Nhiều khách mua nhà chuyển hướng tìm chung cư cũ
Nguồn cung giảm dẫn đến việc giá căn hộ chung cư tăng rất mạnh thời gian qua. Theo ghi nhận của các đơn vị tư vấn bất động sản, giá chung cư đã lập kỷ lục tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua và tăng 12 quý liên tiếp.
Với tầm tài chính khoảng 2 tỷ đồng hiện nay, rất khó để mua được 1 căn hộ ở những dự án mới trong các quận gần trung tâm Hà Nội. Chính vì thế không ít người đã chuyển hướng tìm mua chung cư cũ đã qua sử dụng, và giá cả chung cư cũ cũng từ đó tăng theo.
Nhu cầu tăng mạnh
Vạch ra kế hoạch mua nhà từ năm 2020, tuy nhiên một phần do dịch bệnh, một phần do không tìm được dự án nào có mức tài chính trong khả năng mà vợ chồng chị Nguyễn Thanh Lê (đang thuê nhà khu vực Nhân Chính, Thanh Xuân) vẫn chưa thể giải quyết xong bài toán an cư. Với số tiền trong tay khoảng 2 tỷ đồng để đi tìm mua căn hộ tại các dự án mới, cũng đã tính đến phương án vay thêm ngân hàng, nhưng vợ chồng chị cũng xác định sẽ chỉ vay một khoản vừa phải. Vậy nhưng sau khi tìm hiểu hàng loạt dự án tại khu vực quận Thanh Xuân, vợ chồng chị đang phải cân nhắc lại kế hoạch mua nhà.
“Đã ở quen khu vực này, đồng thời cũng tiện công việc, lại tiện cho con cái học hành, chúng tôi xác định tìm nhà quanh khu vực Thanh Xuân. Nhưng một căn hộ khoảng 70m2 hiện nay đều có giá xấp xỉ 3 tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính. Thậm chí, có những dự án mức giá hiện nay phải vào khoảng 3,5 – 4 tỷ đồng. Nếu như thế thì khoản vay ngân hàng sẽ quá lớn, hàng tháng tiền lãi ngân hàng, tiền học cho con, chi phí sinh hoạt nữa, e rằng không kham nổi. Chính vì thế vợ chồng tôi đang phải chuyển hướng tìm mua căn hộ cũ đã qua sử dụng. Nhà cũ một chút nhưng dân đã vào ở ổn định rồi cũng yên tâm”, chị Nguyễn Thanh Lê chia sẻ.
Cũng đang phải “đau đầu” với bài toán tài chính mua nhà, anh Nguyễn Tiến Lâm (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho hay, vợ chồng anh cũng đang cân nhắc việc mua chung cư cũ. “Vợ chồng tôi cũng xác định sẽ vay khoảng 50% từ ngân hàng để mua căn hộ khoảng từ 2,2 đến 2,5 tỷ đồng. Nếu như cách đây khoảng vài ba năm, khoản tài chính này có thể mua được một căn hộ tầm trung khoảng 80m2 ở khu vực Cầu Giấy thì nay không thể.
Vấn đề ở đây không chỉ có việc giá cả tăng cao, mà còn là việc hiện chẳng có nhiều dự án tầm trung ở khu vực này nữa. Bạn bè khuyên chúng tôi nên mua lại một chung cư cũ ở khu vực đường Trần Thái Tông, người ta cũng chỉ mới ở vài năm, mà quan trọng nhất là phù hợp với khả năng tài chính”, anh Lâm cho hay.
Từ những câu chuyện trên có thể thấy, khi giá căn hộ mới liên tục tăng cao, vượt mức chi trả của người dân, xu hướng tìm đến các căn hộ cũ dần được ưa chuộng. Theo báo cáo thị trường quý I/2022 của chuyên trang về bất động sản Batdongsan.com.vn, hiện nay tại Hà Nội, những chung cư được quan tâm nhất trong quý I/2022 hầu như nằm ở phía Tây. Các dự án này đều là những dự án cũ từ lâu, không có nhiều nguồn cung nhưng vẫn duy trì được mức độ quan tâm cao.
Cần tìm hiểu thật kỹ về việc chuyển nhượng sổ đỏ
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần BĐS Thuận Phát, người dân chuyển hướng tìm mua chung cư cũ cũng là một giải pháp có lợi để tìm chốn “an cư”. Ông Thuận cho rằng, điểm cộng lớn nhất khi mua chung cư cũ ở thời điểm hiện tại đó là có nhiều dự án để người mua lựa chọn với mức giá phải chăng, dễ dàng xuống tiền.
Bên cạnh đó, nếu mua các chung cư cũ, cơ sở hạ tầng đã được hoàn thiện, pháp lý căn hộ cũng sẽ được đảm bảo hơn khi phần lớn các dự án đều đã được chủ đầu tư trả sổ cho người mua. Sau khi trả tiền, người mua có thể dọn về ở luôn mà không cần đợi hoàn thiện căn hộ/dự án.
“Tuy vậy, khi mua chung cư cũ, người mua nhà cũng cần chú ý đến chất lượng căn hộ, vì đã qua một thời gian dài sử dụng. Cần kiểm tra kĩ số diện tích căn hộ tương ứng với thông tin trên các giấy tờ pháp lý/sổ hồng. Từ đó định lượng được giá trị thực của sản phẩm chung cư cũ. Về mặt pháp lý, cần tìm hiểu kĩ về giấy tờ căn hộ vì hiện tại một số dự án chung cư dù đã bàn giao cho người dân nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa cấp sổ hồng…”, ông Thuận đưa lời khuyên.
Sự thiếu hụt dự án chung cư mới và mức giá tăng là một trong những nguyên nhân khiến người mua gặp khó khăn để lựa chọn căn hộ mới. Theo thống kê của Công ty quản lý, tư vấn BĐS CBRE, trong quý I/2022, có khoảng 3.500 căn mở bán mới tại Hà Nội, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dự án mới mở trên địa bàn Thủ đô thì có 6 dự án đã mở bán (kéo dài từ năm 2021) và chỉ có 2 dự án mở bán lần đầu. Sự khan hiếm của các sản phẩm bình dân được dự báo vẫn tiếp diễn. Đây là nguyên nhân khiến cho thị trường chung cư cũ đang nhận được nhiều sự quan tâm, từ đó giá cả cũng có biến động. Theo khảo sát từ các trang mua bán BĐS, giá rao bán chung cư cũ hiện không hề rẻ.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản các thành phố lớn và các tỉnh lân cận hiện tại đang trong giai đoạn hồi phục sau đợt bùng phát của dịch COVID-19 gần nhất. Do đó, dù giá bất động sản tăng lên trong quý I/2022 nhưng thanh khoản thị trường vẫn ì ạch, chưa tương xứng với biến động giá.
“Đối với căn hộ tại các dự án chung cư cũ cũng cần phải tìm hiểu thông tin thật kỹ về việc chuyển nhượng sổ đỏ, chưa kể không phải giá của dự án cũ nào cũng rẻ. Vì vậy, phải nắm rõ dự án, biến động giá cả thị trường để tránh bị hớ khi xuống tiền”, ông Thanh lưu ý.