Hà Nội sẽ trở thành đô thị xanh

14:08 30/07/2011
Ngoài đô thị lõi, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập... Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP).

Sau nhiều lần báo cáo và chỉnh sửa, cuối cùng, Đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Đề án này, ngoài việc khẳng định trung tâm chính trị quốc gia vẫn nằm tại quận Ba Đình, Hà Nội chính thức sẽ mang “hình hài” của một đô thị lõi được bao quanh bởi chùm đô thị phát triển lan tỏa và đa dạng.

5 đô thị vệ tinh “ôm” đô thị lõi

Theo Đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với diện tích rộng hơn 3.340km2, Hà Nội sẽ được tổ chức không gian theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Dự báo năm 2020, dân số Hà Nội đạt khoảng 7,3-7,9 triệu người và đạt 9 triệu vào năm 2030.

Đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa... của cả nước. Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội và khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Với chuỗi đô thị, Hà Nội sẽ là một thành phố xanh, môi trường sống tốt.

Ngoài đô thị lõi, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh với các chức năng và đặc thù riêng gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập, được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp với các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP).

Cụ thể, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, đầu tư các cơ sở trọng tâm là ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam...

Đô thị thứ 2 nằm trong chuỗi đô thị vệ tinh là Sơn Tây, sẽ phát triển thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội) là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng...

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội) là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô) là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới Khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo.

Áp lực dân số sẽ giảm đáng kể

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc sư trưởng TP Đào Ngọc Nghiêm cho biết, mô hình cấu trúc chùm đô thị sẽ tạo cho Hà Nội một diện mạo mới khi vừa có đô thị lõi, đô thị vệ tinh, sinh thái, hướng tới gìn giữ môi trường bền vững. Phát triển theo mô hình này, Hà Nội sẽ có khoảng 32% là đô thị, còn 68% là vùng xanh, nghĩa là nông nghiệp, lâm nghiệp và các điểm dân cư nông thôn.

“Quy hoạch đã kết hợp hài hòa giữa đô thị và nông nghiệp để tới năm 2030, Hà Nội vẫn còn diện tích nông nghiệp tới 30% (hiện là 56%). Thủ đô sẽ là đô thị xanh với những tiêu chí về cây xanh ở mức cao hơn, sẽ là TP sống tốt”, ông Nghiêm nhận định…

Theo ông Nghiêm, mặc dù Hà Nội hiện đang dày đặc các dự án, đặc biệt ở phía Tây, dự án đã phủ kín đến tận Hòa Lạc. Ngay cả khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, giáp ranh Hà Nội và Hà Tây cũng kín dự án. Nhưng trong tất cả các quy hoạch Hà Nội xưa nay đều khẳng định Hà Nội có vành đai xanh. Việc đưa ra vành đai xanh là nhằm khống chế dân cư nội thành. Nhưng vành đai xanh của Hà Nội cũ và hành lang xanh của Hà Nội mới hiện nay khác hẳn nhau nên sắp tới tất yếu phải có sự rà soát các dự án, rà soát các khu đô thị. Việc rà soát này thực ra đã được tiến hành trước đó rồi, khi hàng loạt dự án phía Tây đã phải tạm đình chỉ và chỉ có số ít dự án tiếp tục được triển khai.

Ông Nghiêm cũng cho rằng, tới năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 9 triệu dân. Vì thế, tăng dân số nhưng cũng đồng thời phải thực hiện phân bổ lại dân cư, giảm mật độ dân nội đô và tăng dân cư ở đô thị vệ tinh.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng lo ngại, để thực hiện cấu trúc đô thị và mô hình không gian như đô thị được duyệt đòi hỏi nguồn kinh phí dự tính 60 - 90 hay 100 tỷ USD, một con số rất lớn so với tiềm lực của Thủ đô hiện nay

Ngọc Yến

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文