Các bộ, ngành đều muốn “ôm” đất trụ sở ở trung tâm
Tại Hội thảo thực trạng và giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tổ chức sáng 28-3, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi trung tâm thành phố quá chậm chạp, quy hoạch đã có 20 năm nay nhưng chưa bộ, ngành nào thực hiện. Thậm chí, có tình trạng “bắt tay” với doanh nghiệp để lấy “đất vàng” xây cao ốc.
Ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), nhiều cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô bước đầu đã giúp Hà Nội chủ động thu hút các nguồn lực để phát triển, tuy nhiên trong đó vẫn còn một số bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguyên nhân vì do thiếu nguồn lực.
Đến nay, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời vẫn được các bộ, ngành triển khai, chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Trong thời gian qua, một số đơn vị đã di dời ra khu vực nội thành nhưng quỹ đất sau khi di dời phần lớn được sử dụng làm cơ sở 2, hoặc lập dự án đầu tư xây dựng, không bàn giao qũy đất cho thành phố để quản lý, khai thác sử dụng vào phát triển”, ông Tùng cho hay.
Các bộ, ngành đều muốn “ôm đất vàng” tại trung tâm. |
Cùng chung quan điểm, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, vấn đề di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội đã được đặt ra gần 20 năm qua, nhưng đến nay chưa làm được.
Ông Nghiêm cũng đưa ra nhận định, nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời nên kế hoạch chưa thực hiện được. Tuy nhiên, một số cơ sở dù đã di dời ra ngoại thành, nhưng vẫn muốn “ôm” đất trong nội thành để làm cơ sở 2.
Như trường hợp Bệnh viện K, Hà Nội đã giao mấy ha đất tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) xây dựng cơ sở mới nhưng giờ bệnh viện này vẫn xin được sử dụng đất ở cơ sở cũ (quận Hoàn Kiếm) để làm cơ sở chữa bệnh.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Nghiêm đề nghị nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, chứ không để tình trạng các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành.