"Vỡ mộng" vì… gom đất Ba Vì

12:00 06/06/2010
Sau hai tháng tranh nhau mua đất Ba Vì, đến thời điểm này, đất được rao bán nhan nhản nhưng không có khách mua. Sự "rút chạy" muộn màng đang làm nhiều nhà đầu tư mệt mỏi, chán nản và không ít người phải đối diện với những khoản nợ nần vì gom đất...

Hết tranh mua đến thời tranh bán

Liên lạc với số điện thoại rao bán mảnh đất có diện tích 3.700m2 đăng trên mạng với giá 1,5 tỷ đồng, chúng tôi được hướng dẫn tận tình đường đi cụ thể đến xem đất vì người rao bán đang ở… Hà Nội (cũ). Lô đất vuông vắn, có thể coi là khá đẹp nằm thoai thoải từ trên đồi xuống thuộc địa phận xã Tiên Phong, cách quốc lộ 32 chỉ 500m. Nhưng, có đến già nửa số đất này là đất nông nghiệp được chuyển đổi thành đất nuôi trồng thủy sản. Chỉ có 1.556m đất có sổ đỏ, còn lại đều thuộc đất 50 năm. Người rao bán cũng không phải là người đứng tên sở hữu lô đất này, chủ nhân thực sự hiện đang sống ở thị trấn Tây Đằng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lô đất trên đã được rao bán từ cách đây gần 3 tuần nhưng chúng tôi là người đầu tiên lên "ngắm nghía". 

Một lô đất nằm ngay mặt đường lớn đối diện với Trung tâm Bò và Thỏ Ba Vì thuộc Nông trường Đồng cỏ và Bò sữa Ba Vì cũng đang được rao bán với giá 480 triệu đồng. Lô đất có mặt tiền 8m chạy sâu vào 80m, chưa kể 20m đất lưu không phía trước này là đất được Nông trường Đồng cỏ và Bò sữa Ba Vì giao cho nông dân nhưng họ đã tự ý bán qua tay nhiều người.

Chủ hiện tại của lô đất thấy chúng tôi tỏ ý ngần ngại vì đất không có sổ đỏ cho biết: "Các chị yên tâm đi, nếu các chị đang ở trên đấy thì cứ hỏi dân xung quanh mà xem. Cả dãy chạy dài mấy km mà người ta đã xây nhà ở đều là đất nông lâm trường hết, làm gì có sổ đỏ".

Đất rao bán nhưng chẳng có người mua.

Rất nhiều trường hợp người dân được giao đất nông lâm trường đã tự ý bán, thậm chí gửi cả hợp đồng khoán nhận đất cho các văn phòng nhà đất để bán với giá cao trong cơn sốt đất Ba Vì vừa qua. Một "cò" đất đã cho chúng tôi xem bản hợp đồng khoán nhận đất của chị N. và Nông trường Việt Nam - Mông Cổ như bằng chứng đảm bảo. Hợp đồng mua bán đất cũng chỉ là hợp đồng viết tay, không có bất cứ sự chứng nhận nào từ phía chính quyền địa phương hoặc lãnh đạo nông trường chủ quản. Dù là trái phép nhưng người ta vẫn ngang nhiên mua bán, một lô đất có thể được "lướt sóng" 5 - 6 lần, và đến thời điểm này, ai là người cuối cùng mua đều phải hái "quả đắng". Hàng trăm tin rao bán đất Ba Vì đăng nhan nhản trên các tờ báo, trang web… mãi mà không có người mua.

Không khó khăn gì tìm gặp những nhà đầu tư mong "lướt sóng" nhưng lại gặp "bão". Một anh bạn đang công tác tại Trường ĐH Giao thông vận tải tự tìm đến tôi với mong muốn nhờ đăng tin bán đất trên báo. Anh tâm sự: "Tối nào vợ cũng cằn nhằn, lôi chuyện đất cát ra đay nghiến. Cũng phải thôi, tiền hai vợ chồng gom góp tính mua căn hộ chung cư trả góp nho nhỏ để ở riêng, mình lấy đem đi đầu tư đất. Giờ thì rao rẻ cũng chẳng ai bán, mà thời điểm phải nộp tiền mua nhà đến cận kề rồi". Anh cay đắng nói tiếp, mình làm gì có kinh nghiệm, cứ thấy người ta nhao lên mua rồi mua theo, nào ngờ… Lúc mua, anh phải mua với giá 6 triệu đồng/m2, nhưng giờ, rao 5 triệu cũng không có khách hỏi. Nhiều trường hợp nhà đầu tư nhỏ lẻ đi vay tiền, gom góp để mong đổi đời cũng đang chờ hái quả "đắng" vì nhiều khả năng, "bong bóng" xẹp không có cơ cứu vãn.

Sự vào cuộc muộn mằn của địa phương

Hàng loạt các văn phòng môi giới nhà đất vừa được mở vội vàng tại các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Tiên Phong… đều đóng cửa im ỉm. Mới đây, UBND huyện Ba Vì có văn bản gửi UBND các xã nghiêm cấm hành vi mua bán trái phép đất tại nông trường. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, "cơn sốt" đất tại địa phương chỉ là "sốt ảo", số người mua đất để làm nhà ở không nhiều mà hầu hết là mua để đầu cơ.

Hiện nay, UBND huyện Ba Vì đã thành lập một tổ công tác chuyên trách để rà soát việc vi phạm đất đai trên địa bàn một số xã, như: Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh để xử lý trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sự vào cuộc này xem ra khá muộn mằn khi những mảnh đất thuộc quản lý Nhà nước đã bị băm vằm ra để bán chác. "Bong bóng" bất động sản ở Ba Vì đã vỡ nhưng không phải do sự vào cuộc của chính quyền địa phương mà bắt nguồn từ chính sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Tin vào tin đồn và không có sự phân tích chính xác đã khiến nhiều người ôm giấc mộng làm giàu từ buôn bất động sản giờ trở thành nạn nhân của "cơn sốt ảo".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã đề nghị Hà Nội không cho sang tên, đổi chủ những trường hợp đất chưa đủ thủ tục, giấy tờ và chưa nộp thuế để hạ giá "cơn sốt" đất. Việc quản lý đất nông trường, đất rừng còn lỏng lẻo và chồng chéo dẫn đến mua bán, chuyển nhượng lộn xộn mà chính quyền địa phương không kiểm soát được.

Ông Nam cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành quy định đối với đất giao có thời hạn như đất rừng, đất canh tác không được tự do chuyển nhượng mà chỉ được chuyển nhượng có điều kiện (về đối tượng, thời gian sử dụng đất) để hạn chế việc mua đi bán lại trong thời gian ngắn làm lộn xộn thị trường

Ngọc Yến – Vũ Hân

Ngày 17/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án; khởi tố 32 bị can về các hành vi “Mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc; Mua bán trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại tỉnh Tiền Giang và Long An do đối tượng Nguyễn Công Huân cầm đầu.

Chiều 18/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hơn 11.000 hộp thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ việc cho thấy những thủ đoạn ngày càng tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm "thổi phồng" công dụng, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc tế Tài Lộc (viết tắt là Công ty Tài Lộc), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực II (viết tắt là Chi cục Hải Quan II) và các đơn vị liên quan.

Như Báo CAND đã thông tin về tình trạng xung đột quyền lợi gay gắt giữa cư dân sinh sống tại các chung cư hạng sang và chủ sở hữu căn hộ chung cư tham gia ứng dụng Airbnb cho thuê căn hộ ngắn ngày để phục vụ người dân có nhu cầu. Trong khi Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật không cấm hoạt động này, nhưng đỉnh điểm của tình trạng mâu thuẫn lợi ích tiếp tục diễn ra sau văn bản của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trả lời đơn vị quản lý, vận hành, khai thác chung cư Hà Đô trên đường 3/2 quận 10 vào ngày 1/4 vừa qua…

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Ngọc Linh và bị can Nguyễn Thành Ngôn (hai cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) và 24 đồng phạm trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Tự quảng cáo mình là kế toán, có kinh nghiệm làm kế toán thuế cho nhiều doanh nghiệp, chuyên giúp các cá nhân, doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế GTGT được hưởng lợi cao, tin vào lời “chém gió” của Nguyễn Thị Thu, nhiều bị hại đã chuyển tiền cho Thu để nhờ làm thủ tục hoàn thuế GTGT và bị chị ta chiếm đoạt.

Ngày 18/5, Công an TP Hà Nội cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết mưa gió, địa hình trơn trượt, dốc cao và sự phối hợp, hỗ trợ của người dân địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã kịp thời giải cứu nhóm 5 người mắc kẹt tại núi Hàm Lợn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.