Phạm tội kiểu mới:

Thu tiền tỷ từ mua bán thông tin cá nhân

15:27 03/11/2012
Thời gian gần đây, tình trạng rao bán thông tin cá nhân (TTCN) gồm: tên, tuổi, công việc, số điện thoại, email… lại rộ lên sau một thời gian tạm lắng xuống. Điều đặc biệt là trong những điều khoản của hợp đồng mua bán, trao đổi những TTCN này có chi tiết thông tin cá nhân đã được xác minh và có đảm bảo độ chính xác tới trên 90% - đây là điểm rất mới trong loại hình phạm pháp này.

Phá đường dây mua bán thông tin cá nhân trái phép

Có lẽ chẳng khó khăn gì để nhận thấy được "vấn nạn" này khi nhiều chủ thuê bao điện thoại bực bội hằng ngày phải nhận những cuộc điện thoại mời chào sử dụng dịch vụ, hàng hóa hay email phải liên tục xóa tin nhắn rác, email quảng cáo vô bổ… Thực trạng này bắt nguồn từ việc TTCN đang được rao bán trái phép công khai và rầm rộ trên mạng Internet trong thời gian qua.

"Tôi luôn bị quấy rầy vì mấy công ty bảo hiểm và ngân hàng. Không biết họ lấy thông tin từ đâu mà biết hết TTCN của tôi rồi cứ lâu lâu lại gọi hỏi có mua bảo hiểm hay vay tiền này kia…", anh Khánh Hoàng (37 tuổi), biên tập viên của một tạp chí giải trí, bức xúc cho biết.   

Trường hợp của anh Hoàng, có lẽ là ví dụ điển hình của rất nhiều "khổ chủ" khác hằng ngày cũng gặp phải những chuyện tương tự. Nhiều người đang ngồi trong văn phòng hay thậm chí đang đi trên đường cũng nhận được điện thoại, tin nhắn tiếp thị kiểu này. Đa số đều lịch sự từ chối và cúp máy, nhưng cũng có những trường hợp tỏ rõ ý bực tức và cáu giận khi được nhận những "lời hỏi thăm" không hề mong muốn này.

Đối tượng Dương Hồng Lễ (trái) đang nhận tiền một đối tác để bán dữ liệu trong vụ việc bị xử lý vào đầu năm 2012.

Tình trạng TTCN dễ dàng bị phơi bày trên mạng Internet như trên đã được các cơ quan chức năng lý giải với nhiều lý do, chẳng hạn như các cá nhân chủ quan công bố thông tin của mình lên các trang mạng xã hội, blog, diễn đàn trên mạng…; thêm vào đó, cũng không loại trừ trường hợp các TTCN khi cung cấp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp không được bảo mật tốt nên đã bị lộ và lọt ra ngoài bởi một vài cá nhân trong chính các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đó. 

Còn nhớ đầu năm 2012, Cục An ninh Thông tin - Truyền thông (A87) thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an (phía Nam) đã xử lý ba đối tượng gồm: Dương Hồng Lễ (ngụ quận Tân Phú), Hứa Văn Tuấn (ngụ quận 8) và Lê Minh Trung (ngụ quận Bình Thạnh) có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép TTCN của người khác trên mạng Internet.

Theo nhận định của Cục A87, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Tuy nhiên, các đối tượng khi bị mời làm việc đã thành khẩn hợp tác, trình bày không am hiểu pháp luật và là lần đầu phạm tội nên vụ việc được Cục A87 chuyển giao cho Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh (Sở TT - TT TP Hồ Chí Minh) xử lý hành chính.

Sau sự vụ này, tưởng rằng hoạt động mua bán TTCN trái phép sẽ lắng dịu, tuy nhiên thực tế lại không phải vậy. Bởi mới đây (đầu tháng 11/2012), một vụ công khai mua bán TTCN nổi bật với số tiền hợp đồng giao dịch lên tới tiền tỷ đã được các cơ quan chức năng khám phá và công bố rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông.

Theo đó, Công ty cổ phần Datanium có trụ sở tại quận 1 (TP HCM) và một chi nhánh tại Hà Nội được lập ra chỉ để buôn bán mặt hàng đặc biệt này. Theo kết quả điều tra, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Datanium là Nguyễn Trung Thành (43 tuổi, Việt kiều Mỹ). Ông Thành cho biết, khi về Việt Nam làm ăn nhận thấy các công ty trong nước rất cần những dữ liệu TTCN (data) của khách hàng để mở rộng kinh doanh, nhất là thông tin về những người có địa vị và giàu có.

Vì thế, năm 2009, ông Thành cùng một số người đã thành lập Datanium với các chức năng như: Buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử viễn thông; tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan… Tuy nhiên, từ năm 2010, công ty này chỉ mua bán dữ liệu cá nhân.

Cũng theo ông Thành, để có hàng triệu dữ liệu cung cấp cho khách, Datanium mua dữ liệu cá nhân khách hàng từ nhiều nguồn trên mạng, các công ty quảng cáo (như Công ty cổ phần Châu Á Tiêu Điểm - Focus Asia, công ty TNHH Teleservices Việt Nam… với tổng giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng.

Sau đó, Datanium sẽ phân ra thành nhiều loại từ "data cao cấp" (bao gồm số điện thoại di động, email, địa chỉ nhà riêng, nghề nghiệp của những giám đốc, trưởng phòng hoặc những người sở hữu ôtô hạng sang) cho đến thông tin của những người có thu nhập bậc trung (nhân viên văn phòng), thậm chí là cả các phụ nữ có con nhỏ, bà bầu kèm theo chi tiết ngày dự sinh của họ…

Trong đó, "sản phẩm" bán giá cao và nhiều khách tìm mua nhất là thông tin của những người sở hữu ôtô hạng sang rồi đến các giám đốc, trưởng phòng có thu nhập cao… - bởi đây được coi là các khách hàng tiềm năng của các công ty du lịch, bất động sản…

Ông Thành cho biết, cho đến khi bị phát hiện, công ty này đã bán được cho khoảng 20 khách hàng với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng. Đối tác đã thực hiện hợp đồng mua bán data với Datanium là những công ty du lịch, quảng cáo, tài chính và cả một số ngân hàng lớn… Trong số này, có một công ty ở Hà Nội mua data trị giá hợp đồng đến hơn 400 triệu đồng; hai ngân hàng lớn mua hơn 400 triệu đồng...

Mua bán thông tin cá nhân: Loại hình tội phạm mới  

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Thanh tra Sở TT - TT TP HCM, việc kinh doanh TTCN trái phép của Datanium được cho là đạt đến sự chuyên nghiệp cao nhất từ trước đến nay bởi không chỉ mua bán qua lại, công ty này còn cam kết cung cấp dữ liệu có sự bảo đảm độ chính xác của thông tin. Theo đó, Datanium đã ký kết hợp đồng dài hạn với Teleservices Việt Nam, Focus Asia để các công ty này thực hiện dịch vụ "xác minh TTCN". Datanium sẽ giao những TTCN thô (chưa biết rõ tính xác thực) để cho các công ty này gọi điện đến thăm dò, điều tra, xác minh, thu thập thông tin chính xác về cá nhân này theo "đơn đặt hàng" của Datanium…

Hai trong nhiều hợp đồng mua bán dữ liệu cá nhân của Datanium với các đối tác.

Ngay trong phần giới thiệu trên web (www.D...net) của công ty này cũng đề cập rất rõ việc xác minh dữ liệu: Kiểm tra độ chính xác danh sách khách hàng bằng cách gọi ngẫu nhiên một khách hàng và kiểm tra tên, địa chỉ, số điện thoại, email và các thông tin liên quan khác… Đồng thời, công ty này còn tiến hành việc thanh lọc và cập nhật dữ liệu với khoảng 20% dữ liệu khách hàng bị suy giảm và thất thoát hằng năm: nghĩa là phát hiện, chỉnh sửa hay xóa bỏ các hồ sơ bị gián đoạn hoặc không chính xác từ hệ thống cơ sở dữ liệu…

Từ đây, phía Datanium đã mạnh dạn quảng cáo về tỷ lệ chính xác của "data cao cấp" lên đến 90%, thậm chí là 95% và thường xuyên được cập nhật nên đã không ngại ngần nâng giá bán một data tới 0,8 USD (tương đương 16.000 đồng). Theo điều tra ban đầu, với hình thức buôn bán này, kể từ khi thành lập (năm 2010), Datanium đã thu lợi ước tính tiền tỷ.

Tuy hậu quả của việc mua bán TTCN mới chỉ dừng lại ở việc khổ chủ bị quấy rầy với đủ loại dịch vụ bảo hiểm, du lịch… mà mình không hề có nhu cầu. Nhưng, về lâu dài, việc các TTCN phơi bày trên mạng Internet có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để kết nối liên lạc, đe dọa, tống tiền... các tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, nếu đối tượng sử dụng TTCN kết hợp với công nghệ cao tấn công vào các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng hoặc an ninh-quốc phòng... thì thiệt hại sẽ khôn lường. Điển hình như từ tháng 6/2010, cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an Việt Nam đã liên tiếp tiến hành triệt hạ các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam lợi dụng công nghệ cao để kết nối liên lạc, đe dọa tổ chức, cá nhân, ép chuyển tiền vào tài khoản của chúng. 

Vì thế, đã đến lúc cần mạnh tay xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức buôn bán TTCN trái phép, đồng thời xử lý cả các cá nhân và tổ chức cố tình để lộ, hoặc trực tiếp cung cấp thông tin cho tội phạm hòng trục lợi.

Tuy nhiên, cũng cần phải đề cập đến một khía cạnh nữa trong việc phòng chống loại tội phạm này, đó là mỗi người cần đề cao cảnh giác, tự bảo vệ TTCN của mình, nhất là việc cung cấp TTCN trên mạng Internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia. Mỗi người cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật TTCN của khách hàng.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp, phải chú ý rà soát thật kỹ công tác bảo mật, kịp thời phát hiện các "lỗ hổng" trong quản lý thông tin của khách hàng nhằm giữ an toàn cho các cá nhân và cũng là bảo vệ uy tín, thương hiệu của chính mình. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng những chế tài xử phạt đủ sức răn đe để quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm tuyệt đối.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Thanh tra Sở TT - TT TP Hồ Chí Minh cho biết:

Thời gian qua, Sở TT - TT TP HCM đã phối hợp với Thanh tra Bộ TT - TT, Cục A87 xử lý nhiều vụ việc liên quan đến chuyện này vừa để răn đe, vừa cảnh báo đến tất cả các doanh nghiệp đang vi phạm pháp luật khi cung cấp, trục lợi từ những dữ liệu TTCN này, gây khó khăn và bất lợi không đáng có cho những người sử dụng dịch vụ.

Hiện Sở đang tiếp tục rà soát, kiểm tra những đơn vị cung cấp TTCN cho những doanh nghiệp, công ty, tổ chức để rao bán TTCN trên thị trường… để có hình thức xử lý nghiêm khắc, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hành vi phạm pháp này. Đồng thời, Sở cũng sẽ tiến hành tổng hợp lại toàn bộ về phương thức, hành vi mua bán TTCN trái phép… để có cơ sở trình lên và kiến nghị với UBND TP HCM và Bộ TT - TT có hướng xử lý đồng bộ và quyết liệt vấn đề này.

Vấn đề này đã được quy định rõ ràng trong mục 1, khoản b, Điều 226 của Bộ luật Hình sự - người nào "mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó" sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phú Lữ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文