Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội "hướng về phía Tây"

11:26 20/03/2011
Giải thích hiện tượng giá đất "ấm lên" tại khu vực huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, do hiệu ứng phát triển một số cây cầu qua khu vực này cộng với "tâm lý đám đông". Trên thực tế, đô thị Hà Nội sẽ phát triển mạnh về hướng Tây Thủ đô.

Người dân hết sức quan tâm tới bản đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050, nhất là sau những góp ý chỉnh sửa một số nội dung rất xác đáng và đầy tinh thần trách nhiệm của nhân dân cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam xung quanh vấn đề đang rất thời sự này.

Sự cần thiết

Ông Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh: Sở dĩ bản đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư, Tổng hội xây dựng Việt Nam, các nhà quy hoạch xây dựng có uy tín… chính là bởi tầm quan trọng của nó đối với không chỉ sự phát triển của Thủ đô mà còn của vùng Thủ đô, của đất nước.

Đây là bản quy hoạch có quy mô lớn chưa từng có tại Việt Nam với khối lượng công việc khổng lồ, liên quan và có ảnh hưởng tới tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là hàng triệu người dân sinh sống tại Thủ đô.

Nhìn một cách khách quan, bản đồ án quy hoạch xây dựng trong điều kiện vừa mở rộng Thủ đô khi mà Hà Nội chưa có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (vừa qua, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua, hiện đang trình Chính phủ phê duyệt).

Các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng sau khi Hà Nội mở rộng cũng đang trong quá trình điều chỉnh và phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội này. Đây chính là lý do nhiều ý kiến nêu (căn cứ vào Luật Xây dựng), quy hoạch còn thiếu cơ sở vững chắc. Vì chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô là cốt lõi, nền tảng cho tiến hành quy hoạch xây dựng Thủ đô.

Mặt khác, hiện Quốc hội đang nghiên cứu thông qua Luật Thủ đô thay cho Pháp lệnh Thủ đô trước đây. Mà Luật Thủ đô lại liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của Hà Nội, trong đó có vấn đề quan trọng như dân số tại Thủ đô; vấn đề phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...

Chẳng hạn, đã có ý kiến nêu không nên phát triển quy mô dân số Hà Nội nữa hoặc với công nghiệp Hà Nội, chỉ nên phát triển công nghiệp trình độ cao mà không nên cho đầu tư công nghiệp công nghệ thấp… Vì thế, nên khi tiến hành quy hoạch rất khó có thể đưa ra những dự báo như dân số nội đô là bao nhiêu; định hướng mấy đô thị vệ tinh, dân số các thành phố vệ tinh đó là bao nhiêu; quy hoạch các trường đại học, cao đẳng tại Thủ đô như thế nào…   

Mong ước của người dân là Hà Nội được quy hoạch xây dựng khang trang, hiện đại.

Đối với trục đường Hồ Tây - Ba Vì: Đây là vấn đề đang tiếp tục nghiên cứu. Theo quan điểm của Tổng Hội xây dựng Việt Nam, thì việc nối từ đường Hoàng Quốc Việt (vành đai III, khu vực Hồ Tây) lên đường vành đai IV là lẽ đương nhiên, không lý gì giữa hai đường vành đai lại đứt quãng. Vấn đề là quy mô, mặt cắt ngang, diện tích đất cần sử dụng thế nào để đáp ứng nhu cầu giao thông mà thôi, nhưng không xây dựng thành trục lớn có quy mô như đề xuất ban đầu.

Còn đoạn từ đường vành đai IV lên đến đường Cu Ba hiện nay, thì hiện đã có rồi, tuy nhiên đường này quy mô nhỏ và không thẳng tuyến, nếu cần chúng ta có thể mở rộng.

Sở dĩ Tổng Hội xây dựng đặt vấn đề không cần thiết phải đầu tư lớn đối với trục đường này, vì thứ nhất Chính phủ đã đầu tư trục đại lộ Thăng Long với quy mô rất lớn phục vụ đô thị Hòa Lạc và các khu công nghiệp dọc tuyến rồi; thứ hai, đã có tuyến đường 32 mở rộng nối Sơn Tây với trung tâm Hà Nội, phục vụ cho đô thị Sơn Tây; ngoài ra, còn một con đường nữa nối Hà Nội với Sơn Tây có tên Tây Thăng Long hiện vẫn nằm trong quy hoạch xây dựng. Với ngần ấy quỹ đường, các loại phương tiện có thể thuận lợi đi lại từ phía Bắc xuống kể cả chạy ra hướng Hải Phòng, Quảng Ninh…

Một số đề xuất: Ngoài những vấn đề nêu trên, Tổng Hội xây dựng góp ý phải định hướng, dự báo cho được số lượng các đô thị vệ tinh trong quy hoạch chung Hà Nội. Làm rõ động lực phát triển từng đô thị vệ tinh này về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ra sao… Từ định hướng đó mới xác định quy mô dân số cho phù hợp.

Một góc Hồ Tây. ảnh: K.H.

Theo ông Hùng, quy mô dân số tại đô thị Hòa Lạc tới 60 vạn người là quá lớn, số lượng đó gần bằng số dân nội thành Đà Nẵng hay Hải Phòng. Hiện tại đây đang có khoảng hơn hai vạn người sau khi chúng ta đã có 10 năm đầu tư hạ tầng với nhiều công trình từ công nghiệp đến giao thông, công trình văn hóa.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển đô thị Phú Xuyên là quá lớn lấy đi nhiều diện tích đất nông nghiệp, trong khi cạnh khu vực này đã có khu công nghiệp Đồng Văn, thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Đặc biệt trong đề xuất lần này, theo ông Hùng, một vấn đề rất được quan tâm chính là phải đặt ra định hướng rõ ràng, có tính kiên quyết yêu cầu cải tạo, chỉnh trang các ngõ ngách của Thủ đô thuộc các phường nội thành; định hướng phát triển các làng, nhất là hơn 1.200 làng nghề tại Thủ đô sẽ được phát triển như thế nào?

Riêng đối với vành đai xanh, cây xanh có hai vấn đề: Đối với mảng cây xanh nội thành cần phải quan tâm đúng mức. Vì diện tích cây xanh tính trên đầu người nếu trong nội đô chỉ khoảng trên 2m2/đầu người, bình quân cả Thủ đô mở rộng khoảng 5m2/đầu người, nên quỹ đất khi di dời các nhà máy, trường đại học… nên ưu tiên cho công viên cây xanh, tránh một số trường hợp lại lấp đầy công trình gây quá tải hạ tầng nội đô như chúng ta đã thấy.

Khi cải tạo ngõ ngách, cũng cần tạo quỹ đất dành làm khu vui chơi cho trẻ em, chỗ tập thể dục cho người cao tuổi… Đấy mới là tầm nhìn 2050 cho cuộc sống tốt đẹp của con người.

Khi đã có quy hoạch rồi thì chúng ta quản lý thế nào? Điều quan trọng, theo ông Trần Ngọc Hùng, sau khi xây dựng quy hoạch càng sát với thực tế càng khả thi khi đi vào thực hiện. Bài học quản lý quy hoạch Thủ đô 1998 với hàng ngàn ngôi nhà xây không phép, vượt phép… mà chính quyền thành phố đã nhiều lần chỉ đạo cắt ngọn rất cần phải rút kinh nghiệm cho lần quy hoạch này.

Giải thích hiện tượng giá đất "ấm lên" tại khu vực huyện Đông Anh, Sóc Sơn, trong khi định hướng phát triển đô thị Hà Nội như đồ án đưa ra là về hướng Tây, ông Hùng cho rằng: Đó là do hiệu ứng phát triển một số cây cầu qua khu vực này cộng với tâm lý đám đông của người có nhu cầu đất ở. Trên thực tế, đô thị Hà Nội sẽ phát triển mạnh về hướng Tây Thủ đô.

Trung tâm hành chính quốc gia không đặt ở Ba Vì:

Ông Trần Ngọc Hùng cho biết: Sau khi lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đồ án sửa đổi lần cuối đã khẳng định Trung tâm chính trị của đất nước đặt tại Ba Đình; các cơ quan hành chính của Trung ương nếu chật chội, định hướng sẽ phát triển ra khu vực Mỹ Đình và khu vực Tây Hồ Tây. Trung tâm hành chính của Hà Nội vẫn tập trung khu vực hồ Gươm.

Vậy ý tưởng đề xuất đặt Trung tâm hành chính quốc gia trước đây tại Ba Vì thì sao? Ông Trần Ngọc Hùng cho biết, vấn đề này nay không đặt ra nữa. Nhưng khu vực Tây Hồ Tây thành phố Hà Nội đã giao cho phía nhà đầu tư nước ngoài, cần giải quyết ra sao để chúng ta có đất làm quy hoạch?

 Ông Trần Ngọc Hùng cho biết: Chúng tôi được biết phía đối tác nước ngoài vẫn có thiện chí dành lại quỹ đất cho một số công trình của Hà Nội. Nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì họ đồng thuận nên lấy lại toàn bộ 200ha đất tại đây, sẵn sàng đền bù để có quỹ đất làm các cơ quan Bộ, ngành, công trình quan trọng của Thủ đô; hay xây dựng các sở, ban, ngành của Hà Nội còn thiếu quỹ đất, như vừa qua chúng ta xây dựng nhà hát Thăng Long chẳng hạn.

Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Phạm Ngọc Đăng:

Vành đai xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển bền vững Thủ đô, cần phải đưa ra định hướng rõ ràng. Trong đó, khu vực chân núi Ba Vì rất thích hợp vào nhu cầu du lịch sinh thái, bảo vệ thiên nhiên. Vùng đệm vườn quốc gia Ba Vì là thảm sinh thái thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp, rừng đầu nguồn vô cùng quý giá cần được bảo tồn nguyên vẹn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn:

Quy hoạch cần chú ý bảo tồn di tích làng xã ở Thủ đô. Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế lo ngại việc phát triển "nóng" đô thị trong đó có việc lấy đi nhiều quỹ đất nông nghiệp, kể cả di dời các làng xã sẽ tác động trực tiếp tới nhu cầu bảo tồn di tích, nhất là tại các làng xã xứ Đoài.

Ông lấy ví dụ nếu mở rộng quy mô con đường từ Hồ Tây đi Ba Vì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa nhu cầu bảo tồn di tích với lấy đất làm công trình; hay như việc làm đường Văn Cao kéo dài đã xâm hại đến một đoạn thành Thăng Long xưa. Bởi thế, nên phát triển đô thị hài hòa với nông thôn trù phú, sẽ là rất tốt cho cả vấn đề môi trường sống hiện nay.

Thanh Phong

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc thành lập, triển khai tổ chức bộ máy của Công an TP Huế là sự kiện chính trị rất quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới của lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tối 29/12, tại quảng trường Ngọ Môn (Đại Nội Huế), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 – 2025.

Chiếc áo đấu của Xuân Son bị rách trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Singapore tối 29/12. Song cũng chính tình huống khiến chiếc áo đấu của số 12 bị rách đã giúp tuyển Việt Nam có bàn thắng đầu tiên được ghi trong hiệp 1 tại ASEAN Cup 2024.

Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông (ATGT) để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của CBCS để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng; bổ sung các loại vũ khí quân dụng; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ... là một số điểm mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文