Con đường của tiền, nước biển và máu

08:13 06/11/2020
Khi nhắc đến từ "cướp biển", điều gì sẽ nảy ra trong đầu mọi người?! Với nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ đến hình ảnh một gã đàn ông râu ria lồm xồm, đeo vá mắt một bên, hai bên hông là khẩu súng hoả mai và cây kiếm, và đứng trên boong một con tàu biển mang buồm. Đó là chân dung của một tên cướp vào thế kỷ 18, "thời đại vàng" của nghề cướp biển. Một tên cướp biển hiện đại khác hoàn toàn.


Họ đến từ Somalia, Malaysia, hay một đất nước nghèo khó nào đó. Họ sống tại vùng duyên hải, thậm chí có thể từng làm nghề đánh cá hay làm việc trên tàu chở hàng, nhưng không thể tự nuôi sống bản thân. Để hành nghề, họ lấy áo rách làm mặt nạ; mua súng từ những tay buôn súng địa phương, và trở thành cướp biển.

Thế nhưng nếu chỉ dừng lại tại đấy là chưa thể đủ. Những tên cướp biển hiện đại có thể là những con người không còn sự lựa chọn nào khác để tồn tại ngoài việc trở thành tội phạm. Nhưng họ lại đang trở thành "bình phong" cho những thế lực hùng mạnh hơn, độc ác hơn, những cá nhân, tổ chức cách xa hàng nghìn dặm vùng biển nơi mà các vụ cướp tàu táo tợn xảy ra. Hoặc là, họ trở thành một trong những "mắt xích" khác trong mạng lưới khủng bố đang tàn phá khu vực Trung Đông và Bắc Phi, biến cuộc sống của người dân tại các quốc gia này thành "địa ngục sống".

Vậy rốt cuộc, những thế lực đứng sau cướp biển quốc tế là ai?!

Các cơ quan như Cục Tiền tệ Singapore có nhiều giải pháp kiểm soát tiền bẩn.

Thế lực ngầm

Công ty Dịch vụ An ninh Hàng hải Idarat (Anh Quốc) đã mở một cuộc điều tra tài chính và phát hiện rằng, trung bình một năm các quốc gia tại bán đảo Ả-rập phải trả số tiền chuộc trị giá lên tới 80 triệu USD cho cướp biển Somalia. Kỳ lạ sao, hầu hết thực thể thực hiện việc trả tiền chuộc đều là những công ty bình phong của các tổ chức tội phạm tại Dubai, Riyadh, v.v… Idarat cuối cùng cũng phải đi đến kết luận rằng: việc trả tiền chuộc nhiều khả năng là một vỏ bọc cho hoạt động rửa tiền. Giám đốc Christopher Ledger đã đưa ra lời giải thích thế này: "Bạn gần như không thể truy xuất hay theo dõi dòng tiền tại Somalia, vì chỉ có người Somalia mới có thể thâm nhập vào hệ thống tài chính của họ!".

Từ sau khi cuộc nội chiến Somalia kết thúc vào đầu thế kỷ 21, gần như toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của đất nước này sụp đổ, trong đó có mạng lưới ngân hàng. "Khoảng trống" này dần dần được thay thế bởi những thực thể như người cho vay nặng lãi, tiệm cầm đồ, dịch vụ chuyển tiền, v.v…

Việc chuyển tiền diễn ra giữa những cá nhân khác nhau và không hề có giấy tờ làm chứng. Họ sẵn sàng chấp nhận không chỉ đô-la Mỹ mà còn cả với đồng Euro của châu Âu; đồng Bảng của nước Anh. Nữa là đồng Riyal của Ả-rập Xê-út, và thậm chí là với cả đồng ringgit của Malaysia, v.v...

Hệ thống giao dịch này dựa rất nhiều vào uy tín của từng cá nhân, cá thể tham gia. Do đó, người bên ngoài kể cả có cố gắng đến đâu đi nữa cũng khó có thể thâm nhập được vào mạng lưới của họ. Cũng nhờ vậy mà những tên tội phạm có tổ chức ở nước ngoài có thể dễ dàng lưu chuyển và rửa tiền mà không phải ôm nỗi lo sợ nơm nớp rằng, sẽ phải va chạm cảnh sát.

Người dân Somalia có lý do để bảo vệ hệ thống tài chính phi truyền thống của mình, vì lẽ rất đơn giản: cộng đồng của họ luôn nhận được một cái gì đó rất hữu ích! Cuộc nội chiến Somalia đã phá huỷ sinh kế của không biết bao nhiêu gia đình. Cánh đàn ông trở thành cướp biển để nuôi sống gia đình họ. Thế rồi sau khi đã thoả mãn những nhu cầu sống cơ bản tối thiểu, lúc đó người ta sẽ sử dụng tới số tiền chuộc để xây dựng lại mối quan hệ họ hàng, làng xóm.

Ông Andrew Mwangura, Tổng giám đốc Chương trình Hỗ trợ người đi biển vùng Đông Phi, nhận xét: "Những tên cướp biển mà bạn thấy chúng xuất hiện trong quá trình chiếm giữ tàu trái phép trên TV chủ yếu là thanh thiếu niên, và mỗi người họ chỉ nhận được một phần nhỏ từ số tiền chuộc đòi được!".

Cướp biển Somalia chịu một phần trách nhiệm trong những cái chết giữa biển của người tị nạn.

Cũng trong báo cáo của mình, ông Andrewb đã liệt kê ra một số đối tượng khác được lợi từ hoạt động cướp biển, trong đó băng cướp biển chỉ nhận được 30% số tiền chuộc mà thôi. Số tiền còn lại được chia cho người nhà, họ hàng, làng xóm của cướp biển (10%). Và đút lót cho lực lượng phiến quân kiểm soát địa phương (10%); trả tiền phí chuyển tiền và phí "giữ bí mật" cho các ngân hàng nước ngoài (20%); cuối cùng trả cho chủ tàu (30%). Số tiền mà mỗi tên cướp biển nhận được là không nhiều, trung bình khoảng 10.000 USD cho một phi vụ.

Nhưng với những người Somalia không nghề nghiệp, số tiền ít ỏi trên vẫn là khoản thu nhập rất đáng kể. Mặt khác, người ta nhận được sự bảo vệ của họ hàng, dân làng, và kể cả lực lượng phiến quân địa phương nữa. Bởi thế, trừ khi các lực lượng tuần dương nước ngoài phát hiện cướp biển trong khi người ta đang gây án  còn không sẽ không thể có cách nào khác để bắt và đưa họ ra trước công lý được. Chính phủ Somalia hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa tại các đô thị lớn.

Ở những vùng quê nghèo, các nhóm phiến quân địa phương mới chính là chủ thể của việc  nắm toàn quyền kiểm soát. Họ rất manh động và sẵn sàng nổ súng vào binh lính chính phủ hay lính nước ngoài để bảo vệ những tên cướp biển đã trả tiền cho mình.

Thế nhưng làm cướp biển tại Somalia đang càng ngày trở nên nguy hiểm. Hải quân Mỹ, Anh, Pháp, và cả Trung Quốc nữa đã tăng cường lực lượng tàu hộ vệ bảo vệ các chuyến tàu viễn dương đi qua châu Phi. Trong khi đó, trật tự xã hội ở Somalia cũng đang đi dần vào ổn định sau khi tổng thống mới Mohamed Abdullahi Mohamed lên nắm quyền.

Một số nhóm phiến quân địa phương hoặc đã bị tiêu diệt, hoặc chấp nhận xáp nhập vào quân đội chính phủ. Nhiều quan chức địa phương tại vùng Puntland (nơi cướp biển hoạt động mạnh nhất) đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội nhận hối lộ. Và, đại dịch COVID-19 đã làm sụt giảm nghiêm trọng số tàu chở hàng viễn dương. Những tên cướp biển Somalia không còn được bảo vệ như trước. Do đó chúng cũng  không kiếm được nhiều tiền như trước nữa, vậy nên người ta mới buộc phải đi tìm kiếm những "ô dù" mới.

Dòng chảy của "đồng tiền bẩn"

Một sự lựa chọn được nhiều băng cướp biển áp dụng là trở thành "bình phong" cho tội phạm có tổ chức tại nước ngoài. Khi một nhóm mafia tại Mỹ, Nhật Bản, hay Pháp muốn rửa tiền, họ sẽ thuê một con tàu chở hàng viễn dương. Khi con tàu đó đi qua vùng biển Somalia, những tên cướp biển sẽ tổ chức cướp tàu và đòi tiền chuộc. Các nhóm mafia sẽ trả tiền chuộc để cho con tàu tiếp tục hành trình của mình.

Dẫu chính phủ nhiều nước có chính sách không thoả thuận với cướp biển, nhưng trong trường hợp gia đình hay doanh nghiệp chịu trả tiền chuộc, cơ quan pháp luật sẽ "làm ngơ" mà không truy cứu họ. Thế là những đồng tiền "bẩn" sẽ được "rửa sạch" khi đi qua hệ thống tài chính phi truyền thống của Somalia rồi trở quay lại về tay mafia dưới dạng tiền mặt, vàng, hay thậm chí là ma tuý. Một phi vụ như thế có thể kiếm được cho các băng cướp biển Somalia trung bình từ 1 đến 3 triệu USD, nhiều hơn so với khi đi cướp tàu thật sự mà lại ít nguy hiểm hơn.

Đây quả thật là một cách thức rửa tiền khéo léo và an toàn. Tuy vậy, nó cũng không dễ để thực hiện. Hiện vẫn chưa có nhiều tổ chức tội phạm quốc tế tìm cách kết nối được với cướp biển Somalia và thành lập nên hệ thống chuyển tiền bí mật. Mối lo của các nhà quan sát là những thành công của phương thức rửa tiền nói trên sẽ thúc đẩy thêm nhiều tổ chức tội phạm nước ngoài khác nhảy vào. Khi đó hoàn toàn có khả năng Somalia sẽ trở thành một mảnh đất được những đối tượng tội phạm nắm quyền kiểm soát, giống như là vùng Tam giác vàng  tại khu vực châu Á vậy. Chính phủ Somalia còn đang yếu ớt, ít có khả năng đối đầu trực tiếp với các tổ chức tội phạm đa quốc gia.

Hiện nay người dân Somalia đã cảm nhận được hậu quả. Những tổ chức tội phạm quốc tế liên kết với cướp biển chắc chắn sẽ lập một chi nhánh của mình tại Somalia để tiện việc liên lạc. Những băng nhóm "con" này lại tổ chức kinh doanh phi pháp với một phần số tiền "bẩn" được "rửa". Theo lời của Đặc phái viên về An ninh hàng hải của Liên hợp quốc, ông Yury Fedotov, thì: "Những khoản tiền từ nước ngoài đang được dùng cho hoạt động buôn lậu, buôn ma tuý, buôn người ở Somalia… Trong nhiều trường hợp chính những tên cướp biển cũng tham gia buôn bán hàng cấm!".

Ủy ban Liên hợp quốc về Ma tuý và Tội phạm đã cộng tác với INTERPOL để mở một cuộc điều tra về vấn đề này. Sau khi phỏng vấn hàng trăm đối tượng trong mạng lưới cướp biển Somalia, họ đã rút được một số con số đáng ngạc nhiên: Trong giai đoạn 2005 - 2012 đã có khoảng từ 339 đến 413 triệu USD được các tổ chức tội phạm nước ngoài bơm vào Somalia. Hầu hết số tiền nói trên sẽ qua tay chi nhánh địa phương của những tổ chức này. Ngoài các hoạt động phi pháp, các băng đảng "con" còn sở hữu nhiều công ty kinh doanh chân chính. Nhờ nguồn tiền từ nước ngoài mà các doanh nghiệp này đã và đang chiếm lấy thị trường hàng hoá nội địa, hoàn toàn sở hữu khả năng thao túng giá cả nhu yếu phẩm thiết yếu tại Somalia.

Những con tàu viễn dương luôn luôn phải dè chừng khi đi qua khu vực biển Đông Phi.

Để có thể hoạt động kinh doanh công khai, các tổ chức tội phạm nước ngoài tại Somalia bao giờ cũng có một "tay trong" trong việc xây dựng hệ thống thanh toán điện tử ở quốc gia này. Tại Somalia có nhiều ứng dụng như Branch, Paylater và Kiaka cho phép người dùng chuyển tiền trực tiếp với nhau mà không cần qua ngân hàng. Chúng đã nhanh chóng trở thành một phần của hệ thống tài chính phi truyền thống Somalia, và các băng cướp biển cùng đồng bọn của mình đang lợi dụng chúng để chuyển những số tiền lớn mà không bị giám sát theo dõi.

Một cuộc điều tra mới đây của INTERPOL đã tiết lộ một thông tin chấn động: nhiều doanh nghiệp phát triển những phần mềm nói trên đều ít nhiều nhận tiền đầu tư của các thực thể "bình phong" của tội phạm quốc tế. Những "ông trùm" ở New York, London hay Tokyo đã sớm nhận ra xu hướng chuyển tiền và thanh toán điện tử tại châu Phi, rồi từ đó quyết định lợi dụng nó trong hoạt động rửa tiền của mình. Hiện nay chính phủ đang lúng túng không biết xử lý vụ việc ra sao, vì Branch, Paylater và Kiaka có rất nhiều người sử dụng, nếu ngừng hẳn hoạt động thì sẽ có vô số cá nhân, hộ gia đình Somalia chịu ảnh hưởng nặng nề.

"Con đường máu"

Ngoài mối quan hệ với tội phạm quốc tế có tổ chức, cướp biển Somalia còn gây đau đầu với các quốc gia khác vì sự tham dự của khủng bố. Các quốc gia láng giềng của Somalia, mà nổi bật là Yemen, trong nhiều năm nay đã chìm trong nội chiến giữa quân chính phủ và khủng bố. Các tổ chức khủng bố như Boko Haram sẽ thuê những băng cướp biển buôn lậu vũ khí để đổi lấy dầu hay một loại tài nguyên khác.

Vũ khí buôn lậu sẽ được tập trung tại hai thành phố duyên hải Somalia là Harardhere và Hobyo, rồi từ đó tuồn vào Yemen, Sudan, và các quốc gia Bắc Phi khác. Tình hình chiến sự trong khu vực đang trở nên căng thẳng hơn, và các quốc gia phương Tây như Pháp và Bồ Đào Nha đã phải gửi quân đến hỗ trợ cho lực lượng chính phủ Châu Phi đang yếu thế. Khả năng họ sử dụng đến hải quân để "cắt đứt" đường buôn lậu vũ khí của cướp biển Somalia là khá cao.

Con người cũng là một "mặt hàng" khác được cướp biển Somalia nhắm đến để thực hiện các phi vụ  buôn lậu. Các nhóm khủng bố cực đoan có sức hút rất lớn đối với những người Hồi giáo trên toàn thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Hiểu được điều này, chính phủ các nước đã có chính sách thắt chặt nhập cảnh vào các quốc gia Trung Đông, hay trong trường hợp của Ả-rập Xê-út, đóng hẳn đường biên giới với nước láng giềng Yemen.

Các các tay súng nước ngoài vì thế phải đáp tàu của cướp biển Somalia để có thể xuống tại Yemen, Sudan hay thậm chí là Libya, rồi sau đó liên lạc và gia nhập những nhóm khủng bố. Khoảng tiền phí mà cướp biển Somalia thu được từ các tay súng từ Mỹ, châu Âu và Malaysia là không hề nhỏ. Trong một số trường hợp thay vì thu tiền phí, các băng cướp biển sẽ làm giao kèo hẳn hoi để nhận được sự hỗ trợ của những tay súng trong các phi vụ cướp tàu thật sự lớn.

Ngược lại, các nhóm khủng bố một mặt tìm cách áp đặt luật pháp của mình lên các diện tích lãnh thổ đang kiểm soát, mặt khác trục xuất những người theo tôn giáo khác mình. Đơn cử như Boko Haram đang thực thi chính sách đuổi các gia đình Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo Shia khỏi ngôi nhà của mình. Để tránh sự áp bức của Boko Haram và cảnh không nhà không cửa, những gia đình này sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho cướp biển Somalia để được đi đến châu Âu tị nạn.

Cướp biển Somalia lại liên kết với những tay buôn ngưởi ở Libya và Ai Cập. Đây là các đối tượng sở hữu những chiếc thuyền, chiếc xà-lan chở chất đống người tị nạn vượt biển Địa Trung Hải mà truyền hình thường xuyên đưa tin. Gần như không năm nào mà không có một vụ lật thuyền giết chết hàng chục người tị nạn. Vào ngày 27 tháng 9 vừa qua, một gia đình năm người từ Trung Đông đã chết khi chiếc thuyền chở họ bị lật giữa vùng biển thuộc Ý. Việc ngăn chặn những thảm kịch như thế này không thể nào không đi kèm với các chiến dịch chống cướp biển Somalia.

Sau khi thuỷ thủ được cướp biển trả tự do, tàu của họ có thể bị bỏ lại như chiếc thuyền nằm tại bãi biển Somali ở trên.

Hiện thực trước mắt và tương lai

Liệu có cách nào giải quyết dứt điểm vấn đề cướp biển Somalia không?! Có, nếu chúng ta có thể đi đến tận gốc của vấn đề là sự nghèo đói và mất an ninh tại Somalia Bản báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc về Ma tuý và Tội phạm và INTERPOL đã đưa ra một tầm nhìn rất rõ ràng theo hướng: Thắt chặt hệ thống luật pháp của Somalia, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế, đưa  người dân Somalia thoát nghèo! Đây là hai công việc phải thực hiện đồng thời cùng một lúc, với mục đích cuối cùng là khiến cho cướp biển và cộng đồng của họ nhận ra một sự thật nhân văn: lao động kinh doanh hợp pháp sẽ có lợi cho họ hơn rất nhiều so với khi trở thành tội phạm!

Hiện nay Liên hợp quốc đang triển khai bước đầu kịch bản của tầm nhìn tương lai nói trên. Họ đã xây dựng thêm một số nhà tù mới, giảm nhẹ gánh nặng của hệ thống nhà tù Somalia vốn đang quá tải. Nhưng những nhà tù này còn có cả trường học, trang trại, xưởng thủ công, nhà máy v.v… Mục đích là giúp cho tù nhân tìm được một công việc mới sau khi ra tù chứ không phải phạm tội nữa. Ngay cả gia đình của các tù nhân cũng nhận được sự hỗ trợ để tránh cảnh: bố vào tù, con đi làm cướp biển thay bố!

Hiệu quả của chiến lược nói trên đã được thể hiện trong thực tế, tuy vậy, Liên hợp quốc đang gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình. Từng hơn một lần, ông Yuri Fedotov, nhân vật được đề cập tới ở phần trên đã phải đưa ra lời kêu gọi trước Hội đồng Bảo an, rằng: "Để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề cướp biển tại Somalia, Liên hợp quốc rất cần sự chung tay của các nước thành viên…Ngoài trọng trách nhân đạo mà mỗi quốc gia có, chúng ta còn phải hiểu rằng, vấn đề này không phải chỉ của riêng Somalia, mà còn là với cả cộng đồng quốc tế sẽ phải chịu sự tác động của nó!".

Lê Vũ (tổng hợp)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文