Đấu giá 36 lô đất tại Sóc Sơn thất bại do khách hàng không trả giá ở vòng cuối

08:29 01/12/2024

Sáng 30/11, lãnh đạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thông tin, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến.

Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá chỉ có 22/58 lô đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2, cao nhất 50,4 triệu đồng/m2 và có tới 36 lô đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Quý, các thửa đất có diện tích từ 90 - 224 m2, giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng/m2. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp 6 vòng bắt buộc theo phương thức trả giá lên. Người trả giá cao nhất tại vòng 6 là người trúng đấu giá. Tiền đặt cọc đấu giá từ 44 - 111 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm).

Đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/1m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/1m2.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyệnSóc Sơn cho biết, điều bất thường của phiên đấu giá này là đến vòng đấu thứ 5, rất nhiều người trả giá cao ở mức "không tưởng". Do vậy, Ban tổ chức đấu giá của huyện đã thông báo đến phiên đấu giá việc sẽ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra xem xét có hành vi gây nhiễu loạn kết quả phiên đấu giá hay không nên các đối tượng tham gia đã dừng lại không trả giá ở vòng 6.

Cụ thể, ở vòng đấu 5, có 3 lô đất trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2 (lô A12, A13, C6); 23 lô đất (A2 đến A10, A15 đến A17, B10 đến B17, B19, C7) cũng đẩy giá lên mức rất cao (98,488 triệu đồng/m2 và 101,488 triệu đồng/m2); 6 lô trả giá gần 68,5 triệu đồng/m2 (A1, A11, C9, D5 đến D7). Điều này dẫn tới 36/58 ô đất đấu giá không thành.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng khẳng định, quá trình triển khai dự án, xác định giá khởi điểm và tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến được huyện thực hiện theo đúng theo quy định của pháp luật. Cuộc đấu giá được tổ chức trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.

Cũng trong thời gian này, ngày 28/11/2024, UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức đấu giá thành công 16 thửa đất tại xã Xuân Thu (giá khởi điểm từ 3,7 đến 5,6 triệu đồng/m2 với giá trúng đấu giá từ 35,7 đến 71 triệu đồng/m2); ngày 29/11/2024, đấu giá thành công 41 thửa đất tại xã Việt Long (giá khởi điểm 2,8 triệu đồng/m2) và giá trúng đấu giá từ 12,8 đến 26,8 triệu đồng/m2)...

Trước đó, vào tháng 3/2024, tại phiên đấu giá 33 thửa đất của huyện Hoài Đức cũng có dấu hiệu vi phạm tương tự như phiên đấu giá của huyện Sóc Sơn nên đã bị hủy bỏ. Cụ thể, ngay tại vòng 1 của phiên đấu giá, 15 thửa đất được trả giá lên tới 100 - 180 triệu đồng/m2, trong khi giá khởi điểm khoảng 57 - 62 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, tại vòng 2, khách hàng trả giá cao nhất lại không trả giá để cố tình bị truất quyền, tạo điều kiện cho người trả thấp hơn ở vòng 1 trúng đấu giá. Đơn vị tổ chức đấu giá của huyện xem xét thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu giá nên đã niêm phong toàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, phiếu trả giá để chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc xử lý những dấu hiệu bất thường tại một số phiên đấu giá ven đô gần đây, tháng 9 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới các sở, ngành chức năng và các địa phương. Đặc biệt, Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất; đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc. Đồng thời, hướng dẫn các quận, huyện thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

Mặt khác, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lập danh sách và công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội những trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định gây nhiễu loạn thị trường.

Từ ngày 1/12/2024, Hà Nội bãi bỏ Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội quy định thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn Hà Nội; Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 21/4/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc sửa đổi Điều 1 Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 15/10/2019.

Linh Khánh

Điểm trúng tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét tuyển chung; điểm xét tuyển, điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung để xét tuyển là một trong những điểm mới quan trọng trong Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy đổi về 1 thang điểm chung giữa các phương thức xét tuyển trong bối cảnh hiện nay là không hợp lý và khó khả thi.

Xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh những ngày cuối tháng 11. Nắng hanh hao trên những con đường. Những ngày qua, Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an huyện Yên Phong chủ công phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra kiểm soát 24/24h, đồng thời kiểm tra tại các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp nhà dân, đình chỉ, xử phạt các cơ sở vi phạm nên ô nhiễm. Bước đầu, không còn tình trạng đổ trộm xỉ thải; các cơ sở bị đình chỉ không còn tiếp tục hoạt động. Mốc 31/12/2024, toàn bộ các xưởng đúc nhôm trong làng nghề Mẫn Xá phải dừng hoạt động đang đến rất gần nên người dân Mẫn Xá mong chờ quyết định rõ ràng về chuyển đổi ngành nghề để họ có thể tiếp tục làm việc, sinh sống tại quê hương sau khi không còn được làm nghề truyền thống.

Số người chết trong trận lũ lụt tồi tệ nhất 5 thập kỷ qua ở miền Nam Thái Lan và miền Bắc Malaysia đã tăng lên 12 người, trong khi hàng chục nghìn người phải sơ tán do mực nước liên tục dâng cao.

Pha nước với phẩm màu và hương liệu rồi đóng vào những lọ thủy tinh nhỏ, rồi in hàng hoạt thẻ có mấy chữ tiếng Trung rồi cho vào túi vải nhỏ để làm "bùa yêu", nhóm đối tượng lừa đảo đã quảng cáo, bán những túi "bùa yêu" này cho hàng ngàn người trên mạng xã hội.

Những đóng góp của công chúa Huyền Trân với dân tộc và Phật giáo Việt Nam cùng nhiều giai thoại và cả những điểm mờ gây tranh cãi về bà đã tiếp tục được làm sáng rõ hơn tại Hội thảo khoa học “Công chúa Huyền Trân: Cuộc đời và giai thoại”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文