Tuổi thật của Mặt Trăng được xác định
Trong sứ mệnh Apollo 17 năm 1972, lần gần nhất con người đi bộ trên Mặt Trăng, các phi hành gia người Mỹ Harrison Schmitt và Eugene Cernan đã thu thập được khoảng 110,4 kg mẫu đất và đá đưa về Trái Đất để nghiên cứu thêm.
Nửa thế kỷ sau, các tinh thể khoáng vật zircon bên trong mảnh đá được thu thập bởi sứ mệnh Apollo 17 đang giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về sự hình thành và tuổi chính xác của Mặt Trăng.
Các nhà khoa học ngày 23/10 công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Mặt Trăng đã già hơn khoảng 40 triệu năm so với những gì từng được biết trước đây. Theo đó, Mặt Trăng được hình thành cách đây hơn 4,46 tỷ năm, trong vòng 110 triệu năm sau khi Hệ Mặt trời ra đời.
Giả thuyết hàng đầu về sự hình thành của Mặt Trăng là trong thời kỳ đầu hỗn loạn của Hệ Mặt trời, một vật thể có kích thước bằng Sao Hỏa tên là Theia đã đâm vào Trái Đất nguyên thủy. Những vật thể từ vụ va chạm đã bắn ra không gian, quay quanh Trái Đất và kết tụ lại thành Mặt Trăng. Nhưng thời điểm chính xác cho sự hình thành của Mặt Trăng rất khó xác định.
Các tinh thể khoáng có thể hình thành sau khi magma nguội và đông đặc lại. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp gọi là chụp cắt lớp đầu dò nguyên tử để xác nhận tuổi của chất rắn lâu đời nhất được hình thành sau vụ va chạm, các tinh thể zircon bên trong mảnh vỡ của một loại đá gọi là norite do Schmitt thu thập.
Đá chứa zircon được thu thập tại thung lũng Taurus-Littrow ở rìa phía Đông Nam của Mare Serenitatis (Biển thanh bình) của Mặt Trăng và được lưu trữ tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston.
Phillip Heck, nhà khoa học vũ trụ và là giáo sư tại Đại học Chicago (Mỹ), cho biết: “Zircons rất cứng, bền và có thể tồn tại sau sự phân hủy của đá trong quá trình phong hóa”. Ông Phillip Heck cũng là tác giả cấp cao của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geochemical Perspective Letters.
“Thật thú vị, tất cả các khoáng chất lâu đời nhất được tìm thấy trên Trái Đất, Sao Hỏa và Mặt Trăng đều là tinh thể zircon. Zircon, chứ không phải kim cương, tồn tại mãi mãi”, nhà khoa học hành tinh UCLA và đồng tác giả nghiên cứu, Bidong Zhang cho biết thêm.
Tác giả chính của nghiên cứu Jennika Greer, nhà hóa học vũ trụ tại Đại học Glasgow ở Scotland, khẳng định: “Tôi coi đây là một ví dụ tuyệt vời về những gì ở cấp độ nano, hoặc thậm chí ở cấp độ nguyên tử, có thể cho chúng ta biết về những thắc mắc chưa có lời giải”.
Mặt Trăng quay quanh Trái Đất ở khoảng cách trung bình khoảng 385.000 km, có đường kính khoảng 3.475 km.
“Vụ va chạm hình thành nên Mặt Trăng là một sự kiện thảm khốc đối với Trái Đất và làm thay đổi tốc độ quay của Trái Đất. Sau đó, Mặt Trăng có tác dụng ổn định trục quay của Trái đất và làm chậm tốc độ quay của Trái Đất”, ông Heck thông tin thêm.
“Mặt Trăng giúp ổn định trục Trái Đất để có khí hậu ổn định”, chuyên gia Zhang nói. “Lực hấp dẫn của Mặt Trăng giúp hình thành hệ sinh thái đại dương. Mặt Trăng truyền cảm hứng cho các nền văn hóa và hoạt động khám phá của con người. Và NASA cũng như các cơ quan không gian khác coi Mặt Trăng là bước đệm cho những chuyến thám hiểm không gian sâu trong tương lai”.