Nhức nhối thực trạng thuốc giả, cái chết thật
Chưa khi nào sức khỏe, tính mạng của con người lại bị đem ra kinh doanh nhiều như hiện nay. Con người bị đầu độc bởi nạn thuốc giả đang có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Thuốc giả nhưng cái chết thật! Đó cũng là một thực trạng đau lòng, đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của người bệnh. Thực trạng này đòi hỏi cấp thiết phải được ngăn chặn và xử lý triệt để bằng nhiều giải pháp mạnh.
Vì sao thuốc kháng sinh, chống sốt rét, vắc xin, tăng cường sinh lý… bị làm giả nhiều nhất?
Vào một trang web trên mạng có dòng quảng cáo hấp dẫn về loại thuốc tăng cường sinh lý vốn được coi là "thần dược" của cánh mày râu, ông Nguyễn Văn Đ, ở Hà Nội đã đặt mua 3 hộp Viagra. Ông Đ bị yếu sinh lý đã vài năm nay, thỉnh thoảng có sử dụng "công cụ hỗ trợ" là Viagra để cải thiện sức khỏe. Lần này, ông mua trên mạng, rẻ hơn 50.000 đ/hộp. Hí hửng đem ra sử dụng, thần dược đâu chẳng thấy, ông phải nhập viện sau một ngày một đêm "lên không xuống", người nóng bừng, đỏ tía. Bác sĩ kết luận ông Đ bị ngộ độc thuốc do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Sau này, qua tìm hiểu, ông Đ mới biết, các loại thuốc kích dục như Viagra, Cialis bị làm giả nhiều nhất hiện nay.
Những trang web quảng cáo bán tân dược, đặc biệt là các tân dược phục hồi, tăng cường sinh lý tràn ngập. Có hàng chục loại thuốc uống, bôi, tiêm giúp cánh mày râu tràn trề sinh lực hơn, nhưng thực chất các loại thuốc đó là gì, sản xuất ở đâu và được kiểm định hay chưa? Theo Bộ Y tế khuyến cáo thì, 50% thuốc được bán bất hợp pháp trên mạng internet là thuốc giả, các loại thuốc theo nguồn xách tay hiện chưa kiểm soát được về chất lượng.
Kháng sinh là thuốc đặc trị cho hầu hết các bệnh viêm nhiễm, nhiễm khuẩn của người bệnh, là thuốc không thể thiếu trong các ca phẫu thuật, đại phẫu thuật nhưng hiện nay cũng bị làm giả. Những tên thuốc kháng sinh quen thuộc, sản xuất tại Pháp như Ampicillin, Zinnat dạng viên 500mg giờ đây là thuốc bị làm giả nhiều nhất (mẫu thuốc không có phản ứng định tính của Cefuroxim axetil). Zinnat là dòng kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng khá phổ biến cho cả người lớn và trẻ em ở Việt Nam. Loại thuốc này được chỉ định trong các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, viêm tai giữa hoặc các bệnh về nhiễm khuẩn niệu - sinh dục. Theo Đại tá PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân thì loại tân dược giả này nếu không kịp thời phát hiện, xử lý và thu hồi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh khi sử dụng.
Tân dược là một mặt hàng đặc biệt quan trọng trong việc phòng bệnh, chữa bệnh bảo vệ sức khỏe cho con người. Bên cạnh sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học, các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y học, dược học luôn tìm tòi, sáng chế, sản xuất ra các loại tân dược đặc hiệu nhằm phòng bệnh và chữa những bệnh nan y nhằm kéo dài sự sống, đem lại hạnh phúc cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội thì vẫn có những người táng tận lương tâm, vì sức mạnh đồng tiền, bất chấp pháp luật đã và đang tìm mọi cách để sản xuất, buôn bán các loại tân dược giả trên thị trường để thu lợi bất chính.
Thuốc giả, cái chết thật
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, đến hết tháng 6/2013, Việt Nam hiện có hơn 2.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dược phẩm, nhưng chỉ gần 1/10 là sản xuất thuốc. Việt Nam đứng thứ 13/175 về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho dược phẩm. Mức chi tiêu về thuốc theo đầu người ở Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2015.
Thuốc điều trị giun sán cũng bị làm giả (ảnh trên). Doanh nghiệp sản xuất tân dược cần tự bảo vệ mình và có cảnh báo thuốc giả, thuốc thật để người bệnh phân biệt. |
Với mức chi tiêu đó, tội phạm coi đây là một địa bàn "màu mỡ" để sản xuất và buôn bán thuốc giả. Đồng thời với mức sinh lời từ 200-450 lần, sản xuất và buôn bán tân dược giả đang trở thành miếng ngon béo bở cho các đối tượng làm ăn phi pháp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu như tại các nước phát triển, tỷ lệ thuốc giả dao động dưới 1% thì ở các nước đang phát triển là 10%. Đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao, có nước 30%.
Thuốc giả nhưng cái chết thật. Đây chính là thông điệp cảnh báo khắp toàn cầu. Theo thống kê của WHO, con số tử vong bình quân mỗi năm do tân dược giả trên thế giới lên tới 200.000 người, trong khi doanh thu ngành "kinh doanh đặc biệt" này trên toàn cầu đạt 45 tỷ euro/năm. Khi sử dụng thuốc giả, bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc và tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10.
Tỷ lệ ngộ độc thuốc ở Việt Nam ngày càng tăng, các phản ứng ngộ độc, dị ứng khi sử dụng thuốc giả sau 15 đến 30 phút, người bệnh sẽ thấy khó thở, ngứa họng, ngứa mũi, chóng mặt, co giật…WHO từng cảnh báo, tỷ lệ thuốc sốt rét giả ở Việt Nam chiếm khá cao: 38%. Còn theo Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế thì các loại thuốc bị làm giả nhiều nhất là: Tanganil điều trị chóng mặt; Mobic điều trị bệnh lý về xương, khớp, cột sống; Cota trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng; Sibelium dự phòng đau nửa đầu, điều trị chóng mặt; Neo-Codion trị ho; thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (Gliclazide, Glibenclamide, Glipizid, Glimepiride…); kể cả các thuốc đặc trị, phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng bị làm giả như Vastarel điều trị dự phòng đau thắt ngực, Dogmatil trị lo âu và rối loạn hành vi; thuốc K-Cort và Bar là những thuốc chuyên trị khớp và bồi bổ gan; thuốc Lpitor chữa bệnh giảm mỡ trong máu, ngừa tai biến cho người huyết áp cao…
Theo Đại tá, GS.TS Nguyễn Minh Đức thì thuốc điều trị bệnh đái tháo đường bị làm giả có nhiều thành phần dược chất độc cao gấp 6 lần quy định.
Hỗn loạn thị trường tân dược giả
Thị trường tân dược giả đang trở nên hỗn loạn: làm giả ở trong nước; làm giả ở nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam. Đến thuốc điều trị giun sán cũng bị làm giả. Kẻ làm giả, kẻ buôn bán thuốc giả hưởng siêu lợi nhuận, tất cả hậu họa đổ lên tính mạng của người bệnh. Từ các vụ sản xuất, buôn bán tân dược giả bị bắt giữ, chúng ta đều giật mình kinh sợ về thủ đoạn táng tận lương tâm này.
Đối tượng mua tân dược được đóng trong chai nhựa sản xuất trong nước với giả rẻ, mua các loại thuốc quá đát sau đó cho vào chai, lọ của loại tân dược của các hãng dược nổi tiếng nước ngoài như Pháp, Anh, Mỹ, Ấn Độ… đã qua sử dụng, sau đó dùng kỹ thuật gia công nhãn mác cho mới, đặt tờ in hướng dẫn sử dụng cho vào trong hộp và bán ra thị trường với giá cao hơn nhiều lần. Thậm chí chúng tổ chức thành đường dây liên hoàn từ khâu sản xuất đến tiếp thị, giao hàng và mở đại lý bán thuốc tây. Vụ Huỳnh Ngọc Quang ở TP Hồ Chí Minh dùng thủ đoạn lập Công ty cổ phần dược Việt - Pháp để hoạt động kinh doanh mua bán thuốc nhằm che đậy mạng lưới sản xuất buôn bán thuốc giả theo hình thức trên.
Các đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả được thiết lập trên cả nước, được chia ra nhiều nơi, sử dụng nhiều đối tượng khác nhau để sản xuất và buôn bán. Trong thời gian qua, chúng đã đưa trót lọt ra thị trường hàng loạt thuốc giả như thuốc giảm cân BVP, Ceslestamine, Legalon, Nizoral, Calcium, Amoxilline, Cephalexin…Thủ đoạn nữa là đối tượng trực tiếp tổ chức, sản xuất tân dược giả từ A-Z, trang bị đầy đủ các loại máy móc, nguyên liệu, in ấn… Nguyên liệu để sản xuất tân dược là các loại bột gạo có sử dụng chất bảo quản. Khi nhu cầu thị trường cần hoặc khan hiếm loại gì là chúng sản xuất. Hình thức này chủ yếu là thuốc uống, đóng hộp, đóng vỉ để tránh bị phát hiện.
Điển hình là Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt cả ê kíp sản xuất tân dược giả do Trần Thị Diễm Phương cầm đầu, chuyên sản xuất tân dược đặc trị khớp và bổ gan Bar. Hay vụ Quách Thị Lành ở Hà Nội câu kết với 4 đối tượng sản xuất, buôn bán số lượng rất lớn thuốc tránh thai giả nhãn hiệu của Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ đem đi tiêu thụ…
Cần phải bổ sung nhiều chế tài mới để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm thuốc giả
Để ngăn chặn nạn thuốc giả, theo Đại tá, PGS.TS Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an thì giải pháp quan trọng, cần được ưu tiên là phải xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường, y tế trong đấu tranh, phòng chống tân dược giả; đồng thời tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về dược phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng thuốc. Ngành dược và các cơ sở sản xuất kinh doanh tân dược cần thường xuyên, chủ động trao đổi thông tin với lực lượng cảnh sát kinh tế để xử lý kịp thời các hành vi sản xuất buôn bán tân dược giả.
Cũng theo Đại tá Hoàng Văn Trực, phải khuyến khích các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu áp dụng các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất, phân phối thuốc để giảm nguy cơ bị làm giả. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải tích cực tuyên truyền về sự nguy hại của tân dược giả, thông báo cho nhân dân biết để tự bảo vệ.
Đại tá, PGS.TS Đường Minh Giới, Trưởng bộ môn Pháp luật, Học viện CSND kiến nghị, thời gian tới, cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý cho việc xác định thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc thuốc nhái để tránh chồng chéo, lúng túng trong xử lý. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả; cần đề xuất bổ sung những quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh sản xuất, buôn bán thuốc giả…
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện CSND cho hay, để phát hiện thuốc giả người dân có thể lắc vỉ thuốc xem có bị dính, bạc màu hay chảy nước không? Với chai thuốc nước thì chai có bị đóng cặn hay váng mốc không. Các đơn vị sản xuất thuốc tân dược cũng phải biết bảo vệ sản phẩm của mình, thông báo, cảnh báo người tiêu dùng khi có thuốc giả trên thị trường. |