Hà Nội: Nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng từ quỹ nhà cho thuê

07:49 12/12/2024

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành nửa ngày để tiến hành phiên tái chất vấn và chất vấn những nội dung đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đáng chú ý, liên quan đến quản lý tài sản chung, hiện nay vẫn còn hơn 800 tỷ đồng tiền nợ từ quỹ nhà cho thuê chưa thu hồi được gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Liên quan đến quản lý tài sản công, có đại biểu nêu vấn đề, tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp giữa năm 2022 của HĐND TP), UBND TP báo cáo quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của TP có tổng số nợ phải thu là 1.112,5 tỷ đồng. Đến quý 2/2024 mới thu được 227,9 tỷ đồng (tương ứng 20,5%, mặc dù theo kế hoạch nhiệm vụ này phải hoàn thành trong năm 2023). Như vậy, sau gần 2 năm, số nợ phải thu của quỹ nhà này vẫn còn rất lớn, nguy cơ xảy ra thất thoát nguồn thu.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển nhà Nguyễn Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu.

Đại biểu đề nghị Sở Xây dựng, Tài chính, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội báo cáo rõ nguyên nhân chậm thu hồi, trách nhiệm của đơn vị đến bao giờ mới thu hồi xong khoản nợ. Đại biểu cũng nêu số diện tích kinh doanh của quỹ nhà này chưa cho thuê là trên 15.000m2, đến nay TP đã có phương án khai thác kinh doanh chưa, số tiền thu được và nộp vào ngân sách là bao nhiêu, đề nghị các Sở Tài chính, Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp khai thác để tránh lãng phí trong quản lý tài sản công của TP.

Trả lời chất vấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội cho biết, đến nay, số nợ còn phải thu hồi là hơn 800 tỷ. Sau phiên giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2022, công ty đã xác định số lượng phải thu nợ tập trung vào 9 nội dung cụ thể. Trong đó, công ty kiến nghị bỏ một số nội dung, từ đó người dân được nộp tiền trả chậm theo quy định; còn một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào quỹ đất của quỹ nhà chuyên dùng và quỹ nhà tạm cư phục vụ dự án cải tạo chung cư cũ…

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, nguyên nhân chậm thu hồi nợ tập trung vào 2 vấn đề chính: Một là quỹ nhà chuyên dùng, thứ hai là quỹ nhà tầng 1 của nhà tái định cư, nhà ở thương mại phải bàn giao cho TP quản lý.

Trong quá trình rà soát các khoản nợ này, các Sở Xây dựng, Tài chính, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội chia làm 3 loại nợ chính: Thứ nhất là nợ luân chuyển có khả năng thu hồi; thứ hai là nợ khó thu và thứ ba là nợ xấu khó đòi, khả năng thu thấp. Sau khi chia các loại nợ nêu trên, ba đơn vị đã báo cáo UBND TP và UBND TP đã chấp nhận các giải pháp để tổ chức triển khai. Thứ nhất là nợ luân chuyển chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID, các tổ chức, cá nhân sử dụng nhà không kinh doanh được. Ở nhóm này, Hà Nội cũng đã ban hành 32 quyết định để thu hồi nợ và xử lý các đơn vị chây ì. Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội đang tập trung thực hiện thu hồi nợ cũng như cưỡng chế thu hồi.

Thứ hai là nợ khó thu, với các trường hợp chây ì đã có phương án thu hồi, lập hồ sơ báo cáo TP ban hành quyết định thu hồi, vừa qua đã thu hồi được hàng chục nghìn m2. Thứ ba là nợ khó đòi, có khả năng thu hồi thấp, nhóm này có vướng mắc cơ chế, chính sách. Ở nhóm này, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, còn một số diện tích người dân tự ý vào ở do Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội tự bố trí. Sau 2 năm, Công ty nhà đã tập trung thu hồi và hiện còn 140 căn; trong có 100 căn đã chuyển hồ sơ sang Công an TP, còn 40 căn chính chủ ở nên đang tập trung tuyên truyền để thu hồi.

Ông Phong khẳng định, căn cứ đề án HĐND TP về quản lý tài sản công, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thu hồi các khoản nợ này.

Bổ sung vấn đề đối với số tiền nợ hơn 800 tỷ đồng, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, TP đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ và phê duyệt kế hoạch thu hồi nợ, đồng thời có những giải pháp mạnh mẽ để cưỡng chế các chủ thuê nhà, đối với các đơn vị sự nghiệp phải bố trí ngân sách trả nợ, đơn vị trung ương phải có văn bản kiến nghị bộ, ngành trung ương để giải quyết dứt điểm.

Đối với diện tích nhà tầng 1, ông Lưu cho biết, từ năm 2022, Sở Xây dựng đã triển khai công tác đấu thầu 59 điểm với 9.000m2/15.722m2 nhưng chỉ đấu thầu được 8 điểm với 917m2, đạt 10%. Nguyên nhân do giai đoạn này có dịch COVID-19, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển từ thuê cửa hàng sang kinh doanh online “nhà mặt phố không cho thuê được huống gì tầng 1 ở các khu tái định cư”. Địa điểm cho thuê ở các tầng 1 không hấp dẫn. Công năng kinh doanh không đa dạng nên đấu giá khó khăn. Dự kiến trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025 sẽ tổ chức đấu thầu 14.000m2 còn lại.

Làm rõ thêm nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, HĐND đã thông qua đề án tài sản công với nội dung, lộ trình cụ thể. Các sở đã tham mưu TP đưa nội dung vướng mắc vào Luật Thủ đô để tháo gỡ vướng mắc; các sở cũng tham mưu để ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức giá để tập trung triển khai. Về tiền thu nợ, từ cuối năm 2023, các đơn vị phân thành các nhóm, theo đó, nhóm luân chuyển triển khai thu bình thường; nhóm khó thu đã có giải pháp; nhóm nợ có khả năng thất thoát, TP đã giao Công an TP cùng Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Hà Nội, nếu có vi phạm ảnh hưởng thất thoát sẽ giao cơ quan chức năng xử lý; kiên quyết xử lý các trường hợp Sở rà soát, báo cáo lên; Thanh tra TP cũng đã triển khai nội dung này.

Trúc Linh

Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân. Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành nửa ngày để tiến hành phiên tái chất vấn và chất vấn những nội dung đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đáng chú ý, liên quan đến quản lý tài sản chung, hiện nay vẫn còn hơn 800 tỷ đồng tiền nợ từ quỹ nhà cho thuê chưa thu hồi được gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Nằm ở phía Bắc của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), những năm qua, cụm công nghiệp (CCN) An Hòa thu hút nhiều doanh nghiệp vào đây đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở CCN này nhất là sau những trận mưa lớn kéo dài; điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người lao động.

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro sau đòn tập kích gây sửng sốt của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Thiệt hại hữu hình mà nó gây ra có thể không lớn, nhưng việc một loại vũ khí khác biệt như Oreshnik tham gia chiến đấu thực tế ngay trên lục địa châu Âu là lời cảnh báo của Moscow về những "lằn ranh đỏ" và có thể sẽ tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文