indonesia (5,8%).
Số lượng này không bao gồm chất thải được xuất khẩu ra nước ngoài có thể có nguy cơ xâm nhập vào đại dương cao hơn.
Điều gì làm cho nhựa rất nguy hiểm cho môi trường?
Nhựa là vật liệu tổng hợp được làm từ polyme, là chuỗi dài các phân tử. Những polyme này thường có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc khí tự nhiên.
Vấn đề lớn nhất của nhựa là chúng không dễ phân hủy, có nghĩa là chúng có thể tồn tại trong môi trường hàng trăm năm, gây ra các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhựa qua nhiều con đường vào đại dương sẽ trôi nổi trên bề mặt trong một thời gian dài. Cuối cùng, chúng chìm xuống đáy và bị chôn vùi dưới đáy biển.
Nhựa trên bề mặt đại dương chiếm 1% tổng số nhựa trong đại dương. 99% còn lại là các mảnh vi nhựa nằm sâu dưới bề mặt.