XKLĐ bằng "kết hôn giả": Canh bạc hạnh phúc
Hàng trăm ngôi nhà cao tầng mọc lên, cuộc sống thay đổi chóng mặt. Có tháng cao điểm ngoại tệ đổ về xã Tam Dị (Lục Nam, Bắc Giang) lên tới 15 tỷ VND. Thế nhưng ở đây lại được người ta ví như một bức tranh đẹp nhưng buồn. Tiền có, nhà có mà biết bao cặp vợ chồng đang rạn nứt tình cảm, bao đứa trẻ chưa thể làm giấy khai sinh. Đó là hệ lụy đớn đau đang hiện hữu từ việc "kết hôn giả" để XKLĐ.
Thay da đổi thịt
Đến Tam Dị, điều dễ nhận thấy nhất là sự giàu có và sung túc của người dân nơi đây. Những ngôi nhà cao tầng ngất ngưởng san sát bên nhau. Quả thật, hiếm có ở nơi đâu một xã thuần nông lại có sự phát triển "khủng" đến như vậy.
Phong trào XKLĐ đã có ở Tam Dị cách đây hàng chục năm. Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 2.500 người đang làm việc ở hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cho tới Ăng-gô-la, Síp, Ả-rập, Libi…
Từ XKLĐ, diện mạo xã Tam Dị thay da, đổi thịt từng ngày. Mặc dù xa trung tâm huyện, giao thông còn khó khăn nhưng khu vực trung tâm xã sầm uất như một thị trấn nhỏ. Ở thành phố, thị xã có dịch vụ gì thì ở đây có cả. Từ cắt tóc, gội đầu, mát-xa cho đến mua bán vàng bạc đá quý… . Giá đất ở đây vì thế cao ngất ngưởng. Khoảng hai năm trước, tại khu chợ Tam Dị, nhiều người sẵn sàng bỏ ra 2-3 tỷ đồng mua một lô đất 72 m2, tương đương với giá đất ở những trục đường đẹp nhất tại TP Bắc Giang lúc bấy giờ.
Toàn xã hiện có hơn chục chiếc "xế hộp", chiếc đắt nhất hơn 2 tỷ đồng, còn lại phổ biến ở mức 500-800 triệu đồng. Nhiều gia đình trở thành "đại gia" khi có tới 3-4 người con cùng đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Họ không chỉ có của ăn của để mà còn mở siêu thị, cửa hàng, thành lập doanh nghiệp.
Chia sẻ về những con số biết nói đó, ông Đào Văn Quảng cho hay: "Xã có đến gần 500 hộ kinh doanh cá thể, gấp khoảng ba lần những xã khác. Đấy là chưa kể, từ việc thiếu hụt nhân lực trên địa bàn, Tam Dị phải thu hút người từ nơi khác đến làm thuê tại các cơ sở dịch vụ, sản xuất. Người dân Tam Dị hiện nay không còn mặn mà với đồng ruộng mà chủ yếu thuê người về làm. Vào vụ cấy, gặt đông nghìn nghịt người từ nơi khác đến làm thuê".
Kết hôn giả nỗi đau thật
Hai bên con đường bê tông khang trang của thôn Đông Thịnh (Tam Dị) là những ngôi nhà cao tầng đủ mọi kiểu dáng hiện đại. Thế nhưng ít ai biết bên trong những ngôi nhà kín cổng cao tường kia có bao nhiêu cặp vợ chồng đang chịu đựng cảnh "cơm không lành canh chẳng ngọt"? Đã gần 8 năm nay gia đình anh Nguyễn Xuân Hải vắng bóng bàn tay người phụ nữ.
Ngày đó anh Hải "ly hôn giả" với vợ, mục đích cho vợ kết hôn với 1 người Đài Loan để sang lao động. Anh Hải tâm sự: "Thì cũng chỉ mong cho vợ đi xuất khẩu kiếm thêm giúp gia đình. Đi xuất khẩu bằng con đường kết hôn với người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn và rẻ hơn nên tôi quyết định cho vợ đi. Ai ngờ! Nếu như có thời gian có quay trở lại sẽ không bao giờ có chuyện đó nữa.
Bây giờ giầu rồi thì mỗi người lại ở một nơi". Anh chỉ biết đau xót ôm đứa con nhỏ vào lòng, anh chẳng thể ngờ được người vợ mà anh tin tưởng kia lại không chống đỡ được sự cám dỗ của cuộc sống xa hoa. Mỗi lần nhắc tới mẹ cháu Nguyễn Hằng Nga (con gái anh Hải) lại khóc. Tám năm trôi qua có lẽ những ký ức về mẹ chỉ còn là những lá thư, những bộ quần áo từ nước ngoài mẹ gửi về. Nga rụt rè chia: "Cháu nhớ mẹ lắm… Cháu muốn lôi mẹ cháu về nhưng chắc không được cô chú ạ!".
Mẹ con cháu Gia Linh lo lắng về tương lai. |
Hoàn cảnh của chị Bùi Thị Hằng (Thôn Đông Thịnh, Xã Tam Dị) cũng được coi là bi kịch của cuộc "hôn nhân giả" với người nước ngoài. Bắt được mối đi nước ngoài bằng con đường "hôn nhân giả" hai vợ chồng chị Hằng không ngần ngại làm thủ tục ly hôn. Chị kết hôn với một người chồng Đài Loan rồi lao động tại đó. Làm hết thời hạn hợp đồng chị trở lại quê hương với lưng vốn kha khá. Những tưởng cuộc sống sẽ "trong ấm ngoài êm", chỉ một thời gian ngắn bi kịch bắt đầu xảy đến với chị và gia đình.
Người chồng Việt
Trưởng thôn (Thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị) Trần Đình Hương buồn bã chia sẻ: "Có nhiều trường hợp đau lòng lắm. Đó là sự trả giá của sự mạo hiểm với hạnh phúc thôi". Trường hợp của chị Nguyễn Thị Phương cũng khiến nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm. Bắt mối với "cò xuất khẩu lao động" chị Phương đã ly hôn chồng để kết hôn với một người Hàn Quốc. Để lấy được một ông chồng giả người Hàn Quốc chị cùng chồng mình xoay đủ đường từ họ hàng, bạn bè số tiền là 16.000 USD. Chị sang xứ người với mục tiêu duy nhất là làm thật nhiều tiền gửi về cho chồng con trả nợ.
Thế nhưng chỉ được 1 năm, hạn cư trú đã hết, người chồng Hàn Quốc đã cao chạy xa bay. Chị bị trục xuất về nước. Về nước với biết bao nỗi lo, đau đớn: nợ thì chưa trả hết, chồng cũ của chị giờ chỉ có thể gọi là "người tình". Nỗi buồn chán, nợ nần ngày càng lớn "người tình" thỉnh thoảng lại la ó, chửi mắng, nhiều khi còn mang chị về nhà mẹ đẻ trả. Đớn đau lại càng thêm đau đớn khi mọi người trong nhà không còn coi chị là con dâu vì lý do: "Đã ly hôn rồi nên nó không còn là con dâu nhà này nữa".
Chính ông Nguyễn Ngọc Lục, Chủ tịch xã Tam Dị cũng phải lắc đầu ngán ngẩm: "Xã có tới gần 200 phụ nữ lấy chồng ngoại quốc với mục đích xuất khẩu lao động. Khi trở về nước họ đã không còn là vợ chồng của nhau. Nói là ly hôn giả và kết hôn giả, nhưng không có gì là giả cả. Theo pháp lý thì đó hoàn toàn là thật. Chỉ cần vợ chồng bất đồng, xích mích nhau là sẵn sàng "đường ai nấy đi". Ở một vùng quê thuần nông, trọng quan hệ họ hàng, trọng tình cảm thì nay có khoảng 40 cặp vợ chồng đã ly hôn hoặc trong tình trạng "cơm không lành canh chẳng ngọt". Quả thực đây là một con số đáng báo động.
Những đứa trẻ "ngoài giá thú"?
Không chỉ cuộc sống vợ chồng rạn nứt mà Tam Dị đang phải đối mặt với 1 một bài toàn "hậu xuất khẩu lao động". Bài toán được người ta biết trước từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể có lời giải. Có không ít những đứa trẻ ra đời nhưng không thể làm giấy khai sinh vì mẹ đã đăng ký kết hôn với người ngoại quốc.
Như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Nguyệt có cháu gái tên Gia Linh, cháu bé này có giấy khai sinh nhưng lại được cấp lại Hàn Quốc. Giấy khai sinh lại được đăng ký dưới một cái tên khác, tên người mẹ cũng là một cái tên khác. Đơn giản chỉ vì trước khi bố mẹ cháu lấy nhau mẹ em đã đăng ký kết hôn với 1 người Hàn Quốc. Về mặt luật pháp bố mẹ đẻ không thể đăng ký và làm giấy khai sinh cho con mình.
Con dâu ông Nguyễn Hữu Nguyệt (giữa) từng kết hôn giả để XKLĐ. |
Chị M.L. (mẹ của cháu Gia Linh) tâm sự: "Cũng nghe theo mọi người em xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc bằng con đường "hôn nhân giả". Người ta bảo đi trong vòng 2 đến 3 năm họ sẽ làm giấy ly dị cho mình. Vì bản thân người ta muốn lấy vợ cũng phải có giấy ly dị của mình. Khi sang đến nơi người môi giới nói đường dây bị lộ nên họ trốn không dám ra mặt nữa. Vậy đấy, chúng em có con cũng chẳng được đứng tên là bố là mẹ".
Nói đến đây ông Nguyệt tiếp lời: "Gia đình tôi vô cùng lo lắng nếu không làm được giấy khai sinh cho cháu bé. Chỉ 2 năm nữa là cháu đến tuổi vào lớp 1 rồi. Không có giấy khai sinh chắc chắn cháu không được đi học. Chả có lẽ cháu tôi lại thất học? Mà giấy khai sinh còn theo nó hết cuộc đời này nữa chứ".
Éo le chẳng kém là trường hợp của chị Lưu Thị Xuân (thôn Tân Mùi) đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc. Do điều kiện khách quan mà chị không thể sang Hàn Quốc lao động được. Sau đó chị ở nhà và lấy chồng là người cùng thôn. Đã kết hôn được 4 năm và có con được 3 tuổi nhưng cháu nhỏ vẫn chưa thể làm giấy khai sinh.
Chị Xuân lặng lẽ: "Số tôi lại hẩm hiu thế, làm thủ tục rồi mà cũng chẳng được đi. Thế rồi chính đứa con của vợ chồng tôi ở nhà cũng không thể làm giấy khai sinh cho cháu đi học. Bây giờ thủ tục để làm thật sự rất phức tạp, đặc biệt với người nông thôn như chúng tôi". Ông Nguyễn Ngọc Lục, Chủ tịch UBND xã Tam Dị giải thích: trên giấy tờ chị Xuân đã là vợ của 1 người Hàn Quốc.
Theo pháp luật đứa con chị Xuân phải mang họ của người đàn ông Hàn Quốc. Giấy khai sinh cho cháu bé chỉ làm được khi chị có đơn ly hôn với người chồng người Hàn Quốc kia hoặc làm đơn cam đoan đứa con mình sinh ra là ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ. Việc lấy họ mẹ cho con ở Tam Dị gần như đều vấp phải sự phản đối của họ nội, đặc biệt là bố đẻ - với lý do: "Con tôi phải mang họ tôi".
Theo tiết lộ của ông Trần Đình Hương đã có gia đình đầu tư rất nhiều tiền để nhờ người bên Hàn Quốc xin được giấy ly hôn của người chồng bên đó. Việc làm này hiện ở Tam Dị khá phổ biến tuy nhiên kinh phí là rất lớn. "Có gia đình đã phải chi hơn 6.000 USD để có được giấy li hôn của người chồng Hàn Quốc đấy"- ông Hương nói.
Vậy đấy! Người dân ở Tam Dị người ta dùng mọi cách để xuất ngoại, kể cả ký vào tờ giấy kết hôn với một người đàn ông xa lạ. Nói cho cùng họ cũng chỉ có một mong muốn là thay đổi cuộc sống. Thế nhưng hậu quả của nó thật sự khủng khiếp. Khi chúng tôi hỏi khi nào cháu nhỏ sẽ được cấp giấy khai sinh thì đến ông Chủ tịch xã cũng chỉ biết lắc đầu: "Chưa biết đến khi nào!".
Chủ tịch UBND xã Tam Dị cho biết: Đối với những trường hợp công dân đã đăng ký kết hôn với người nước ngoài, đã sang sinh sống ở nước ngoài sau đó về cư trú và những trường hợp đã đăng ký kết hôn nhưng chưa sang nước ngoài sinh sống. Khi đến liên hệ làm việc với UBND xã về các thủ tục đăng ký kết hôn đều được hướng dẫn cụ thể các thủ tục. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ có bố, mẹ là người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn xã. Chúng tôi đã giải thích, hướng dẫn việc khai sinh cho trẻ em theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên bố, mẹ người thân của trẻ em không thực hiện việc khai sinh cho trẻ theo hướng dẫn của UBND xã. Chính vì thế nhiều trẻ em cho đến nay chưa có giấy khai sinh. |
Tổng số công dân xã Tam Dị đã kết hôn có yếu tố nước ngoài là 178 trường hợp. Tổng hợp số liệu việc kết hôn giữa công dân xã Tam Dị với người nước ngoài nhưng đến nay chưa sang nước ngoài sinh sống cùng vợ hoặc chồng là 3 trường hợp. Tổng hợp số trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa công dân xã Tam Dị với người nước ngoài hiện đang cư trú tại địa bàn là 8 trường hợp. |