Hà Đông lập kỷ lục đấu giá đất mới, lên đến trên 262 triệu đồng/m2

10:32 20/10/2024

Cuộc đấu giá đất kéo dài đến nửa đêm 19/10, trải qua 14 vòng đấu mới xác định được chủ nhân trúng đấu giá các thửa đất thuộc 3 phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội (quận Hà Đông). Mức giá đấu trúng cao nhất là hơn 262 triệu đồng/m2, thấp nhất cũng lên đến 140 triệu đồng/m2. Giải pháp nào để "ghìm cương" giá đất? 

Phiên đấu giá bắt đầu sáng ngày 19/10 với 212 nhà đầu tư tham dự. Cuộc đấu giá tổ chức bỏ phiếu nhiều vòng, tối thiểu 5 - 11 vòng với bước giá khởi điểm 10 triệu đồng/m2. Cụ thể, 17 thửa đất tại khu Hạ Khâu đấu giá tối thiểu qua 5 vòng đấu bắt buộc; 3 thửa đất khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (phường Phú Lương) và khu Sau Chùa (thuộc phường Yên Nghĩa) tối thiểu qua 6 vòng đấu bắt buộc; 6 thửa đất khu Dược (thuộc phường Dương Nội) đấu giá tối thiểu 7 vòng.

Sau khi có kết quả trúng đấu giá, người trúng cần nộp số tiền còn lại, chậm nhất 30 ngày từ khi trúng đấu giá. Đồng thời, người trúng đấu giá đất còn cần thanh toán các khoản lệ phí, thuế liên quan: Phí công chứng, thuế trước bạ, chi phí khác... Trường hợp không nộp tiền đúng hạn, người trúng sẽ bị mất tiền đặt cọc, quyền sở hữu đất.

Phiên đấu giá đất ngày 19/10 tại Nhà văn hoá quận Hà Đông kéo dài đến hơn 23 giờ đêm. Ảnh: Dương Tâm

Sau hơn 15 giờ đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã phải rời cuộc chơi từ rất sớm do mức giá được đẩy lên quá cao. Không ít nhà đầu tư bỏ cuộc về trước đều mang tâm lý chung là ngán ngẩm, than trời vì giá leo cao không ngờ tới. Thế nhưng cũng phải tới hơn 23h ngày 19/10, phiên đấu giá đất quận Hà Đông mới kết thúc. 27 thửa đất mới xác định được chủ. Lô trúng cao nhất có ký hiệu 1A-03 khu Đống Đanh - Đồng Cộc (phường Phú Lương) với mức trúng hơn 262 triệu đồng/m2. Lô đất này có diện tích 57,5 m2, có 2 mặt tiền, nằm sát nghĩa trang. Xung quanh khu vực này, hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Thửa đất này cách đường QL 21B khoảng 1,7 km. Tổng giá trúng của lô này lên tới 15 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với mức giá khởi điểm.

Một lô khác cũng trúng gấp nhiều lần khởi điểm là lô ký hiệu B1-16 tại khu Hạ Khâu, phường Phú Lương, đạt 146 triệu đồng một m2, gấp 5,5 lần. Lô thấp nhất có mức trúng trên 140 triệu đồng/m2, cũng gấp 6 lần so với giá khởi điểm.

Sức nóng từ cuộc đấu giá đất này thể hiện rõ nét qua việc, không ít người lo cuộc đấu giá đất sẽ kéo dài đến đêm giống như ở huyện Hoài Đức trước đó ngày 19/8 nên đã chuẩn bị sẵn đồ ăn, uống để đảm bảo sức khỏe, quyết tâm tham gia đến cùng. Đi đấu giá đất, không ít người còn mang theo cả cơm, ruốc, giò chả, nước uống... vào phòng đấu giá. Bên cạnh những nhà đầu tư đơn lẻ, còn có những người đấu giá chuyên nghiệp. Có nhà đầu tư cho biết, nhà có 20 người thì tham gia đấu giá hết cả 27 lô đất, mỗi lần đi đấu giá đất là lại xoay mấy chục tỷ tiền đặt trước. Và cũng như các cuộc đấu giá đất trước đây, hầu hết những lô đất đấu giá trúng đều được môi giới rao bán ngay bên ngoài sảnh với mức chênh từ 400 – 600 triệu đồng/lô.

Trao đổi với PV Báo CAND sáng ngày 20/10, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói rằng, ông không bất ngờ khi mức giá trúng là hơn 262 triệu đồng/m2 tại phiên đấu giá đất đến nửa đêm tại quận Hà Đông lại lập kỷ lục mới. Lý do là bởi, các cuộc đấu giá đất hiện nay đang bị lợi dụng để “thổi” giá đất lên nhiều lần của giới đầu tư, môi giới.

“Hệ luỵ của việc thổi giá đất qua những phiên đấu giá thế này thì chúng ta đã nói đến rất nhiều như: Ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển kinh tế khiến mặt bằng giá nhà đất tăng cao, người có nhu cầu thực không có cơ hội mua được nhà ở; gây nhiễu loạn thị trường, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước… Hầu hết những lô đất trả giá cao ở các phiên đấu giá trước đây ngoài Thanh Oai, hay Hoài Đức đều bỏ cọc cả. Vấn đề ở đây là phải kiểm soát nó, và tôi cho rằng, chính quyền địa phương làm được điều này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Lô đất có mức giá trúng cao nhất lên tới hơn 262 triệu đồng/m2 tại phường Phú Lương, quận Hà Đông. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi xây dựng giá khởi điểm, chính quyền cần tính toán xây dựng theo giá mà thị trường đang giao dịch ở khu vực đó. Như thế mức cọc sẽ cao lên, và với mức cọc lớn người ta cũng sẽ khó bỏ cọc hơn. Và với giá khởi điểm đã sát giá thị trường thì chỉ những ai có nhu cầu thực họ mới tham gia, đồng thời hạn chế được tâm lý đổ xô đi đấu giá do giá khởi điểm thấp.

Bên cạnh đó, chính quyền còn có thể xây dựng thêm các quy định như đất đấu giá sau khi nộp xong tiền thì chỉ vào tên người trúng đấu giá khi ra sổ đỏ. Cần có thêm những quy định nữa như sau 3 năm thì phải khởi công xây dựng theo quy hoạch sẽ hạn chế được tình trạng dân đầu cơ, môi giới tham gia vào thổi giá.

Sau mỗi cuộc đấu giá đất, giá nhà đất chắc chắn sẽ lại nóng lên. Để "ghìm cương" giá nhà đất hiện nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giải pháp tốt nhất để ổn định thị trường, hạ nhiệt giá nhà là Chính phủ, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng giải quyết bài toán tăng nguồn cung nhà ở.

“Trong đó, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Với việc có một lượng lớn nhà ở xã hội, có mức giá phù hợp với số đông người lao động hiện nay thì cơn khát nhà ở sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, Nhà nước cần triển khai nhanh các chính sách cụ thể như làm thế nào để thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn hỗ trợ, điều chỉnh các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý… Bởi nếu không thì chẳng doanh nghiệp nào muốn làm nhà ở xã hội cả. Làm nhà ở thương mại biên lợi nhuận lên tới 40 – 50%, trong khi làm nhà ở xã Nhà nước chỉ khống chế có 10% mà thủ tục lại quá lâu”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lý giải.

Một giải pháp nữa theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh,  cũng cần cân nhắc để định thị trường giá đất là các địa phương sớm nghiên cứu ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024. Dù không phải là giải pháp triệt để nhưng khi bảng giá đất mới được ban hành thì có thể giá đất sẽ không còn nhảy múa. Đi kèm với đó, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng triển khai, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Khi minh bạch thông tin thì thị trường sẽ đi vào ổn định.

Phan Hoạt

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文