Những bất thường khi giao hơn 30ha đất tái định cư cho doanh nghiệp

09:21 19/11/2018
Theo Thanh tra TP HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có đến 2.000 đơn, thư phản ánh, kiến nghị được người dân địa phương gửi tới chính quyền quận 2. Thực tế này cho thấy bức xúc của người dân tại khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết triệt để.


Qua phân lọc nội dung của ngành chức năng thành phố, thắc mắc, khiếu nại của người dân Thủ Thiêm vẫn chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề, gồm hỗ trợ ngay ở mức thỏa đáng cho người dân; làm rõ phần diện tích đất 160ha dành tái định cư (TĐC) cho người dân Thủ Thiêm được giao cho những doanh nghiệp (DN) nào và xem xét, kỷ luật công khai những cán bộ liên quan đến sai phạm về đất đai ở đây.

Theo nhiều người dân Thủ Thiêm, đất TĐC đã cắt ra giao cho ai, thành phố giao nên thành phố sẽ biết rõ. Thế nhưng đến nay, chính quyền thành phố vẫn lấp lửng trong việc công bố danh sách 64 doanh nghiệp (DN) đã được giao đất TĐC để làm dự án bất động sản (BĐS). Chính điều này khiến người dân thắc mắc,  nghi ngờ.

Tìm hiểu về tình trạng cắt đất TĐC ở KĐTM Thủ Thiêm để giao cho DN làm dự án BĐS, PV Báo CAND đã tiếp xúc được vụ việc nổi cộm xảy ra gần đây, hiện đang còn bị các DN liên quan tranh chấp để đòi chia chác quyền lợi. 

Điều khiến dư luận phải giật mình trước vụ việc này là diện tích đất TĐC lên đến 30,2ha ở phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây, quận 2 chỉ mới được thành phố giao cho Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 (trước đây là Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21) làm dự án BĐS bằng quyết định đầu tư vào ngày 26-7-2017 - thời điểm bức xúc của người dân Thủ Thiêm đang rất... “nóng”.

Khu đất tái định cư hơn 30ha vừa được thành phố tiếp tục giao cho Công ty Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 làm dự án bất động sản.

Báo cáo về tính pháp lý khu đất TĐC này với UBND thành phố vào ngày 30-12-2016, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, khu đất TĐC trên đã được thành phố giao cho Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 tiến hành bồi thường, giải tỏa để làm dự án Khu du lịch - văn hóa - giải trí từ năm 2004. 

Tuy nhiên, quá trình thành phố thực hiện thu hồi đất để triển khai dự án KĐTM Thủ Thiêm, nhiều hộ dân có nhu cầu và đề nghị thành phố bố trí TĐC tại phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây. 

Để đáp ứng yêu cầu của người dân, trong các năm 2007, 2008 và 2009, UBND thành phố đã có một loạt văn bản liên quan đến việc cắt 30,1ha đất TĐC tại khu TĐC tập trung 90,3ha Nam Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2) để hoán đổi cho DN này nhằm đổi lấy khu đất 30,2ha ở phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây. 

Mục đích của việc hoán đổi trên là làm nơi xây dựng quỹ nhà TĐC cho người dân KĐTM Thủ Thiêm có nhu cầu TĐC tại đây. 

Sau khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng với khu đất vừa nhận hoán đổi này, năm 2008 UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư dự án chung cư TĐC này và yêu cầu DN phải xây dựng 4.000 căn hộ trong vòng 2 năm 6 tháng; sau khi xây dựng xong chủ đầu tư phải bán lại toàn bộ quỹ nhà cho thành phố với giá không tính lợi nhuận.

Chủ trương là vậy, nhưng phải đến ngày 11-6-2012, BQL đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm và Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 mới đặt bút ký hợp đồng về việc mua bán 4.216 căn hộ TĐC tại khu đất 30,2ha này để bố trí cho người dân Thủ Thiêm. 

Đã vậy, đến ngày 4-3-2015, khi báo cáo về tiến độ thực hiện dự án, Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 xác định đến thời điểm đó, DN mới chỉ xây dựng xong 1 block chung cư với 506 căn hộ; thi công xong phần cọc móng các block chung cư và hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1… 

Trong khi đó, thời điểm này, người dân Thủ Thiêm đã không còn mặn mà với chung cư TĐC mà DN đang thực hiện. 

Trước thực tế này, ngày 26-1-2016, UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép thay đổi mục tiêu đầu tư quỹ nhà TĐC thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư thành nhà ở thương mại. 

Cụ thể, thành phố xin Chính phủ được điều chỉnh mục tiêu sử dụng của 5.626 căn hộ TĐC còn lại của chương trình trên để làm nhà ở thương mại, nhằm thu hồi vốn, trả nợ cho các tổ chức tín dụng, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Không sử dụng điện tích đất này vào mục đích làm quỹ nhà chung cư TĐC, lẽ ra thành phố phải tính toán để trả lại phần vốn Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 đã đầu tư vào đây để lấy lại quỹ đất rất lớn trên nhằm đưa ra bán đấu giá hoặc làm quỹ đất bố trí nền đất TĐC cho người dân. 

Ngược lại, ngay sau khi được sự chấp thuận của Chính phủ, ngày 26-7-2017, UBND thành phố đã có quyết định chủ trương đầu tư; chấp thuận cho Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 được điều chỉnh mục tiêu dự án thành dự án kinh doanh BĐS. Cụ thể là đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ, văn phòng, dịch vụ và căn hộ thương mại để bán.

Phản ứng trước quyết định trên của thành phố, ngày 19-9-2017, ông Vũ Anh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Villas đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố để kiến nghị điều chỉnh quyết định. Lý do được ông Cường đưa ra chủ yếu là “kể công” về quá trình hình thành khu đất 30,2ha ở phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây. 

Theo ông Cường, từ năm 2002 đến 2006, khu đất trên do 2 cổ đông chủ chốt là ông và ông Nguyễn Hữu Thanh (Việt kiều Mỹ) tham gia đầu tư để tạo lập. Từ 2006 đến 2015, ngoài ông và ông Thanh, có thêm Quỹ Vinacapital tham gia đầu tư vào khu đất. Nhưng từ tháng 6-2015 đến nay, khi chủ đầu tư được đổi tên thành Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21, có sự thay đổi về danh sách cổ đông nên không còn tên ông Cường. 

Thậm chí, ông Cường còn chỉ ra sự lập lờ trong văn bản của UBND thành phố, rằng quyết định chủ trương đầu tư ngày 26-7-2017 của UBND thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 đầu tư dự án 30,2ha ở phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây trong khi công ty này không còn tồn tại mà chỉ còn Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21. 

Từ những lập luận này, ông Vũ Anh Cường đòi thành phố phải... chia khu đất này ra để giao 10ha cho Công ty TNHH MTV Sài Gòn Villas; chỉ giao cho Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 phần diện tích 20,2ha còn lại để đảm bảo công bằng?!   

Về khu đất 30,1ha trong khu TĐC 90,3ha Nam Rạch Chiếc (phường An Phú) mà thành phố đã cắt ra để đem đổi cho Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 để lấy khu đất 30,2ha ở phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây, tài liệu mà PV Báo CAND có trong tay thể hiện, ngày 24-3-2016, UBND thành phố đã có quyết định duyệt phương án giá đất theo giá thị trường đối với 2 khu đất này để tính toán phần chênh lệch. 

Rất nhanh chóng, khi chỉ sau đó 12 ngày, Chi cục thuế quận 2 đã có thông báo xác nhận Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 đã nộp số tiền sử dụng đất hơn 52,68 tỉ đồng cộng với 500 triệu đồng tiền thuế trước bạ.

Để hợp thức hóa cho quyết định hoán đối 2 khu đất trên và cũng là để hỗ trợ Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21, ngày 15-11-2016, UBND thành phố có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến thẩm định về chấp thuận đầu tư dự án Khu dân cư và du lịch - văn hóa - giải trí có diện tích 30,1ha (phường An Phú) thuộc khu TĐC 90,3ha Nam Rạch Chiếc cho Công ty CP Phát triển quốc tế Thể kỷ 21.

Chỉ phải bỏ ra vài chục tỉ đồng, DN này đã “ôm gọn” 30,1ha đất có vị trí đắc địa ở quận 2; sau đó lại còn tiếp tục được thành phố giao làm chủ đầu tư dự án BĐS ở khu đất 30,2 hécta thuộc phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây vốn được dùng làm quỹ đất TĐC cho người dân Thủ Thiêm. Điều này khiến dư luận, người dân không thể không thắc mắc, đặt dấu hỏi: Công ty Thế kỷ 21 có phải là công ty “sân sau” của ai đó hay không mà lại được ưu ái giao nhiều đất ở quận 2 đến như vậy?

Đ.Thắng

Sáng 18/11, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo ANNT, cưỡng chế thu hồi đất, nhóm các đối tượng thành viên trong gia đình bà Nhan – ông Điền đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng chức năng, khiến 5 CBCS bị thương, nhiều phương tiện, máy móc của đơn vị thi công công trình bị hư hại.

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả ngụy trang trên trang thương mại điện tử Lazada hoặc trên sàn giao dịch điện tử Bambooship để tạo các đơn vận chuyển với nội dung giả là sản phẩm linh kiện điện tử. Thực tế, trong mỗi kiện hàng là thuốc lá nhập lậu để gửi đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. 

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 38 vụ giết người do đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra, khiến 41 nạn nhân bị thương vong. Trong 38 vụ, có 31 vụ là do đối tượng tâm thần, có biểu hiện tâm thần gây án, xảy ra tại 22 địa phương; 7 vụ do các đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, loạn thần gây án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文