Chặn lãng phí nguồn lực đất đai, khoáng sản từ đấu giá:

Bịt kín những lỗ hổng chính sách (Kỳ cuối)

06:47 13/11/2024

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị định, thông tư, chính sách nhằm phát huy tối đa cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực đất đai, khoáng sản.

Trong bài viết về chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, qua đó phải đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí.

Chấn chỉnh công tác đấu giá

Trước thực trạng diễn biến bất thường về hoạt động đấu giá đất đai, khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải chấn chỉnh hoạt động này, đồng thời trên diễn đàn Quốc hội cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm bịt kín những lỗ hổng, không để các đối tượng đầu cơ, trục lợi.

Rất nhiều mảnh đất vàng, đất kim cương sau khi đấu giá đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản, nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Cuối tháng 8 vừa qua, khi các cuộc đấu giá đất đai, khoáng sản ở nhiều địa phương đang “bỏng rẫy” về giá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại công điện này, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có). Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là các hành vi câu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đánh giá: Có thể nhận thấy, những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động quản lý đất đai, khoáng sản, đấu giá là rất kịp thời và chính xác trước những diễn biến bất thường của hoạt động đấu giá. Còn nhớ, ngay sau khi 3 mỏ cát tại Hà Nội được đấu với mức giá khoảng 1.700 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra lại công tác đấu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả với mục đích không để các doanh nghiệp lợi dụng hoạt động đấu giá để “thổi giá”, tạo “bong bóng” giá mới gây nhiễu loạn thị trường. Sau thời gian kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đã có báo cáo Chính phủ và hủy kết quả lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá.

Câu chuyện bất thường về đấu giá đất đai, khoáng sản, trúng giá nhưng bỏ thầu, bỏ cọc… cũng khiến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV trở nên nóng hơn với hàng loạt những băn khoăn, lo lắng của các đại biểu Quốc hội cả trong và ngoài nghị trường. Trong báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu về đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, thực tế thời gian qua, tại một số địa phương tổ chức đấu giá đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Bên cạnh đó, quá trình đấu giá đất cũng có biểu hiện đầu cơ, thổi giá, tạo mặt bằng giá cao như các đại biểu Quốc hội nêu. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai. Ngoài ra, còn một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi; hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh.

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả đất đai sẽ không để xảy ra tình trạnh người bệnh thiếu giường điều trị trong khi nhiều bệnh viện xây dựng nhưng lại bị bỏ hoang (Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam).

Điều đáng nói là, sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc. “Các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn. Điều này cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

Tạo môi trường minh bạch

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, đối với đấu giá quyền sử dụng đất, ngoài việc phải triển khai thực hiện nghiêm các quy định, cũng đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá đất cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; đồng thời điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm.

“Trong quy chế đấu giá, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc, nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc đấu giá sử dụng đất đai theo quy định.

Để hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản được minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đồng chí Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, đơn vị đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi UBND các địa phương về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, có lưu ý và đề nghị các địa phương tập trung vào một số giải pháp tuyên truyền để doanh nghiệp tham gia đấu giá nhận thức đúng về đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay tại từng cuộc đấu giá trước khi thực hiện.

Lựa chọn hình thức đấu giá phù hợp với đặc thù từng mỏ để tránh cuộc đấu giá bị kéo dài, doanh nghiệp tham gia đấu giá dễ bị tác động tâm lý dẫn đến bỏ giá cao hơn rất nhiều so với năng lực tài chính và khả năng đầu tư của mình; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá. Tăng cường giám sát sản lượng khai thác, không để tình trạng khai thác vượt công suất, trữ lượng cấp phép, đặc biệt là các mỏ cát, sỏi. Tránh tình trạng lợi dụng để khai thác trái phép, khai thác vượt trữ lượng cấp phép.

Về thể chế, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm nếu bỏ cọc. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Chính phủ trình Quốc hội cũng đề xuất quy định nếu bỏ cọc khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ cấm tham gia đấu giá 5 năm. Khi các Luật trên có hiệu lực, chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc khi trúng đấu giá sẽ có tính răn đe cao hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi, không để xảy ra tình trạng kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, bán hàng không có hoá đơn... để tiếp tay cho tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Khi thị trường hoạt động minh bạch sẽ góp phần không nhỏ để hạn chế sai phạm trong đấu giá khoáng sản.

Cùng chung nỗi lo với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi và chúng ta cần phải nghiêm trị.

Đại biểu Dương Văn Phước đồng thời đề nghị tăng giá đặt cọc để tránh “thầu tặc”; tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc và cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp này tiếp tục đấu giá trên các lĩnh vực này nếu vi phạm nhiều lần. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, phải thêm điều kiện về những người tham gia đấu giá chứng minh phải có tiền để mua được tài sản đấu giá.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam cho rằng, cần có những biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng thông đồng dìm giá, gây sóng giá ảo hoặc bỏ cọc sau khi trúng, đó là nâng tỷ lệ đặt cọc lên 50-70% giá trị tài sản được thẩm định, giảm thời gian hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước sau khi trúng đấu giá.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị, cần có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Có biện pháp căn cơ, bền vững để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo "sốt" giá.

Trong khi chúng tôi đang thực hiện loạt bài viết này thì ngày 11/11, UBND huyện Hoài Đức, TP Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá 32 lô đất tại xã Tiền Yên, xứ đồng Lòng Khúc. Sau 9 tiếng căng thẳng với những màn rượt đuổi nhau về giá, phiên đấu giá mới kết thúc với giá trúng cao nhất là 109 triệu đồng/m2, lô đất 148m2 có giá hơn 16 tỷ đồng, lô thấp nhất là 79,3 triệu đồng/m2. Mức giá trên được dư luận đánh giá cao hơn rất nhiều so với những khu vực xung quanh. Dư luận cho rằng điệp khúc “thổi giá” tiếp tục xảy ra. Rõ ràng, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì tình trạng “thổi giá”, “giá ảo” rất dễ tiếp diễn, gây hệ lụy khó lường cho nền kinh tế, khiến cho thị trường bất động sản méo mó, mất đi khả năng phục hồi sau thời gian dài trầm lắng, kiệt quệ vì dịch bệnh COVID-19.

Thượng tá Nguyễn Thế Quang, Phó trưởng Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình nêu bật kinh nghiệm của đơn vị trong xây dựng phương án đảm bảo ANTT cho từng cuộc đấu giá, kiểm soát tất cả những khâu tổ chức ngay từ ban đầu, các thành phần tham gia đấu giá, không để xảy ra mất ANTT; chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất, qua đó thực hiện hiệu quả công tác đấu giá, vừa thúc đẩy các dự án lớn phát triển cũng như tạo nguồn thu cho địa phương.

N.Quang - H. Phong

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là nhân viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi môi giới, đưa và nhận hối lộ.

Chiều 26/12, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an năm 2025 của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên quan vụ án Phúc Sơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文