Cần quản lý chặt loại hình kinh doanh các dự án condotel
Dịch viêm phổi cấp bùng phát, đã khiến ngành du lịch gần như tê liệt. Ngoài chuyện các DN kinh doanh lữ hành, khách sạn, khu du lịch… thua lỗ do không có khách và phải đền bù do việc hủy tour hoặc hủy việc đón các đoàn khách đến lưu trú thì vấn đề khủng hoảng với các dự án condotel cũng đã được giới đầu tư BĐS đưa ra khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cách đây 11 năm, La Havana Nha Trang là dự án condotel đầu tiên của cả nước được đưa vào kinh doanh, hoạt động theo mô hình căn hộ du lịch - condotel của các nước phát triển và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp theo phương thức đầu tư tài chính đúng nghĩa để được chia lợi nhuận; tuyệt nhiên không có tình trạng bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp như các dự án condotel sau này.
Nhưng từ năm 2014 đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án condotel đã thực hiện phương thức huy động vốn, bán condotel hình thành trong tương lai cho khách hàng, cũng là nhà đầu tư thứ cấp để đạt mục tiêu “3 nhanh”, gồm bán nhanh, thu hồi vốn nhanh và chốt lời nhanh.
Bên cạnh cam kết đảm bảo cho khách hàng mua condotel sẽ được cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” thì miếng “bánh vẽ” khác cũng được các chủ đầu tư đưa ra là cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-12%/năm, thậm chí lên đến 15%/năm trong 8-12 năm đầu.
Với chiêu bán hàng này, rủi ro kinh doanh đã được đẩy từ chủ đầu tư dự án sang cho nhà đầu tư thứ cấp. Nhất là khi trong các hợp đồng bán căn hộ condotel, chủ đầu tư đều không hề đưa ra được giải pháp để đảm bảo thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận cho khách hàng.
Cam kết “trên trời” do không bị ràng buộc, nên trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thường, tháng 8-2019, dự án condotel Bavico Nha Trang đã“vỡ trận”, không thể thực hiện được cam kết trả lợi nhuận 15%/năm cho nhà đầu tư thứ cấp.
Sau đó ít lâu, Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng cũng đã phải thông báo không thể tiếp tục thực hiện chi trả lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng đã mua condotel. Ngoài gây thiệt hại lớn và trực tiếp đối với các khách hàng, sự việc còn ảnh hưởng với thị trường condotel.
Qua đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, condotel phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Dù vậy, quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó có condotel cũng mới được Bộ Xây dựng thành dự thảo vào năm ngoái. Người dân, DN là khách hàng thứ cấp mua căn hộ của các dự án condotel bị thua lỗ.
Ngược lại, Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, chủ đầu tư các dự án condotel lãi khủng khi căn hộ condotel ở tỉnh nhưng được bán với giá rất cao, tương đương với giá bán căn hộ cao cấp tại TP HCM. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên một phần là do Luật Đất đai chưa quy định riêng đối với “đất du lịch”.
Đã đến lúc các cơ quan quan lý Nhà nước cần có biện pháp để siết chặt quản lý đối với loại hình đầu tư, kinh doanh này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.