Nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ nhưng không ai bị xử lý
- Ngán ngẩm điệp khúc “đội vốn, chậm tiến độ” các dự án giao thông Thủ đô
- TP Hồ Chí Minh quyết liệt thu hồi đất với dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư sai mục đích
- Nhiều dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy nhiều dự án chậm tiến độ đến trên 3 năm, như Dự án xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao (chậm 4 năm), Dự án nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ tỉnh Ninh Bình (chậm 4 năm), Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (chậm 3 năm), Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - Dự án II (chậm 5 năm), Dự án Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng (chậm 3 năm), Dự án trụ sở Cục Thuế TP Hồ Chí Minh (chậm 4 năm), Dự án Hồ Tả Trạch (chậm 6 năm).
Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây chậm tiến độ 3 năm so với kế hoạch. |
Riêng tiểu dự án nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh có 3 dự án thành phần đều chậm tiến độ cả 3, dự án sau chậm hơn dự án trước: Dự án thành phần 2 chậm 5 năm, Dự án thành phần 3 chậm 6 năm, Dự án thành phần 4 chậm đến 7 năm.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều hạng mục thi công chất lượng không đảm bảo như Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - TP Hạ Long (Quảng Ninh); Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Km 244+155 - Km262+353; Dự án tái định canh, định cư tại tỉnh Sơn La (thuộc Dự án thủy điện Sơn La).
Một số dự án đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng như Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Km 244+155 - Km262+353; Dự án Thủy điện Hủa Na.
Một số công trình đường giao thông vừa hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe như Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cầu Đoan Vĩ - cửa phía Bắc và cửa phía Nam - Dốc Xây tỉnh Ninh Bình; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Thành phố Thanh Hóa - Diễn Châu, tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An…
Công tác nghiệm thu, thanh toán tại các dự án còn nhiều sai sót, trong đó một số dự án có sai khối lượng, định mức, vượt hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử Tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh (dự án thành phần 2, 3, 4) sai 33,7 tỷ đồng; Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1) 24,9 tỷ đồng; Dự án thủy lợi Phước Hòa 19,8 tỷ đồng; Dự án thủy điện Hủa Na 13,5 tỷ đồng; Dự án hồ chứa nước Nước Trong 8,9 tỷ đồng; Dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long 8,6 tỷ đồng...
Vẫn còn trường hợp thanh toán vượt dự toán được duyệt, vượt giá trị quyết toán; bù giá thiếu cơ sở, chưa đúng quy định... Một số chủ đầu tư cho nhà thầu tạm ứng chưa đúng quy định, chậm thu hồi như tỉnh Ninh Bình 650,7 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 601,8 tỷ đồng; Kiên Giang 235,4 tỷ đồng; Lâm Đồng 155,5 tỷ đồng; Phú Yên 80,1 tỷ đồng; Hà Tĩnh 60,2 tỷ đồng; Quảng Trị 34,2 tỷ đồng; Điện Biên 31,2 tỷ đồng; Bình Phước 31,2 tỷ đồng; Quảng Nam 30,1 tỷ đồng; Dự án Hồ Tả Trạch: 19,6 tỷ đồng…
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với hầu hết các dự án hoàn thành đều không đảm bảo thời gian quy định. Hầu hết các địa phương chưa tuân thủ triệt để những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn tới 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng mới trong năm 2014 với tổng số 13.377 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi chỉ ra những sai sót, lãng phí như trên thì nguyên nhân lại không được phân tích rõ để xử lý trách nhiệm.