Dân khốn khó vì những dự án "treo" cả thập kỷ
Trong khi đó, do vướng mắc thủ tục nên các cơ quan chức năng không thể thu hồi đất; hoặc bàn giao đất tại các dự án này cho người dân sử dụng...
Dự án xây dựng Nhà máy chế biến thủy tinh Silica ở xã Phong Chương là một ví dụ. Năm 2005, tỉnh Thừa Thiên- Huế có quyết định thu hồi 150ha đất thuộc vùng đồi cát trắng ở xã này để bàn giao cho Công ty Bảo Toàn A (trụ sở đóng ở TP Hồ Chí Minh) là chủ đầu tư dự án trên. Thế nhưng, sau lễ động thổ rình rang thì dự án bỏ đất hoang đến nay.
Chỉ đường cho chúng tôi ra khu đồi cát trắng rộng lớn, hoang vu, chỉ duy nhất có tấm bảng dựng bằng xi măng khắc chữ Cụm công nghiệp thủy tinh Silica, ông Nguyễn Thế Giáp, Chủ tịch UBND xã Phong Chương, bày tỏ: “Năm đó, để kịp thực hiện tiến độ dự án, địa phương đã gấp rút đo đạc, làm hồ sơ để bàn giao đất cho chủ đầu tư; nhưng không hiểu vì sao đến nay Công ty Bảo Toàn A vẫn “án binh bất động”. 10 năm trôi qua, nhưng trên khu đất rộng 150ha này chưa được xây dựng bất cứ hạng mục nào, trong khi hàng trăm hộ dân trên địa bàn lại thiếu đất trồng rừng để phát triển kinh tế”.
Tìm hiểu được biết, do dự án bị “treo” quá lâu nên năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ra quyết định gia hạn thời gian khởi công xây dựng nhà máy của Công ty Bảo Toàn A đến ngày 15/1/2010, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng khảo sát địa chất, cắm mốc lộ giới, lập phương án đánh giá tác động môi trường và nhanh chóng triển khai xây dựng các hạng mục.
Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo UBND xã Phong Chương thì đến nay, chưa có bất kỳ đơn vị nào của chủ đầu tư đến vùng đất quy hoạch này để khảo sát thực hiện dự án.
Trước thực trạng đất dự án bỏ hoang nhiều năm trời, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng thôn Trung Thạnh cũng bày tỏ nỗi bức xúc: “Trong khi cả đồi cát rộng lớn bị bỏ hoang thì trên 200 hộ dân, trong đó có 15 hộ nghèo của thôn đang thiếu đất trồng rừng kinh tế. Nếu bình quân 1ha keo tràm cho thu hoạch 30 triệu đồng/vụ thì 10 năm qua, số đất bỏ hoang này có thể giúp bà con thoát cái nghèo, cái khổ. Trong các cuộc họp, thôn đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên thu hồi diện tích đất dự án để giao cho người dân trồng rừng; nhưng vì vướng mắc các thủ tục nên chưa được cấp trên giải quyết”.
Diện tích đất thuộc dự án Nhà máy chế biến thủy tinh Silica ở xã Phong Chương bị bỏ hoang nhiều năm. |
Tương tự, dự án khai thác mỏ cát thạch anh của Công ty TNHH Sơn Tùng ở xã Phong Hòa. Theo hồ sơ, tháng 8/2006, Công ty Sơn Tùng được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản mỏ cát trắng tại khu vực cầu Thiềm, xã Phong Hòa và sau đó cho phép thăm dò mỏ cát thạch anh trên diện tích 70ha ở khu vực này.
Mặc dù có đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến thủy tinh Silica từ cát trắng, nhưng Công ty Sơn Tùng chỉ khai thác cát thô rồi đóng bao vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Trước thực trạng bị thất thoát nguồn tài nguyên, tỉnh Thừa Thiên- Huế buộc phải ra quyết định chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Sơn Tùng.
Ông Nguyễn Ngọc Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết: “Sau khi tận thu khối lượng lớn cát trắng ở địa bàn xã, Công ty Sơn Tùng đã vội vàng bỏ đi và không thực hiện việc hoàn thổ, không trồng cây tái tạo môi trường đúng với cam kết ban đầu. Đặc biệt, trong khu vực khai thác cát có một hồ rộng lớn khoảng 3ha do Công ty Sơn Tùng tạo ra, nhưng không chịu san lấp. Vào mùa mưa, khu vực này luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người dân địa phương”…
Trao đổi về các dự án trên vùng cát, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho rằng, nhiều năm qua huyện luôn có chủ trương “rải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư đến thực hiện dự án nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, trong đó có 2 chủ đầu tư là Công ty Bảo Toàn A và Công ty Sơn Tùng. Thế nhưng, vì nhiều lý do nên đến nay sau 10 năm, Công ty Bảo Toàn A vẫn chưa triển khai thực hiện dự án; còn Công ty Sơn Tùng lại chây ỳ khắc phục hậu quả khiến người dân rất bức xúc.
“Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, huyện đã đề xuất tỉnh thu hồi trên 100.000m² thuộc dự án của Công ty Sơn Tùng để tìm hướng đầu tư khác có hiệu quả hơn. Riêng dự án của Công ty Bảo Toàn A phải chờ đến lúc giấy phép hết thời hạn, huyện sẽ kiến nghị thu hồi lại số đất này, nếu chủ doanh nghiệp không triển khai xây dựng nhà máy...”, ông Cho nêu giải pháp.