Bất động sản “nín thở” chờ diễn biến dịch
Theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý I...
Theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2021, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản. Trong đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà.
Thế nhưng thực tế, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vẫn khiến cho thị trường bất động sản tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.
80% sàn môi giới đóng cửa
Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản vừa được Bộ Xây dựng công bố, từ cuối tháng 4 /2021, làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát và có diễn biến phức tạp, các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các Sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Công ty CP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Tuy vậy, hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá căn hộ lại tiếp tục tăng lên một mức mới. Nghịch lý này đã xảy ra từ lúc bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19 đến nay. Giá bất động sản liên tục có những mức “neo cao” khác nhau.
Theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý I. Mức giá mới thể hiện cụ thể tại một số dự án như: Tại Hà Nội là dự án Sunshine Garden (tăng khoảng 5,9%), Xuân Mai Complex (tăng khoảng 4,5%), Hòa Bình Green City (tăng khoảng 5,1%) Stellar Garden (tăng khoảng 6,4%)…
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, phân khúc nhà ở có mức giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 đã “tuyệt chủng”. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như tại Hà Nội, dự án Le Grand tại quận Long Biên giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án XPHomestar tại huyện Đan Phượng có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.
Sản phẩm chủ đạo trên thị trường là căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2). Căn hộ phân khúc trung cấp, chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong Quý II. Giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội). Một số dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý như: The Link345 Ciputra giá khoảng 40 triệu đồng/m2; Masteri West Heights Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm) giá khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 tại Hà Nội.
Thị trường khó đoán định đến cuối năm
Nhận định về những khó khăn thị trường bất động sản đang phải đối mặt hiện nay, ông Nguyễn Đức Quý, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh, Tập đoàn THF Group cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn chưa thể đoán định được mà sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến của đại dịch COVID-19. “Không riêng gì thị trường bất động sản, các lĩnh vực khác đều trong trạng thái "nín thở" chờ diễn biến tiếp theo của đợt dịch lần này. Nếu dịch được kiểm soát, thị trường từ đến cuối năm sẽ bật dậy. Nhưng đó là kịch bản dịch được kiểm soát tốt”, ông Quý chia sẻ.
Nhận định thêm về việc thị trường bất động sản vẫn khó đoán định, ông Quý cho rằng, trong các đợt dịch trước đó, giá bất động sản vẫn tăng ở nhiều phân khúc, thậm chí hình thành một cơn sốt đất trên diện rộng ngay đầu năm. Do đó, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng không loại trừ thị trường bất động sản sẽ lại có một cơn sốt cục bộ tiếp theo.
Khó khăn sẽ chỉ là trong ngắn hạn là nhận định của ông Ngô Đình Quang, Tổng Giám đốc Đại Phát Group. Lý giải về vấn đề này, ông Quang đánh giá, thị trường bất động sản vốn là ngành có dư địa phát triển lớn. Vì vậy, việc dịch bệnh bùng phát chỉ ảnh hưởng thời điểm hiện tại. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ là thời điểm mà doanh nghiệp bắt tay phát triển lại thị trường và phát triển doanh nghiệp ở tâm thế bình thường mới.
“Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay ngoài dịch bệnh còn là thủ tục pháp lý, nếu những rào cản dịch bệnh có vaccine kiểm soát và pháp lý dự án được khơi thông thì thị trường địa ốc sẽ có nhiều cơ hội để bùng nổ hơn ở trạng thái bình thường mới như những năm 2015”, ông Quang nhận định.
Kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, thu nhập của đại đa số người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như thời điểm này, rất khó để thị trường có những biến động. Do đó thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá là nhận định của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản.
“Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá bất động sản liên tục tăng. Tuy nhiên, bộ phận này không phải đại diện cho toàn bộ thị trường. Từ nay đến cuối năm 2021, thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam phân tích.