Giá nhà tăng một phần do đầu cơ, mua gom
Đầu cơ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua. Đây là khẳng định của Bộ Xây dựng tại buổi thông tin báo chí thường kỳ Quý III/2024. "Ngoài những tác động chi phí đầu vào như giá nguyên vật liệu, chi phí xây dựng, giá đất… thì đầu cơ, tâm lý mua gom chờ giá cao chờ "ôm" lãi lớn là nguyên nhân dẫn đến giá nhà nhảy múa", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhận định.
Mua gom chờ ôm lãi lớn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ 5 - 6,5% trong Quý II/2024 và 25% theo năm tùy từng khu vực. Cùng với đó, giá bán biệt thự, nhà liền kề trong dự án đều có xu hướng tăng so với quý trước.
Lý giải cho việc giá nhà đất tăng cao, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, biến động tăng giá có nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là biến động chi phí đầu vào. Đặc biệt là chi phí sử dụng đất, nhân công, điều này gây tác động trực tiếp tới giá bất động sản hiện nay. Cùng với đó là tình trạng lệch pha cung cầu. Nguồn cung hiện nay đã được cải thiện do các luật mới liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực nhưng không đáng kể. Và một nguyên nhân quan trọng nữa, theo ông Dũng là do giới đầu cơ, môi giới tác động kích, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường.
"Trong bối cảnh, không ít lĩnh vực đầu tư kinh doanh khác chưa thuận lợi, nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh dòng tiền vào kinh doanh bất động sản. Điều này cũng góp phần khiến thị trường bất động sản "nóng càng thêm nóng". Để giải quyết tình trạng giá bất động sản tăng cao, đảm bảo phù hợp với khả năng mua của người dân cần kiểm soát được các nguyên nhân nêu trên", ông Dũng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyên Việt Hùng cho rằng, giá nhà tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường. Qua phân tích của Bộ Xây dựng, các biến động về giá là do hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại, lướt sóng kiếm lời trong thời gian là một trong những nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến giá bất động sản nên cần phải kiểm soát hoạt động này. "Việc bình ổn thị trường bất động sản để thị trường phát triển bền vững, người dân mua được nhà giá hợp lý là mục tiêu của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Đạt được mục tiêu này cần có nhiều giải pháp đồng bộ về tài khoá, đất đai và tín dụng…
Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại. Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn truyền thông, các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để bình ổn lại tâm lý người dân và từ từ bình ổn lại thị trường", ông Hùng nói.
Đề xuất gói 30 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội
Liên quan đến gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, gói tín dụng này khác hoàn toàn gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đang triển khai cho nhà ở xã hội. Theo đó, gói 120 nghìn tỷ đồng sử dụng nguồn vốn do ngân hàng thương mại. Thời gian ưu đãi vốn này tương đối ngắn với 3 năm với doanh nghiệp, 5 năm với người mua. Mức độ chưa đảm bảo thu hút người vay, đặc biệt với người mua nhà (người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp).
Ông Dũng cho rằng, nhằm đảm bảo tính ổn định và mục tiêu đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất gói 30 nghìn tỷ đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay (trong đó 15 nghìn tỷ là phát hành trái phiếu, 15 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay). Việc đề xuất gói 30 nghìn tỷ phải phù hợp với pháp luật về ngân sách, tín dụng, đầu tư công. Thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã làm việc bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ xem xét về gói này để triển khai phù hợp.
Nói thêm về gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng này cho phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng khẳng định, gói tín dụng mới này là rất cần thiết bởi không có gói này chương trình phát triển nhà ở xã hội sẽ gặp không ít khó khăn. "Chính sách ưu đãi của Nhà nước hiện nay để phát triển nhà ở xã hội chủ yếu là miễn tiền sử dụng đất và tín dụng ưu đãi. Kinh nghiệm chúng ta đã thấy khi triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội hơn chục năm trước đây. Tín dụng ưu đãi vừa hỗ trợ chủ đầu tư xây nhà, vừa giúp người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay giá rẻ để mua nhà", Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.