Giá chung cư bắt đầu “hạ nhiệt”
Sau một thời gian liên tiếp tăng giá, xác lập nhiều kỷ lục giá mới, thị trường căn hộ chung cư đã có dấu hiệu chững lại. Mặc dù nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm nhưng lượng giao dịch đã xuống mức thấp kỷ lục.
Theo các chuyên gia, các đơn vị tư vấn bất động sản, thị trường được dự báo sẽ còn khó khăn, thậm chí kéo dài đến hết quý II/2023. Nguyên nhân là do nguồn hàng khan hiếm nhưng những sản phẩm đang bán trên thị trường lại không phù hợp với nhu cầu ở thực, cùng với đó là việc tín dụng cho lĩnh vực bất động sản sẽ còn tiếp tục bị siết chặt.
Đầu tháng 10, vợ chồng chị Lê Ngọc Hân (Thanh Xuân, Hà Nội) thông qua một sàn giao dịch bất động sản tìm kiếm một căn hộ chung cư khu vực đường Lê Văn Thiêm, Nguyễn Tuân hoặc Vũ Trọng Phụng. Với số tiền có trong tay 2,5 tỷ đồng, dự định sẽ vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng nữa để mua căn hộ chừng 70 - 80m2, 2 phòng ngủ với giá khoảng 3 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi check qua mọi nguồn thông tin, môi giới báo lại không thể tìm được. Với diện tích đó thì giá căn hộ sẽ phải dao động từ 3,4 – 4 tỷ đồng. Không thể ngờ được là căn hộ đã qua sử dụng mà giá cũng cao như thế. Nếu mua thì vợ chồng chị Hân sẽ phải vay một khoản lớn, trong khi lãi suất lại đang tăng cao. Chính vì thế, vợ chồng chị đã dừng kế hoạch mua nhà lại để nghiên cứu thêm.
“Thế nhưng, cách đây một tuần, môi giới đã gọi lại và giới thiệu 2 căn hộ ở Lê Văn Thiêm. Căn hộ dự án mới 70m2 có giá 3 tỷ 50 triệu đồng, một căn hộ đã qua sử dụng đầy đủ nội thất 85m2 có giá là 3,5 tỷ đồng. Như thế là giá cũng đã mềm hơn, tuy nhiên vợ chồng tôi vẫn sẽ tiếp tục xem xét thêm bởi thật ra giá chung cư tăng cao như đợt vừa qua là quá bất thường”, chị Hân cho biết.
Người mua nhà chờ đợi, nhưng đối với không ít các nhà đầu tư nhỏ lẻ, áp lực “thoát hàng” đang ngày càng đè nặng. Có lãi sau khi đầu tư mấy mảnh đất ở tỉnh qua mấy đợt sốt đất, thấy mình cũng có duyên, chị Nguyễn Thị Thắm (Từ Liêm, Hà Nội) quyết định đầu tư sang chung cư khi đất nền giảm, chung cư tăng giá. Chị tham khảo kinh nghiệm từ nhiều người việc lựa chọn dự án, hướng, tầng, khu vực. Tuy vậy, thời điểm chị vào cũng là lúc giá chung cư đã tăng quá cao nên để đầu tư được 2 căn hộ tại một dự án trên đường hồ Mễ Trì, chị đã phải chấp nhận đi vay gần 3 tỷ đồng.
“Dự án dự kiến cuối năm 2023 mới bàn giao, nhưng mỗi căn hộ tôi phải vay ngân hàng đến 50% giá trị. Vấn đề là với tình hình như hiện nay thì không biết ngân hàng có tiếp tục giải ngân cho nữa hay không, lãi suất thì ngày càng cao. Thị trường càng lúc càng ảm đạm thế này và được dự báo là sẽ còn khó khăn nên tôi đang muốn bán sớm để thu hồi vốn. Nếu khách nào thiện chí mua cả hai căn, tôi sẵn sàng bán lại với đúng giá mua của chủ đầu tư là 43 triệu đồng/m2”, chị Thắm cho hay.
Mới đây, nhiều ngân hàng thông báo tăng lãi suất cho vay. Lãi suất sẽ còn tăng tiếp, nếu lãi suất tiếp tục tăng lên mức 15%, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì, cầm cự được khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, nếu khó khăn còn kéo dài thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không thể cầm cự nổi và sẽ phải chấp nhận giảm sâu để bán hàng. “Lãi suất tăng, thanh khoản giảm, nhưng giá bất động sản từ năm 2020 đến 2021 tăng ít nhất khoảng 50%. Nếu nhà đầu tư mua ở thời điểm năm 2021, đầu năm 2022 vẫn có lời. Do đó, nói “cắt lỗ” cũng không đúng mà chỉ là đang cắt trên lãi, chưa cắt vào gốc”, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những khó khăn của thị trường bất động sản đã thể hiện rất rõ trong quý III/2022 vừa qua. Lượng giao dịch bất động sản đã giảm xuống mức kỷ lục. Nguồn cung về bất động sản không có sự cải thiện. Nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán nhưng không phù hợp với nhu cầu ở thực. Nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn. Trong đó một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng sẽ còn rất khó khăn trong ngắn hạn. Đầu tiên là câu chuyện nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn hạn chế do nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong đầu tư, pháp lý. Tiếp đến là chính sách tiền tệ cho lĩnh vực này vẫn đang còn thắt chặt sẽ ảnh hưởng lớn tới không chỉ các doanh nghiệp mà còn với cả người mua nhà. Tôi cho rằng, thậm chí đến giữa năm 2023, thị trường bất động sản cũng sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Đính cho hay.