Chất gây nghiện nyaope tàn phá giới trẻ Nam Phi

10:00 06/04/2015
Mới 24 tuổi nhưng Neo đã có thâm niên hút chất gây nghiện nyaope 7 năm. Lần đầu tiên Neo hút nyaope là năm 17 tuổi, khi còn đang đi học. Lần ấy, trong giờ giải lao, Neo bị bạn cùng lớp rủ vào một quán rượu phía sau trường để hút loại ma túy chết người này. Và trong 7 năm qua, cuộc sống của Neo hoàn toàn bị đảo điên, đến người mẹ của anh cũng không nhận ra cậu con trai ngoan ngoãn yêu quý của mình.

Để có tiền chơi nyaope, Neo biến thành một tên trộm cắp vặt. Nhưng thật nguy hiểm khi chính Neo không nhận ra mình là một con nghiện. Anh ta tự bào chữa cho việc hút nyaope là để… chữa bệnh, làm xoa dịu những cơn co thắt dạ dày hành hạ hằng ngày.

Vậy "nyaope" là chất gây nghiện gì mà có thể biến một người khỏe mạnh, trong trắng thành kẻ tàn tạ, bê tha và nghiện ngập vậy?

Qua điều tra cho thấy, nyaope còn được gọi là "whoonga" hay "wunga", là hỗn hợp gồm heroin cấp thấp, cần sa, các chất tẩy rửa, thuốc diệt chuột và Clo. Nyaope có giá rẻ, chỉ khoảng 2USD cho một liều dùng. Việc mua nyaope rất dễ và hút cũng công khai. Người nghiện chuẩn bị giấy và sau đó quấn thứ bột màu trắng trước khi đốt chúng. Đó là cảnh tượng phổ biến trên khắp đất nước Nam Phi và đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người trẻ ở đây.

Nhiều thanh niên Nam Phi quay cuồng với nyaope.

Theo một bài phóng sự điều tra được đăng trên GlobalMediaGirl, nyaope lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi là vào giữa năm 2000 và 2006 tại vùng Soshanguve, thành phố Attridgeville và thị trấn Mamelodi. Năm 2010, nyaope bắt đầu hoành hành ở thành phố Durban, cũng kể từ đây trào lưu hút nyaope lan nhanh trong giới trẻ Nam Phi. 

"Thiên đường" là từ các con nghiện thường nói khi được hỏi về tác động của nyaope. Tuy nhiên, nyaope chỉ mang đến "thiên đường" trong một vài giờ ngắn ngủi, và sẽ là "địa ngục" đối với những người nghiện bởi họ sẽ không dễ dàng thoát khỏi được "con ma này".

Con trai 30 tuổi của bà Maria Khanye đã chết năm ngoái sau khi tái nghiện nhiều lần mặc dù đã vào trại cai nghiện. "Con trai tôi đã chết trong vòng tay của tôi. Tôi đã năn nỉ nó đi cai, nhưng nó không nghe tôi". Người phụ nữ 60 tuổi thường xuyên đi vận động trong khu phố của mình để khuyến khích người nghiện từ bỏ trước khi quá muộn. "Tôi khóc khi đi bộ qua các con đường và tôi thấy chúng hút mỗi ngày. Việc làm này cần phải dừng lại".

Khi mới hút, người dùng cảm thấy tinh thần phấn khích, khi sử dụng liều nặng hơn, một cảm giác thư giãn thật tuyệt vời. Nhưng hậu quả nguy hiểm của loại ma túy tổng hợp giá rẻ này là người chơi không cần ăn uống và khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu, xuất hiện những cơn đau thắt dạ dày, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, bị chuột rút, mất ngủ… y như một bệnh nhân thực sự. Một số người nghiện giải thích rằng họ mắc nghiện vì đã dùng thử các loại ma túy; một số khác nói rằng, vì thất vọng khi không tìm được việc làm đã dẫn họ đến ma túy.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng nghiện ma túy, Chính phủ Nam Phi đã cam kết sẽ thành lập nhiều trung tâm phục hồi chức năng. Tuy nhiên, với tốc độ mà nyaope đang lan rộng trong cộng đồng như hiện nay thì biện pháp này chưa đáp ứng được. Các trung tâm điều trị luôn trong tình trạng quá tải.

Hãy nói "không" với ma túy.

Ông Oupa Segone, cựu thị trưởng thị trấn Delmas, tỉnh Mpumalanga - nơi nyaope đang hoành hành dữ dội, đã mở một trung tâm phục hồi chức năng không có giấy phép tại trang trại của ông. Để giúp 22 người nghiện, ông Segone sử dụng phương pháp độc đáo, kết hợp giữa chăm sóc, thiền định và nhóm trị liệu - không có bác sĩ hoặc nhân viên xã hội, mà chỉ có những người nghiện khuyến khích nhau để bỏ thuốc.

Hội đồng quốc gia Nam Phi về rượu và sự phụ thuộc thuốc (SANCA) cho biết, các trung tâm phục hồi chức năng không có giấy phép đã mọc lên như nấm trên khắp Nam Phi để đáp ứng nhu cầu của các gia đình có người nghiện đang tuyệt vọng và cần được giúp đỡ. Chính phủ cho biết, rất lo ngại khi nyaope ngày càng phổ biến, nhưng phải mất một thời gian nyaope mới được xếp vào loại ma túy. Nyaope bị cấm từ tháng 3/2014 và người sử dụng bị phạt tù lên đến 15 năm.

Trường Vân (Theo IBT)

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文