Giải bài toán “an cư” cho công nhân, người thu nhập thấp
Ngày 30/8, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 269/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".
Trong đó có nội dung, đến năm 2030, xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp để hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp, khu kinh tế. Đây cũng là mục tiêu được đề ra tại hội nghị phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng chủ trì vào đầu tháng 8.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, cơ quan này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời các địa phương cũng đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp thu hút, mời thầu các chủ đầu tư để sớm giải được bài toán “an cư” cho công nhân, người thu nhập thấp.
Trải thảm mời nhà đầu tư
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, ngay khi chính sách phát triển nhà ở xã hội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội được đề ra, các địa phương đã chủ động, tích cực vào cuộc. Trong đó, nhiều địa phương hiện đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong thu hút, mời thầu các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Có thể kể đến như Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, số 142 Lê Lai, phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền. Dự án được xây trên diện tích gần 54 nghìn m2 đất, gồm 10 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, tổng diện tích 341.000m2 sàn, tương đương 4.456 căn hộ. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội để bán và cho thuê (bán tối đa 80%, cho thuê tối thiểu 20%), nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển về nhà ở xã hội của Hải Phòng.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên cũng đang mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người thu nhập thấp KCN Yên Mỹ II, xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ. Dự án có quy mô 309 ha, với 9 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư như nhà văn hóa, công trình y tế, trường học và các công trình thương mại dịch vụ…
Cùng với đó, đến nay đã có 41 địa phương gửi báo cáo đề xuất 240 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đang triển khai. Trong đó, hàng loạt dự án đã đáp ứng được các điều kiện để vay vốn và Bộ Xây dựng đề nghị phía ngân hàng cho vay thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP như: Dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại Khu dự phòng Tây Bắc, thị xã Sa Pa, Lào Cai (với quy mô 917 căn hộ, tổng mức đầu tư 925 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh là 277 tỷ đồng); Dự án nhà ở xã hội tại xã Sú Ngòi, nay là phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình (quy mô 810 căn hộ, tổng mức đầu tư 737,076 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 515,95 tỷ đồng); Dự án chung cư nhà ở xã hội TP Vàng, phường 2, TP Tây Ninh (quy mô 1.642 căn hộ; tổng mức đầu tư 1.777 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 100 tỷ đồng)…
Giá nhà phù hợp với khả năng chi trả
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra vào đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu dự thảo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030. Bộ Xây dựng cho biết, hiện cơ quan này đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Đồng thời, nhà nước cũng sẽ có chính sách để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người dân.
“Mục tiêu tổng quát đề án hướng đến là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án, quy mô 156.700 căn hộ), các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300 nghìn căn hộ) và tiếp tục khởi công dự án mới. Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp”, ông Nghị cho biết.
Liên quan đến vai trò của địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Bên cạnh đó, cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại những vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Riêng đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… cần căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.