Nhà ở xã hội cho thuê không còn hấp dẫn

11:00 03/04/2019
Số lượng người thu nhập thấp ở khu vực đô thị đang có khó khăn về nhà ở hiện rất lớn, thế nhưng không thiếu những dự án nhà ở xã hội, trong đó dành một số lượng căn hộ nhất định để cho thuê lại không có người thuê. Vì sao nhà ở xã hội cho thuê không còn hấp dẫn?


Nhu cầu rất lớn nhưng vẫn… ế

Thống kê của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đến hết năm 2018 dân số đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội khoảng 9,6 triệu người (bao gồm cả người ngoại tỉnh cư trú thường xuyên), trong đó có trên 60% là nhóm người có thu nhập thấp, có nhu cầu thực về nhà ở. Như thế có thể thấy nhu cầu về nhà ở của nhóm đối tượng này còn rất lớn và trong thời gian ngắn hạn chưa thể đáp ứng được. Không đủ điều kiện để mua nhà thì có thể đăng ký thuê nhà. Thế nhưng, nghịch lý là  tỷ lệ căn hộ cho thuê được tại một số dự án nhà ở xã hội cho thuê chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đơn cử có thể kể đến các trường hợp như: Dự án Khu nhà ở xã hội ở huyện Quốc Oai. Từ giữa tháng 10-2018, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo nhận hồ sơ mua nhà và cho thuê nhà tại dự án này. Dự án có tổng số 432 căn hộ, trong đó có 346 căn hộ nhà ở xã hội để bán, 86 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Tuy nhiên, sau 15 lần mở bán, chủ đầu tư vẫn chưa bán hết số căn hộ để bán, còn số căn hộ cho thuê thì vẫn chưa có khách nào mặc dù giá cho thuê được cho là khá rẻ 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). 

Cũng trong tình cảnh tương tự, từ tháng 8-2018, Sở Xây dựng Hà Nội cũng thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Đông Hội (xã Đông Hội, Đông Anh) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án này có 314 căn hộ để bán và 99 căn hộ cho thuê. Thế nhưng, đến nay sau 4 lần mở bán và cho thuê, số lượng căn hộ cho thuê vẫn ế. 

Nhà ở xã hội cho thuê gặp khó vì đa số người dân vẫn nặng tâm lý sở hữu nhà.

Dự án nhà ở xã hội Phú Lãm (Hà Đông) cũng diễn ra tình trạng tương tự khi có tới 384 căn hộ ế ẩm. Mặc dù chủ đầu tư đã thông báo đến lần thứ 4 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một khách nào đăng ký thuê. Thậm chí, tại tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội), chủ đầu tư thông báo cho thuê đến lần thứ 8 nhưng 321 căn hộ vẫn còn nguyên.

Đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Quốc Oai (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) cho biết, đối với những sản phẩm thực hiện theo cơ chế người dân cùng góp vốn xây dựng theo từng đợt thanh toán, sau này nhà sẽ thuộc sở hữu riêng thì hồ sơ đăng ký rất nhiều. Còn đối với những căn hộ để cho thuê dài hạn, ngay cả khi đã có sản phẩm rồi mà người dân vẫn không mặn mà cho lắm. Việc nhà làm xong không có khách thuê khiến các chủ đầu tư lo lắng khi hằng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nhà không cho thuê được để lâu ngày sẽ dẫn đến xuống cấp.

Tâm lý sở hữu vẫn rất nặng

Anh Nguyễn Hồng Minh, nhân viên Tập đoàn VNPT, đã từng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án ECohome 2 (Đông Ngạc, Từ Liêm) nhưng chưa mua được. Vậy nhưng khi chủ đầu tư tiếp tục thông báo nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án Ecohome3, vợ chồng anh lại tiếp tục nộp hồ sơ với hy vọng sẽ đến lượt mình được mua. Vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ hiện vẫn đang sống chung với ông bà nội ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Muốn ra ở riêng nhưng anh không có tâm lý sẽ đi thuê nhà.

“Đi tìm hiểu thì tôi biết Khu tái định cư Đông Hội (xã Đông Hội, Đông Anh) vẫn còn rất nhiều căn hộ cho thuê. Nếu thuê nhà ở dự án này thì cũng tiện cho việc đi lại của ông bà mỗi khi thăm cháu. Tuy nhiên, vợ chồng cũng bàn đi tính lại, không muốn thuê nhà mà chỉ muốn mua hẳn. Ở nhà của mình tâm lý cũng khác hẳn đi thuê”, anh Minh chia sẻ.

Tâm lý của anh Minh giúp lý giải vì sao nhà ở xã hội cho thuê hiện nay không thu hút nhiều người quan tâm, dù điều kiện nhà ở vẫn khó khăn. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vũ Văn Phấn thì tâm lý của đa số người dân hiện nay vẫn nặng về sở hữu nhà ở. Theo ông Phấn, người Việt luôn có câu “an cư mới lạc nghiệp”, chính vì thế mà ai cũng muốn sở hữu nhà. 

“Nếu còn đang phải lo tài chính cho chi tiêu hằng ngày thì làm sao đủ tiền mua, vì thế nên đi thuê. Quy định chủ đầu tư phải dành 20% dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Tuy nhiên, thực tế, phần dành ra cho thuê này thường rất khó cho thuê, bởi dân chỉ muốn mua, không mấy ai muốn thuê cả. Theo tôi, với những người có điều kiện kinh tế trung bình thì mua nhà ở với điều kiện thấp vừa vừa, tuỳ thuộc vào khả năng của mình, kể cả khi được Nhà nước hỗ trợ”, ông Phấn nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, về lâu dài, người dân cần chuyển từ quan niệm “phải sở hữu nhà” sang “có chỗ ở”, tức là có thể đi thuê nhà. “Hiện nhu cầu nhà ở rất cao, song giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn cao so với thu nhập của dân. Vì thế, việc tiếp cận của những đối tượng này còn hạn chế. Với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp, thuận lợi cho công việc của mình”, ông Nam nói.

Vẫn nặng tâm lý sở hữu là nguyên nhân khiến nhà ở xã hội cho thuê gặp khó, nhưng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thì một nguyên nhân nữa là việc các dự án này xa trung tâm, thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, thiếu và yếu về chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ. 

“Người dân không chỉ cần một nơi để ở mà đó còn là nơi phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông. Vì thế, nếu mua dự án xa trung tâm thì người dân lại mất thêm thời gian di chuyển vào nội đô làm việc… rất bất tiện. Tuy nhiên, các dự án nhà ở xã hội không thể phát triển trong khu vực trung tâm được vì giá đất và tiền sử dụng đất quá cao. Bên cạnh đó còn bị hạn chế bởi quy định khác nữa”, ông Đính phân tích.

Phan Hoạt

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文